Lời nói thành thực là gì

ĐỀ SỐ 17

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nót trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

                         [Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải]

Câu 1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
Câu 2. Xác định 02 biện pháp tu từ chính được tác giả sử dụng trong đoạn thơ và phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng.
Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 4. Đoạn thơ gợi cho anh/ chị những tình cảm gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn [khoảng 200 chữ] bàn luận về quan điểm: “Và muôn đời, lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất.”
Câu 2. Chất sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là biểu cảm.
Câu 2. Hai biện pháp tu từ: – Phép điệp ngữ: ta làm, dù là. Tác dụng: Góp phần khẳng định tình cảm và trách nhiệm của nhà thơ đối với đất nước, nhân dân. – Phép ẩn dụ: mùa xuân nho nhỏ. Tác dụng: Thể hiện khát vọng hiến dâng, cống hiến cho đời.

Câu 3. Nội dung chính của đoạn thơ là khát vọng mãnh liệt của nhà thơ khi muốn hóa thân thành “một mùa xuân nho nhỏ” lặng lẽ tỏa hương cho đời để cống hiến cho đất nước, nhân dân những điều cao đẹp.


Câu 4. Nêu được những ý cơ bản: Sống ở trên đời phải biết sống vì cái chung, phải biết cống hiến cho đời. Cuộc sống vì vậy mới trở nên thật sự có ý nghĩa.

II. LÀM VĂN

Câu 1. a] Yêu cấu về kĩ năng Biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu của để. b] Yêu cầu về kiến thức – Giới thiệu quan điểm: muôn đời, lời nói thành thực vẫn là lời hay nhất. – Giải thích: Lời nói thành thực là lời nói đúng sự thật, không đặt điều, là lời xuất phát từ lòng chân thành, không giả tạo. – Bàn luận: Lời nói thành thực là lời hay nhất bởi: + Nó xuất phát từ một nhân cách đẹp. + Người nói lời thành thực được quý mến, yêu thương, đem đến niềm tin trong các mối quan hệ. + Giúp cho xã hội, cộng đổng trong sạch. + Không thành thực trong lời nói biến con người ta thành kẻ đạo đức giả, gian dối, tha hóa nhân cách. – Bài học: + Nhận thức được thành thực trong lời nói là phẩm chất cần phải có để hoàn thiện nhân cách.

+ Biết nói lời thành thực trong cuộc sống.

Câu 2.

* Dàn bài gợi ý

I. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chất sử thi của tác phẩm.

II. Thân bài

1. Giải thích khái niệm sử thi – Sử thi là những áng văn tự sự [bằng văn vần hoặc văn xuôi], có quy mô hoành tráng, miêu tả và ca ngợi những thành tựu, những sự kiện có tính chất toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với cộng đổng, ca ngợi những anh hùng bộ tộc mang sức mạnh thần kì, tiêu biểu cho phẩm chất và khát vọng của bộ tộc [như anh hùng Rama trong sử thi Ramayana; Hecto trong sử thi Iliat, Uylitxơ trong sử thi Ôđixê của Hi Lạp… Ở Việt Nam, có người anh hùng Đăm Săn trong Bài ca Đăm Săn của người Ê Đê…] – Mỗi bộ sử thi chính là niềm tự hào to lớn của dân tộc đó. Sử thi thời cổ đại là thể loại một đi không trở lại. Nền văn học hiện nay không còn thể loại sử thi nữa nhưng cái không khí, tính chất của sử thi vẫn được người cầm bút đưa vào trong các sáng tác. Và chất sử thi đã làm nên giá trị, làm nên sức sống cho từng trang viết, làm sống lại không khí hùng tráng của một thời đại anh hùng.

– Một số truyện ngắn tiêu biểu minh họa cho sự tổn tại của nền văn học sử thi trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975: truyện ngắn Những đứa con trong gia đình; Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi, truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành, tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Hòn Đất của Anh Đức…

2. Hoàn cảnh sử thi
– Truyện ngắn Rừng xà nu được in trong tập truyện ngắn Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Tác phẩm được viết vào năm 1965. Đây là thời điểm Mĩ đổ quân tham chiến ở miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mĩ ở miền Nam đang vào hồi quyết liệt: giặc Mĩ điên cuồng đánh phá cách mạng miền Nam. Trước sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù, tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân [từ miền ngược đến miền xuôi] càng kiên cường và bất khuất. “Họ đã xuống đường và đem cả lương tâm và nhân phẩm bắn tỏa lên bầu trời đầy giặc giã”. [Chu Lai]

3. Chất sử thi thê hiện trong tác phẩm “Rừng xà nu”

a. Chất sử thi được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, vừa đậm chất thơ của núi rừng Tây Nguyên – Thiên nhiên trong Rừng xà nu thấm đẫm một cảm hứng sử thi và chất thơ hào hùng thể hiện qua từng trang sách miêu tả về rừng xà nu. Mở đẩu tác phẩm là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây”, thì kết thúc tác phẩm vẫn là rừng xà nu “nối tiếp nhau chạy đến chân trời”. Đó chính là bức tranh thiên nhiên toàn cảnh về cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn và hào hùng của dân tộc ta. Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật như: nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng, so sánh,… nhà văn đã dựng nên bức tranh rừng xà nu ở nhiều góc độ: – Rừng xà nu chịu nhiều đau thương mất mát do bom đạn của kẻ thù gây ra. – Sức sống mãnh liệt của cây xà nu không bom đạn nào có thể khuất phục được [So sánh với sức sống của người dân làng Xô Man]. – Cây xà nu ham ánh sáng, yêu tự do, luôn vươn lên đón ánh nắng và khí trời.

– Cây xà nu vững chãi với thế đứng “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho cả dân làng”.

Một cây ngã cả rừng cây lại mọc

Người tiếp người đã mấy vạn mùa xuân.

[Nguyễn Trung Thành]

b. Tnú – hình ảnh người anh hùng bất tử của dấn làng Xô Man – Đến với truyện ngắn Rừng xà nu, chúng ta được thả hồn theo những cánh rừng xà nu bát ngát, xanh rờn đến tận chân trời, được chứng kiến sức sống mãnh liệt không gì hủy diệt được của những cây xà nu. Mặt khác, chúng ta lại khâm phục biết bao người anh hùng Tnú với những phẩm chất tốt đẹp. – Xây dựng hình tượng người anh hùng này cũng là biểu hiện chất sử thi của tác phẩm. Tnú thuộc kiểu nhân vật sử thi, bởi vậy nhân vật này đại diện cho cộng đồng cả về sức mạnh, phẩm chất cũng như lí tưởng, lẽ sống. Cũng như cụ Mết, Tnú tiêu biểu cho phẩm chất, tính cách của người dân Tây Nguyên. + Tnú có một cuộc đời đầy đau khổ, cay đắng, bị kẻ thù giết hại cả gia đình, anh đã biến đau thương thành hành động, đi đánh giặc trả thù nhà nợ nước. + Tnú và chặng đường đầu của cách mạng [nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, bị giặc bắt]. + Vượt ngục trở về trực tiếp lãnh đạo dần làng Xô Man đánh giặc. – Cùng một lúc phải hứng chịu hai tấn bi kịch do tội ác của giặc gây ra [vợ con bị giặc giết, bản thân anh bị giặc đốt cụt mười đầu ngón tay]. – Hình tượng đôi bàn tay Tnú [đôi tay cần cù lao động, đôi tay chứng nhân tội ác kẻ thù, đôi tay chưa bao giờ biết phản bội..

– “Gấp trang sách lại, hình ảnh Tnú với bao phẩm chất tốt đẹp vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Tnú tiêu biểu cho hình mẫu người anh hùng dân tộc Tây Nguyên và cũng mang những nét chung của hình mẫu anh hùng dân tộc thấm đượm chất sử thi. Cùng với Trần Quốc Toản, La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Nguyễn Văn Trỗi và biết bao anh hùng, liệt sĩ khác, các anh ca lên bài ca khải hoàn chiến thắng cho dân tộc Việt Nam yêu dấu.” [Phan Huy Dũng].

c. Tính cộng đồng trong tác phẩm – Bên cạnh việc miêu tả, làm nổi bật lên hình ảnh của người anh hùng Tnú, chúng ta còn thấy được hình ảnh của những con người khác xung quanh nhân vật này, những người gan dạ dũng cảm trong cộng đổng làng Xô Man. Mỗi con người là một sức mạnh, mỗi ngọn giáo đứng lên là thể hiện một lòng căm thù. Sức sống mãnh liệt đó được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ các cụ già đến những em bé còn ngây thơ nhưng đã có ý thức vê’ nỗi đau mất nước, mất người thân, mất chủ quyền dân tộc. – Tính chất cộng đồng được thể hiện trong tác phẩm rất rõ: Đó là hình ảnh sum vầy, quây quần bên nhau, nương tựa vào nhau “cơm nước xong, từ phía nhà ưng có ai đấy đánh lên một hồi mõ dài ba tiếng, dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết”. Tất cả mọi người từ các cụ già, các cô gái, những đứa trẻ sum họp bên nhau để nghe câu chuyện về cuộc đời Tnú. – Cụ Mết, thế hệ đi trước, một con người từng xông pha trong kháng chiến chống Pháp, nay lại tiếp tục sứ mệnh tiếp thêm sức mạnh cho con cháu, là người chỉ đường dẫn lối và truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ mai sau “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. – Dít, một cô gái với lòng dũng cảm, sự thông minh, ấn tượng bởi “đôi mắt mở to và bình thản”, bình thản trước súng gươm của kẻ thù. Phẩm chất kìm nén đau thương để biến thành hành động, khiến cô nhanh chóng trở thành bí thư chi bộ, cấp chỉ huy cao nhất của làng Xô Man.

– Rồi đến Heng “đội cái mũ sụp xin được của một anh giải phóng, mặc chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự”, cũng dũng cảm và nhanh nhẹn như Tnú. Cũng là một cây xà nu con mọc lên, tiếp bước với cây lớn làm nên rừng xà nu, làm nên bản làng Xô Man mạnh mẽ.

* Có thể nói, chất anh hùng tự ngàn đời đã chảy vào huyết quản của già làng Mết, từ già làng chảy qua Tnú, Tnú chảy qua Mai, Mai chảy qua Dít, Dít chảy qua Heng, Heng chảy vào những cây xà nu con mới mọc đã nhọn hoắt như những mũi lê chọc thẳng lên bẩu trời. Dân tộc Việt Nam dù có hi sinh, mất mát nhưng vẫn không bao giờ lùi bước trước quân thù:

Ổi Việt Nam! Từ trong biển máu

Người vươn lên, như một thiên thần.

[Tố Hữu]

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

[Nguyễn Đình Thi]

d. Nghệ thuật trong truyện ngắn Rừng xà nu đậm chất sử thi – Hình thức kể chuyện với cách tạo không khí truyện rất Tây Nguyên, đậm đà màu sắc sử thi truyền thống. Bao trùm lên toàn bộ thiên truyện là một khung cảnh nghiêm trang, hào khí, lại vừa mang đậm chất lãng mạn cuốn hút về làng Xô Man bất khuất kiên cường. – Giọng văn trong Rừng xà nu là giọng văn mang âm hưởng vang dội như tiếng cồng, tiếng chiêng của đất rừng Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Giọng văn đó ẩn chứa chất liệu làm nên tính sử thi hoành tráng của tác phẩm. – Kết cấu truyện theo lối vòng tròn hay còn gọi là đầu cuối tương ứng. Chính kết cấu đó tạo nên dư ầm hùng tráng. Lối kết cấu này như cái khung bền vững để nhà văn khai triển câu chuyện. Đây là lối kết cấu vừa đóng vừa mở. Câu chuyện đóng lại để mở ra một câu chuyện khác. Điều này làm chúng ta tưởng tượng đây chỉ là một chương trong lịch sử ngàn đời của người Xô Man, chỉ là một chương trong bản anh hùng ca vô tận của Tây Nguyên. – Biện pháp nhân hóa, miêu tả cây xà nu như con người Xô Man. Vì vậy, cây xà nu hiện ra như một nhân vật của truyện. Nguyễn Trung Thành đã biến rừng xà nu thành cả một hệ thống hình ảnh được miêu tả song song với hệ thống hình tượng nhân vật.

– Sử dụng kiểu thời gian gấp khúc “đau thương nuôi con người vụt lớn lên” [Tnú ngày bị bắt mới chỉ đứng ngang bụng cụ Mết, ba năm sau trở về đã là chàng thanh niên lực lưỡng; Dít ngày Tnú đi còn bé, ba năm sau anh trở về, Dít đã là bí thư chi bộ].

III. Kết bài – Khẳng định vẻ đẹp sử thi của tác phẩm, của thời đại.

– Liên hệ với Những đứa con trong gia đình [Nguyễn Thi].

[Theo //www. nhungbaivanhay. net]

>>> Xem thêm : Đề luyện thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD100116 tại đây

Related

Tags:đề luyện thi THPT Quốc gia · Ngữ Văn 12

Video liên quan

Chủ Đề