Tốc độ tăng trưởng tín dụng là gì năm 2024

(KTSG) – Tăng trưởng tín dụng thấp có lẽ vừa là nguyên nhân nhưng cũng là hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng và đầu tư, tiêu dùng giảm sút.

  • Thấy gì qua con số tăng trưởng tín dụng?
  • Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%
    Tốc độ tăng trưởng tín dụng là gì năm 2024
    Sự thận trọng vẫn là chính sách chủ đạo trong phát triển tín dụng cho năm 2023. Ảnh: LÊ VŨ

Giảm tốc vì đâu?

Từ mức tăng trưởng đỉnh cao 16,94% so với cùng kỳ đạt được vào tháng 9-2022, tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc kể từ đó đến nay, bất chấp vào quí 4-2022 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái nới thêm hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng. Tháng 2-2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng có bật lên nhẹ, nhưng rồi tiếp tục chuỗi đi xuống, đến cuối tháng 6-2023 dừng ở con số 9,24% (xem thêm biểu đồ).

Tốc độ tăng trưởng tín dụng là gì năm 2024

Nhìn vào xu hướng của tín dụng, phần nào lý giải được tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay quá thấp, cũng như động lực đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế đang ở giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm trở lại đây, nếu không tính giai đoạn 2020-2021 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19.

Tuy nhiên, biểu đồ cũng cho thấy trong năm 2021 tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng tháng so với cùng kỳ vẫn duy trì từ 14-15%, còn trong năm 2020 sau khi tạo đáy tại 9,58% vào tháng 5 dư nợ tín dụng cũng đã đi lên trở lại trong những tháng sau đó.

Tăng trưởng tín dụng thấp có lẽ vừa là nguyên nhân nhưng cũng là hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng và đầu tư, tiêu dùng giảm sút. Nhiều báo cáo phân tích nói đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian qua, đơn hàng thiếu hụt kéo dài từ quí 4-2022 đến nay, buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp muốn vay vốn thì lại không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Chính phủ dù đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, vì vậy chưa đủ lan tỏa lôi kéo đầu tư khu vực tư nhân, nên rất khó tăng trưởng tín dụng. Đó là chưa nói đến việc triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu, bất ổn toàn cầu gia tăng, nhiều nền kinh tế phát triển đứng trước nguy cơ suy thoái, rủi ro khủng hoảng năng lượng… cũng khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế vay vốn để mở rộng đầu tư.

Quan trọng hơn là nên tập trung hướng dòng vốn vào các khu vực sản xuất. Tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay về mức phù hợp hơn…

Đầu tư suy yếu và hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn cũng khiến cầu tiêu dùng chậm lại vì thu nhập người lao động sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hình thành xu hướng thắt chặt chi tiêu, càng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

Số liệu thống kê cho thấy đứng ở góc độ sử dụng GDP sáu tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế, trong khi cùng kỳ năm 2022 tiêu dùng cuối cùng tăng đến 6,06%.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cho vay tăng nhanh theo xu hướng lãi suất tiền gửi tăng từ quí 4-2022 kéo dài đến cuối quí 1-2023 cũng làm giảm động lực vay vốn của các khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân.

Dù thời gian qua lãi suất cho vay có giảm trở lại, nhưng với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn còn cao, do lượng tiền gửi kỳ hạn dài huy động ở vùng lãi suất cao trước đây vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể, thì cần phải mất thêm thời gian để lãi suất cho vay về lại mức ổn định như trước.

Với thị trường bất động sản đóng băng, trong khi đây luôn là kênh hấp thụ vốn rất lớn trong những năm qua, cộng thêm việc các tài sản là bất động sản thường được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng đáp ứng nhiều mục đích sử dụng vốn khác nhau, nên khi giá nhà đất suy yếu và triển vọng không lạc quan cũng ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động phát triển tín dụng.

Chia sẻ từ NHNN cho thấy tiêu dùng bất động sản trong năm tháng đầu năm 2023 giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%, cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để ở vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền nên tín dụng còn đang thấp.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, diễn biến thị trường hai năm trở lại đây cùng với những rủi ro trái phiếu mà nhóm này đã phát hành khiến nhóm này khó có khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng như giai đoạn trước. Một nguồn vốn lớn, có thể là từ tín dụng ngân hàng những năm trước đây, đã được các doanh nghiệp này rót vào các dự án bị đẩy giá cao và mắc kẹt từ đó đến nay. Ngược lại, hoạt động bán hàng gặp nhiều trắc trở vì các yếu tố pháp lý, sức tiêu thụ của thị trường yếu do nhiều yếu tố, dòng tiền tắc nghẽn, thiếu lành mạnh nên giờ muốn vay thêm cũng rất khó.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN dù đã được triển khai nhưng còn chậm. Đáng lưu ý là nhiều khoản vay được tái cơ cấu nhưng khách hàng không thể tiếp cận tín dụng mới vì ngân hàng lo ngại rủi ro, trái với mục tiêu của chính sách tái cơ cấu nợ là giúp doanh nghiệp đang khó khăn vẫn còn cửa để tiếp cận tín dụng.

Dự báo và giải pháp

Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm, như xu hướng đã diễn ra trong năm 2020.

Đầu tiên, việc các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh, thể hiện qua số liệu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giải ngân tăng trưởng tốt hơn và chỉ đạo của Chính phủ tập trung vào những dự án lớn, trọng điểm; cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu hồi phục, sẽ giúp lan tỏa động lực đầu tư đến khu vực tư nhân, thúc đẩy nhóm này tăng nhu cầu vay vốn trong giai đoạn tới.

Một số nhận định cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đã chạm đáy trong quí 2 vừa qua, và với triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp cũng sẽ mạnh dạn vay đầu tư, mở rộng hoạt động trở lại để đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.

Thứ hai, lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt trở lại tại các nền kinh tế phát triển có thể giúp nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam khởi sắc hơn, từ đó đơn hàng được ký kết sẽ tăng trở lại. Khi đó, thị trường lao động trong nước có thể tích cực hơn, cùng với những giải pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa đang được Chính phủ triển khai, theo đó tăng trưởng tín dụng cũng được hưởng lợi.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới Việt Nam, mới đây cho rằng “một trong những biện pháp then chốt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Quá trình này giúp cải thiện hạ tầng công cộng, thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, cung cấp các chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước”.

Còn người đứng đầu NHNN gần đây kiến nghị thúc đẩy các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác, chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá của bất động sản.

Dù vậy, quan trọng hơn là nên tập trung hướng dòng vốn vào các khu vực sản xuất. Tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay về mức phù hợp hơn, đảm bảo khả năng sinh lời cũng như tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, cũng là một giải pháp quan trọng. Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang đáo hạn dần, chi phí vốn của các ngân hàng cũng đang dần đi xuống sẽ tạo thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. Nhiều dự báo cho rằng NHNN có thể sẽ còn một lần giảm lãi suất điều hành nữa trong năm nay.

Cuối cùng, các gói tín dụng ưu đãi cần được triển khai có hiệu quả thực chất hơn. Đơn cử như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng (hỗ trợ lãi suất thấp hơn thị trường cho chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân) sau ba tháng triển khai (từ đầu tháng 4-2023) mới có khoảng 95 tỉ đồng được giải ngân và 950 tỉ đồng cam kết cho vay. Với gói tín dụng 40.000 tỉ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%), số tiền đã giải ngân cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình (áp dụng từ năm 2022 đến cuối tháng 5-2023) chỉ đạt khoảng 500 tỉ đồng.

Về chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm, do mới được triển khai nên chưa phát sinh dư nợ đáng kể. Vì vậy, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Chính phủ yêu cầu rà soát, thúc đẩy, có báo cáo hàng quí để giải ngân các gói tín dụng này theo tinh thần kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt.

Tăng trưởng tín dụng có nghĩa là gì?

“Tín dụng tăng trưởng có nghĩa là đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Hạn chế tăng trưởng tín dụng có nghĩa là hạn chế lượng tiền trong lưu thông, từ đó kiểm soát lạm phát ở mức 4%”, TS.

Dù nợ có nghĩa là gì?

Dư nợ là nợ được phát sinh trong giao dịch tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ là toàn bộ số tiền mà người vay phải trả cho ngân hàng, tổ chức tín dụng trong giao dịch vay vốn trước đó.

Tín dụng ngân hàng là gì?

Còn tín dụng ngân hàng là mối quan hệ vay mượn giữa bên cho vay là ngân hàng (hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp) và bên đi vay là cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền. Khi đó, bên đi vay sẽ cung cấp một tài sản có giá trị thế chấp cho bên vay trong một thời hạn được thỏa thuận.

Hiệu quả tín dụng là gì?

Hiệu quả tín dụng: Là một trong những biểu hiện phản ánh hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng và cụ thể chính là phản ứng chất lượng các hoạt động tín dụng ngân hàng.