Phong trào thi đua trong nông nghiệp ở miền Bắc có tên là gì

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc [11-6-1948 - 11-6-2013]:

Chủ Nhật, 09/06/2013, 09:06 [GMT+7]

[QBĐT] - Cách đây 65 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc kêu gọi toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã thể hiện sinh động tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một chân lý sáng ngời trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phong trào thi đua yêu nước đã trải qua những chặng đường dài vô cùng vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Hơn nửa thế kỷ qua, phong trào thi đua đã góp phần quan trọng thôi thúc, động viên sức mạnh tiềm tàng của nhân dân ta, lập nên những chiến công lừng lẫy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần kỳ, cũng như những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH, đặc biệt là những thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước luôn luôn có tác dụng động viên, cổ vũ sức mạnh, niềm tin tất thắng cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình chúng ta phấn đấu vươn lên giành nhiều thắng lợi to lớn trong giai đoạn cách mạng mới.  Sức mạnh vô cùng to lớn của thi đua là sức mạnh của đoàn kết toàn dân, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Quảng Bình yêu quê hương đất nước.

Trong mỗi thời kỳ lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề ra các mục đích thi đua và chỉ đạo sát với nhiệm vụ của từng giai đoạn đó: Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, khắp nơi trong cả nước đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua giành thắng lợi trong mọi mặt quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng“ nhằm thực hiện đạt được 3 mục đích của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; trong công nhân thi đua đạt “3 điểm cao” năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất đã sôi động ở nhiều nơi. Trong ngành Quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến trường; ngành Giáo dục thi đua xoá nạn mù chữ, các chiến sĩ ở chiến trường thi đua giết giặc lập công. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất tự túc, không dùng hàng ngoại đã trở thành ý thức tự giác của nhân dân là chủ trương xuyên suốt trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhiều phong trào thi đua đã xuất hiện; tiêu biểu như phong trào “phất cao cờ Duyên Hải trong công nhân“, “Cờ Đại phong trong nông dân”, “Cờ Ba nhất trong Quân đội”, phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, “phụ nữ ba đảm đang”.. .

Đã có các phong trào trong các ngành như: “5 dứt điểm” trong y tế; “Hai tốt” trong giáo dục, “5 xung phong” trong thanh niên, “6 điều Bác Hồ dạy” trong lực lượng công an, “3 cải tiến” trong cơ quan hành chính sự nghiệp, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của văn nghệ, “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ” của lực lượng vũ trang nhân dân, “Quyết thắng giặc Mỹ” của bộ đội giải phóng miền Nam, “Bám đất giữ làng” của đồng bào vùng giải phóng miền Nam...

Bác Hồ dạy: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch” và thường gạch dưới những dòng đưa tin về  “Người tốt, việc tốt” trên báo chí và giao Viện Huân chương thẩm tra để trình Chính phủ xét khen thưởng kịp thời và Bác gửi tặng Huy hiệu của Người.

Hòa chung phong trào thi đua của cả nước, 65 năm qua Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Bác Hồ kính yêu, nêu cao tinh thần thi đua yêu nước và truyền thống cách mạng kiên cường, quật khởi đã vượt qua mọi khó khăn thử thách và luôn nỗ lực vươn lên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước, quân và dân Quảng Bình với tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nàn, đã đứng lên chiến đấu kiên cường, anh dũng để đánh trả quân thù.

Khen thưởng các học sinh đạt thành tích cao năm học 2012-2013.

Quân, dân Quảng Bình đã thi đua tiến công địch trên mọi mặt trận, từng bước tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, lập công ngày càng lớn với nhiều trận thắng vang dội. Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi đường làng, ngõ xóm là trận địa diệt thù, tạo nên những chiến công vang dội gắn liền với nhiều địa danh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh; tiêu biểu như: Xuân Bồ, Ninh Châu, Sen Bàng, Hoàn Lão, Tiên Lang, Phù Trịch, Ba Đồn, Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hiển Lộc, Hưng Đạo, làm nức lòng nhân dân quê hương và cùng cả nước đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân Pháp.

Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình ra sức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, Quảng Bình trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn của miền Bắc XHCN.

Ngày 16 tháng 6 năm 1957, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình rất vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu vào thăm và Người đã căn dặn: “Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, quân và dân Quảng Bình đã ra sức thi đua sôi nổi xây dựng cuộc sống mới, nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc xuất hiện. Tiêu biểu là hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, Hợp tác xã nghề cá Quang Phú, đó là lá cờ đầu trong phong trào “3 nhất“ toàn miền Bắc lúc bấy giờ.

Hòa bình chưa được bao lâu, chúng ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới vô cùng quyết liệt. Với vị trí là địa phương của tuyến đầu hậu phương lớn miền Bắc XHCN, điểm tập kết chi viện cho tiền tuyến Miền Nam, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá vô cùng ác liệt, liên tục cả ngày, đêm và mọi nơi, mọi lúc; nhưng Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã trụ lại, đứng vững và chiến đấu ngoan cường, đánh trả hàng ngàn trận của máy bay, tàu chiến giặc Mỹ và đã làm đúng như lời Bác Hồ đã dạy, là lập công oanh liệt, thắng Mỹ ngay trận đầu.

Trong suốt những năm đánh Mỹ, với niềm tin vững chắc và quyết tâm cao độ, nhân dân Quảng Bình đã nói và làm theo tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Nhà tan, cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ, sướng sau”. Cùng với xây dựng và chiến đấu tại chỗ, nhân dân Quảng Bình đã động viên hàng vạn con em lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Quảng Bình là vùng đất diễn ra chiến tranh khốc liệt nhất. Trong sự khốc liệt ấy người dân Quảng Bình đã làm tròn sứ mệnh mà Tổ quốc giao phó là tuyến đầu của miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của miền Nam. Ngay những ngày đầu của cuộc chiến tranh, quân và dân Quảng Bình đã lập nên những chiến công vang dội. Chỉ trong vòng 150 ngày đêm chiến đấu, quân và dân tỉnh ta đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ.

Đồng thời tỉnh ta cũng đã bảo đảm giao thông thông suốt, sản xuất có hiệu quả cao. Nhân dịp này, ngày 17-7-1965 Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta chiến đấu giỏi và sản xuất cũng giỏi. Cuối năm 1965 Đại hội tổng kết phong trào thi đua toàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua ‘’Hai giỏi” nhằm động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh giương cao ngọn cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược’’. Phong trào thi đua “Hai giỏi’’ đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Mỗi đơn vị trong lực lượng vũ trang, hợp tác xã, từng gia đình, mỗi cá nhân đều có chỉ tiêu phấn đấu “Đơn vị hai giỏi’’, “Chiến sĩ hai giỏi’’. Và chính phong trào thi đua “Hai giỏi’’ đã tiếp sức cho 40 vạn người dân Quảng Bình vượt lên đau thương mất mát, máu lửa của chiến tranh lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng cùng với cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Chính trong thời kỳ chiến tranh gian khổ ác liệt này, Quảng Bình phát huy truyền thống quê hương cách mạng yêu nước hơn bao giờ hết, biết bao những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm, những anh hùng từ trong tuyến lửa ác liệt của chiến tranh. Nhiều địa danh của “đất lửa” Quảng Bình gắn liền với những tập thể và cá nhân anh hùng luôn khắc sâu in đậm trong ký ức của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Lịch sử mãi mãi không quên các chiến công lừng lẫy gắn với những tập thể và cá nhân anh hùng, liệt sĩ cùng với các địa danh nổi tiếng một thời chống Mỹ như: Cha Lo - Cổng Trời, đường 12A, đường 20 Quyết Thắng, sông Gianh, Nhật Lệ, bến phà Quán Hàu, Long Đại, Xuân Sơn, trận địa nữ pháo binh Ngư Thuỷ, lão dân quân Đức Ninh,  Đại đội 759 Thanh niên xung phong, Mẹ Suốt Anh hùng và các anh hùng liệt sỹ... Những tập thể, cá nhân anh hùng, liệt sĩ mãi mãi xứng đáng với quê hương của truyền thống cách mạng quật khởi và phong trào thi đua “Hai giỏi”. Sức mạnh vô cùng to lớn của thi đua là sức mạnh của đoàn kết toàn dân, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Quảng Bình yêu quê hương đất nước.

Ngày nay, nhân dân Quảng Bình đang ra sức thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta tuy có thế và lực mới, nhưng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn. Thi đua yêu nước sẽ là động lực mạnh mẽ giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới trong hơn 20 năm qua cũng chính là thành tựu của các phong trào thi đua đầy tính sáng tạo từ cơ sở, từ nhân dân.

Phong trào thi đua yêu nước đã trải qua những chặng đường dài vô cùng vẻ vang trong lịch sử dân tộc. 65 năm qua phong trào thi đua đã góp phần quan trọng thôi thúc, động viên sức mạnh tiềm tàng của nhân dân ta, lập nên những chiến công lừng lẫy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần kỳ, cũng như những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH, đặc biệt là những thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước luôn luôn có tác dụng động viên, cổ vũ sức mạnh, niềm tin tất thắng cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình phấn đấu vươn lên giành nhiều thắng lợi to lớn trong giai đoạn cách mạng mới. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua theo ngành, theo lĩnh vực, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ các phong trào thi đua yêu nước đã nở rộ những bông hoa điển hình tiên tiến có sức lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta. 

Trong những năm qua, kinh tế tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế- xã hội được quan tâm đầu tư và từng bước đồng bộ. Nhiều công trình, dự án mang tính động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đã đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Sông Gianh, Khu công nghiệp Tây - Bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cầu Nhật Lệ, cầu Kiến Giang, đường 12A, cảng Hàng không Đồng Hới, cảng biển Hòn La, khu du lịch Mỹ Cảnh... cùng nhiều công trình phục vụ cho phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao đang triển khai xây dựng và từng bước phát huy có hiệu quả.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và kiện toàn, chất lượng khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Các hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao, phục vụ kịp thời có hiệu quả cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Giải quyết việc làm và đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần; bộ mặt nông thôn mới, nhiều vùng quê đang từng bước được đổi mới, khởi sắc.

Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được củng cố, tăng cường. Chất lượng các tổ chức cơ sở đảng và Mặt trận, đoàn thể các cấp ngày càng được nâng cao. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, đoàn thể các cấp có nhiều đổi mới và tiến bộ. Thi đua, khen thưởng đã thực sự là động lực quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh.

Những việc làm cao đẹp của các chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến nhắc nhở mọi người, nhất là những cán bộ, công chức, phải đề cao trách nhiệm, tận tụy trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, xa rời dân, vi phạm quyền và lợi ích của nhân dân.

Để  phong trào thi đua thực sự mang lại hiệu quả, trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nắm vững Luật Thi đua, khen thưởng, xác định rõ công tác thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của mình, là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá hoạt động của tổ chức, đơn vị cũng như đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không chỉ thi đua trong những dịp kỷ niệm.

Thi đua diễn ra trong mọi công việc, ở mọi nơi, mọi lúc, mà hiện nay tập trung chủ yếu là trong việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở đó, đòi hỏi của nhân dân và mệnh lệnh của cuộc sống là nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng dịch vụ và cả nền kinh tế tỉnh ta. Đây cũng chính là nội dung thi đua và thước đo đánh giá phần đóng góp thiết thực của công tác thi đua. 

Đổi mới nội dung và hình thức khen thưởng là rất quan trọng, bảo đảm cho khen thưởng có tác dụng thực sự và tạo cho phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa thiết thực. Công tác khen thưởng phải thực sự khách quan, đánh giá đúng mức độ thành tích, không cảm tình, nể nang và kiên quyết chống các hành vi sách nhiễu, mua chuộc. Khen thưởng đúng, suy tôn đúng. Phương thức xét khen thưởng phải dân chủ, công khai, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, được mọi người thừa nhận, có sức cảm hóa và lan tỏa, giáo dục mọi người; tránh khen tràn lan, thành tích chưa nổi bật cũng đề nghị khen, càng tránh khen không trúng. Bởi vì, khen thưởng là đánh giá kết quả và là nhân tố thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. Khen thưởng đúng, kịp thời thúc đẩy thi đua sôi nổi, khen thưởng sai kìm hãm phong trào thi đua.

Cùng với việc khen thưởng của Nhà nước, cần coi trọng việc khen thưởng của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức nghề nghiệp. Hiện nay, đã có một số giải thưởng có uy tín cao trong xã hội và có sức động viên lớn. Những hình thức biểu dương và tôn vinh tập thể và cá nhân xuất sắc mang tính quần chúng sâu đậm cần được phát triển và đề cao hơn nữa.

Kết quả thực hiện các phong trào thi đua  phải được tiếp nối và phát huy trong cuộc sống, trên mọi mặt hoạt động của nhân dân tỉnh ta những tháng năm sắp tới, đưa tỉnh  nhà phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao, kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, gìn giữ môi trường, xây dựng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, mở rộng dân chủ và phát triển nguồn nhân lực. Đó chính là phương hướng và nội dung tổng quát của công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.

Kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh ta càng nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu đất nước, quê hương của quân và dân Quảng Bình quật khởi, kiên cường, xứng danh phong trào “Hai giỏi”, tiếp tục vươn tới như “gió Đại phong”, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước rộng khắp và có chiều sâu ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương, phấn đấu cao nhất nhằm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2013, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng quê hương Quảng Bình giàu đẹp.

                                                         Đặng Phúc Duệ                                     Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh

Video liên quan

Chủ Đề