Tham luận về công tác đánh giá cán bộ

Ngày 19/4, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Báo Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ tại Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”.

Quang cảnh hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ tại Đảng bộ tỉnh Quảng Nam” diễn ra ngày 19/4. Ảnh: N.Đ

Hội thảo đã khẳng định, đánh giá cán bộ là quan trọng nhất và có tính quyết định của quy trình về công tác cán bộ. Có đánh giá đúng, thực hiện công tác cán bộ mới tốt.

Từ thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình, các tham luận, ý kiến tập trung thảo luận những ưu điểm của công tác đánh giá cán bộ thời gian qua, phân tích các khó khăn khi cùng nhận định đây vẫn là mặt yếu nhất trong công tác cán bộ.

Qua đó, các đại biểu đề xuất giải pháp góp phần phát huy những mặt làm được, khắc phục hạn chế, để công tác đánh giá cán bộ ngày càng đổi mới, chất lượng, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ.

Gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Chia sẻ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đánh giá cán bộ trên địa bàn huyện thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hiệp Đức - bà Trần Thị Hằng cho rằng, đây là bước quan trọng nhất, là cơ sở để thực hiện tốt các bước tiếp theo trong công tác cán bộ, nhất là để phục vụ cho việc sử dụng, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc và đạt hiệu quả.

Từ thực tiễn của địa phương, bà Hằng chia sẻ, để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ. Chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá cán bộ với các nội dung khác trong công tác cán bộ.

Theo ông Lê Chơi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An, muốn có cán bộ phải đi tìm, đi tìm từ trong hoạt động, phong trào ở cơ sở. Nêu ra các hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục và đề xuất giải pháp làm tốt hơn công tác đánh giá cán bộ, ông Chơi nói, cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trước hết là của người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu các cấp.

“Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng dẫn của cấp trên và phải sát hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó chú trọng về chất lượng và mang tính khả thi cao gắn với xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm phù hợp với tiêu chuẩn từng chức danh quy hoạch, vị trí việc làm nhằm chủ động trong công tác cán bộ và xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới” - ông Chơi chia sẻ.

Trao đổi kinh nghiệm của địa phương mình, ông Nguyễn Hảo - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho hay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng đề án “Bí thư cấp ủy không là người địa phương” và phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này thực hiện hoàn thành dứt điểm.

Nỗ lực này không ngoài mục đích tạo ra môi trường làm việc mới của người đứng đầu cấp ủy. Khi không còn bị ràng buộc bởi quan hệ họ hàng, tin rằng người đứng đầu cấp ủy sẽ nhìn nhận, có đánh giá công tâm, khách quan, xác đúng với thực tiễn công tác, cống hiến của người cán bộ ở cơ sở.

Chú trọng từ công tác tuyển dụng

Bí thư Huyện ủy Núi Thành - ông Nguyễn Tri Ấn cho rằng, để thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, phải định lượng cho được các tiêu chí đánh giá; nghĩa là thực hiện cho được đề án vị trí việc làm, xây dựng khung chức năng công việc, tổ chức bộ máy gắn với biên chế.

Về lâu dài, cần siết chặt, chú trọng làm tốt ngay từ khi tổ chức tuyển dụng cán bộ, phải xem đây là bước quan trọng nhất, làm sao cho người tài, người giỏi được lựa chọn vào bộ máy hành chính nhà nước.

“Ngoài ra, chủ thể đánh giá nên là người lãnh đạo trực tiếp, bởi họ có thông tin đầy đủ về cán bộ cấp dưới. Theo đó, yêu cầu người lãnh đạo phải công tâm, khách quan và có đủ năng lực, bản lĩnh để đánh giá người cán bộ, bởi việc đánh giá trên nhiều khía cạnh, đạo đức, tư tưởng, lối sống, thực hiện nhiệm vụ…” - ông Ấn nêu ý kiến.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, bộ máy tổ chức tham mưu đánh giá cán bộ có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp tổ chức đánh giá sát việc, rõ người và đánh giá một cách khách quan, toàn diện, từ đó, động viên, khuyến khích các bộ phát triển.

Tư duy đánh giá cán bộ cần có tính lịch sử xuyên xuốt, không chỉ xem xét trong thời gian ngắn mà phải xem xét trong cả quá trình để thấy được sự chuyển biến; phối hợp theo dõi thường xuyên, với đánh giá định kỳ. Người đứng đầu phải công tâm, khách quan, vô tư trong đánh giá cán bộ cấp dưới.

Với nhìn nhận của nhà nghiên cứu, ThS.Nguyễn Thanh Bình - cán bộ Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam cho rằng, sẽ không có bộ tiêu chí nào là tối ưu cho tất cả, do đó từng cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo đơn vị phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và mục tiêu hoạt động cũng như mục tiêu của việc đánh giá để cụ thể hóa các tiêu chí làm căn cứ nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

“Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mà thậm chí còn phải căn cứ vào kết quả đổi mới, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nói đi đôi với làm; khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành” - ông Bình nói.

Chủ Đề