Nhu cầu tiền cho tích lũy là gì

Gần đây, Thống đốc NHTW Trung quốc Zhou Xiaochuan đã viết bài tham luận chuyên đề bàn về xu hướng tích luỹ hiện nay trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia ở vùng Đông Á. Xin giới thiệu những nội dung chính trong bài viết này để bạn đọc tham khảo.

Khôn
g có một cách giải thích nào được dư luận rộng rãi chấp nhận về cung cách tích luỹ và tiêu dùng trong cộng đồng kinh tế và thống kê. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính hiện đang lan rộng trên toàn cầu, thì ngày càng có nhiều ý kiến tranh luận về nguyên nhân xảy ra cuộc khủng hoảng này. Một số tin rằng tỷ lệ tích luỹ cao ở Đông Á và các quốc gia sản xuất dầu mỏ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân đối và khủng hoảng toàn cầu. Bài viết này nhằm mục đích khai thác các nhân tố tác động đến tỷ lệ tích luỹ và đưa ra những lý do dẫn tới tỷ lệ tích luỹ cao ở các nước Đông Á và các quốc gia sản xuất dầu mỏ, và đồng thời đề cập đến tỷ lệ tích luỹ tại Trung quốc và các cách tiếp cận điều chỉnh tương ứng và một loạt các giải pháp lựa chọn để điều chính tỷ lệ này cho thích hợp.

Các nhân tố tác động đến tỷ lệ tích luỹ

Thuật ngữ “tích luỹ” ở đây bao gồm tiết kiệm trong nước, thặng dư cán cân vãng lai và dự trữ ngoại tệ. Cho đến nay, chưa có được những công trình nghiên cứu hoàn chỉnh và vững chắc mô tả mối gắn kết giữa tỷ lệ tích luỹ và các nhân tố mang tính chất quyết định, chẳng hạn như mức giàu có được xác định bằng tỷ lệ bình quân GDP tính theo đầu người, tỷ giá, mức độ phát triển của trung gian tài chính và thị trường vốn, truyền thống, cơ cấu dân số và hệ thống an sinh xã hội. Trong công tác thống kê thì ở chừng mực nào đó tỷ giá có quan hệ mật thiết với tỷ lệ tích luỹ, nhưng hệ số nói chung là ở mức thấp và mối quan hệ thông thường là không đáng kể. Do vậy, tỷ lệ tích luỹ xem ra không thể được điều chỉnh chỉ bằng cách điều chỉnh tỷ giá mà thôi.

Việc xác định các yếu tố quyết định tới tỷ lệ tích luỹ là mối thách thức lớn về mặt chính sách cho tất cả các quốc gia, do vậy không thể đề ra một khung chính sách hiệu quả sau khi xác định các nhân tố có tính quyết định và tác động đối với tỷ lệ tích luỹ.

Nguyên nhân tạo ra tỷ lệ tích luỹ cao ở Đông Á và các nước sản xuất dầu mỏ

Truyền thống, cơ cấu văn hoá, gia đình, cơ cấu dân số và thời kỳ phát triển kinh tế là những lý do chính tạo ra tỷ lệ tích luỹ cao ở Đông Á. Trước hết, các quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng của Khổng tử coi trọng tính cách tiết kiệm, tự kiềm chế, không phô trương và tránh xa hoa lãng phí. Mối quan hệ gia đình khăng khít tại các nước Đông Á nên các gia đình gánh vác trách nhiệm xã hội như chăm sóc người già và dạy dỗ con cái; và, cần phải để dành tiền cho tuổi già và chăm sóc sức khoẻ khi mà số người ở độ tuổi làm việc tăng lên.

Một số người cho rằng do hệ thống an sinh xã hội chưa hoàn chỉnh dẫn tới tỷ lệ tích luỹ cao. Mặc dù nó đúng về mặt lô gích, nhưng lập luận này chưa đủ thuyết phục về kinh nghiệm. Hơn nữa, lập luận đó lại dựa trên cơ sở giả định cho rằng cách ứng xử của con người là lý do chính và người ta tăng tích luỹ cho nhu cầu sức khoẻ trong tương lai và khi về già. Trên thực tế, giả định đó chưa phải là đúng hoàn toàn.

Tỷ lệ tích luỹ cao tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ lại có các lý do khác. Được thừa hưởng nguồn dầu mỏ giàu có vượt xa nhu cầu thông thường, đương nhiên các nước này làm tăng của cải vật chất bằng hình thức tích luỹ.

Những cuốn sách giáo khoa sơ đẳng luôn luôn bắt đầu bằng các từ ngữ “ cung, cầu và giá cả,” làm cho người đọc hiểu rằng một số giá cả [chẳng hạn như tỷ giá và lãi suất] có thể quyết định hành vi tích luỹ và tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế là mức tỷ lệ tích luỹ bị tác động bởi một loạt các yếu tố, và nó không thể được điều chỉnh chỉ bằng cách thay đổi tỷ giá danh nghĩa. Những nhân tố như truyền thống dân tộc, văn hoá, cơ cấu gia đình, dân số và hệ thống an sinh xã hội không thể bị thay đổi trong một thời gian ngắn. Kết quả là các chính sách phải mất một thời gian dài để đạt được hệ quả như mong muốn.

Ý nghĩa của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đối với tỷ lệ tích luỹ ở Đông Á

Tích luỹ trong GDP bao gồm các nguồn tích luỹ của người cư trú, doanh nghiệp và chính phủ. Nếu tổng tích luỹ vượt quá mức đầu tư trong nước, thì nguồn thặng dư sẽ trở thành dự trữ ngoại tệ. Để phân tích tình trạng tăng đột biến sự mất cân đối của tích luỹ và thương mại tại các nước Đông Á xảy ra sau năm 1997, người ta cần phải xem xét tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đến tỷ lệ dự trữ tại các nước này.

Tỷ lệ tích luỹ cao và lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào tại các quốc gia Đông Á là kết quả của hành động tự vệ chống lại tình trạng đầu cơ đầy toan tính. Trong khi đang diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á, việc đầu cơ lan tràn của các quỹ tự vệ làm cho luồng vốn đổ vào khu vực này rất lớn và sau đó lại đổi chiều ra khỏi khu vực làm cho hoạt động kinh tế tại các nước đó càng trở nên trầm trọng. Người dân ở các quốc gia này trải qua một cú sốc lớn và bị choáng váng bởi làn sóng đầu cơ có ý đồ xấu đó. Sau đó, nhiều nguồn dư luận cho rằng tình trạng đầu cơ với ý đồ xấu không được quản lý là nguyên nhân gây ra khủng hoảng và do vậy cần phải có các quy chế quốc tế thích hợp. Các tổ chức quốc tế đã không thực hiện các trách nhiệm quản lý quy chế điều tiết của mình trước các chu chuyển vốn bất thường, buộc các nước Đông Á phải tăng cường tích luỹ ngoại hối để tự bảo vệ mình.

Việc tăng tỷ lệ tích luỹ và thặng dư cán cân vãng lai tại các nước Đông Á cũng là hệ quả của kế hoạch cứu nguy do các tổ chức quốc tế thiết kế ra. Các kế hoạch cứu nguy đã không đả động gì đến việc kiểm soát các chu chuyển vốn đầu cơ xuyên quốc gia lẽ ra phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Thay vào đó người ta đã áp đặt những điều kiện vô cùng khắt khe đòi hỏi các quốc gia bị tác động bởi cuộc khủng hoảng phải thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, cắt giảm thâm hụt ngân sách và tăng dự trữ ngoại tệ. Một thập kỷ sau đó, các quốc gia Đông Á đã rút ra được các bài học kinh nghiệm và tăng dự trữ ngoại hối và tích luỹ trong nước để tăng năng lực chống lại khủng hoảng tài chính.

Đương nhiên cũng xảy ra tình trạng dễ bị tổn thương trong một số mô hình phát triển kinh tế, quản lý nợ nước ngoài và sắp xếp tổ chức của các nước Đông Á. Người ta thực hiện hàng loạt các cuộc cải cách cơ cấu đối với khu vực doanh nghiệp và tài chính sau cuộc khủng hoảng, hệ sống an sinh xã hội đã được cải thiện và hệ thống y tế và giáo dục đã được đổi mới. Đương nhiên phải mất nhiều thời gian thì các nỗ lực này mới phát huy hiệu quả.

Trung quốc có thể điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ của mình một cách có hiệu quả ?

Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, Trung quốc với tư cách là một nền kinh tế lớn đã không phá giá đồng bản tệ và phải trả giá cho việc phục hồi tương đối chậm chạp. Nỗ lực của Chính phủ Trung quốc nhằm duy trì sự ổn định của đồng nhân dân tệ đã góp phần ngăn chặn sự lan truyền của cuộc khủng hoảng.

Sau cuộc khủng hoảng, Trung quốc đã tăng cường các nỗ lực nhằm chấn chỉnh khu vực doanh nghiệp và nhà nước bằng việc thực hiện một cách sâu rộng công cuộc cải cách theo hướng thị trường. Khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, đã tăng lên; vị thế ngân sách được cải thiện và thu nhập của dân chúng tăng lên nhanh chóng. Bắt đầu từ năm 2002, tỷ lệ tích luỹ bắt đầu tăng vọt, đặc biệt là các doanh nghiệp. Tỷ lệ tích luỹ của Trung quốc tăng từ 37,5% năm 1998 lên 49,9% năm 2007. Trong thời gian này, tỷ lệ thu nhập sau thuế của khu vực doanh nghiệp so với tỷ lệ thu nhập sau thuế của cả nước tăng từ 13% lên 22,5%, trong khi đó tỷ lệ thu nhập sau thuế của chính phủ so với toàn bộ thu nhập của quốc gia chỉ tăng 2 điểm phần trăm.

Tỷ lệ tích luỹ của các doanh nghiệp Trung quốc trên GDP ở mức cao so với các nước khác trên thế giới. Điều này gắn liền với tình trạng bất cập chưa được khắc phục về tỷ lệ chi phí trên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong thời kỳ quá độ kinh tế của Trung quốc. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, nhà ở, chăm sóc y tế và lương hưu được các doanh nghiệp và chính phủ cung cấp, và không được tính vào lương. Điều đó đã không tạo ra động lực cho người dân thực hiện tích luỹ. Sau cuộc cải cách diễn ra trong thập kỷ 90, hệ thống bao cấp đã bị xoá bỏ và các doanh nghiệp đã ngừng cung cấp miễn phí nhà ở và lương hưu. Song, một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả lại chưa được thiết lập. Điều đó làm cho người dân có được động lực phải tự tích luỹ cho riêng mình. Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian nữa thì chi phí lao động thực mới được thể hiện trong chi phí của doanh nghiệp. Kết quả là khoản lợi nhuận to lớn từ tình trạng méo mó của giá cả không được thể hiện trong các tài khoản nợ của quỹ hưu trí, chăm sóc y tế và nhà ở cho công nhân viên chức theo mức cần thiết, từ đó dẫn đễn tình trạng tăng tích luỹ đáng kể của các doanh nghiệp. Điều này giải thích rõ ràng tại sao tích luỹ của các hộ gia đinh và doanh nghiệp lại tăng lên. Điều này cũng cho thấy tại sao một số ý kiến cho rằng một phần cổ phiếu nhà nước của các doanh nghiệp được niêm yết cần phải được chuyển vào quỹ an sinh xã hội quốc gia.

Các cơ quan thẩm quyền Trung quốc có ý định chính sách rõ ràng nhằm giảm tỷ lệ tích luỹ. Kể từ 2005, kích cầu trong nước và tăng tiêu dùng đã trở thành các cấu phần quan trọng của chính sách kinh tế quốc gia. Chính sách này cuối cùng đã hạ nhiệt cho tỷ lệ tích luỹ. Song cũng cần phải thực hiện việc nghiên cứu một cách sâu rộng để xác định các nhân tố gây tác động đến tỷ lệ dự trữ và các biện pháp điều chỉnh cụ thể cần thực hiện.

Bên cạnh đó, các cuộc cải cách chưa được hoàn thành trong một số lĩnh vực đã tác động đến việc điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân ở Trung quốc đã đi theo phương hướng thị trường và không lâm vào tình trạng méo mó chi phí nữa, nhưng việc cải cách khu vực nhà nước lại chưa hoàn tất cho dù đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Cơ cấu chi phí chưa được xác định rõ ràng và chưa được tiền tệ hoá một cách đầy đủ đã gây cản trở cho việc điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ. Do vậy, điều quan trọng là phải đẩy mạnh công cuộc cải cách khu vực nhà nước và chuyển đổi các chức năng của chính phủ.

Nếu người ta đem ra so sánh thì cho thấy kể từ giữa thập kỷ 90, tỷ lệ tích luỹ thấp và chi tiêu cao bắt đầu diễn ra tại Hoa kỳ. Ngược lại, tỷ lệ tích luỹ của các quốc gia Đông Á chỉ tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á và tỷ lệ tích luỹ của Trung quốc chưa bắt đầu tăng lên cho đến tận năm 2002. Sự khác biệt về các mốc thời gian đó cho thấy không có mối quan hệ nhân quả đáng kể nào giữa 2 khu vực này.

Các phương án lựa chọn để điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ

Tình trạng mất cân đối tích luỹ toàn cầu đã tồn tại do nhiều lý do. Điều bất hợp lý là chỉ gắn tỷ lệ tích luỹ với tỷ giá, và cũng là điều không tưởng là nếu người ta muốn giải quyết những vấn đề dài hạn trong ngắn hạn. Thay vào đó người ta phải có cách tư duy sâu rộng hơn và toàn diện hơn trong việc đánh giá sự mất cân đối về tích luỹ.

Thứ nhất, cần phải có một bài thuốc toàn diện. Mặc dù Hoa kỳ không thể duy trì phương thức chi tiêu cao và tích luỹ thấp, nhưng chưa đến lúc tăng tỷ lệ tích luỹ vào thời điểm này. Họ cần phải đạt được sự cân bằng giữa kích cầu và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Mặt khác, các nước Đông Á cần phải theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, hệ thống giá cả và các vấn đề khác để cắt giảm tỷ lệ tích luỹ. Đương nhiên, việc cải cách cơ chế tỷ giá là một phần của bài thuốc này. Chính phủ Trung quốc đã tập trung kích cầu để duy trì tăng trưởng kinh tế trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và thực hiện điều chỉnh kinh tế. Gói kích cầu trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ là một trong những gói kích cầu lớn nhất thế giới chủ yếu là một chương trình chi tiêu. Chương trình này tập trung vào phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho vùng nông thôn và những nhóm người bị thiệt thòi.

Thứ hai, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần phải tăng cường hợp tác và đẩy mạnh các quy chế điều tiết đối với các chu chuyển vốn đầu cơ trên trường quốc tế. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nêu bật sự cần thiết phải tăng cường các quy chế điều tiết đôí với chu chuyển vốn quốc tế và tăng cường tính minh bạch rõ ràng. Các tổ chức quốc tế và các nước liên quan cần phải giúp đỡ các nước đang phát triển thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm hữu hiệu và chống lại tệ đầu cơ có mưu đồ xấu. Cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để cải tiến cơ chế viện trợ. Trong trường hợp các thị trường mới nổi gặp khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán, quốc tế cần thực hiện viện trợ một cách nhanh chóng và giảm bớt các điều kiện gắn kết với việc viện trợ đó. Hành động đó sẽ thúc đẩy các quốc gia giảm bớt tích luỹ, kể cả dự trữ ngoại tệ và đẩy mạnh chi tiêu trong nước.

Thứ ba, cần phải thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm bơm thêm số vốn tích luỹ vào các nước đang phát triển và các nước có thị trường mới nổi. Việc chuyển tích luỹ từ thị trường mới nổi đến các nền kinh tế phát triển là không hợp lý và không nhất quán với ý đồ của các nền kinh tế tiên tiến nhằm tăng tích luỹ trong nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ lệ tích luỹ ở Đông Á sẽ không mang lại hiệu quả trước mắt. Trong khi đó, tích luỹ ở các nước sản xuất dầu mỏ có thể sẽ vẫn ở mức cao chừng nào giá dầu mỏ không giảm thêm nhiều. Chính vì vậy, sự mất cân đối trong tích luỹ toàn cầu sẽ còn tồn tại trong thời gian tới. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi cho chu chuyển tích luỹ một cách hợp lý và cải tiến việc phân bổ tích luỹ đó một cách có hiệu quả. Một trong những sự lựa chọn tối ưu là chuyển nguồn tích luỹ thặng dư đến các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi khác, là những nước có thừa tài nguyên và lực lượng lao động dồi dào, nhưng lại thiếu vốn. Các nền kinh tế này chính là những động lực tăng trưởng tương lai của nền kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, cần phải đẩy nhanh cuộc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Hiện nay, đồng Đô la Mỹ được sử dụng hầu hết trong các hoạt động thương mại và giao dịch tài chính và là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất. Con số thống kê của IMF cho thấy đô la Mỹ chiếm 63,9% tổng dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2007. Khi các nước tăng nguồn tích luỹ và nếu các nguồn tích luỹ này lại là dự trữ ngoại tệ bằng đô la Mỹ, thi dòng vốn đó lại đổ vào nước Mỹ. Trước mắt, có thể Mỹ cần thêm chu chuyển vốn đổ vào nước mình để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, nhưnng về lâu dài, chu chuyển vốn lớn này sẽ không phục vụ đắc lực cho việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, việc tập trung quá lớn tài sản có ngoại hối vào một đồng tiền đặc biệt nào đó có thể tạo ra hậu quả không lường hết được. Vì vậy ngoài việc tăng cường hợp tác về quy chế điều tiết và hợp lý hoá việc phân bổ nguồn tích luỹ, cộng đồng quốc tế cần phải thúc đẩy công cuộc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Cần phải nỗ lực để tăng cường việc giám sát các chính sách kinh tế tài chính tại các nước có số tiền dự trữ lớn và nâng cao vị thế của SDR [Quyền rút vốn đặc biệt] để thúc đẩy sự nghiệp đa dạng hoá hệ thống tiền tệ quốc tế về lâu về dài.

PMH
Nguồn : NHND Trung quốc

Video liên quan

Chủ Đề