Sách Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh

Nhà xuất bảnKích thướcHình thức bìaNgày xuất bảnSố trangTrọng lượng
Nxb Trẻ
19x24 cm
Bìa mềm
2021
720
1600 gr

Công trình Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh ra đời nhằm mục đích giới thiệu lịch sử nước nhà một cách ngắn gọn, sinh động, có hệ thống, qua nhiều chuyện kể súc tích và bằng những tranh vẽ minh họa. Phản ánh con người và đất nước Việt Nam theo đúng tiến trình lịch sử với không gian, văn hóa, y phục, tính cách phù hợp với từng thời kỳ, từng triều đại cụ thể.

Bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh dự kiến thực hiện xuyên suốt từ người cổ Việt Nam qua các thời đại đồ đá, đồ đồng đến thời Hùng Vương dựng nước, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc đến thời kỳ độc lập tự chủ của các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn và cuối cùng là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước vừa qua.

Bộ sách được chia làm nhiều tập, mỗi tập viết về một thời kỳ hay một nhân vật, một vấn đề tiêu biểu của thời kỳ đó. Mỗi tập có cấu trúc độc lập riêng nhưng hài hòa trong một tổng thể chung là Lịch sử Việt Nam. Trong quá trình biên soạn, các tác giả còn chú ý thể hiện các đặc điểm văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán tiêu biểu của từng thời kỳ lịch sử.

Nhà sách TicTak hân hạnh giới thiệu ..


 

Đây là chương trình Văn Hoá Việt do Trường Truyền Thống Việt phụ trách. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của đài SaiGonHouston.

Thưa quý thính giả,

Trong những lần phát thanh năm 2011 và 2012, chúng tôi đã có nhiều dịp để giới thiệu đến quý thính giả những quyển sách về lịch sử Việt Nam. Có những quyển viết bằng chữ Hán như bộ Đại-Việt Sử-ký do các sử thần đời Trần và đời Lê biên soạn, bộ Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục do sử thần nhà Nguyễn biên soạn, sách sử bằng tiếngViệt như quyển Việt-Nam Sử-lược của học giả Trần Trọng Kim, bộ Việt-sử Tân-biên của sử gia Phạm Văn Sơn, bộ Việt-sử Khảo-luận của luật-sư Hoàng Cơ Thụy.

Về các sách viết về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị quyển sách có tựa đề : A History of Vietnam, From Hong Bang to Tu Duc của tác giả Oscar Chapuis, rồi đến quyển The Birth of Vietnam của GS. Keith Weller Taylor.

Chúng tôi cũng đã giới thiệu quyển Connaissance du Viet-Nam của BS. Pierre Huard và học giả Maurice Durand, quyển Southeast Asia in the Age of Commerce của GS. Anthony Reid.

Hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu đến quý thính giả của đài SGHouston một quyển sách lịch sử Việt Nam viết bằng tiếng Anh, có mặt trên thị trường sách trong thời gian gần đây.

Hai tác giả của quyển Vietnam History là BS. Hồ Văn Hiền và BS. Đặng Văn Chất.

Hôm nay chúng tôi hân hạnh mời được BS. ĐặngVăn Chất đến với chương trình Văn Hoá Việt để nói về quyển sách Vietnam History.

 

Chúng tôi xin mời BS. Chất lên tiếng chào quý thính giả của đài SGHouston …

Thưa quý thính giả, tôi là BS. ĐặngVăn Chất xin kính chào quý thính giả của đài SGHouston từ Nam Cali, thành phố Los Angeles.

Cám ơn Chị Quý Linh đã cho tôi cơ hội trình bày trong chương trình Văn Hoá Việt do Trường Truyền Thống Việt phụ trách.


 

Chúng tôi xin phép để giới thiệu về BS. Đặng Văn Chất…

BS. Đặng Văn Chất, tốt nghiệp Y Khoa Sàigòn năm 1972, nguyên Y S ĩ Trung Úy giải phẩu Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, hiện làm việc cho Los Angeles County. BS Chất là GS lâm sàng nội khoa của Đại Học UCLA và GS thực thụ y khoa cấp cứu [Emergency Medicine] Đại Học Charles Drew University, Los Angeles.

 

Nhân dịp này chúng tôi cũng xin giới thiệu với quý thính giả về BS. Đặng Văn Chiếu, thân phụ của BS. Đặng Văn Chất…

BS. Đặng Văn Chiếu sanh năm 1919, mất năm 2004, hưởng thọ 85 tuổi. Trước 1975, BS Chiếu có phòng mạch ở đường Gia Long, Sàigòn. Tại Hoa Kỳ, BS Chiếu làm trưởng khu Giải Phẩu Thần Kinh Bệnh Viện Fresno Valley Medical Center ở miền Trung California.

BS Chiếu là cựu Giáo Sư và Khoa Trưởng Đại Học Y-Khoa Sàigòn. Sau 1975, GS Chiếu giử vai chủ tịch Hội Đồng Khoa Lưu Vong của Trường Y Khoa Sàigòn và đã giúp nhiều BS Việt Nam tỵ nạn trở lại nghề Y trong những năm đầu định cư ở Hoa Kỳ.

  1. Xin BS. Chất cho quý thính giả của đài SG Houston biết lý do nào BS. và BS. Hồ Văn Hiền cho xuất bản quyển Vietnam History?

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả,

Từ nhỏ, Bác sĩ Hồ Văn Hiền và tôi thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và cũng như nhiều học sinh trung học Việt Nam, rất thích đọc quyển “Việt Nam Sử Lược” của học giả danh tiến Trần Trọng Kim. Cụ Trần Trọng Kim cũng là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam.

Do sở thích đó, 7 năm trước chúng tôi đã viết vài bài bằng Anh ngữ đề cập đến một vài khía cạnh lịch sử của quê cha, đất mẹ cho thế hệ sau ở hải ngoại mà chúng tôi biết dù có thể nói tiếng Việt rất thành thạo nhưng phần đông vẫn không đọc được Quốc ngữ.

Đến một thời điểm nào đó trong cuộc sống, người trẻ [cũng như chúng ta từng trải qua], sẽ muốn tìm hiểu về nguồn gốc, về quá khứ của mình. Họ cũng có thể phải trả lời những câu hỏi do bạn bè từ xứ khác đặt ra về xứ sở, văn hoá nguồn cội của mình, xem dân Việt chúng ta, ngoài quá khứ rất thiện chiến và làn sóng tỵ nạn- thuyền nhân mà nhiều người biết đến, đã từng tiếp xúc với vùng Á đông lân cận hoặc rộng hơn với thế giới bên ngoài như thế nào.

Nói một cách khác, chúng tôi muốn đặt trọng tâm vào dân tộc chúng ta là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến với lịch sử văn hoá, tôn giáo, chính trị, hơn là vào vị thế của chúng ta như là một "nạn nhân" của những thế lực lớn trên thế giới.


 
  1. Xin Anh cho biết tại sao Anh và BS. Hiền xuất bản sách bằng tiếng Anh ?

Thưa Chị, chúng tôi nhắm vào thế hệ Việt trẻ ở hải ngoại không đọc được Quốc ngữ và cả những người Mỹ mà chúng ta thường gọi là người “ngoại quốc”, mặc dù chúng ta không còn sống trên quê hương nữa mà gọi họ là người ngoại quốc.

Chúng tôi nghĩ thế hệ Việt trẻ sẽ hãnh diện về di sản văn hóa tổ tiên chúng ta đã để lại. Tuy nhiên, như chúng tôi có giải thích trong lời nói đầu trong quyễn sách, đây không phải là một cố gắng để tự đánh bóng quê hương, nòi giống Việt, mà chỉ là những câu chuyện tôn trọng sự thật trong mức chúng tôi có thể thực hiện được, và trình bày một bức tranh khách quan về những sự kiện xảy ra trên mảnh đất mang tên Việt Nam ngày nay.Vì vậy chúng tôi gọi là Vietnam History, Stories Retold for a New Generation, mà không đặt tựa đề là History of Vietnam.

Sách của chúng tôi rất may mắn là đã được Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ công nhận có giá trị và cho đưa vào thư viện tức book collection of the Library of Congress ở Wahington DC. Đọc giả có thể đến Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ tìm đọc.


 

Riêng những người đứng tuổi, thuộc thế hệ đã đi học ở trường bên Việt Nam, tôi tin quý vị sẽ thích thú khi được sách nhắc lại những câu như

Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng

[đó là 2 câu nói về cuộc tấn công huyền thoại của Tướng Lý Thường Kiệt vào miền đất nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ 11]

hoặc câu

Ta thà làm ma nước Nam

chứ không thèm làm vương đất Bắc.

[2 câu này của Tướng Trần Bình Trọng sau khi bị quân Nguyên-Mông bắt và được Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan chiêu hồi đề nghị cho làm vương. Tướng Trần Bình Trọng bị xử tử sau đó, lúc chỉ mới 26 tuổi].


 
  1. Thưa Anh, trong việc biên soạn bài viết bằng tiếng Anh, việc chuyển ngữ những danh từ lịch sử từ Việt sang Anh có gặp khó khăn nào không ?

Thưa Chị, đây là vần đề khó cho chúng tôi quyết định vì tên danh nhân bằng tiếng Việt thì nghe quen tai và diệu làm sao! Nhưng đôi khi chúng tôi dùng hoặc kèm theo tiếng Anh cho tiện việc so sánh và nghiên cứu sau này. Chúng tôi dùng những danh từ Anh mà có khi chúng tôi chưa bao giờ biết đến nhưng đã được xử dụng trên Wikipedia, Encyclopaedia Brittanica hoặc trong những sách và bài nghiên cứu chuyên môn từ các đại học danh tiếng Âu-Mỹ.

  1. Xin Anh cho biết sách được xuất bản vào năm nào ?

Vào tháng 7 năm 2011, chúng tôi [và tôi xin nhấn mạnh anh BS Hồ Văn Hiền là tác giả chính] đã ra cuốn Vietnam History, Stories Retold for a New Generation, khởi đầu có 295 trang và 22 chương.

Cuốn sách hiện giờ có 374 trang.


 
  1. Xin Anh cho biết về nội dung của quyển Vietnam History. Quyển sách có bao nhiêu chương ?

Cuốn sách mới mà chúng tôi gọi là được "tăng cường" [expanded edition 2012] được xuất bản vào ngày 14 tháng 2 năm 2012. Chúng tôi thích chọn ngày Valentine's Day như 1 cử chỉ mến chuộng đọc giả và để lấy hên. Quyển sách này có 28 chương.


 
  1. Các chương này gồm những đề tài gì ?

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả, các chương này bao gồm bài về

- nguồn gốc của quốc hiệu Việt Nam

- Bà Triệu

- những năm đầu của nền tự chủ dưới Nhà Khúc, Nhà Ngô [Ngô Quyền], Nhà Đinh [Đinh Tiên Hoàng], Nhà Tiền Lê [Lê Đại Hành].

- 1 chương dành cho những nước ở phía nam của Đại Việt như Lâm Ấp, Chiêm Thành, Phù Nam

- những nỗ lực chống ngoại xâm của toàn dân và nhiều danh tướng như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ.

- Chương về Tả Quân Lê Văn Duyệt nhấn mạnh khía cạnh đối ngoại và sự canh tân của vùng đất mới miền Nam.


 

6a. Trước khi Anh trình bài tiếp những đề tài khác trong quyễn sách,

Xin Anh nói rõ hơn để quý thính giả được biết tại sao có quốc hiệu Việt Nam và có từ lúc nào.

Thưa Chị, cho tới khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa cổ, vùng đất phía bắc sông Dương Tử được phân ra nhiều quốc gia nhỏ tự trị, trong lúc vùng đất phía nam được xem là hoang dã. Lảnh thổ miền Bắc Việt Nam khởi thủy có dân bản địa thuộc dòng Nam Đảo -Austronesian với da đậm, tóc quăn và theo mẫu hệ.

Họ không có chữ viết và không lập nên một nhà nước thực sự vì họ không có tổ chức nào uy thế hơn mức làng xã hay bộ lạc. Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, chính quyền trung ương Trung Hoa suy yếu và chính một vị tướng của ông ta, Triệu Đà, đã tự phong là Hoàng Đế xứ Nam Việt năm 207 TCN. Theo cổ truyền, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương và sát nhập Âu Lạc vào Nam Viêt. Do đó, xứ ta có tên Nam Việt từ năm 207 TCN.

Năm 111 TCN, nhà Hán thôn tính Nam Việt và đổi thành quận Giao Chỉ. Sau đó, vùng đất này có tên là Giao Châu, An Nam, Tĩnh Hải dưới thời Bắc thuộc. Sau khi lấy lại nền tự chủ, nước Nam được gọi là Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu dưới triều Hồ Quý Ly, và Đại Việt trở lại bởi Vua Lê Lợi năm 1428.
 

Ở đây, xin Chị Quý Linh và quý thính giả cho phép tôi bàn giải vì sao nước ta lại gọi là Đại Ngu dưới đời Vua Hồ Quý Ly. Vua Hồ Quý Ly, lúc đầu tên là Lê Quý Ly. Sau khi chiếm đoạt ngôi nhà Trần, Lê Quý Ly muốn dân gian theo phục triều mới nên nói rằng ngài là hậu duệ của Hồ Công thuộc dòng dỏi Vua Ngu Thuấn [còn gọi là Đế Thuấn hay Đại Thuấn] bên Tàu. Vua Ngu Thuấn là 1 vị vua thần thoại trị vì rất nhân từ, do đó dân chúng được an cư lạc nghiệp.

 

Năm 1802, Vua Gia Long, sau khi thống nhất sơn hà, đã xin nhà Thanh chấp nhận cho gọi xứ ta là Nam Việt. Nhưng vì Nam Việt dưới Triệu Đà có đất Trung Hoa tức 2 tỉnh Quảng Đông va Quảng Tây, là vùng đất mà không lâu trước đó Vua Nguyễn Huệ đã hăm dọa lấy lại, nên nhà Thanh đề nghị đổi ngược là Việt Nam năm 1804.

6b. Theo Anh nghĩ thì có những yếu tố nào giúp cho sự phát triển bản tính và tinh thần quốc gia trong dòng lịch sử.

Thưa Chị, trong sách, tôi nêu ra 12 yếu tố lịch sử và địa dư-chính trị đã giữ vai trò cốt yếu trong việc phát triển của quốc tính Việt. Tôi xin trình ở đây 3 yếu tố:

1- Sự đô hộ hà khắc của người Tàu, 2- Ải Nam Quan, 3- Thực dân Pháp.

1- Về, sự đô hộ hà khắc của người Tàu, chúng tôi nghĩ rằng nếu những quan thái thú người Tàu ở Giao Chỉ biết cai trị mẫu mực và chăm lo cho sự an vui của người dân Việt thì đã không có Việt Nam.

Thật vậy, nếu họ là những người lãnh đạo hữu hiệu và được mến chuộng như Thái Thú Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp, được quần chúng phong là Sĩ Vương, thì đất Lạc Việt đã được sát nhập vào đế quốc Trung Hoa rồi.

Nhưng phần lớn các quan cai trị Tàu thường có tâm lý xấc xược, kiêu ngạo thường thấy ở kẻ thực dân và kẻ chinh phục. Vô số sự kiện vi phạm nhân quyền, sưu cao thuế nặng, ép buộc đồng hóa thành dân Hán đã đưa đến những hận thù, khuynh hướng ngầm chống Tàu mạnh mẽ.

 

Yếu tố thứ 2 là - Ải Nam Quan.

Những rặng núi ở Lào Cay - Cao Bằng - Lạng Sơn với Ải Nam Quan tạo nên một bức tường thành thiên nhiên ngăn chận những cuộc xâm lăng từ Bắc xuống để quốc gia Việt Nam non trẻ có thể phát triển và trưởng thành sau khi lấy lại nền độc lập với chiến thắng oanh liệt của Vua Ngô Quyền, đã cho chọc thủng thuyền địch với cọc cây chuốt nhọn đóng dưới mặt nước và sau đó đốt trụi tàu chiến quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

 

Yếu tố thứ 3 là - Thực dân Pháp.

Thưa Chị và quý thính giả, sự bóc lột nhiên liệu và lao động bất nhân của Thực Dân Âu Châu là động lực đưa đến sự hình thành của chủ nghĩa quốc gia khi những bộ lạc hay quốc gia bị chèn ép nhanh chóng học cách đối kháng lại trong một mặt trận thống nhất.

Người Việt tự tổ chức để chống lại thực dân Pháp nhờ được khuyến khích bởi những lý tưởng Tây phương về tự do và dân chủ, được tôi luyện qua truyền thống chống giặc ngoại xâm, nhờ sự liên lạc dễ dàng hơn khi dùng chữ quốc ngữ với mẫu tự La Tinh. Cuộc đấu tranh dành độc lập này nung nấu một tinh thần yêu nước mới được tái khám phá sau nhiều thế kỷ Nam Bắc phân tranh.


 

6c. Xin Anh cho biết những đề tài còn lại

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả, tôi xin tiếp tục kê ra những đề tài còn lại

- những bài đặc biệt về văn hóa liên quan đến công trình của Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, Petrus Trương Vĩnh Ký

- Mạc Đăng Dung và sự đối ngoại với nhà Minh

- Nền thiên văn Việt khá phát triển ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn

- Lực lượng quân đội hùng hậu thời Chúa Nguyễn, được các nhà quan sát tây phương thời đó thán phục.

- bài về kỷ thuật đúc súng của Cao Thắng và về Y học cổ truyền

- sự phát triển của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Khổng giáo, Lão giáo qua năm tháng, và sự thăng trầm của các dòng tư tưởng khác trong công cuộc tạo nên văn minh Việt hiện nay.

- nhiều chi tiết về việc Pháp đánh lấy Nam Kỳ và vai trò chống Pháp của quan Kinh lược Phan Thanh Giản và Tổng Đốc Nguyễn Tri Phương.

- Chuyện vua Duy Tân phải chọn lựa hai lần, một lần là giữa ngai vàng do người Pháp điều khiển và phe nổi dậy chống Pháp, lần thứ nhì là lúc ông theo Tướng Charles de Gaulle tham dự giải phóng nước Pháp trong Đệ Nhị Thế Chiến, mà nước Pháp chính là nước đã đày gia đình ông xa Việt Nam.

- sự phát triển của bản tính cũng như tinh thần quốc gia Việt Nam theo dòng thời gian mà tôi vừa trình sơ lược.


 

6d. Những chương sau này hầu hết do BS. Hồ Văn Hiền viết, phải không ạ ? Chúng tôi mong sẽ có dịp mời BS. Hồ Văn Hiền nói chuyện trong chương trình này.

Thưa Chị và quý thính giả, tôi tin chắc rằng BS. Hồ Văn Hiền sẽ rất vui góp vào chương trình này trong tương lai. Xin quý thính giả theo dõi chương trình Văn Hoá Việt do Trường Truyền Thống Việt phụ trách trên đài SGHouston để biết trước.


 
  1. Tại sao các tác giả của Vietnam History chọn những đề tài này ? Chủ đề chính của sách là gì ?

Chúng tôi cố gắng trình bày một số vấn đề mà chúng tôi nghĩ tương đối có ý nghĩa [relevant] hơn cả đối với người trẻ đọc sử Việt ngày hôm nay. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh trong cuốn này là những câu trả lời có chứng cớ lịch sử, cho những ưu tư của thế hệ trẻ về nguồn gốc của chúng ta, về những huyền thoại hay những giai thoại, những đề tài còn gây tranh luận, hay là nhân vật lịch sử thường được nhắc đến.

Nói chung là những chuyện [stories] về lịch sử Việt Nam, đồng thời nêu lên một số khám phá mới của các nhà sử học chuyên nghiệp hiện nay, từ sau những bước khai phá của những sách kinh điển của các sử gia thế hệ trước như học giả Trần Trọng Kim và nhà biên khảo Đại Tá Phạm Văn Sơn. Chúng tôi cố gắng dùng lời văn giản dị để đọc giả, ngoài việc học hỏi về sử nước nhà, còn có thể “mua vui cũng được một vài trống canh”.


 
  1. Những đề tài trong quyển Vietnam History bắt đầu từ khoảng thời gian nào đến thời gian nào của lịch sử Việt Nam ?

Chúng tôi đã cố gắng kết nối những chuyện về lịch sử Việt Nam thành một cuốn sách có đầu đuôi, theo dòng thời gian, bao quát từ thời tiền sử huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ cho đến ngày hôm nay. Thật vậy, sách có đề cập đến những biến chuyển cận đại như sống thần ở Nhật vào tháng 3 năm 2011, mùa xuân Á rập, cải tiến ở Miến Điện, sự đe dọa của đế quốc Trung Hoa.

Tuy nhiên, sách cũng có thể được dùng như một cuốn từ điển tham khảo, vì các chương được phân đoạn thành những tiểu mục, được đối chiếu qua Index rất chi tiết, và có thể đọc trong vài phút.


 
  1. Việc biên khảo lịch sử bao giờ cũng cần rất nhiều thì giờ. Anh và BS. Hiền đã chuẩn bị quyển sách trong thời gian bao nhiêu lâu ?

Chúng tôi đã cập nhật vài bài mà chúng tôi đã viết từ 7 năm trước cho quyển “The Vietnamese Mayflowers of 1975.” Quyển The Vietnamese Mayflowers of 1975 kể lại những biến chuyển quanh ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ý định ra một cuốn sách về lịch sử Việt Nam, viết gọn, có nhiều hình và hấp dẫn, dễ đọc cho thế hệ trẻ thì có từ 5 năm trước, năm 2008.


 
  1. Trong sách Vietnam History có in kèm nhiều tấm ảnh đen trắng để cho người đọc thấy hứng thú và dễ hiểu. Chắc quý Anh đã phải dành nhiều thì giờ để sưu tầm những hình ảnh này ?

Cám ơn Chị Quý Linh đã chú ý đến những hình ảnh trong sách. Chúng tôi để rất nhiều thời giờ để tìm tòi hình ảnh trên mạng Internet hoặc từ sách cổ. Chúng tôi cũng có nhờ một vài thân hữu chụp ảnh cho chúng tôi. Sách có tổng cộng 115 tấm hình.

  1. Về việc tìm tài liệu khảo cứu thì quý Anh có gặp khó khăn không ? Sách ngoại quốc chắc dễ tìm hơn sách tiếngViệt ?

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả,

Chúng ta rất may mắn sống trong thời đại Internet nên chúng tôi đã có rất nhiều tài liệu để sưu tầm. Chúng tôi tính được 4 nguồn tài liệu:

  1. Tài liệu căn bản chúng tôi đọc trước khi viết

  1. Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim, 1919

  2. Việt Sử Toàn Thư của nhà biên khảo Phạm Văn Sơn, 1960

  3. Thành ngữ Điển tích Danh nhân Từ Điển của Trịnh Vân Thanh, 1966

Nguồn tài liệu thứ

  1. là Những quyển Việt Sử xưa viết bằng chữ Hán đã dược dịch ra và viết lại bằng chữ Quốc ngữ

Thứ

  1. là Tài liệu gốc rất quý của triều đình Trung quốc đã được các học giả Anh, Mỹ dịch và tài liệu gốc viết bằng tiếng Pháp [ví dụ: nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, nhà văn Pháp Pierre Loti] hoặc tiếng Anh viết bởi những người đã tới Việt Nam vào thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 trong thời kỳ Pháp thuộc.

  2. Sách hoặc bài nghiên cứu chuyên môn hiện đại.


 

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả,

Những quyển Việt Sử xưa viết bằng chữ Hán đã dược dịch ra và viết lại bằng chữ Quốc ngữ gồm:

  1. An Nam Chí Lược, 1335

  2. Đại Việt Sử Lược, 1388

  3. Lam Sơn Thực Lục, 1431 [Nguyễn Trãi]

  4. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 1479, cập nhật 1697

  5. Đại Việt Thông Sử, 1759 [Lê Quý Đôn]

  6. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, của những sử gia chính thức nhà Nguyễn dưới sự hướng dẫn của Quan Đại thần Phan Thanh Giản, 1881

Những tài liệu gốc rất quý của triều đình Trung quốc đã được các học giả Anh, Mỹ dịch mà chúng tôi đã tham khảo là:

  1. Song Hui-yao [Sử nhà Tống]

  2. Ming Shi-lu [Minh Thực Lục]

Đặc biệt, sách hoặc bài nghiên cứu chuyên môn hiện đại từ:

  1. Những trang mạng của người Việt ở hải ngoại đặc biệt là của Viện Việt Học

  2. Những trang mạng của các đại học Âu Mỹ

  3. Google book project

  4. Wikipedia Anh - Pháp - Việt

  5. Sách xuất bản ở ngoài Việt Nam: ví dụ Việt Nam Huyết Lệ Sử của Cao Thế Dung, Tổ Quốc Ăn Năn [cùng bản dịch tiếng Anh] của Nguyễn Gia Kiểng.

  6. Sách ở Việt Nam, ví dụ: Lịch Sử Việt Nam của Nhà Xuất bản Bạn Trẻ; “Lê Quý Đôn, Cuộc Đời và Giai Thoại” của Trần Duy Phương.

 

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả,

Tiện đây, tôi xin mở ngoặc nói thêm 1 chi tiết về tài liệu tham khảo. Đó là chiến thắng vẻ vang của Đại Việt trên giặc hung tợn Mông Cổ. Việc này, ai học ở bên Việt Nam đều biết nhưng ở Hoa Kỳ thì học sinh trung học High School không bao giờ nghe đến khi học sử toàn cầu. Vậy sự thật ra sau? Xin thưa, khi chúng tôi tra cứu sách viết về Kublai Khan tức Hốt Tất Liệt, thì sách nào cũng có đề cập đến giặc Nguyên-Mông thất bại 3 lần trong cuộc xâm lăng Đại Việt dưới 3 Vua Trần và Đức Trần Hưng Đạo vào thế kỷ 13.

 
  1. Xin Anh cho biết trong khi khảo cứu, Anh có học hoặc tìm ra được điều gì mới lạ hoặc thích thú?

Thưa Chị và quý thính giả,

Nhiều bảo vật Sơn Tinh đem dâng Vua Hùng được tả trong sách Vietnam History là đồ vật thật ghi lại trong sử Tàu, do Đại Việt hoặc Chiêm Thành đi cống [như sừng tê giác, ngà voi, bạch tê giác, dù lọng kết bằng lông công, cọp đã được người dạy hết tính hung dử...]

Nguồn gốc tổ tiên ngừơi Việt. Chúng ta thường học tổ tiên chúng ta là người Lạc Việt. Thật ra người bản xứ đầu tiên gốc Nam Đảo [Austronesian], nhuộm răng đen, ăn trầu cau và thường xâm mình. Dân Lạc Việt thuộc các bộ lạc Bách Việt ở nam Trung Hoa, có lẽ có từ xứ Việt của Việt Vương Câu Tiễn ở vùng Chiết Giang bên Tàu từ thế kỷ 6 TCN.

Dưới áp lực của dân tộc Hán, những người Lạc Việt di dân về nam đã trộn với dân bản xứ cư ngụ ở lưu vực sông Hồng Hà để thành ra người Việt hiện đại. Chúng ta cũng biết do thời cuộc lịch sử, nhiều người Việt miền Trung có di thể Chăm và miền Nam có máu người Tàu Minh Hương.

Tiện đây, tôi xin giải thích bức tranh trên bìa trước cho những quý vị nào đã cầm cuốn sách là hình Hoàng Tử Cảnh lúc ở Paris để cầu viện Pháp. Triều đình Pháp lúc bấy giờ rất “cưng” ông hoàng An Nam nhỏ bé mới lên 7 tuổi, nhất là bà Hoàng Hậu Marie Antoinette. Vì không biết trang phục của một ông hoàng An Nam phải như thế nào, triều đình Pháp cho cậu bé mặc giống các ông hoàng Ấn Độ.

Tranh do chính họa sư triều đình Pháp Maupérin vẽ năm 1787, nay được treo ở trụ sở Hội Truyền Giáo ở Paris. Tranh vẽ Hoàng Tử Cảnh là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà danh họa này. Chúng tôi chọn tranh này cho trang bìa vì giá trị nghệ thuật của nó.

Bức tranh trang bìa sau là một hình chụp đen trắng cho thấy một cỗ xe ngựa quý phái được vệ sĩ cưỡi ngựa hộ tống qua Cầu Trung Đạo trên Hồ Thái Dịch, đi đến Ngọ Môn. Bên sau là Sân Đại Triều, trước Điện Thái Hòa là nơi 13 vị vua nhà Nguyễn lên ngôi.

Hình có một vẻ huyền bí và uy nghi xứng đáng để gợi lên sự hãnh diện của một thời đã qua và kích thích đầu óc muốn biết thêm của đọc giả.


 
  1. Anh và BS. Hiền có dự định viết thêm bài cho quyển Vietnam History không? Hay là quý Anh dự định ra một quyển sách nào khác trong tương lai về lịch sử Việt Nam không?

Thưa Chị Quý Linh, trước hết xin cám ơn Anh BS Đỗ Hoàng Ý và Chị có nhã ý góp 1 bài thật văn hoa và cảm động về Anh Chị khi xây dựng lại cuộc đời trên đất Mỹ sau ngày 30 tháng tư 1975.

Chúng tôi vừa hoàn tất cuốn Vietnamese Mayflowers of 1975 mới, có cả những bài nguyên thủy viết bằng tiếng Việt với ngụ ý góp phần duy trì Quốc ngữ và khuyến khích thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại. Chúng tôi luôn nhớ học giả Phạm Quỳnh đã nói:

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn.”

Quyển sách mới với 594 trang đã ra ngày Valentine vừa qua 14 tháng 2 năm nay 2013 đưới tựa “ACROSS SHINING SEAS: The Mayflowers of 1975 – Bilingual Edition.

Tựa tiếng Việt là: 1975: Những Con Thuyền Lạc Việt.”

Về câu hỏi BS. Hiền và tôi có dự định viết thêm bài cho quyển Vietnam History không, thì thật sự chúng tôi cũng chưa quyết định được vì chúng tôi không muốn quyễn sách quá dày, có thể làm đọc giả e ngại chăn?

 

Tuy nhiên, tôi vừa nghiên cứu và thêm 1 đoạn về danh xưng Giao Chỉ.

Vì Giao Chỉ là 2 chữ Hán có nhiều đồng thanh tức đọc y hệt nhau nhưng lại viết khác và có khác nghĩa nên danh xưng Giao Chỉ đã dược bàn luận rất nhiều trong nước ta và cả ở Trung Quốc.

Vì đây là 1 vấn đề liên quan đến ngôn ngữ học, phải cần có Hán tự trước mắt mới dễ hiểu, tôi xin tóm lại 3 nghĩa chính:

  1. Giao Chỉ là xứ của những người có ngón chân cái toạc xoè ra bên ngoài nên giao với nhau khi đứng với 2 bàn chân song song.

  2. Giao Chỉ là xứ có nhiều Giao Long hay “Miền Đất Cá Sấu” tương tự như danh xưng Tượng Lâm Huyện tức Huyện “Rừng Voi”.

  3. Trong Kinh Thư hay Thượng Thư của Khổng Tử có nói đến Đế Nghiêu sai ông Hy Thúc ở lại Nam Giao để lo việc giáo dục cho phương Nam. Quyễn Sử Ký của sử gia danh tiếng Nhà Hán Tư Mã Thiên ghi Nam Giao là đất ở phương Nam và Giao Chỉ là Nam Giao. Vậy, Giao Chỉ là đất ở miền Nam sát bên đất của Trung Quốc.

Thưa quý thính giả, tôi xin hiểu Giao Chỉ là đất ở miền Nam sát bên đất của Trung Quốc. Giải thích này được chứng minh phần nào theo sự tích ghi nước Việt Thường hay nước Việt cổ, ở phía nam xứ Giao Chỉ.

Trong Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim viết: ... sử Tàu có chép rằng năm tân mão [1109 trước Tây lịch], đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường, ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra xe chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước...

  1. Xin Anh cho biết là nếu muốn mua quyển Vietnam History thì có thể đặt mua ở đâu ?

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả, hiện giờ sách chỉ bán qua mạng Internet CreateSpace.com [create tức tạo ra, space tức không gian, CreateSpace viết dính nhau 1 chữ] hoặc Amazon.com tìm ở mục “books” Vietnam History, Stories Retold.


 
  1. Thưa Anh, chương trình đến đây còn vài phút. Xin Anh chia sẽ 1 mẫu chuyện trong sách.

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả,

Tôi xin phép được kể lại chuyện Đinh Bộ Lĩnh và con ngựa đá.

Đây là 1 giai thoại mà tôi rất thích vì nó bày tỏ khía cạnh văn hóa tín ngưỡng của người Việt mặc dầu có nhuộm ảnh hưởng Trung Quốc.

Cha Đinh Bộ Lĩnh mất sớm, mẹ đem về làng nuôi. Làng Việt Nam rất nhiều sông ngòi. Nơi Đinh Bộ Lĩnh ở có một khúc sông quẹo với nước xoắn rất mạnh. Một hôm, khi DBL và các bạn trẻ đương chăn trâu, thì có 1 ông Thầy địa lý Tàu đi qua làng.

Đến chỗ nước xoắy mạnh, ông ngừng lại và hỏi có đứa trẻ nào xung phong lặn xem dưới đáy có gì, ông sẽ thưởng 1 đồng bạc. Ai cũng im lặng không giám dơ tay nhưng DBL tình nguyện ngay vì Lĩnh là đứa trẻ mạnh nhất và lội khỏe nhất trong bọn. Cởi áo ra, Lĩnh lặn nhanh xuống đáy và thấy 1 con ngựa đá đứng dưới ấy, mòm hả ra. Ngạc nhiên và lo ngại, Lĩnh trồi lên mặt nước và kể lại cho ông Thầy địa lý Tàu.

Thầy Tàu rất mừng, liền khum xuống túm 1 nắm cỏ trong tay và đưa cho Lĩnh. Ông nói “Cho cháu thêm 5 đồng bạc nếu cháu đem nắm cỏ nầy đưa gần miệng con ngựa.” Lĩnh chịu và lặn xuống đáy. Khi Lĩnh đưa nắm cỏ lại gần thì con ngựa đá liền táp lấy và nuốt nắm cỏ. Thật lo sợ, Lĩnh bơi lên và trình cho ông Thầy Tàu. Mặt ông này sáng và vui hẳng ra và ông nói năm sau sẽ trở lại.

Lĩnh, tuy không ăn học nhưng rất thông minh, suy luận rằng nơi con ngựa đá là chỗ quý để chôn táng cốt cha mình vào đấy. Vì nơi ấy linh thiên, phong thủy gọi là “long mạch” tức lối đi của rồng, sau này Đinh Bộ Lĩnh dẹp được 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế.
 

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả, câu truyện không ngưng ở đây.

Năm sau, thầy địa lý Tàu đem cốt cha mình trở sang Việt Nam. Đến nơi thì ông thấy họ Đinh đã ngự chiếm đất quý ấy rồi. Rất bực tức, thầy Tàu liền trở về nước.

Sau khi Đinh Tiên Hoàng dựng xong cơ nghiệp, thầy địa lý Tàu qua Hoa Lư, kinh đô của Đại Cồ Việt xin vào triều:

“Tâu bệ hạ, ngài lên ngôi nhờ sức mạnh mà trời đã phú cho, nhưng cỡi ngựa đánh giặc thì phải có gươm. Muốn ngôi vàng nhà Đinh lâu dài, ngài nên cho treo một thanh gươm bên cổ ngựa đá.”

Nghe vậy, Đinh Tiên Hoàng sai lính có tài bơi lội giỏi lấy gươm buộc vào cổ ngựa. Nhưng gươm theo sức nước cuốn mạnh đập qua đánh lại vào cổ ngựa đá, cắt lìa cổ, làm đầu ngựa đá rơi xuống, dấy bùn đỏ lên tựa như máu chảy. Vì vậy, sau này Đinh Tiên Hoàng và Hoàng Tử Đinh Liễn bị ám sát trong triều đình trong giấc ngủ, năm 979.


 

Thưa Anh, nhân câu chuyện này xin được hỏi là Anh có tin vào môn học phong thủy địa lý hay không ?

Thưa Chị Quý Linh và quý thính giả, thú thật mà nói, tôi không tin vào môn học phong thủy địa lý, nhưng câu chuyện quá hấp dẫn vì nó cho chúng ta 1 phương cách để giải thích sự huyền bí của số phận Trời đã dành cho mọi người trong chúng ta.
 

Thưa quý thính giả, thời giờ sắp hết, chương trình Văn Hoá Việt phải chấm dứt nơi đây.

Chúng tôi xin cảm ơn BS. Đặng Văn Chất đã dành thời giờ quý báu đến với chương trình Văn Hoá Việt. Xin mời BS. Chất chào tạm biệt quý thính giả của đài SGHouston.
 

Xin cám ơn Chị Quý Linh đã tổ chức và quý thính giả của đài SGHouston đã theo dõi chương trình Văn Hoá Việt hằng tháng. Xin cám ơn nhân viên kỹ thuật và ban giám đốc đài SGHouston đã cho chúng tôi cơ hội để trình bày về quyển sách Vietnam History.

Xin chúc Anh Chị BS. Ý Linh, nhân viên kỹ thuật và ban giám đốc đài SGHouston và quý thính giả một tuần vui vẽ, an lành.


 

Xin kính chào quý thính giả của đài SGHouston. Xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới.

Video liên quan

Chủ Đề