Phương pháp so sánh -- lịch sử trong ngôn ngữ học

TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ NGÔN NGỮHỌC

LÊ Đình Tư
[Trích từ: Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân. Nhập môn ngôn ngữ học. Hà Nội, 2009]

Ngôn ngữ có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội loài người nên từ lâu nó đã được con người quan tâm nghiên cứu. Ngay từ thời xa xưa, vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ đã được đặt ra.
Ở Ấn Độ, vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên [CN], người ta đã tiến hành miêu tả các quá trình phát âm những âm riêng biệt và lập được hệ thống phân loại các âm đó khá chuẩn xác. Phương pháp miêu tả của các nhà nghiên cứu ngữ âm Ấn Độ dựa trên sự quan sát bằng mắt và cảm nhận bằng tay các cơ quan phát âm trong quá trình phát âm. Từ những quan sát trực tiếp đó, dần dần người ta đã tiến tới nghiên cứu về mặt lý thuyết các vấn đề ngôn ngữ. Đỉnh cao của giai đoạn nghiên cứu ngôn ngữ ở Ấn Độ thời cổ là công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Phạn của Panini, xuất bản vào khoảng thế kỷ IV-V trước CN. Tiếp theo sau Panini, các nhà ngữ pháp Ấn Độ đã phát triển các lý thuyết nghiên cứu ngôn ngữ về mặt ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, trong đó có nhiều quan điểm cho đến nay vẫn còn được các nhà ngôn ngữ học đánh giá rất cao.
Cũng vào khoảng thời gian đó, ở những trung tâm văn hoá khác của thế giới, việc nghiên cứu ngôn ngữ cũng đã được khai triển. ở Trung Quốc, một số triết gia Cổ đại đã bàn về những vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ, như vấn đề quan hệ giữa tên gọi và hiện thực, vấn đề câu, vấn đề chữ Hán hay các vấn đề ngữ âm [ví dụ như Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử, Mặc tử, Công Tôn Long, Lý Đăng, Dương Hùng]. ở Hi Lạp Cổ đại, những triết gia có tên tuổi như Đêmôkrit, Hêraklit, Platon, Arixtốt, v.v cũng đã bàn tới mối quan hệ giữa tên gọi của các sự vật hay hiện tượng với bản thân các sự vật hay hiện tượng đó và khả năng áp dụng các nguyên tắc lôgích học để giải thích đặc điểm của các hình thức ngữ pháp. Đối với ngôn ngữ học châu Âu, cách tiếp cận này đã có ảnh hưởng rất lớn.
Nhưng nhìn chung, trong suốt giai đoạn này, ngôn ngữ được nghiên cứu không phải là từ nó và cho bản thân nó. Người ta đến với ngôn ngữ từ những góc độ hoàn toàn không phải là ngôn ngữ học mà là từ những góc độ của những lĩnh vực nghiên cứu khác như triết học, tôn giáo, thi pháp hay lôgích học.
Bước sang thời kỳ Trung Cổ, việc nghiên cứu ngôn ngữ ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là ở châu Âu và các nước Ả Rập. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các vấn đề ngữ pháp của ngôn ngữ. Dưới ảnh hưởng của truyền thống nghiên cứu ngữ pháp của Hi Lạp từ những thế kỷ trước, người châu Âu đã tiến hành nghiên cứu ngữ pháp tiếng Latinh. Nhiều vấn đề ngữ pháp đã được mở rộng, như vấn đề phân chia từ loại, các nguyên tắc cấu tạo từ hay các nguyên tắc kết hợp từ. Song suy luận lôgích vẫn là phương pháp chủ đạo trong các công trình nghiên cứu ngôn ngữ. Tại các quốc gia Ả Rập, do phải bảo vệ ngôn ngữ kinh Coran, một thứ ngôn ngữ thiêng liêng mà không một ai có thể chuyển dịch hoặc thay đổi được, nên người ta phải tiến hành mô tả thứ ngôn ngữ đó. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã lập ra những trường phái ngữ pháp để đào tạo các thế hệ trẻ làm nhiệm vụ nghiên cứu và giữ gìn sự tinh khiết của ngôn ngữ Coran. Tuy tập trung vào những vấn đề ngữ pháp, song họ cũng đã nghiên cứu một số mặt khác của ngôn ngữ, như mặt sinh học và âm học của các âm lời nói, hay tập hợp các từ thành từ điển. Bên cạnh các nhà nghiên cứu ngôn ngữ người Ả Rập còn có cả những người Do Thái, mà ngôn ngữ của họ tiếng Hebrai [tiếng Do Thái cổ] có quan hệ thân thuộc với tiếng Ả Rập. Người Do Thái đã nhận ra mối quan hệ thân thuộc đó qua việc so sánh tiếng Hebrai với tiếng Ả Rập và tiếng Aramê. Có thể nói, người Do Thái là những người đầu tiên tiến hành công việc so sánh trong nghiên cứu ngôn ngữ.
Thời kỳ Phục Hưng, việc nghiên cứu ngôn ngữ được mở rộng ra nhiều ngôn ngữ. Đồng thời với việc tiếp tục nghiên cứu các văn bản tiếng Latinh và tiếng Hi Lạp, người ta cũng bắt đầu nghiên cứu tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập. Vào các thế kỷ XVII-XVIII, việc nghiên cứu được mở rộng ra các thứ tiếng khác, như tiếng Pháp, tiếng Anh hay các thứ tiếng Xcăngđinavơ, v.v Đáng chú ý là trong thời kỳ này, do ảnh hưởng của các trường phái nghiên cứu ngữ pháp và trên cơ sở tư liệu tiếng Pháp, Latinh, Hi Lạp và Do Thái, A. Ácnôn [A. Arnauld] và Cl. Lăngxơlô [Cl. Lancelot] đã biên soạn và xuất bản vào năm 1600 tại Pari cuốn Ngữ pháp tổng quát và duy lý [Grammaire génrale et raisonnée], trong đó các tác giả đã tiến hành so sánh các ngôn ngữ với nhau để tìm ra những mô hình ngữ pháp đáp ứng các công thức lôgích, phù hợp với ý tưởng về việc xây dựng một lý thuyết ngữ pháp phổ quát cho mọi ngôn ngữ. Ý tưởng này đã gây tiếng vang lớn, và có thể nói đây là một trong những bước đi quan trọng đầu tiên tiến tới hình thành Ngôn ngữ học so sánh sau này. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một điều là trong thời kỳ này, cách tiếp cận lôgích học đối với các sự kiện ngôn ngữ vẫn bao trùm lên các trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ.
Cùng với việc mở rộng nghiên cứu các ngôn ngữ ngoài châu Âu [như các ngôn ngữ châu Mỹ hay châu Á], và đặc biệt là nhờ sự tiếp cận với tiếng Phạn, các nhà ngôn ngữ học châu Âu đã bước vào một thời kỳ nghiên cứu mới: thời kỳ nghiên cứu so sánh ngôn ngữ. Người có công đầu trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ học so sánh là G. V. Leibniz [1646-1716]. Chính ông đã nêu lên nguyên tắc khoa học là cần phải so sánh các sinh ngữ với nhau để tìm ra cội nguồn của ngôn ngữ. Hàng loạt các công trình nghiên cứu so sánh đã lần lượt ra đời. Người ta không chỉ so sánh các ngôn ngữ châu Âu với nhau mà còn so sánh chúng với các ngôn ngữ khác, như với tiếng Phạn hay với tiếng Ba Tư cổ, hoặc so sánh tiếng Phạn với các ngôn ngữ khác.
Tuy nhiên, những xu hướng nghiên cứu ngôn ngữ kể trên chưa thể được nhìn nhận như là một ngành khoa học độc lập, vì rằng trong các công trình nghiên cứu ngôn ngữ này còn thiếu hẳn một đối tượng được xác định rõ ràng, một phương pháp luận cũng như một hệ thống các phương pháp và thủ pháp nghiên cứu. Phải đến thế kỷ XIX, ngôn ngữ học mới tự khẳng định được là một bộ môn khoa học được tổ chức tương đối quy củ và có thể đứng độc lập. Đó là khi xuất hiện tại những vùng khác nhau của châu Âu những công trình nghiên cứu so sánh lịch sử.
Trước tiên, phải kể đến nhà ngôn ngữ học người Đức tên là F.Bopp, người đã dày công so sánh tiếng Phạn với các ngôn ngữ khác và đã trình bày các kết quả nghiên cứu so sánh đó trong các tác phẩm: Về hệ thống biến ngôi các động từ của tiếng Phạn so với hệ thống tiếng Hi Lạp, Latinh, Ba Tư và Đức [1816] và Ngữ pháp so sánh của tiếng Phạn, Zend, Acmêni, Hi Lạp, Latinh, Lítva, Xlavơ cổ, Gốt và Đức [1833-1852]. Ông là người đầu tiên hiểu được rằng việc nghiên cứu các mối quan hệ lẫn nhau giữa các ngôn ngữ châu Âu có thể trở thành một ngành nghiên cứu khoa học. Trước Bopp đã có W. Jones [người Anh] và cùng thời với Bopp còn có R.K. Rask [người Đan Mạch] cũng đã tiến hành nghiên cứu so sánh ngôn ngữ, song cả hai nhà ngôn ngữ học đó đều không đạt được tầm cỡ của Bopp, bởi vì họ không nâng được những quan tâm nghiên cứu so sánh của mình lên thành lý luận, làm cơ sở cho ngôn ngữ học so sánh. Tuy nhiên, nhiều nhà ngôn ngữ học lại coi R.K.Rask là người khởi đầu cho ngôn ngữ học lịch sử, vì ông nhiều lần nhấn mạnh đến sự cần thiết phải áp dụng các tiêu chí lịch sử trong các công trình nghiên cứu ngôn ngữ của mình, mà đáng chú ý nhất là tác phẩm Nghiên cứu sự hình thành của tiếng Thượng Đức cổ hay tiếng Aixơlen [1818], trong đó ông xác định mối quan hệ thân thuộc của một số ngôn ngữ, dựa trên những nét tương ứng về ngữ âm giữa chúng.
Bên cạnh các nhà ngôn ngữ học so sánh kể trên, còn có nhiều tên tuổi sáng giá khác mà nhờ có họ, thế kỷ XIX trở thành kỷ nguyên của ngôn ngữ học so sánh lịch sử. Đó là J. Grimm, tác giả cuốn Ngữ pháp tiếng Đức nổi tiếng, người được coi là ông tổ của ngôn ngữ học Đức. Thực ra, Grimm không chỉ nghiên cứu các vấn đề của tiếng Đức mà còn so sánh đặc điểm ngữ pháp của các ngôn ngữ trong nhóm ngôn ngữ Giécman [tiếng Gốt, Đức, Hà Lan, Anh, Frigơ, các ngôn ngữ Xcăngđinavơ]. Sau này, ông còn so sánh cả các yếu tố ngữ âm của tiếng Đức với các ngôn ngữ Ấn-Âu khác nữa. Ông đã rút ra quy luật biến đổi ngữ âm giữa các ngôn ngữ đó [được gọi là Định luật Grimm]. Đó còn là J. K. Zeuss, nhà ngôn ngữ học người Đức có công mở đầu cho ngữ pháp so sánh của các ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Xentơ; F. Diez, cũng là nhà ngôn ngữ học Đức và là người sáng lập ra ngôn ngữ học so sánh của các ngôn ngữ Rôman; J. Dobrovsky, nhà ngôn ngữ học người Séc, A. N. Vostokov nhà ngôn ngữ học người Nga và F. Miklosich, nhà ngôn ngữ học người Xlôvakia, những người đã có những đóng góp quan trọng đầu tiên trong việc nghiên cứu các ngôn ngữ Xlavơ. Ngoài ra, trong số các nhà ngôn ngữ học đại diện cho kỷ nguyên ngôn ngữ học so sánh-lịch sử còn có A. F. Pott, nhà ngôn ngữ học Đức, một trong số những người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu từ nguyên một cách khoa học.
Ngôn ngữ học so sánh-lịch sử đã phát triển nhanh chóng và đạt đến đỉnh cao vào năm 1863, khi A. Slaikherơ [A. Schleicher], một nhà lý luận ngôn ngữ học nổi tiếng người Đức, công bố tác phẩm Học thuyết Đác Uyn và ngôn ngữ học. Vốn là nhà ngôn ngữ học so sánh lịch sử và do ảnh hưởng của học thuyết Đác Uyn, Slaikherơ đã cố gắng đưa các phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên vào ngôn ngữ học, mà nhất là ngôn ngữ học so sánh lịch sử. Ông quan niệm ngôn ngữ cũng giống như một cơ thể sống: cũng sinh ra, phát triển và tàn lụi, và giống như con người, ngôn ngữ cũng có cây phả hệ: có ngôn ngữ thuỷ tổ, từ đó tách ra nhiều chi nhánh ngôn ngữ và do vậy, những ngôn ngữ này có quan hệ thân thuộc với nhau. Bởi thế, có thể tái tạo lại được ngôn ngữ thuỷ tổ [ví du: của các ngôn ngữ Ấn-Âu] và xác định được các dòng họ ngôn ngữ. Quan điểm của Slaikherơ đã gây tiếng vang lớn và ông đã có thêm nhiều môn đệ [ví dụ: J. Schmidt hay M. Muller]. Tuy nhiên, quan điểm nghiên cứu của Slaikherơ đã bị chính một số học trò của ông phê phán, vì có nhiều điểm không họp lý, nhất là quan niệm về bản chất tự nhiên của ngôn ngữ.
Phương pháp nghiên cứu so sánh lịch sử được các nhà ngôn ngữ học Đức trong nhóm Leipzig tiếp tục hoàn thiện thêm. Trong khi phê phán các quan điểm nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học đi trước, bổ sung những khiếm khuyết của họ và tìm tòi những hướng đi mới, các nhà ngôn ngữ học Leipzig đã làm cho phương pháp nghiên cứu so sánh lịch sử đạt đến độ chính xác cao của khoa học. Họ đã cố công nghiên cứu tỉ mỉ từng chi tiết của các ngôn ngữ qua tất cả các giai đoạn phát triển của chúng để tìm ra các quy luật ngôn ngữ. Các công trình nghiên cứu tỉ mỉ và tận tâm của họ đã mang lại kết quả không thể phủ nhận: họ đã tập hợp được nhiều kiến thức về hiện thực của các ngôn ngữ, mà từ đó có thể hình thành những quan điểm lý thuyết mới. Chính vì vậy, trường phái Leipzig được gọi là trường phái Ngữ pháp trẻ và được dành cho một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ học. Tuy nhiên, tên gọi Các nhà ngữ pháp trẻ không chỉ bao gồm nhóm những nhà ngôn ngữ học của trường Đại học tổng hợp Leipzig bắt đầu hoạt động vào những năm bảy mươi của thế kỷ XIX mà còn bao gồm tất cả các nhà ngôn ngữ học sau này có quan điểm và phương pháp nghiên cứu giống như họ.
Trước các nhà ngữ pháp trẻ một chút, có một nhà ngôn ngữ học nổi lên như là một trong những nhà lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành ngôn ngữ học hiện đại. Đó là nhà ngôn ngữ học Đức tên là W. von Humbôn [W. von Humdoldt], người được coi là nhà lý luận ngôn ngữ học lớn nhất của thế kỷ XIX và ông tổ của ngôn ngữ học đại cương. W. Humbôn đã tiến hành nghiên cứu một ngôn ngữ xa lạ đối với châu Âu lúc bấy giờ: tiếng Kavi ở Inđônêxia. Do được tiếp cận với những đặc điểm ngôn ngữ rất khác với các ngôn ngữ Ấn-Âu, Humbôn đã có cái nhìn khác về bản chất và chức năng của ngôn ngữ so với các nhà ngôn ngữ học đương thời. Ông không coi vấn đề lịch sử ngôn ngữ [lịch đại] là quan trọng nhất mà là tình trạng ngôn ngữ đặc trưng cho thời điểm nào đó [đồng đại]. Do vậy, ông đã đối chiếu các ngôn ngữ mà không phải để ý đến các mối quan hệ thân thuộc giữa chúng. Ông cũng không cho rằng có một thứ ngữ pháp phổ quát cho mọi ngôn ngữ mà mỗi ngôn ngữ có những cấu trúc ngữ pháp riêng. Do đó cần phải nghiên cứu ngữ pháp của các ngôn ngữ một cách độc lập. Hơn nữa, mỗi dân tộc có cách nhìn riêng đối với hiện thực khách quan, mà đó là do các yếu tố như tâm lý hay văn hoá, do đó cần phải gắn việc nghiên cứu lịch sử của một ngôn ngữ với việc nghiên cứu lịch sử văn hoá của dân tộc đó. Các quan điểm của Humbôn được nhiều nhà ngôn ngữ học tin theo, trong đó có nhiều nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, như L. Weisgerber, J. Trier, hay G. Ipsen.
Hầu như cùng thời với các nhà ngữ pháp trẻ, tại một trường đại học tỉnh lẻ ở Kazan, thuộc Nga, có một giáo sư ngôn ngữ học đã nghiên cứu các vấn đề ngữ pháp dưới góc độ hoàn toàn khác. Đó là J. Bôđuanh đờ Cuốctơne [J. Baudouin de Courtenay]. Khác với các nhà ngữ pháp trẻ chỉ quan tâm nghiên cứu về sự phát triển của ngôn ngữ, đờ Cuốctơne lại đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Ngôn ngữ là gì? Mối quan hệ của nó với toàn bộ hoạt động nói năng như thế nào? Đây là những vấn đề mấu chốt đối với việc xác định đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học và là căn cứ để khẳng định tư cách tồn tại của ngành khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ. Chẳng hạn, Đờ Cuốctơne đã phân biệt ngôn ngữ của tập thể và ngôn ngữ của các cá nhân, hoặc phân biệt sự khác nhau giữa việc xem xét các sự kiện ngôn ngữ trong quá trình phát triển [lịch đại] và xem xét các sự kiện ngôn ngữ tại một thời điểm nhất định [đồng đại]. Quan điểm của Đờ Cuốctơne về các vấn đề này đã vượt xa những quan niệm thời đó và cho đến bây giờ, nhiều ý kiến của ông vẫn còn giá trị. Có thể nói, chính Cuốctơne là người đã khai sinh ra ngôn ngữ học hiện đại, vì ông là người đầu tiên khơi lên các vấn đề mấu chốt nhất của ngôn ngữ học. Ông đã trình bày các quan điểm của mình trong tác phẩm: Thử tìm lý thuyết về sự luân phiên ngữ âm [1894].

Song, trong ngôn ngữ học, người ta lại coi năm 1916 là bước ngoặt quan trọng nhất của lịch sử ngôn ngữ học, vì đó là năm xuất bản cuốn Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của một giáo sư ngôn ngữ học người Thụy Sĩ tên là Phécđinăng đờ Xốtxuya [F. de Saussure]. Giáo trình không phải do tự tay tác giả viết ra mà là tập hợp các bài giảng của ông do hai sinh viên ghi chép được và biên soạn lại, rồi xuất bản thành sách sau khi ông qua đời. Với Giáo trình, lần đầu tiên trong suốt quá trình hình thành ngôn ngữ học, các quan điểm về bản chất của ngôn ngữ và phương pháp luận nghiên cứu ngôn ngữ được trình bày khá đầy đủ và có hệ thống. Nó đánh dấu một bước tiến dài trong ngôn ngữ học, và ngày nay, hầu hết các công trình nghiên cứu ngôn ngữ có tầm cỡ, dù chấp nhận hay phản bác các quan điểm của Xốtxuya, đều phải nhắc đến cuốn giáo trình của ông.
Có thể nói, đối với sự phát triển của ngôn ngữ học hiện đại, đóng góp quan trọng nhất của Xốtxuya là những quan điểm của ông về ngôn ngữ với tư cách là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Ông quan niệm ngôn ngữ là một hệ thống được tổ chức chặt chẽ, trong đó giá trị của một yếu tố ngôn ngữ phụ thuộc vào sự có mặt của các yếu tố ngôn ngữ khác. Về cơ bản, hệ thống ngôn ngữ dựa trên sự đối lập lẫn nhau giữa các yếu tố ngôn ngữ và giá trị của một yếu tố ngôn ngữ được xác định trên cơ sở của sự đối lập đó. Do vậy, ngoài việc nghiên cứu ý nghĩa, cần phải nghiên cứu cả giá trị của các yếu tố ngôn ngữ để hiểu được bản chất của chúng. Tuy nhiên, lời nói có tính hình tuyến, nghĩa là tất cả các yếu tố của lời nói được thể hiện kế tiếp nhau theo thời gian, do đó khi nghiên cứu ngôn ngữ cần phải lưu ý đến thực tế này, mà đặc biệt là đối với các đơn vị ngôn ngữ, bởi vì thông thường giá trị của đơn vị ngôn ngữ thay đổi khi nó được kết hợp với các đơn vị khác. Hơn nữa, ngôn ngữ là tài sản chung của cộng đồng; nó được hiện thực hóa trực tiếp trong lời nói, vốn là sản phẩm của cá nhân. Nói chung, lời nói phù hợp với các chuẩn mực do ngôn ngữ áp đặt, song bản thân hành động lời nói lại tạo cơ hội cho sự vi phạm chuẩn mực, bởi vì các cá nhân có thể bắt đầu một sự thay đổi nào đó, rồi sau đó được người khác noi theo. Chính vì vậy, tuy giữa ngôn ngữ và lời nói có mối quan hệ mật thiết, song cũng có nhiều điểm khác nhau. Vì lý do đó, khi nghiên cứu cần phải phân biệt ngôn ngữlời nói: Lời nói là cái có thể quan sát một cách trực tiếp, do đó có thể làm đối tượng nghiên cứu trực tiếp của ngôn ngữ học, còn ngôn ngữ là cái ẩn chứa trong lời nói và trong các thành viên của công đồng, do đó không thể nghiên cứu một cách trực tiếp mà chỉ có thể nghiên cứu một cách gián tiếp thông qua việc nghiên cứu lời nói. Ngoài ra, ngôn ngữ lại có thể được nghiên cứu ở hai mặt: đồng đại và lịch đại. Đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học đồng đại [hay tĩnh trạng] là tình trạng của ngôn ngữ tại một thời điểm, còn của ngôn ngữ học lịch đại [hay diễn trình] là lịch sử của ngôn ngữ. Ngoài ra, về mặt lý luận, F. đờ Xốtxuya còn là người đầu tiên nêu lên vấn đề bản chất tín hiệu của ngôn ngữ, coi ngôn ngữ là một loại tín hiệu và do đó, có thể coi nó là đối tượng nghiên cứu của một lĩnh vực khoa học mới môn tín hiệu học.
Như vậy có thể nói, nhờ có W. Humbôn, B. đờ Cuốctơne và F. đờ Xốtxuya, ngôn ngữ học đã thực sự trở thành một ngành khoa học: Nó có một đối tượng nghiên cứu được xác định một cách rõ ràng, có phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu những khía cạnh hay những mặt cụ thể của ngôn ngữ. Ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển của ngôn ngữ học là rất to lớn. Do ảnh hưởng của các quan điểm nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học này, mà nhất là của F. đờ Xốtxuya, một khuynh hướng nghiên cứu mới đã ra đời và chi phối hầu như toàn bộ nền ngôn ngữ học hiện đại: khuynh hướng cấu trúc luận với các biến tướng khác nhau của nó. Một loạt các trường phái ngôn ngữ học có khuynh hướng cấu trúc luận được hình thành ở châu Âu và Mỹ. Cú thể kể ra một số trường phái đó như: trường phái cấu trúc-chức năng Praha [Séc], với các đại diện chính là N. S. Trubetzkoy, R. Jakobson và V. Mathesius; trường phái cấu trúc Côpenha [Đan Mạch] thường được gọi là trường phái ngữ vị học mà đại diện là L. Hjelmslev; trường phái cấu trúc Mỹ [còn gọi là trường phái miêu tả Mỹ] với các tên tuổi nổi tiếng như E. Sapir], L. Bloomfield, hay Z. S. Harris. Ở Nga, trong những thập niên năm mươi và sỏu mươi của thế kỉ hai mươi, khuynh hướng cấu trúc luận cũng chi phối hầu hết các trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ quan trọng nhất.
Bên cạnh các trường phái ngôn ngữ học cấu trúc kể trên, còn có một số khuynh hướng nghiên cứu khác cũng khá thịnh hành, chẳng hạn như ngôn ngữ học cấu trúc-chức năng ở Pháp với đại diện chính là A. Martinet, hay trường phái ngữ cảnh luận Luân Đôn với đại diện là J. R. Firth, và đặc biệt là trường phái ngữ pháp tạo sinh-cải biên của N. Chomsky [Mỹ], một khuynh hướng nghiên cứu ngữ pháp rất được chú ý trong những thập niên sáu mươi và bảy mươi của thế kỉ trước, nhưng sau đó bị phê phán và mất dần ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong tất cả các khuynh hướng nghiên cứu này, người ta đều có thể tìm thấy những nét chung với khuynh hướng cấu trúc truyền thống. Hay nói một cách khái quát hơn, dù đi theo khuynh hướng này hay khuynh hướng khác thì mục đích chủ yếu của ngôn ngữ học thế kỷ hai mươi vẫn là xác định hệ thống ngôn ngữ, bởi thế không thể không nghiên cứu cấu trúc của nó.
Ngày nay, để có thể xác định hệ thống ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học vẫn đang tiếp tục đi vào giải quyết những vấn đề cụ thể của ngôn ngữ và đồng thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra liên quan đến ngôn ngữ . Các cách tiếp cận khác nhau với ngôn ngữ nói chung và với từng bộ phận cấu thành của ngôn ngữ núi riêng đã thúc đẩy sự hình thành những xu hướng nghiên cứu mới xoay quanh những vấn đề ngôn ngữ chưa được nghiên cứu đầy đủ, chẳng hạn như những xu hướng tiếp cận mới với các vấn đề ngữ nghĩa, ngữ dụng hay ngữ kết. Xu hướng nghiên cứu liên ngành cũng đang trở thành một thực tế hiển nhiên. Sự xuất hiện của những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, trong đó có sự kết hợp của hai hoặc ba lĩnh vực nghiên cứu, ví dụ như: ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học nhân chủng/ ngôn ngữ học nhân học, ngôn ngữ học tri nhận, càng làm cho vị trí của ngôn ngữ học trở nên vững chắc trong đời sống khoa học. Có thể thấy rằng ngôn ngữ học hiện đại một mặt tự phân ra thành những chuyên ngành nghiên cứu ngày càng hẹp, tương đối độc lập với nhau, nhằm giải quyết triệt để hơn các vấn đề ngôn ngữ, nhưng mặt khác lại có xu hướng thoát ra khỏi cái thứ chủ nghĩa biệt lập về trường phái cũng như về lĩnh vực nghiên cứu. Cho nên, trong các công trình nghiên cứu hiện nay, có thể nhận thấy sự kết hợp của nhiều phương pháp, thủ pháp nghiên cứu trong khuôn khổ một phương pháp luận nhất định. Đồng thời, xu hướng nghiên cứu liên ngành kết hợp ngôn ngữ học với các ngành khoa học khác cũng đang hứa hẹn những bước phát triển mới của khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ.

________________________________________________

Posted in 1, Nhập môn ngôn ngữ học | Thẻ: Lịch sử ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học so sánh-lịch sử, Ngữ pháp tạo sinh, Tân ngữ pháp, Đối chiếu ngôn ngữ | Leave a Comment »

Video liên quan

Chủ Đề