So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại

Sẽ có nhiều nguyên nhân đưa một người dùng cơ bản hay một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đi đến quyết định mua một chiếc máy ảnh. Đó có thể là hệ thống ống kính, kích thước, các tính năng đi kèm, độ quen tay khi sử dụng, chất màu ảnh, thương hiệu, giá bán,… hay đơn giản là bộ lọc màu vì khá nhiều bạn bè của mình chọn đến với Fujifilm vì bộ lọc Negative Classic “một phát ăn ngay” của nó. Tuy nhiên, một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến “khả năng xuống tiền" có lẽ là kích thước cảm biến của chiếc máy ảnh vì sẽ không ngoa nếu như ta nói rằng cảm biến hình ảnh của một chiếc máy sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong việc cho ra chất lượng hình ảnh.

Đôi dòng “văn vở”

Trước khi “ngấu nghiến” bài viết này, mình mong các anh em nếu có ý định mua một chiếc máy ảnh nắm chắc 3 sự thật bất di bất dịch này giúp mình.

  1. Cảm biến là một trong những thành phần chính của chiếc máy ảnh và nó sẽ ảnh hưởng phần lớn đến chất lượng hình ảnh mà bạn nhận lại
  2. Kích thước cảm biến sẽ ảnh hưởng đến các khía cạnh như độ sâu trường ảnh (DOF), kích thước máy ảnh đó và góc nhìn/góc ngắm (Angle of view).
  3. Không có gì trên đời là hoàn hảo và cảm biến của một chiếc máy ảnh cũng vậy. Sẽ không có bất cứ một chiếc cảm biến nào là “vô đối”, chỉ là nó hợp hoặc không hợp với bạn mà thôi.

Đối với những chiếc máy phim, ánh sáng (khối lượng ánh sáng này đi qua ống kính và khẩu độ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định) được ghi lại trong phim thực dưới dạng âm bản và nó được tráng trong phòng thí nghiệm. Cuộn phim (film) sẽ quyết định chất lượng và kích thước của hình ảnh (35mm, 16mm) và các cuộn phim khác nhau sẽ cho độ nhạy, độ tương phản khác nhau.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại
Trong máy ảnh kỹ thuật số (DSLR), chính những cuộn phim đã được thay thế bằng cảm biến máy ảnh. Nó hoạt động khác nhau, nhưng về nguyên tắc cơ bản thì vẫn giống nhau.

Vậy “túm lại” cảm biến máy ảnh là gì?

Bạn cứ nghĩ đơn giản nó là cái film của một chiếc máy ảnh số. Nó là một thiết bị thu ánh sáng và biến những gì ghi nhận được thành tín hiệu điện tử sẽ cho chúng ta hình ảnh cuối cùng. Mỗi cảm biến bao gồm hàng triệu điểm ảnh. Do đó, chất lượng của hình ảnh về cơ bản sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: kích thước của cảm biến và số lượng và kích thước của pixel (số chấm, số megapixel, số điểm ảnh mà các hãng hay nói đó).

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại
Các điểm ảnh trên cảm biến

Tức là?

Ảnh hưởng lên chất lượng hình ảnh (đầu ra sản phẩm)? Đúng, trên lý thuyết thì cảm biến càng lớn, hình ảnh càng đẹp. Nhưng cái gì cũng sẽ có cái giá của nó. Nếu bạn làm cái gì đó to, lớn, hoành tráng thì sẽ đi kèm theo những “phần ăn theo” khác để chiếc máy ảnh của bạn có thể hoạt động, chẳng hạn như kích thước, lens, chất lượng gia công, hay trước mắt là giá thành chẳng hạn.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại
Khẩu nhỏ (số F lớn) chưa chắc là bất lợi với các máy cảm biến nhỏ

Khả năng lấy nét Với nhiều chiếc lens (ống kính) hiện nay trên thị trường có độ mở lên đến F/0.95 hay F/1.2, F/1.4 thì việc lấy nét là moọt vấn đề khá phức tạp. Và điều này sẽ thường xuyên xuất hiện nếu bạn chụp một chủ thể góc cận hoặc chụp chân dung. Đôi khi chỉ là việc để F/2, F/2.5, F/2.8 thôi thì bức ảnh của anh em đã thay đổi rất nhiều, có thể là nét đôi mắt, nhưng mờ đôi tai, hoặc có thể là “khắc họa” rõ ràng cả khuôn mặt. Vậy nên đôi khi ở những chiếc máy có cảm biến crop sẽ cho ra các bức hình hợp ý bạn hơn là cùng các thông số như vậy, bạn chụp bằng những chiếc máy Full-Frame, đôi khi hình lại “không ưng ý lắm”.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại
Cùng 1 tiêu cự là 35mm (quy đổi ra Full-Frame) trên các cảm biến khác nhau

Điều kiện ánh sáng yếu Một sự khác biệt mà anh em hay nghe nói tới nhiều về điểm yếu của những chiếc máy cảm biến nhỏ là chúng cho khả năng chụp không tốt trong điều kiện ảnh sáng yếu. Cảm biến lớn hơn với mật độ điểm ảnh lớn hơn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn. Ngay cả khi bạn tăng ISO điên cuồng, bạn vẫn có thể cho ra được những ảnh “sử dụng được” với cảm biến full-frame. Còn với cùng 1 khẩu độ đã "mở hết mức" trên những chiếc máy crop, đôi khi anh em tăng ISO lên gấp đôi, chất lượng ảnh mà anh em nhận lại đôi khi không hài lòng được.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại
Thường thì về cơ bản, trong các điều kiện ánh sáng yếu và phức tạp, các chiếc Full-Frame và Medium Format chỉ cần đâu đó ISO 800-1000 thì sẽ cho lại những bức ảnh tương đương với các máy crop với ISO 2500-3000, cho lại chất lượng ảnh và độ nhiễu hạt gần bằng nhau.

Dải tương phản động (dynamic range) Có luôn. Và sẽ thật khó để nói rằng một chiếc máy ảnh có cảm biến lớn cho lại độ tương phản động tốt hơn một chiếc cảm biến nhỏ. Tuy vậy, xét trong môi trường tương đối cho cùng 2 loại cảm biến to/nhỏ thì phần đa những chiếc máy có cảm biến lớn sẽ chiếm ưu thế vì suy cho cùng, kích thước cảm biến đi đôi với khả năng thu nhận ánh sáng. Nếu trong điều điện ánh sáng phức tạp hoặc lập lòe, ISO đẩy lên cao, nhiễu hạt nhiều, dải quang phổ của bạn sẽ không ghi nhận lại đúng màu sắc vốn có vì ngay cả màu đen, có khi còn bị nhiễu. Thì cuộc chơi nay, thằng nào tránh tạo ra độ nhiễu hạt hết mức có thể, thằng đó thắng.

Khả năng nhiễu xạ (diffraction) Tương tự như dải tương phản động thì khả năng nhiễu xạ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cảm biến vì trong cùng điều kiện tán xạ thì kích thước lớn hơn sẽ giúp cho khả năng ghi nhận của ánh sáng tốt hơn. Hiện tượng tán xạ sẽ xuất hiện nhiều khi bạn "khép khẩu".

Kích thước máy ảnh, hệ thống ống kính và giá thành Sẽ không phải là tất cả nhưng đa số những chiếc máy có cảm biến Full-Frame hay Medium Format có kích thước to hơn các chiếc máy crop và những chiếc PnS (Point annd Shoot). Từ đó sẽ phải tốn nhiều nguyên vật liệu để tạo ra các chiếc máy, dẫn đến giá thành thường cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến một hệ quả nữa là sẽ làm cho hệ thống ống kính cũng có giá cao hơn so với các hệ thống lens của các chiếc máy crop.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại
Các hệ thống ống kính chuyên nghiệp và đắt đỏ

Bạn có biết về hệ số crop chưa?

Hệ số này là con số được sinh ra dựa trên việc cảm biến crop của bạn nhỏ hơn hoặc lớn hơn (đối với máy Medium Format) bao nhiêu khi so với một chiếc cảm biến Full-Frame (FF). Điều này xuất phát từ góc nhìn của chính cảm biến mà bạn sử dụng. Ví dụ như bây giờ bạn dùng một chiếc máy có cảm biến FF chụp đầy đủ từ đầu đến chân của một người nào đó thì khi sử dụng chiếc ống kính đó trên một cảm biến (Micro Four Third - MFT) thì bạn chỉ lấy được từ đầu gối đến ngang vùng ngực của người đó thôi.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại

Vì sao lại như vậy? Vì cảm biến MFT có kích thước chỉ bằng một nửa đường chéo so với cảm biến Full-Frame. Kết quả là khi đi qua một ống kính có tiêu cự tương đương nhau thì hình ảnh thực tế bạn nhận lại sẽ bị “cắt xén” đi co độ lớn của cảm biến là "bất di bất dịch".

Vậy làm sao để tính được hệ số crop?

Nếu bạn hay xem các video trên Youtube khi các Youtuber hay nói rằng crop 1.5 hay tiêu cự tương đương 35mm khi quy đổi (equivalent) thì đó chính là lúc họ đang tính hệ số crop đó. Nếu anh em đang có một ống kính 50mm trên một chiếc máy ảnh Full-Frame mà muốn biết con số quy đổi sẽ là bao nhiêu trên các cảm biến nhỏ hơn thì anh em cần biết chính xác cái cảm biến nhỏ hơn đó nó nhỏ hơn bao nhiêu so với chiếc ánh ảnh Full-Frame.

So sánh cảm biến fullframe tới điện thoại

Ví dụ chiếc lens 50mm đó khi lắp lên máy ảnh của crop của Nikon thường sẽ là 50 x 1.5 = 75mm vì khi này cảm biến FF lớn hơn cảm biến APS-C 1.5 lần. \=> Tương tự, nếu đó là cảm biến APS-C của Canon thì con số thường là nhân với 1.6. Hay khi ta quy đổi từ Full-Frame ngược lại với Medium Format (MF). \=> Nếu anh em lắm chiếc ống 50mm đó lên chiếc máy có cảm biến lớn gấp đôi FF thì tiêu cự ống kính lúc này là 50 x 0.5 = 25mm. Góc nhìn lúc này sẽ rộng hơn rất nhiều. \=> Và cũng chính chiếc lens đó ta lắp vào chiếc MFT thì cảm biến của máy MFT chỉ thường bằng một nửa Full-Frame nên phép toán sẽ là 50 x 2 = 100mm. Góc nhìn của bạn lúc này sẽ thành góc nhìn tele luôn.

Tóm lại, các kích thước cảm biến mà anh em thường xuyên gặp sẽ là những con số sau đây:

  • Medium Format (0.5 | 0.64 | 0.79): Bạn thường thấy những chiếc máy GFX của Fuji được họ quảng cáo là có cảm biến MF nhưng thực chất, chúng không quá lớn so với các cảm biến FF thông thường, hệ số crop của nó chỉ là 0.79 và các trang báo hay các nhiếp ảnh gia nước ngoài vẫn thường gọi chúng là các chiếc máy Crop Medium Format.
  • Full-Frame (36x24mm) ~ 35mm. Đây là hệ số chuẩn tương đương với khổ phim 35mm được dùng làm quy chiếu cho mọi cảm biến khác nhau
  • Crop APS-H (1.3 | 1.33): Thường thì bạn sẽ ít nghe đến con số này hơn và những chiếc máy ảnh có kích thước này không còn nhiều. EOS-1D Mark IV là chiếc máy cuối cùng được Canon sử dụng cảm biến này hay Leica M8 cũng là một trong những sản phẩm hiếm hoi được “nhét” cái cảm biến lẻ này vào trong và nó gần như giữ được hầu hết các đặc tính và màu sắc của một chiếc máy FF mang lại.
  • Crop APS-C (1.5 | 1.62 | 1.73 | 1.9): crop 1.5 là con số mà anh em sẽ bắt gặp nhiều nhất, nhiều hơn các co số còn lại và nếu ah em là “newbie” thì những chiếc máy ảnh đầu tiên mà mình khuyên anh em nên sở hữu là những chiếc máy này (đối với máy ảnh thay đổi được ống kính nhé). Vì chúng vừa có giá thành rẻ, hệ thống ống kính đi kèm cũng thường rẻ hơn, mà chất lượng ảnh lại không thua thiệt quá nhiều nếu so với một chiếc máy FF. Rồi đến khả năng cầm nắm, độ gọn nhẹ, kiểu dáng đa dạng hơn so với một chiếc FF chất lượng hoàn thiện tương đương.
  • MFT = Micro Four Thirds = 4/3" (2.0): Lợi điểm của những chiếc máy này chúng thường có kích thước nhỏ, nhẹ, dễ cầm nắm và dễ sử dụng hơn. Và nếu so với các chiếc máy trong cùng tầm tiền mà có cảm biến lớn hơn thì chúng thường cho lại khả năng lấy nét và tốc độ chụp cao hơn. Đánh đổi lại đó là về mặt lý thuyết, bạn sẽ khó khăn hơn với các máy ảnh này nếu phải chụp troog điều kiện thiếu sáng.
  • 1 inch (2.7): Các cảm biến này thường sẽ xuất hiện trên các chiếc máy PnS, máy ảnh du lịch nhiều.
  • Các cảm biến nhỏ hơn: 2/3" (3.93), 1/1.7" (4.55), 1/2.3" (5.62)

    Kết luận

    Cảm biến tốt chưa chắc đã đem lại một chất lượng ảnh tốt và phù hợp dù đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xem xét lựa chọn một chiếc máy ảnh. Tùy từng tính chất công việc, giá thành mà bạn sẽ chọn được “cô vợ” xứng đáng với mình. Và hãy nhớ rằng, bên cạnh trái tim, bạn phải xem xét "cô vợ ấy" ở các yếu tố khác như định dạng file, hệ thống ống kính, kiểu sáng, độ sâu bit màu, các tính năng đi kèm trước khi xuống tiền. Và đương nhiên rồi, bây giờ là 2023 và kích thước cảm biến vẫn rất quan trọng!