Phương hướng đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh sinh viên

[HNNN] - Cùng với tri thức, kỹ năng mềm được xem là chìa khóa quan trọng giúp con người phát triển, mở ra cánh cửa dẫn tới thành công. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, để trở thành một người năng động, sáng tạo và làm chủ mọi tình huống, kỹ năng mềm còn là yếu tố quan trọng, quyết định việc thành bại trong quá trình làm việc. Chính vì thế, ngoài việc đào tạo, trang bị kiến thức chuyên ngành cho sinh viên, hiện tại một số trường đại học, cao đẳng, trường nghề đã khởi động công tác đào tạo “kỹ năng mềm” nhằm giúp sinh viên phát triển toàn diện, tự tin bước vào môi trường làm việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, đó chỉ là số rất ít.

Kỹ năng mềm, con đường dẫn đến thành công của nhân sự thời đại mới.

Kỹ năng quan trọng nhưng chưa được coi trọng

Trong xã hội hiện đại, kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao. Rất nhiều nhà tuyển dụng xem trọng những kỹ năng này và coi đó là yêu cầu tuyển dụng quan trọng. Anh Lê Ngọc Quang, Trưởng phòng Quản lý nhân sự, Công ty TNHH Công nghệ Việt [đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội] cho biết: Kỹ năng mềm là tổng hợp các kỹ năng giúp con người tư duy và tương tác để phục vụ cho công việc, cuộc sống. Kỹ năng mềm chủ yếu là những kỹ năng liên quan tới tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm nhưng là yếu tố quyết định bạn có thành công hay không. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là nhờ kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi kỹ năng mềm mà họ được trang bị.

Theo anh Quang, nhiều sinh viên sau khi đã ra trường, mặc dù rất tự tin với kiến thức mà họ đã được trang bị ở giảng đường đại học, tuy nhiên họ vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Có những sinh viên học rất tốt trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc trang bị kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng đối với mỗi sinh viên. Về cơ bản, nó không phải là một thứ mà các bạn sinh viên có thể học được qua sách vở, đó là khả năng ứng xử, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lãnh đạo, làm việc nhóm... được góp nhặt từ cuộc sống, kinh nghiệm của mỗi người. Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà tuyển dụng đều rất coi trọng kỹ năng mềm của ứng viên và xem đây là tiêu chí hàng đầu để đánh giá nhân lực.

Em Trần Mạnh Chiến, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Trước đây, em là người khá nhút nhát, ngại giao tiếp nhưng sau khi được học và hiểu thêm về kỹ năng mềm, em đã tự tin hơn. Qua sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô cùng với những trải nghiệm thực tế khi tham gia thuyết trình, phản biện trên lớp, cùng nhau làm việc theo nhóm..., giờ đây em đã có thể mạnh dạn nói trước đám đông, không ngại đưa ra quan điểm cá nhân và thoải mái hơn khi trao đổi với mọi người xung quanh”.

Đóng vai trò quan trọng đối với sự thành bại trên đường thành công của mỗi cá nhân, thế nhưng việc đào tạo, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên vẫn chưa được nhiều trường đại học, cao đẳng coi trọng. Theo nhà văn Di Li, giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, hiện nay con số các trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên rất ít, có chăng chỉ là tổ chức một vài buổi ngoại khóa hoặc nhà trường mời diễn giả tới phổ biến sơ lược cho sinh viên. Chưa kể, việc dạy kỹ năng mềm cho sinh viên hiện nay khá khô cứng, thiếu sức hút, thiếu chiều sâu. Bên cạnh đó, nhân lực đào tạo kỹ năng còn thiếu, thường là giáo viên trong trường kiêm nhiệm, hoặc thuê bên ngoài bởi hiện chưa có một cơ sở đào tạo chính quy nào dành cho các giảng viên chuyên đào tạo kỹ năng mềm. Đó cũng là lý do để Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội sẽ triển khai việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, có cấp chứng chỉ.

Biến kỹ năng mềm thành thế mạnh

Hầu hết nhà quản lý nhân sự và những người giàu kinh nghiệm đều khẳng định, cách duy nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời trước mọi tình huống. Nhà văn Di Li khẳng định: “Những kỹ năng này chúng ta không thể có được sau một vài khóa học, mà được trau dồi hằng ngày qua quá trình làm việc và đúc kết kinh nghiệm của chính bản thân. Không nên quan niệm rằng, việc học kỹ năng mềm giống như việc học những môn lý thuyết khác, mà nên học từ những người có kinh nghiệm thực tế thông qua việc tiếp cận, nói chuyện và chia sẻ với họ. Sau đó, hãy vận dụng một cách linh hoạt những điều đã học vào thực tế và biến những kỹ năng đó trở thành kỹ năng của chính mình”.

Tại Hội thảo “Kỹ năng - Thái độ quyết định thành công” tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, luật sư Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật InvestPro cũng khẳng định: “Để có sự thành công và chuyên nghiệp trong công việc, mỗi người cần phải sở hữu nhiều kỹ năng, đó có thể là thái độ nghiêm túc, tác phong chuẩn mực trong công việc hay sự nghiêm túc trong việc thực hiện giờ giấc, tôn trọng đối tác, đồng nghiệp... Đặc biệt, kỹ năng làm việc theo nhóm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, và cũng là một kỹ năng mà hầu như mọi sinh viên đều đang yếu. Kỹ năng này giúp cho tập thể làm việc hiệu quả”.

Còn anh Lê Ngọc Quang chia sẻ: “Đối với sinh viên, việc học và rèn luyện kỹ năng khi còn học ở trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, sinh viên trước hết phải xác định rõ ngành nghề, công việc mà mình học và muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng “cứng”, đâu là kỹ năng “mềm”. Chẳng hạn, với vị trí nhân viên phòng kinh doanh thì kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng chính là kỹ năng “cứng”, nhưng với vị trí lập trình viên máy tính thì đó lại là kỹ năng “mềm”. Việc xác định rõ “mềm”, “cứng” và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những mặt thiếu hụt của bản thân là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng để trau dồi kỹ năng “mềm”. Sinh viên phải tập kỹ năng hằng ngày, cũng như tập viết, tập đọc thì mới nhuần nhuyễn được. Để biến kỹ năng mềm thành thế mạnh của bản thân, mỗi người cần trang bị cho mình thái độ cầu tiến. Kỹ năng mềm có thể được học và rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và không chỉ bó hẹp trong ngần ấy tiêu chuẩn, chuẩn mực.

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 28-05-2020

Ngày nay, cùng với tri thức và thái độ tích cực, kỹ năng mềm được xem là chìa khóa quan trọng giúp người học không chỉ tồn tại mà còn phát triển và mở cánh cửa thành công. Để trở thành một người năng động, sáng tạo và làm chủ mọi tình huống, một trong những yêu cầu cần thiết là sinh viên phải có những kỹ năng tương ứng, trong đó kỹ năng mềm được xác định là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Theo từ điển Giáo dục học: “ Kỹ năng là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy cho dù đó là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ”. Kỹ năng mềm là những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn mà thiên về mặt tinh thần của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả. Đó chính là hành vi ứng xử của mỗi người, là cách tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, cách làm việc nhóm.

          Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, việc đào tạo kỹ năng mềm được đưa vào giảng dạy tại Khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa Tp.HCM và trở thành một yêu cầu của chuẩn đầu ra cho tất cả các chuyên ngành. Theo chương trình đào định hướng ứng dụng ngành Văn hóa học, sinh viên phải đáp ứng đầy đủ các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Bên cạnh chuẩn đầu ra về chuyên môn, về tin học và ngoại ngữ thì sinh viên phải có các kỹ năng mềm. Việc chú trọng định hướng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên là một trong những mục tiêu mà khoa Văn hóa học hướng đến. Chương trình đào tạo với các học phần tập trung vào kỹ năng như: Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng biên tập, Kỹ năng dẫn chương trình... , được sinh viên và các nhà tuyển dụng ủng hộ và đánh giá cao.

Chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên của khoa Văn hóa học được thiết kế linh hoạt, gắn với thực tiễn theo định hướng ứng dụng; giúp sinh viên xác định được mục tiêu, động lực học tập đúng đắn, phù hợp. Nâng cao kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, biết cách giải quyết vấn đề khó khăn trong học tập và các lĩnh vực khác của cuộc sống. Qua đó giúp sinh viên tự tin chuẩn bị được hồ sơ ấn tượng và trả lời phỏng vấn tìm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian hiệu quả ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngay từ những ngày đầu nhập học tại Khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Tp.HCM, các bạn tân sinh viên của khoa đã được tham gia các buổi học kỹ năng mềm trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa [kỹ năng học đại học hiệu quả]. Đối với sinh viên năm hai, năm ba, năm tư sẽ học các kỹ năng tạo dựng mối quan hệ và giải quyết vấn đề; Kỹ năng phỏng vấn xin việc; Kỹ năng quản lý thời gian và làm việc nhóm. Từ khi sinh viên được học các kỹ năng mềm, phần lớn sinh viên thích thú học và ứng dụng ngay trong cuộc sống. Khoa Văn hóa học đã xác định kỹ năng mềm là một môn học trong chương trình đào tạo của các chuyên ngành, có quy định cụ thể về số tiết, nội dung chương trình và được bố trí trong thời khóa biểu chính khóa. Ngoài những kỹ năng mềm mang tính chất chung như: Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giao tiếp…tất cả những kỹ năng này đều được Khoa chuyên môn mời chuyên gia về giảng dạy vào đầu năm học. Tuy nhiên mỗi chuyên ngành đều có một số kỹ năng đặc thù của chuyên ngành đó làm chuẩn đầu ra. Dựa vào đặc điểm nghề nghiệp, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp mà các kỹ năng mềm đó được lựa chọn giảng dạy với thời lượng nội dung và khung thời gian khác nhau. Các kỹ năng đó là:  kỹ năng phân tích, tổng hợp; kỹ năng phản biện; kỹ năng truyền đạt, thuyết phục và giải pháp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa như du lịch, điện ảnh, mỹ thuật, quảng cáo....Có thể thấy, hoạt động giảng dạy, đào tạo kỹ năng mềm phải xuất phát từ nhu cầu sinh viên và nhu cầu thị trường lao động. Sinh viên chỉ có thể tích cực tham gia học tập nếu những kiến thức và kỹ năng mềm đó là có ích, cần thiết cho nghề nghiệp, cho tương lai của họ. Chính kỹ năng mềm đã góp phần làm nên chất lượng giáo dục trong môi trường đại học. Từ đó, hoàn chỉnh dần khả năng của các em sau khi ra trường. Các em vừa tiếp cận được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa được đào tạo một thái độ tích cực.

Giảng dạy kỹ năng mềm khác nhiều so với giảng dạy các môn khoa học thuần túy, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế. Thêm nữa, hiện nay tại khoa Văn hóa học, việc tích hợp kỹ năng mềm vào các môn học chính khóa đang đươc áp dụng triệt để ở hầu hết các học phần. Việc tích hợp giúp cho người học có thể ứng dụng các kỹ năng mềm được biết vào những hoạt động thực tế. Qua đó, họ có thêm thời gian và hoạt động để hình thành kỹ năng một cách tốt nhất. Ví dụ như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian…Các bạn vận dụng ngay các kỹ năng mềm đó trong việc tiếp thu kiến thức của từng học phần. Các bạn chuyển từ hình thức học thụ động sang hình chức chủ động, lấy người học là trung tâm. Phương pháp này theo định hướng ứng dụng, giảng viên đổi mới cách dạy từ truyền thống sang dạy học tích cực. Tích hợp dạy kỹ năng mềm hiệu quả nó phụ thuộc nhiều vào giảng viên. Giảng viên là người đạo diễn và kiểm soát lớp để cuốn các bạn sinh viên tham gia. Tích hợp kỹ năng mềm vào việc giảng dạy là điều cần thiết, là môi trường để sinh viên rèn luyện kỹ năng ngay khi bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, việc tích hợp cần nhiều điều kiện từ phía giảng viên, từ phía người học. Đối với giảng viên cần phải có phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm. Phương pháp giảng dạy một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phát huy khả năng truyền đạt và lĩnh hội kiến thức. Ý thức được điều đó, giảng viên khoa Văn hóa học đã linh hoạt sử dụng các phương pháp giảng dạy như: Phương pháp làm việc nhóm, phương pháp thuyết trình/ vấn đáp, phương pháp kể chuyện, phương pháp trực quan... Bên cạnh đó giảng viên sử dụng các kỹ thuật giảng dạy như: Kỹ thuật bàn tay nắn bột, kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật công não, kỹ thuật chuyên gia, kỹ thuật các mảnh ghép…Việc rèn luyện các kỹ năng mềm có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cốt lõi là sinh viên phải dựa trên sự hiểu biết về kỹ năng đó, vạch ra các thao tác cần thực hiện, thực hiện một cách thường xuyên và liên tục các bài tập bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên. Từ đó giúp cho sinh viên có ý thức rèn luyện và vận dụng hiệu quả vào các tình huống khác nhau của cuộc sống. Đó cũng chính là chìa khóa giúp các bạn sinh viên mở cánh cửa tương lai và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.

                                                                                                                              Nguyễn Thị Ngọc Ánh-Giảng viên khoa Văn hóa học

Video liên quan

Chủ Đề