Tại sao bác hồ sang pháp

105 năm đã qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh [khi đó là anh Ba phụ bếp trên tàu] lần đầu đặt chân đến nước Pháp – mẫu quốc của chủ nghĩa thực dân, với mong muốn tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Trước tượng đài Bác Hồ ở Công viên Montreau

Sau một tháng vượt biển, người phụ bếp trên tàu Amiral La Touche - Tréville đến Marseille, đánh dấu lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Pháp. Người ở nước Pháp gần 7 năm [1911,1912,1917-1923,1927], qua 5 thành phố, bến cảng, từ Marseille, Le Havre, Saint Adresse, Dunkerque… trong đó chủ yếu là thủ đô Paris.

Trong cuốn «Hồ Chí Minh», tác giả Pierre Brocheux viết «Anh Ba đến cảng Marseille chỉ có 10 francs trong túi và tìm thấy ở đây nhiều điều tốt đẹp về nước Pháp, cho phép so sánh giữa nước Pháp bản địa với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương… Nhưng trong thời gian chờ tàu dỡ hàng, anh đã quan sát và chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở mình, hay tình trạng trộm cắp, gái bán hoa và đặt câu hỏi: «Tại sao người Pháp không «khai hóa» đồng bào của nước họ trước khi khai hóa chúng ta?»

Tác giả Pierre Brocheux nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều năm nghiên cứu về Người: «Từ sâu thẳm trong lòng, nếu bạn hỏi tôi nghĩ gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu trả lời thực sự rất đơn giản. Tôi có ấn tượng giống như tất cả những ai từng may mắn được biết đến Người. Rằng đây là một con người nhân văn nhưng cũng rất quyết đoán tìm ra những giải pháp và quyết tâm làm đến cùng với mục tiêu đã đặt ra. Đặc biệt, đó là một con người rất chân thực và tình nghĩa, giản dị. Một con người rất sáng suốt, tinh anh, một con người không bao giờ đánh mất niềm tin và mục tiêu của mình. Người đã trải qua nhiều giai đoạn đau khổ và khó khăn nhưng đã vượt qua được hết, nhìn rõ những gì đang xảy ra và rút ra được bài học từ đó».

Địa chỉ số 1 Le Havre

Tiếp đến Marseille, anh Ba đã cùng con tàu tới cảng Le Havre, và ngày nay, tại ngôi nhà số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre - nơi Người từng sống, có đặt một biển đồng lưu niệm ghi lại dấu chân Người. Theo các tư liệu, nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành đã gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành và kèm theo địa chỉ hòm thư tại số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre.

Theo một tư liệu mới được phát hiện vào năm ngoái, có địa điểm tại thị trấn ven biển ngoại ô Le Havre có tên là Saint Adresse - là nơi Bác từng làm vườn thuê cho một gia đình giàu có trong thời gian đợi sửa tàu. Tại buổi lễ tôn vinh sự có mặt của Bác tại thành phố này tổ chức năm ngoái, Thị trưởng thành phố đã khẳng định: “Dấu vết của một giấc mơ cũng thực như dấu vết của một bước chân”.

Dù chỉ trong khoảng một tháng ngắn ngủi lưu lại Sainte Adresse khi con tàu La Touche - Tréville dừng chân để sửa chữa trong giai đoạn 1911-1912, người thợ phụ bếp, sau đó là người thợ làm vườn “Anh Ba” - đã để lại một sợi dây kết nối nhân văn đến kỳ lạ. Ngôi nhà ngày xưa Người từng làm vườn nay vẫn còn đó, khu vườn vẫn còn nhưng thu hẹp lại và thay vào đó là hai tòa chung cư cao. Và sắp tới, ở nơi đây, một dự án nghiên cứu cụ thể sẽ được tiến hành giữa chính quyền Sainte Adresse với Việt Nam.

Sổ lưu niệm trong không gian Hồ Chí Minh với các dòng chữ của Đại sứ và Thị trưởng Montreuil

Xúc động cùng các cán bộ Việt Nam đi thăm lại những dấu tích của Bác Hồ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nói: “Đến đây, cá nhân tôi cảm nhận được những tình cảm quý mến nồng hậu của những người bạn Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, với nước Việt Nam nói chung. Sắp tới đây, Đại sứ quán và Đảng ủy sẽ tổ chức những chuyến đến thăm không những cho các cán bộ mà cả thanh niên, thế hệ trẻ, sinh viên, thanh niên trong cộng đồng người Việt tại Pháp đến thăm những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc tại Pháp để gợi lại quá trình ra đi, phấn đấu tìm đường cứu nước của Bác cũng như truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, đó là những bài học tốt để thế hệ trẻ ngày nay noi gương Bác phấn đấu và làm việc”.

Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint

Tại Paris, có ít nhất 5 địa điểm Bác từng sống trong thời gian hoạt động cách mạng tích cực. Thiêng liêng nhất và được nhắc tới nhiều nhất là tại địa điểm số 9 ngõ Compoint, nơi Người sống từ  tháng 7/1921 đến 14/3/1923. Trong hoàn cảnh điều kiện sống thiếu thốn, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời nhiều tác phẩm bài báo, truyện ngắn, kịch… tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản nói chung và thực dân Pháp tại Đông Dương. Ngày nay, ngôi nhà đã không còn như trước, trở thành một khu chung cư cao tầng và bên dưới có gắn tấm biển đồng ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây. Căn phòng Người từng sống tại đây được chuyển về tái dựng tại Bảo tàng Lịch sử sống tại công viên Montreau thuộc thành phố Montreuil ngoại ô Paris. Cũng tại công viên, nhiều bà con người Việt và bạn bè Pháp thường xuyên qua lại thăm và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tại Paris, phải kể đến các địa điểm như nhà số 56 phố Monsieur Le Prince - nơi Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Tổng thống Mỹ dự Hội nghị hòa bình Versaillé đề nghị ủng hộ bản Yêu sách của nhân dân An Nam, thư đề ngày 18/6/1919; hay ngôi nhà số 6 phố Villa De Gobellins ở quận 13 Paris - nay tấp nập người châu Á- nơi Nguyễn Ái Quốc ở chung với hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.

Lý lịch của Hồ Chí Minh

Các tài liệu của mật thám Pháp theo dõi Người được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp cũng như nghiên cứu của các chuyên gia Pháp đều làm sáng tỏ lý tưởng và mong mỏi tìm con đường cứu nước cho dân tộc của nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc ngay từ những ngày đầu. Đồng thời, nhà cách mạng Hồ Chí Minh có cái nhìn khách quan và nhân văn đối với nhân dân Pháp – trong đó có không ít nhân dân yêu chuộng hòa bình – khác với bọn thực dân Pháp tại Đông Dương.

Trả lời phóng viên VOV, bà Olivia Pelltier, chuyên gia lưu trữ phụ trách kho tư liệu về Đông Dương, trong đó bao gồm những tư liệu quan trọng về Hồ Chí Minh tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp cho biết có sự quan tâm đặc biệt của độc giả, của các chuyên gia đối với kho tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung tâm: «Có nhiều độc giả quan tâm đến bộ tư liệu Hồ Chí Minh mà chúng tôi lưu trữ ở đây. Rất nhiều nhà nghiên cứu Pháp, Mỹ… và đặc biệt Việt Nam tìm đến trung tâm để tra cứu những tư liệu này. Đã có nhiều đồng nghiệp làm lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tới đây và họ rất hài lòng khi tiếp cận với nhiều tư liệu quý tại đây”.

Riêng tôi đã gắn bó với việc lưu trữ bộ tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 8 năm qua. Nhiều khi thật xúc động khi bên cạnh những bức ảnh chính thức của một chính trị gia vĩ đại, lại thấy một vài bức ảnh rất đời thường, vui vẻ, thanh thản và tươi cười”./.

Về mục đích ra đi của mình, năm 1923, Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[1]. Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[2].

Khách sạn Omni Parker ở thành phố Boston, Mỹ. Tại khách sạn này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trong những năm 1912-1913. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Để tiếp tục thực hiện mục đích đó, năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Chargeurs Réunisđi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Đến đâu, Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Một trong những cảnh ấy Người đã trông thấy ở Dacar: “Đến Dacar, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”[3]. Cảnh tượng đó làm cho Nguyễn Tất Thành rất đau xót. Người liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào khốn khổ của mình. Họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo của bọn thực dân. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường Người đi qua, tạo nên ở Người mới đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.

Nguyễn Tất Thành theo con tàu tiếp tục đi qua Martinique [Trung Mỹ], Uruguay và Argentina [Nam Mỹ] và dừng lại ở nước Mỹ cuối năm 1912. Tại đây, Người có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Người vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Người đã đến thăm quận Brooklyn của thành phố New York. Người đi xe điện ngầm đến khu Harlem để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen. Ở nước Mỹ không lâu nhưng Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Hoa Kỳ. Đằng sau khẩu hiệu “cộng hòa dân chủ” của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột rất tàn bạo. Người cảm thông sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận những kẻ phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ, mà sau này Người đã viết lại trong bài báo Hành hình kiểu Linsơ [Lynch].

Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Le Havre, sau đó sang Anh. Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, Người nhận cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, nhưng Người đã tranh thủ học tiếng Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư liên hệ với cụ Phan Châu Trinh, lúc này đang ở Pháp, thông báo tình hình sinh hoạt, học tập của mình, hỏi thăm tình hình người thân của cụ Phan. Trong thư Nguyễn Tất Thành cũng bày tỏ và thăm dò ý kiến của cụ Phan về tình hình thời cuộc. Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Drayton Court, phía tây London. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Thành lại chuyển sang làm phụ bếp ở khách sạn Carlton-một khách sạn hạng sang nổi tiếng ở London. Nguyễn Tất Thành làm việc dưới sự điều khiển của vua bếp Escophier, một người Pháp có tư tưởng tiến bộ. Nguyễn Tất Thành được giao nhiệm vụ thu dọn và rửa bát, đĩa, nồi, chảo,... Những người giàu có khi ăn uống rất lãng phí, bỏ thừa khá nhiều, có khi cả một phần tư con gà. Người gói lại những miếng ngon đưa cho nhà bếp. Ông Escophier chú ý tới việc làm đó và hỏi: “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người kia?

Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp ở khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

- Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy.

- Ông bạn trẻ của tôi ơi, anh nghe tôi. Ông Escophier vừa nói vừa cười và có vẻ bằng lòng. Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon anh sẽ được nhiều tiền. Anh bằng lòng chứ?”[4]. Từ đó, ông chuyển Nguyễn Tất Thành vào chỗ làm bánh với mức lương cao hơn.

Tại Anh, Nguyễn Tất Thành đã hăng hái tham dự những cuộc diễn thuyết ngoài trời của nhiều nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Airơlen. Cũng trong thời gian này, Người được đọc một tờ báo Anh đưa tin về ông Terence Mac Swiney, Thị trưởng thành phố [Cork-Coóc], nhà đại ái quốc Airơlen, đấu tranh chống đế quốc Anh, bị bắt. Trong tù ông đã tuyệt thực. Ông nằm nghiêng một phía, không ăn, không cử động hơn 40 ngày và hy sinh. Hàng ngàn người Airơlen lưu vong nối nhau thành hàng dài trên đường phố London đưa tiễn ông Mac Swiney về yên nghỉ tại Cork. Nguyễn Tất Thành hết sức xúc động và cảm phục tinh thần bất khuất của ông: “Can đảm biết bao! Dũng cảm biết bao! Một dân tộc có những người như ông Coóc sẽ không bao giờ đầu hàng”[5].

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp, lúc đầu Nguyễn Tất Thành ở phố Charonne trong một thời gian ngắn; từ ngày 7 đến 11-6-1919 ở nhà số 10, phố Stokholm; ngày 12-6-1919, chuyển đến ở nhà số 56 phố Monsieur le Prince; tháng 7-1919, ở nhà số 6, phố Villa des Gobelins, quận 13; ngày 14-7-1921, chuyển đến ở nhà số 12, phố Buyô. Trong tháng 7-1921, Nguyễn Tất Thành chuyển đến nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, một trong những khu lao động nghèo nhất của Thủ đô nước Pháp. Ngày 14-3-1923, Người đến ở nhà số 3, phố Marché des Patriarches.

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp - “tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles. Dưới bản Yêu sách Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bản Yêu sách gồm tám điểm: “1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”[6].

Thực dân Pháp bắt đầu chú ý tới người có tên Nguyễn Ái Quốc. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện ở Hội trường Hooctiquyntơ tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Paris, tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[7].

Qua việc bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, như sau này Người đã viết: “Chủ nghĩa Wilsonchỉ là một trò bịp bợm lớn”[8] và “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”[9].

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Quốc tế Cộng sản đã kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản họp năm 1920 thông qua, đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[10]. Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp từ ngày 25 đến ngày 30-12-1920, tại thành phố Tours [Pháp], Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và được mời phát biểu. Bằng những sự thật, Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo mà bọn thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…”. Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu bằng lời kêu gọi thống thiết: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!” [11].

Tại đại hội lịch sử này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta. Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Versaillesnăm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Lênin. 40 năm sau nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa” [12].

Việc Nguyễn Ái Quốc tiếp thu Chủ nghĩa Mác – Lênin đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin và sau đó ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam đã thúc đẩy các phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam phát triển đúng hướng.

NGUYỄN VĂN CÔNG [Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch]

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN. 2000, tập 1, tr.477.

[2] Báo Nhân Dân, số: 4062, ngày 18-5-1965.

[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.23.

[4] Sđd, tr.29.

[5] Sđd, tr.29.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN. 2000, tập 1, tr.435-436.

[7] Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.81.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN. 2000, tập 1, tr. 416.

[9] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.33.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN. 2000, tập.10, tr. 127.

[11] Sđd, tập 1, tr. 23-24.

[12] Sđd, tập 10, tr.241.

Video liên quan

Chủ Đề