Phân tịch tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Dân là chủ - chủ Nhà nước, chủ đất nước, chủ xã hội, chủ vận mệnh của chính mình. Dân chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn, súc tích là “dân làm chủ” và “dân là chủ”. Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự. Phải làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ. Hiểu dân chủ tức là nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Vì thế, để thực hiện vai trò của dân, Người đã đề ra đường lối, chính sách và kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đối với Người, mọi quyền lợi, quyền hạn chỉ có giá trị khi nó phục vụ nhân dân “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” [56, tr.64].

Nhận thức được ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của vấn đề dân chủ, nên mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho mọi người dân hiểu bản chất chế độ mới, nhà nước mới khác nhà hoàn toàn về chất so với chế độ cũ, nhà nước cũ ở giá trị dân chủ. Dân là chủ, chứ không phải là nô dân, thần dân, thứ dân hay công dân mà các chế độ xã hội cũ gọi là như vậy, nhưng thực tế xem dân là chủ chỉ là giả hiệu. Nước ta là nước dân chủ, bản chất dân chủ thực sự ở chế độ ta được Người viết trong bài báo Dân vận [1949], chính là:

 “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, lợi ích ở đây là toàn diện, không chỉ có lợi ích vật chất mà còn cả lợi ích tinh thần từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, cả môi trường xã hội, cả đạo đức và tôn giáo. Lợi ích này liên tục được nâng cao, phát triển theo sự phát triển của đất nước.

“Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” đây chính là vấn đề dân quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là nguyên tắc số một của nền dân chủ. Nguyên tắc này là tuyệt đối đến mức những thiết chế “dân chủ giả hiệu” cũng phải tuyên bố như thế. Thực tế lịch sử chứng minh, biết tôn trọng dân quyền, mở rộng dân quyền đến đâu đều là hòn đá thử để kiểm nghiệm xem trình độ một nền dân chủ cao hay thấp. Vì thế, từ rất sớm cùng với việc tập trung xây dựng một nền dân chủ kiểu mới – dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện trên ba mặt gắn bó, tác động lẫn nhau: dân quyền, dân sinh, dân trí. Nền chính trị mà Người hướng tới và xây dựng là chính trị dân quyền. Đồng thời, Người đã đặt vấn đề đấu tranh để ngăn ngừa các tệ nạn quan liêu, chuyên quyền, hủ hóa, lãng phí của cán bộ đảng viên. Người cho đó là “những thứ giặc rất nguy hiểm” làm ruồng nát chế độ dân chủ từ bên trong.

 “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”; “Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đoàn thể ở đây được hiểu là Đảng, vì năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận với những quan điểm trên, thời điểm đó do Đảng ta lui vào hoạt động bí mật, nên Người ít dùng từ Đảng mà thường dùng hai từ Đoàn thể. Như vậy, hệ thống chính trị để cầm quyền, quản lý, điều hành mọi hoạt động của xã hội đều do dân cử và tổ chức nên. Đảng và Nhà nước không tồn tại vì mục đích tự thân, mà tồn tại để phụng sự nhân dân và dân tộc. Mọi cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước đều là công bọc của nhân dân. Người viết: “Nước ta là Nhà nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân”. Vì thế, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, nếu đại biểu Quốc hội và HĐND không làm tròn nhiệm vụ thì người dân có quyền bãi miễn họ.

 Dân là chủ, còn cán bộ là công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng một Chính phủ phục vụ dân. Theo Người, trong một nước dân chủ thì dân chủ và pháp luật phải đi đôi với nhau. Pháp luật là “bà đỡ” của dân chủ, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế và dân chủ phải được thể hóa bừng Hiến pháp và pháp luật, không thể có dân chủ ngoài pháp luật.

Cũng theo Người, vì dân là chủ, làm chủ nên bên cạnh quyền lợi của người làm chủ, thì dân phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân của mình, đó chính là “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”.  Cả hai vấn đề này đều quan trọng như nhau, chúng làm thành một thể thống nhất. Dân là chủ là nói về vị thế của dân, còn dân làm chủ là nói về trách nhiệm của dân.

         Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là chiến lược, động lực mà còn là nguồn lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tháng 5 vừa qua, cử tri cả nước đã chọn những đại biểu có đức, có tài làm đại diện cho mình tham bộ máy quản lý  nhà nước. Tuy nhiên, để bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xiết chặt kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật thì một giải pháp lâu dài và bền vững khác cần được chú trọng hơn nữa, đó chính là phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Chủ Đề