Thực trạng sử dụng phương pháp dạy học tích cực

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI DẠY VÀ NGƯỜI HỌC

Ngày đăng:22/06/2020 - 21:47

Hiện nay nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hội nhập kinh tế ngày càng mở rộng đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam không ngừng cải tiến, đổi mới phù hợp với thế giới và các quốc gia trong khu vực. Mặt khác, trong bối cảnh đó, nền giáo dục còn có những bất cập về chất lượng giáo dục, nhiều giáo viên sử dụng phương pháp dạy học lạc hậu đã gây nên tình trạng thụ động trong học tập của học sinh dẫn đến hiệu quả dạy học chưa cao. Học sinh ít được lôi cuốn động viên khích lệ để hứng thú, tự giác học tập, gây nên tình trạng chán học, bỏ học ở một số bộ phận học lực yếu kém. Cùng với nhiều nguyên nhân, tình trạng này trở nên khá gay gắt, khó khắc phục. Nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong tình hình hiện nay, tôi gửi đến bạn đọc một số nét định hướng đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực sáng tạo của người dạy và người học.

Trước hết, người giáo viên phải soạn bài chu đáo, khi lên lớp, nhất thiết phải có giáo án trên giấy, ngay cả khi sử dụng máy chiếu Projector. Khi giảng bài, giáo viên phải làm rõ trọng tâm và mối quan hệ lôgíc nội tại của mạch kiến thức bài học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh; chuẩn bị hệ thống câu hỏi phát huy trí lực và phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, [nhất là đối với bài dài, bài khó, nhiều kiến thức mới]. Bồi dưỡng kỹ năng vận dụng sáng tạo kiến thức, hạn chế ghi nhớ máy móc, thay việc sửa lỗi bằng cách hướng dẫn học sinh tự trả lời câu hỏi: do đâu dẫn đến kết quả sai?

Thứ hai: Giáo viên phải là người làm chủ lớp học, thiết lập bầu không khí thân thiện tích cực, chủ động giải quyết mọi tình huống bảo đảm yêu cầu sư phạm.

Thứ ba: Phương tiện dạy học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nhằm tăng cường tính trực quan và thí nghiệm, thực hành trong dạy học. Hiện nay, việc trang bị các phương tiện dạy học mới cho các trường phổ thông từng bước được tăng cường. Tuy nhiên các phương tiện dạy học tự làm của giáo viên luôn có ý nghĩa quan trọng, cần được phát huy. Đa phương tiện và công nghệ thông tin vừa là nội dung dạy học vừa là phương tiện dạy học trong dạy học hiện đại. Bên cạnh việc sử dụng đa phương tiện như một phương tiện trình diễn, cần tăng cường sử dụng các phần mềm dạy học cũng như các phương pháp dạy học sử dụng mạng điện tử [E-Learning], mạng trường học kết nối.

Sử dụng hợp lý sách giáo khoa [không đọc chép, hướng dẫn học sinh chỉ ghi theo diễn đạt của giáo viên, không để học sinh đọc theo sách giáo khoa để trả lời câu hỏi] và sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học, phương tiện trực quan, phương tiện nghe nhìn; ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, thực hiện đầy đủ thí nghiệm, thực hành. Ở một số bài phải làm rõ mối liên hệ dọc theo mạch kiến thức môn học và mối quan hệ môn với các môn học khác để khắc sâu kiến thức.

Thứ tư: Cần phải tích luỹ, khai thác sử dụng hồ sơ chuyên môn, liên hệ thực tế sinh động để làm sâu sắc thêm bài giảng, giao bài tập, chủ đề nguyên cứu, sưu tầm về nhà để rèn luyện kỷ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh.

Thứ năm: Giáo viên nêu vấn đề và hướng dẫn học sinh giải quyết, dẫn dắt học sinh tự đưa ra kết luận cần thiết. Dạy phải sát đối tượng, coi trọng bồi dưỡng học sinh khá giỏi và kiên trì giúp đỡ học sinh học lực yếu kém.

Ngoài ra, giáo viên chuẩn bị thiết bị dạy học, học liệu, chủ động sưu tầm chọn lọc tư liệu liên hệ thực tế, nắm bắt các kỹ năng và kỹ thuật dạy học cần thiết [kỹ năng sử dụng thiết bị, viết bảng, vẽ hình, kỹ năng diễn giải, kỹ năng lôi cuốn chú ý, kỹ năng thao tác mẫukỹ năng tiến hành các hoạt động dạy học cụ thể; dạy học vi mô, dạy học theo nhóm, dạy học theo dự án, dạy học nêu vấn đề, trình bày theo cấu trúc]

Đối với các môn học khoa học xã hội: giáo viên chú ý trọng bồi dưỡng năng lực cảm thụ để nắm vững từng chủ đề, rèn kỹ năng diễn đạt bằng lời nói, chữ viết, hình vẽ.

Đối với các môn học tự nhiên: giáo viên cần chú trọng rèn luyện kỹ năng tư duy lôgic, tự hệ thống hóa kiến thức, ghi nhớ có ý nghĩa [hạn chế ghi nhớ máy móc], rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, tuỳ vào môn học, đối tượng học sinh, hoàn cảnh thực tế, điều kiện vật chất người dạy và người học cần làm tốt những dấu hiệu cơ bản sau:

- Giáo viên có hành vi chuẩn mực, thái độ thân thiện, biết khích lệ tình cảm hứng thú và tinh thần tích cực chủ động trong học tập cho học sinh.

- Giáo viên bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình, biết nêu vấn đề và hướng dẫn học sinh tự giải quyết, bảo đảm kiến và kỹ năng, giáo viên khai thác thác lỗi để rèn luyện phương pháp học tập, giảm thời lượng thuyết trình của giáo viên đến mức thấp nhất, tăng hoạt động tìm tòi, tăng tính chủ động, tham gia xây dựng bài của học sinh.

- Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng hợp lý SGK trên lớp.

- Giáo viên khai thác thiết bị dạy học [trong đó có công nghệ thông tin] tăng cường thí nghiệm, thực hành trực quan [kênh chữ, kênh hình] để nâng cao hiệu quả dạy học và gắn bài giảng sát với thực tế của cuộc sống.

- Học sinh kết hợp học tập cá nhân với học tập tương tác, hợp tác, huy động mọi nhóm trình độ [giỏi, khá, trung bình, yếu, kém] tham gia xây dựng bài.

Việc đổi mới phương pháp dạy học là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Trong đó hoạt động dạy và hoạt động học có tính độc lập tương đối như là hai mặt của một quá trình, người giáo viên truyền đạt kiến thức, kỹ năng và hình thành nhân cách; học sinh làm chủ kiến thức kỹ năng theo chuẩn kiến thức kỹ năng quy định ở các bậc học. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là gạt bỏ các phương pháp truyền thống mà phải vận dụng một cách có hiệu quả các phương pháp dạy học hiện có theo quan điểm dạy học tích cực kết hợp với các phương pháp hiện đại.

Tin bài: Hoàng Phương Thảo

  • Chia sẻ:
  • |
  • In bài viết
Nguồn: Hoàng Phương Thảo

Video liên quan

Chủ Đề