Review sách Ông già và biển cả Ernest Hemingway

Mình biết đến tác phẩm này qua đoạn trích trong sách Ngữ Văn, nhưng lần này, tự đọc toàn bộ tác phẩm, mình mới thật sự thấy nó hay mà không phải do đọc văn mẫu.

Santiago là một ngư dân già, hình ảnh ông một mình một thuyền câu cá trên biển sao mà cô đơn, khắc khổ, đã vậy tám mươi tư ngày qua, ông không câu được con cá nào. Tác giả dường như muốn đẩy ông đến tận cùng cái khổ. Để rồi đến ngày tám mươi lăm, tác giả lại cho ông bắt được con cá kiếm khổng lồ, hiếm thấy. Con cá được miêu tả một cách đẹp đẽ và lộng lẫy, tượng trưng cho khát vọng của con người. Tác giả bắt ông lão phải già để loại bỏ phần sức mạnh và tinh anh của ông khi còn trẻ, ông chỉ có ý chí, sự nhẫn nại và kinh nghiệm để chịu đựng, chinh phục con cá. Trong ba ngày đêm bị con cá kéo đi, ông lão phải chiến đấu với chứng chuột rút và những cơn đau trên cơ thể, phải chiến đấu với những cảm xúc và suy nghĩ bên trong như sợ hãi, mệt mỏi, buồn bã, cô đơn, tuyệt vọng…Con người phải chiến đấu cả với chính mình. Đọc đến đoạn này, mình không thể không khâm phục trước sức mạnh ý chí của ông, và đó cũng chính là điểm khác biệt để ông đánh bại con cá. Chưa kịp tận hưởng thành quả của mình, ông lão lại phải chiến đấu với đàn cá mập đến xâu xé con cá của ông.

Mặc dù đã già, ông lại là một thợ câu cá lão luyện, ông hiểu và yêu đại dương đến từng chi tiết. Tác giả cũng phải là người yêu đại dương nhiều lắm mới có thể tả cảnh đại dương sinh động đến thế, từng sinh vật được miêu tả có cá tính riêng và cả những tập tính chung của chúng, chỉ cần chúng chuyển động nhẹ, ông cũng có thể hiểu nó là ai và nó muốn gì. Cũng trong lúc một mình đối mặt với đại dương như thế, ông chiêm nghiệm về quy luật của tự nhiên và ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của sự may mắn.

Vốn dĩ, con cá là một khát vọng vượt quá khả năng, ông để nó kéo đi quá xa, thu hút những con cá mập, cũng như cuộc đời tồn tại những người có cùng khao khát giống như mình, và họ thì có khả năng giành lấy nó từ tay mình.

Có lẽ người nào có đủ kiên trì để theo dõi câu chuyện của một ông già và hành trình đơn độc 3 ngày 2 đêm trên biển thì tâm hồn cũng đã “già” yêu thương lắm rồi!

Ông già – Biển cả, 1 vừa nhỏ bé và già nua, 1 lại vĩ đại và vĩnh cửu. Hai hình ảnh đối lập ấy làm người ta ấn tượng lập tức với nhan đề của cuốn sách. Nhưng khi gấp cuốn sách lại, người ta chợt nhận ra lý do mà 2 hình ảnh quá khác biệt ấy được đặt cùng với nhau. Đó là sự tương đồng về tầm vóc của ý chí con người với sự rộng lớn của đại dương mênh mông.

Như thường lệ, tôi chẳng bao giờ đi sâu vào cốt truyện của một tác phẩm văn học, mà thích phân tích ý nghĩa của tác phẩm đó hơn. Nhưng cốt truyện của “Ông già và Biển cả” có gì? Chỉ là một ông lão trên con thuyền nhỏ của mình, trong chuyến đi câu và chiến đấu với một con cá kiếm lớn. Chiến thắng nó nhưng cuối cùng lại mang về vẻ vẹn chỉ có một bộ xương khổng lồ. Ai mà lại đi theo dõi một câu chuyện như vậy cơ chứ? Ai mà lại đi trao giải Nobel cho Hemingway vì tác phẩm ấy cơ chứ?

Đã thế đen đủi làm sao người ta lại đưa tác phẩm ấy vào cuốn Ngữ văn 12. Khi đầu óc của các sĩ tử còn đương ngập chìm trong những công thức toán học, những phản ứng hoá học và hiện tượng vật lý… để chuẩn bị cho kì thi vượt vũ môn; thì mấy người còn RAM để lưu trữ và cảm nó nữa. Và tôi cũng chẳng phải ngoại lệ…

Ấy vậy mà khi người ta lớn lên, tình hình có vẻ cũng không khá hơn quá nhiều; nó chuyển thành trạng thái quay cuồng với cơm áo gạo tiền. Bởi vậy review một cuốn sách, tôi chỉ muốn đưa ra những điều mình cảm được, và muốn ghi nhớ sâu sắc ở thời điểm đó mà thôi. Rồi sau cùng chúng ta cũng chỉ nhớ có vậy, và như thế đã là tốt lắm rồi.

1. Thứ duy nhất người ta có thể bảo vệ và làm nó đẹp hơn trước sức tàn phá của thời gian là “tâm hồn”

Ông lão Santiago hiện lên với vẻ già nua, làn da cháy nắng của biển cùng những vết sẹo đã cũ kĩ. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn tinh anh. 84 ngày liền không câu nổi một mống cá, mất đi người đồng hành trong chuyến ra khơi khó khăn nhất. Nhưng lão vẫn thầm nghĩ:

“Mỗi ngày là một ngày mới. Gặp may thì tốt hơn. Nhưng mình ưa sự chính xác. Để khi vận may đến thì mình đã sẵn sàng.” Đôi mắt màu nước biển và dường như nó luôn ánh lên niềm hy vọng và lạc quan.

Khi thân thể già nua của người ta chết đi, thứ duy nhất người ta còn có thể hiến cho người khác là giác mạc, một phần của đôi mắt. Đôi mắt, chẳng phải là thứ duy nhất được người ta ví với “Cửa sổ của tâm hồn” đó sao?

Đôi mắt thật ra là một hiển thị của tâm hồn. Đôi mắt tinh anh của Santiago là hiển thị của tâm hồn lạc quan, yêu biển cả, yêu lao động… và trái tim dũng cảm của lão.

Có lẽ vì vậy mà nếu đời này người ta có thể lưu lại một điều gì đó, thì tâm hồn nên là và xứng đáng là thứ đó!

Hãy tạo và giữ cho mình một tâm hồn lạc quan như ông lão Santiago nhé ^^

2. Thất bại và thử thách cũng xứng đáng được yêu thương như thành công vậy

Con cá Kiếm khổng lồ khiến lưng ông lão tê dại, khiến tay trái chuột rút và tay còn lại ứa máu không ngừng. Nó chiến đấu với ông, khiến đầu ông căng lên vì thiếu ngủ, kéo con thuyền của ông đi xa vô định, rút cạn những giọt sinh lực cuối cùng của một thân thể vốn đã rệu rã…

Ấy vậy mà ông vẫn thầm thì với nó, gọi nó là “một người bạn”. Tôn trọng nó và chiến đấu với nó, coi nó như một đấu sĩ kiên cường và đầy oai hùng. Cảm thấy đầy tội lỗi khi đâm mũi lao vào tim và kết thúc sinh mạng của nó…

Trong chúng ta có mấy người yêu thương và trân trọng những thử thách và thất bại trong cuộc đời như thế? Khi mà còn đang vật lộn và chiến đấu với nó thì lại càng không…

Nhưng Santiago làm được. Con cá càng mạnh mẽ, càng khổng lồ, càng ngoan cường thì chiến thắng của lão lại càng rực rỡ.

3. Cuộc sống không dễ dàng, nếu nó dễ dàng nghĩa là đang có người khác gánh đỡ phần khó khăn cho bạn. Hãy trân trọng họ.

Có lẽ phải gần một chục lần, lặp đi lặp lại cả khi đang chiến đấu với con cá và khi phải cố gắng mang nó vào bờ; ông lão đã thì thầm ao ước “Giá ta có thằng bé ở đây!”.

Thằng bé là người bạn đồng hành cùng ông trong mỗi chuyến đi biển trước đây. Giá như có nó ở đó ông đã không bị con cá kiếm kéo đi quá xa và không kiệt quệ, không mang về chỉ một bộ xương khổng lồ chẳng đáng một xu…

4. Mỗi lần đọc, mỗi thời đại, mỗi bối cảnh thì tác phẩm văn học lại mang lại giá trị rất khác nhau

Dù rất muốn dối lòng rằng ông lão đã chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng con cá Kiếm khổng lồ, thế là đủ. Nhưng chắc chắn rằng chẳng ai lại không day dứt sót thương trước những viết thương rỉ máu trên bàn tay ông, trước những cố gắng tới giọt sinh lực cuối cùng để đổi lại chỉ là một bộ khung xương khổng lồ không còn giá trị…

Hình ảnh những con cá mập hung tợn tới xâu xé thành quả lao động của ông tượng trưng cho điều gì? Những cố gắng chống trả đầy bất lực và nghiệt ngã của ông tượng trưng cho điều gì?

Ở thời đại ngày nay có lẽ bất công cho những người lao động như ông, như ai đó trong các bạn thôi, vẫn đang còn đầy rẫy.

5. Nhưng vượt lên trên tất cả là vẻ đẹp của người lao động và tâm hồn của họ

Dường như cả câu chuyện là lời thì thầm tâm sự của lão với biển cả, với sóng nước, với con cá lão câu, với chú chim trên trời vô tình ghé qua. Với trăng với sao với mây trời. Với lão thiên nhiên là đối thủ, là kẻ thủ, là cô gái và là người để yêu thương.

Trong lao động lão ca hát, lão tự kể chuyện cho mình nghe. Và lão bênh vực cho sứ mệnh trong công việc của lão khi mà trái tim lão bị giằng xé lúc phải tước đi một sinh mệnh từ thiên nhiên.

Tình yêu lao động đơn giản là thế.

Ông già và Biển cả [tên tiếng Anh: The Old Man and the Sea] là một tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951 và xuất bản năm 1952. Nó là truyện ngắn dạng viễn tưởng cuối cùng được viết bởi Hemingway. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Tác phẩm này đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1953. Nó cũng góp phần quan trọng để nhà văn được nhận Giải Nobel văn học năm 1954.

Trong tác phẩm này, ông đã triệt để dùng nguyên lý mà ông gọi là “tảng băng trôi”, chỉ mô tả một phần nổi còn lại bảy phần chìm, khi mô tả sức mạnh của con cá, sự chênh lệch về lực lượng, về cuộc chiến đấu không cân sức giữa con cá hung dữ với ông già. Tác phẩm ca ngợi niềm tin, sức lao động và khát vọng của con người.

Tác phẩm “Ông già và biển cả” với tên tiếng Anh là “The Old Man and the Sea” được viết bởi nhà văn người Mỹ – Ernest Miller Hemingway. Đây là một tiểu thuyết ngắn được ông viết vào năm 1951 tại Cuba và được xuất bản vào một năm sau đó. “Ông già và biển cả” được coi là tác phẩm thành công nhất của Ernest Hemingway. Tác phẩm này giúp Ernest Hemingway mang về giải thưởng Pulitzer, cũng như góp phần để giúp ông nhận được giải Nobel Văn học năm 1954.

Tại Việt Nam, “Ông già và biển cả” được phát hành năm 1999 bởi Nhà xuất bản Văn học, do Lê Huy Bắc và các cộng sự của ông biên dịch.

Xem thêm: Những tác phẩm văn học ngắn cho người bắt đầu đọc

Santiago – ông lão mạnh mẽ, kiên cường, luôn quyết tâm theo đuổi mục tiêu

Mở đầu câu chuyện như thế này: “Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng nhiệt lưu, đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào”. Không những vậy, người bạn đồng hành của lão phải rời xa trước khi bắt đầu chuyến đi. Mở đầu khiến chúng ta ít nhiều cảm thấy bi quan, chán nản. Tuy vậy, Satiago không như thế, lão mạnh mẽ đến lạ thường, đôi mắt lão cho biết điều đó: “Mọi thứ trên người lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt”. Lão lao động không ngừng mệt mỏi, bất chấp thời gian và tuổi tác để được chạm tay tới thành công“.

Mạch truyện chính tập trung vào cuộc chiến của lão Santiago và con cá kiếm khổng lồ. Cuộc chiến diễn ra căng thẳng, miệt mà kéo dài cả ngày lẫn đêm. Con cá quá mạnh mẽ trong khi sức lão cạn dần. Nó kéo con thuyền và cả lão đi rất xa khỏi đất liền.  Thế nhưng, sau 3 ngày 2 đêm, lão đã chiến thắng, chiến thắng bằng niềm tin, chiến thắng bằng chính sự dùng cảm và nỗ lực không ngừng nghỉ mà lão bỏ ra. Điều đóthể hiện một chân lý: “Cuộc sống này chỉ thực sự kết thúc khi chúng ta thôi không còn ước mơ, thôi không còn hy vọng.”

Lại nói về đối thủ của ông lão Santiago, ai chắc hẳn cũng sẽ ấn tượng với nhân vật đặc biệt này. Bởi nó không phải chỉ là một sinh vật giữa đại dương, một đối tượng đi săn thông thường của những người đánh cá. Đối thủ ấy – con cá kiếm toát lên vẻ đẹp dũng mãnh, hiên ngang đối diện với hiểm nguy rình rập. Nó cũng giống như ông lão Santiago, tận hết khả năng để khẳng định chính mình, chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng. “Khi ấy, con cá mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Nó dường như treo lơ lửng trong không trung, phía trên ông lão và chiếc thuyền. Thoáng chốc, nó rơi sầm xuống làm nước bắn tung, trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền”. Santiago từng gọi con cá kiếm là “người anh em”, dù là đối thủ nhưng ông lão vẫn luôn luôn tôn trọng và khâm phục sức mạnh của nó.

Thế nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi người đọc chưa kịp vui mừng phấn khởi cho thành quả của Santiago thì ông lại phải đối mặt với thử thách khác: những con cá mập của đại dương kéo đến tranh giành thành quả với ông. Chúng lần lượt kéo đến con này đến cặp khác rồi cả một bầy cá mập đi săn. Liệu ông lão có một lần nữa vượt qua được hay không? Khi mà xác thân đã rã rời sau 3 ngày chiến đấu liên tục với con cá kiếm? Bạn hãy tiếp tục tự mình khám phá nhé.

Và cho dù kết quả như thế nào, ông cũng không thất vọng hay bi quan. Ở cuối câu chuyện, sau khi đã nghỉ ngơi một tối, ông lão liền tiếp tục lên kế hoạch cho những việc khác, nghĩ ngay đến việc rèn lại một ngọn lao thật tốt… để chuẩn bị cho những cuộc chinh phục mới. Thật khâm phục ông, một con người già nua bé nhỏ nhưng nghị lực mạnh mẽ và không bao giờ từ bỏ hy vọng.

Santiago – ông lão yêu và sống hòa mình cùng thiên nhiên

Ngoài những đặc tính tốt đẹp trên, ông lão Santiago còn là một người yêu đại dương – sống hòa mình vào biển cả. Lão tự tìm cho mình niềm vui trên những chuyến ra khơi bằng những câu hát, bài ca, thể hiện niềm say sưa yêu đời. Lão quan sát, cảm nhận từng thay đổi của tự nhiên. Lão hiểu rõ đặc tính của từng loài, cách chúng di chuyển, bắt mồi hay cả những độc tính, dấu hiệu dư báo của muôn loài ở biển cả.  “Lão yêu giống rùa xanh lưng khòm, duyên dáng, nhanh nhẹn. Lão cũng xót thương cho cả họ hàng nhà chúng…” hay “Cái giống sứa lấp lánh ngũ sắc trong thật đẹp. Nhưng chúng là loài man trá nhất đại dương…” Để rồi từ đó, lão không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, không bao giờ ngừng khát khao và ước mơ được chinh phục biển cả.

Lời kết

Ông già và biển cả chỉ hơn 100 trang nên không tốn quá nhiều thời gian để đọc. Nhưng chúng ta chắc sẽ tốn khá nhiều thời gian để suy ngẫm về những thông điệp mà Hemingway gửi gắm. Nhắc đến Hemingway, người ta nghĩ ngay đến nguyên lý “tảng băng trôi”. Phát biểu này được biết đến dựa trên một hiện tượng vật lý, khi một tảng băng trôi trên đại dương thì chỉ có một phần nổi trên bề mặt, bảy phần chìm khuất. Trong văn học, điều đó có nghĩa là mạch ngầm văn bản hay những lớp nghĩa bị nhà văn giấu kín, chưa được phô bày ra, đòi hỏi sự suy ngẫm rất lớn ở bạn đọc.

Qua Santiago, ta thấy được ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của con người. Dân làng chài chẳng ai tin ở ông, chẳng ai hy vọng ở ông, duy chỉ có cậu bé Manolin là cho ông sự tin tưởng và yêu thương, dù vậy, ông vẫn luôn tin vào chính mình. Niềm tin ấy giúp ông có thêm sức mạnh vượt qua bão tố của biển khơi và cả những cơn bão lòng mỗi khi mệt mỏi, yếu đuối. Ông đã ngộ ra rằng: Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục.

Bạn có muốn sống một cuộc đời như thế không?

Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích

Video liên quan

Chủ Đề