Những câu hỏi về chính sách tài khóa

02/12/2021 07:16 [GMT+7]

Chính sách tài khóa trong bối cảnh dịch COVID-19 - Bài 2: Linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế Hà Nôi [TTXVN 2/12] Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chính sách tài khóa của Việt Nam đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời phóng viên TTXVN xoay quanh các vấn đề này.

Phóng viên: Trước tác động của dịch COVID-19 tới người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế, Bộ Tài chính đã tham mưu như thế nào tới Chính phủ nhằm hỗ trợ kịp thời các đối tượng vượt qua đại dịch?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Chúng ta đều biết dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tác động mạnh mẽ và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, chính sách tài khóa của Việt Nam đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế và tiền thuê đất, phí, lệ phí. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Tổng giá trị hỗ trợ về thuế năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, khoảng 118 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3 nghìn tỷ đồng. Vừa qua, trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính đã đề xuất, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 giải pháp bổ sung về miễn, giảm thuế gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong các quý III và IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn chịu tác động của dịch COVID-19; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020. Tính chung các giải pháp hỗ trợ bổ sung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định như trên, thì tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ nêu trên, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo các giải pháp đưa ra là thiết thực, nhanh chóng tới được các đối tượng gặp khó khăn thực sự. Các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đều quy định rõ các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế được gia hạn, miễn, giảm, số thuế còn phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi. Bộ Tài chính tiếp tục tổng kết, đánh giá kết quả các giải pháp đã và đang được thực hiện, đồng thời căn cứ điều kiện và diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp.

Phóng viên: Dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã gây sức ép lên chi ngân sách nhà nước. Vậy Bộ Tài chính có giải pháp gì nhằm đảm bảo thu chi ngân sách trong thời gian qua?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Như đã nêu, từ năm 2020 đến nay, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước giảm do kinh tế khó khăn và thực hiện các chính sách ưu đãi miễn, giảm; trong khi nhu cầu tăng chi lớn. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân khó khăn.

Về thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tăng thu từ tăng giá dầu thô [bình quân 10 tháng đạt 65,6 USD/thùng, cao hơn 20,6 USD/thùng so với giá dự toán]; tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu [đến nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng cao]. Kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước 10 tháng đã đạt 90,9% dự toán và chúng tôi đang phấn đấu thu ngân sách nhà nước cả năm 2021 vượt dự toán.

Về chi ngân sách nhà nước, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác [gồm tiền lương còn dư] để chi phòng, chống dịch COVID-19.

Phóng viên: Trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, Bộ Tài chính có giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Thành Hưng: Năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 còn có diễn biến phức tạp, tác động kéo dài. Trải qua 4 đợt dịch bùng phát, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó của cả nước và từng địa phương tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp và người dân đã giảm sút nhiều.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm tới là phải kiểm soát an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, củng cố năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, mở rộng và tăng cường diện bao phủ vaccine. Mặt khác phải có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nhanh chóng khôi phục các hoạt động của nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, phục hồi thị trường lao động, đặc biệt là ở các trung tâm công nghiệp, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng vừa tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân, vừa phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cùng với nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhanh chóng tận dụng cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế, chúng tôi đang cùng với các bộ, ngành nghiên cứu ban hành các giải pháp về tài khóa nới lỏng. Để giảm thiểu tác động của các giải pháp này tới an ninh tài chính quốc gia, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm: Thứ nhất nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, động viên hợp lý nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công. Thứ tư, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước. Thứ năm, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng. Cuối cùng, chú trọng cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thùy Dương [Thực hiện] Bài cuối: Tháo gỡ bất cập để tiếp sức doanh nghiệp phục hồi

Trọng tâm của chính sách tài khoá cho phục hồi kinh tế phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Khi dịch bùng phát lan tràn thì sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ trực tiếp. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất kinh doanh trở lại bình thường hơn thì chính sách sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thị trường lao động và an sinh xã hội.

Chiều 5/12, tại cuộc thảo luận về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có những chia sẻ về chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chính sách chi hỗ trợ lớn về cả quy mô và đối tượng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã có những điều chỉnh linh hoạt về chính sách tài khóa nhằm có nguồn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cũng như người dân. Việt Nam đã có sự điều chỉnh cả về thu và chi NSNN.

Trong đó, về thu NSNN, chúng ta đã thực hiện miễn giảm giãn nhiều loại thu, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN, tạo thanh khoản, giảm bớt khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong thời điểm khó khăn. Các chính sách miễn, giảm, giãn đã tập trung vào ngành hàng, lĩnh vực chịu tổn thương nhiều do tác động của dịch bệnh như: vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, lưu trú, giáo dục, y tế…

Ước tính, số thuế miễn, giảm, giãn trong năm 2020 khoảng 130 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản giãn khoảng 100 nghìn tỷ đồng, còn lại là các khoản miễn, giảm. Năm 2021 con số này khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để tiếp tục thực hiện các chính sách này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng tham gia cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho hay, về chi ngân sách, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động, các đối tượng yếu thế như người nghèo, hộ chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội… đã được ban hành. Năm 2021, cả trung ương và địa phương đã chi khoảng 76 nghìn tỷ đồng cho các chính sách này.

Bên cạnh đó, chúng ta đã sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động… với tổng số khoảng 48 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Nhiều chính sách miễn giảm tiền điện, cước viễn thông, học phí… cũng đã được thực hiện với ước tính khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách đã thực hiện nêu trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Qua đó, tạo nguồn lực ứng phó thành công với dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua.

Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta chính sách chi hỗ trợ lớn như vậy về cả quy mô và phạm vi đối tượng, do vậy trong quá trình thực hiện còn có một số bất cập đã được Chính phủ điều chỉnh, rút kinh nghiệm khi thực hiện Nghị quyết 68 và các Nghị quyết sau này.

Cũng theo Thứ trưởng, để có nguồn tăng chi và thực hiện ưu đãi về thuế, chúng ta đã chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 ở mức 4% tính trên GDP tính lại. Còn nếu so với GDP theo cách tính giai đoạn trước thì ở mức khoảng 5,1 - 5,2% GDP, đây là mức tăng hơn rất nhiều về số tuyệt đối so với giai đoạn trước.

Trọng tâm của chính sách tài khóa cho hỗ trợ và phục hồi kinh tế

Trả lời câu hỏi được nêu tại Diễn đàn về đâu là trọng tâm nhất trong chính sách tài khoá cho phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết điều này phụ thuộc vào việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nhanh, lan tràn như ở Bắc Ninh, Bắc Giang dịp tháng 4, 5; ở 21 địa phương miền Nam vào tháng 8, 9, chúng ta sử dụng nhiều công cụ về chi hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và người dân. Ngoài hỗ trợ bằng tiền, cũng đã xuất cấp hàng dự trữ cho người dân để người dân yên tâm thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường hơn thì lúc đó các chính sách sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Trong đó, có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc tháo gỡ về thanh khoản tiền mặt, các khoản tín dụng và các chi phí đầu vào khác. Đồng thời, có thể tạo nền tảng phát triển bền vững trong thời gian tới qua chính sách kích cầu đầu tư, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới.

"Đây là trọng tâm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Chính phủ đã bàn thảo với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện trình Quốc hội trong thời gian tới” Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý khi dịch chưa mất đi, thậm chí còn phức tạp hơn với biến chủng mới, đòi hỏi chúng ta tiếp tục dành nguồn lực thích đáng cho lĩnh vực y tế, công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng ta chỉ có thể phục hồi kinh tế khi đã kiểm soát được dịch bệnh.

Video liên quan

Chủ Đề