Thắng lợi quân sự của ta mở đầu trong việc đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt là gì

Đẩy mạnh đấu tranh quân sự và chính trị, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, góp phần đánh thắng chiến lược Chiến tranh cục bộ [1965 1968]

Các cuộc tiến công và nổi dậy mạnh mẽ của quân dân miền Nam làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu trực tiếp thực hiện chiến tranh xâm lược miền Nam.

Tại Thừa Thiên Huế, Phú Bài trở thành căn cứ đầu tiên đóng quân của quân đội viễn chinh Mỹ để triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ trên địa bàn hai tỉnh Trị - Thiên.

Ngày 25/7/1965, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên họp tại vùng núi huyện Hương Trà. Đại hội đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ mới để lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn gian khổ, dũng cảm đương đầu với quân Mỹ, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Tháng 4/1966 Khu ủy và Quân khu Trị - Thiên Huế được thành lập do Thiếu tướng Trần Văn Quang làm Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu. Nhiệm vụ của Quân khu là: Tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân ngụy, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, ra sức chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang thành phố để phục vụ kế hoạch tổng công kích và tổng khởi nghĩa khi có điều kiện chín muồi... Cắt đứt đường giao thông chiến lược của địch, xây dựng đường hành lang của ta, giành thắng lợi về mọi mặt và tạo nên một tình thế mới trên chiến trường Trị - Thiên, phối hợp tốt với các chiến trường khác trong mọi tình huống.

Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên tháng 6 và tháng 12/1966 nhằm quán triệt và cụ thể hóa các nhiệm vụ của Khu ủy giao.

Tại Thừa Thiên Huế các vành đai diệt Mỹ đã được xây dựng xung quanh căn cứ Phú Bài, Đồng Lâm, đường 12, đường 14. Tháng 11/1965, một sự kiện quân sự có ý nghĩa lớn đối với ta là quân dân hai huyện Phong Điền, Quảng Điền đánh tan cuộc càn quét của Mỹ - Ngụy có xe bọc thép M.113 yểm trợ được xem là trận đánh phủ đầu chiến thuật thiết xa vận mà Mỹ sử dụng để càn quét đồng bằng, nhất là vùng kháng chiến của ta.

Bước vào nửa đầu năm 1966 nói riêng và cả năm 1966 nói chung, những hoạt động quân sự đã tiếp tục góp phần giữ vững thế trận, đưa phong trào cách mạng vượt qua những thử thách mới. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích các xã đã đánh bại các trận càn của Mỹ ngụy.

Để mở rộng vùng giải phóng làm chỗ đứng chân cho lực lượng cách mạng, từ tháng 6/1966, nhân dân ba xã Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Đại [Quảng Điền] đã tiến hành đồng khởi, giải phóng một số thôn. Số thôn còn lại, dưới sự lãnh đạo của các đội công tác vũ trang, nhân dân đã kiên trì bám trụ đánh địch phản kích, đến thắng 11/1966 cả ba xã hoàn toàn giải phóng, tạo địa bàn quan trọng cho cách mạng, mở ra thế trận cho cả ba vùng và tạo thế cho sự phát triển của phong trào trong những năm tiếp theo.

Cùng với các hoạt động quân sự là phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ở các vùng đồng bằng, nông thôn và thành phố Huế góp phần tạo nên những đòn đánh trực diện vào chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ.

Phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi của sinh viên Huế tháng 8/1965 với các cuộc biểu tình, tuần hành, phát thanh, những đêm không ngủ đã góp phần nâng cao ý thức chính trị trong nhân dân, giúp các tầng lớp trung gian hiểu rõ hơn về chính sách xâm lược của Mỹ và bản chất tay sai của chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho Huế bước vào cao trào đấu tranh chính trị suốt mùa hè năm 1966.

Ngày 9/3/1966, tướng Nguyễn Chánh Thi - Tư lệnh Quân đoàn I kiêm Tư lệnh vùng I Chiến thuật bị cách chức. Nắm lấy cơ hội địch mâu thuẫn, các tầng lớp nhân dân đã xuống đường đòi hòa bình, chống chiến tranh, đòi lật đổ Thiệu - Kỳ. Cả Huế vùng lên, tăng ni Phật tử mitting, sinh viên, học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, công chức bãi việc, quần chúng tổ chức lễ tẩy chay Mỹ. Cuộc đấu tranh đã hình thành một mặt trận rộng rãi, tạo nên phong trào liên minh hành động có tính chất bạo lực chống Mỹ và tay sai giữa nhân dân lao động, sinh viên học sinh với Sư đoàn I ngụy ly khai khỏi ngụy quyền Sài Gòn.

Cuộc đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp nhân dân đã đẩy kẻ thù rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, địch không kiểm soát được thành phố Huế. Chính quyền Sài gòn đã cho máy bay chở hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến và dù ra Đà Nẵng hòng đàn áp phong trào. Phản ứng trước việc chính quyền Sài Gòn đem quân đàn áp ở Đà Nẵng, ngày 5/4/1966 Đoàn Thanh niên quyết tử Huế gồm 66 sinh viên, do Nguyễn Đắc Xuân làm Đoàn trưởng được thành lập, ngày 8/4 một bộ phận lên đường vào chi viện cho Đà Nẵng. Qua tháng 5/1966, một tổ chức mang tên Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức cũng được thành lập bởi người thầy giáo yêu nước Ngô Kha, tập hợp lực lượng chống Mỹ - Thiệu.

Sau sự kiện thành lập Đoàn sinh viên quyết tử và Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức, tinh thần võ trang tranh đấu lan rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân, lần lượt xuất hiện một số tổ chức như Đoàn học sinh ứng chiến, Công chức chống đàn áp, Giáo chức tranh thủ dân chủ, Nữ sinh cứu thương...

Sau ba năm [1963 - 1966], cuộc đấu tranh chính trị hoàn toàn bất bạo động, đến mùa hè năm 1966, phong trào đấu tranh ở Huế từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang tự vệ, đánh dấu một bước ngoặt mới của phong trào trong sự nghiệp chung chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thành tựu quan trọng nhất của những ngày sôi nổi khí thế chống Mỹ - Thiệu trong năm 1966 của các tầng lớp nhân dân Huế chính là đã tập dượt, chuẩn bị thiết thực cho lần nổi dậy với quy mô lớn chỉ hơn một năm sau đó trong Xuân 1968.

Sáu tháng cuối năm 1966, các lực lượng vũ trang bao gồm bộ đội địa phương và du kích đã tích cực chống địch bình định, bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp.

Qua năm 1967, phong trào chiến tranh du kích tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần củng cố và mở rộng vùng giải phóng và vùng tranh chấp. Đó là năm có nhiều chiến công của lực lượng vũ trang trong tỉnh: chiến công của tiểu đoàn 4 [K4] và du kích Vinh Thái [Phú Vang] đánh tan 6 trung đội địch càn quét bình định, trong đó có ba cố vấn Mỹ [1/1967]; trận du kích thôn Lợi Nông [Hương Thủy] đánh bại cuộc càn quét của địch, bảo vệ thôn xóm [2/1967]; trận Tiểu đoàn 4 cùng bộ đội địa phương, du kích phú Vang tiến công chi khu quận lỵ Phú Thứ [2/1967]; trận phá ấp chiến lược Dưỡng Mong của bộ đội địa phương tỉnh; trận tiêu diệt căn cứ mã thám của Mỹ và đánh nát sân bay trực thăng Mỹ ở Phú Bài; trận tập kích vào khách sạn Hương Giang...

Cùng với chiến công trên mặt trận quân sự, phong trào đấu tranh chính trị cũng có bước chuyển quan trọng, phong trào Phật giáo phát triển mạnh, nhiều sinh viên, học sinh Huế thoát ly lên chiến khu, một số bám sát địa bàn, bí mật xây dựng cơ sở.

Cuối năm 1967, Bộ Chính trị họp và đi đến quyết định tiến hành Tổng tấn công, tổng khởi nghĩa trên toàn miền. Chiến trường Huế được coi là một trong hai chiến trường trọng điểm [Sài Gòn - Huế]. Nhiệm vụ là thực hành tổng tiến công, nổi dậy đồng loạt đánh chiếm thành phố Huế, các thị xã thị trấn, đánh tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng nông thôn, thiết lập chính quyền cách mạng, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Tại Huế, 2 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1968 pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ của địch mở đầu cuộc tổng tấn công lịch sử. Sau 7 giờ chiến đấu, đến 9 giờ ngày 31 tháng 01 năm 1968, cờ MTDTGP phấp phới trên đỉnh cao cột cờ Phu Văn Lâu quân ta làm chủ hoàn toàn thành phố. Quân ta đã làm chủ thành phố trong 26 ngày đêm. Trong 26 ngày đêm tấn công nổi dậy, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đập nát cơ quan đầu não, đánh tan rã hệ thống kìm kẹp của địch từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 25 tháng 2 năm 1968 do tương quan lực lượng không cân sức, quân đội ta chiến đấu ở thành phố lâu ngày đã bộc lộ nhiều khó khăn, cấp trên ra lệnh rút khỏi thành phố, kết thúc chiến dịch Xuân Mậu Thân.

Thắng lợi của cuộc tiến công, nổi dậy Xuân 68 góp phần quan trọng vào việc đánh bại chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang và thay đổi chiến lược chiến tranh. Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy thắng lợi tết Mậu Thân, thực hiện Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

[Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005]

Video liên quan

Chủ Đề