Tư duy pháp lý bạn đầu là gì

Thứ tư, 29/08/2018 11:43

[có 1 đánh giá]

Một dạng câu hỏi điển hình khi bạn còn là sinh viên luật đó là: nhận định sau đúng hay sai? giải thích. Khi hành nghề luật sư, bạn vẫn sẽ xoay quanh những câu hỏi dạng tương tự như vậy từ khách hàng hoặc cấp trên của mình.

Kể cả khi bạn đã trở thành một luật sư lão luyện có tiếng, có đầy đủ sự trợ giúp của công nghệ và các luật sư trợ lý khác, trong nhiều tình huống, không phải lúc nào bạn cũng có thể đưa ra một câu trả lời ĐÚNG hoặc SAI rõ ràng. Vậy, một luật sư nên xử lý thế nào khi đối mặt với các câu hỏi dạng này, bài viết sau đây xin đưa ra những vấn đề cơ bản nhất. 

Thông thường có thể phân loại pháp luật thành hai vùng:

1. Vùng Đúng/Sai rõ ràng [“vùng đúng sai”] 
Có thể nói rằng đây là vùng mà khi 10 luật sư trả lời thì cả 10 người đều có 1 đáp án giống nhau. Khi đọc điều luật liên quan lên, hầu như mọi người [kể cả những người không học luật] đều có cách hiểu thông thường thống nhất. Hãy xem xét một ví dụ giả định: khách hàng của bạn đến từ một vùng hẻo lánh và hỏi: Tôi đi xe đạp thì có được vượt đèn đỏ không? Ok, dễ nhỉ và luật sư “nói có sách, mách có chứng”. Vì vậy, bạn sẽ trả lời: Căn cứ vào điều abc, Luật giao thông trên cạn năm xyz, có quy định: “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không được vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông”, vì vậy anh đi xe đạp không được vượt đèn đỏ. Khách hàng đọc điều luật và thấy thuyết phục. 

Trong vùng đúng sai, hầu như mọi luật sư sẽ trả lời được nếu tìm ra đúng cơ sở pháp lý [điều luật] áp dụng. Nói như vậy không có nghĩa là mọi luật sư đều giống nhau, một luật sư giỏi sẽ có cái nhìn vấn đề sâu sắc và tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Ví dụ như họ sẽ biết chi tiết hơn về điều luật ở trên, thế nào là “phương tiện giao thông đường bộ”, lần sau khách hàng khác của bạn có thể cưỡi một con ngựa và hỏi câu tương tự. Thế nào là “vượt”, toàn bộ xe quá vạch trắng hay chỉ cần một phần, hay chỉ tính mình bánh xe…v.v., hoặc hậu quả pháp lý/rủi ro nào sẽ xảy ra nếu khách hàng vượt đèn đỏ? Rất nhiều những thứ liên quan mà luật sư nên biết thêm để tạo thành kiến thức và kinh nghiệm của mình.

2. Vùng không rõ ràng [“vùng xám”] 
Sẽ có những lúc bạn đọc điều luật liên quan nhưng không thể đưa ra kết luận đúng/sai thế nào cho tình huống cụ thể. Sẽ có những lúc bạn đọc điều luật và hiểu là “A”, nhưng luật sư đồng nghiệp cho rằng “A” là sai và “B” mới đúng. Đây không phải là điều hiếm gặp. Vùng xám là nơi có những quan điểm trái chiều, mỗi quan điểm thường có những lý do riêng để biện minh cho tính đúng đắn của nó.  Vùng xám tồn tại trong pháp luật nói riêng và trong các lĩnh vực/khía cạnh khác của xã hội nói chung.

Hiện tại có một vụ việc mà người ta đang tranh luận trên facebook, đó là việc một giảng viên luật mời các nữ sinh viên mình đang dạy đi café, như vậy có vi phạm chuẩn mực của một giảng viên không? Bạn có thể nói rằng: thầy chưa vợ, nữ sinh viên trên 18 tuổi hoàn toàn đủ nhận thức để quyết định, không có quy chế thành văn nào của ngành giáo dục hay trường đại học đó cấm việc giảng viên mời sinh viên café cả, suy ra: Không vi phạm. Hoặc bạn có thể lập luận rằng, thầy mời riêng từng em và toàn là em xinh xắn, nên việc mời này rõ ràng không đơn giản ở mức thầy trò, mà thầy lại có quyền quyết định điểm số của các em trong kỳ thi tới, mà thầy mời kiểu gì toàn các em cứ trả tiền…v.v, suy ra: Không đúng chuẩn mực cư xử. Tóm lại là bên nào cũng có lý để trình bày cả, quan điểm ủng hộ có thể là 50/50, 70/30 hoặc 10/90.

Quay trở lại với việc hành nghề của luật sư. Luật sư thường tư vấn thế nào khi gặp vùng xám. Xin đưa ra ví dụ giả định [giả định nhé, tôi cũng không biết luật hiện tại quy định thế nào đâu]: Khách hàng của bạn là một nhà đầu tư, anh ta dự đoán 1 tháng sau bitcoin [tiền ảo] sẽ tăng giá gấp 5 hoặc 8 lần. Anh ta quyết định đầu tư/mua bitcoin hiện tại. Anh ta tìm một luật sư để tư vấn về giao dịch mua bán này. Thông thường các luật sư chọn giải pháp an toàn nhất sẽ nói rằng: Bitcoin là tiền ảo, chưa được pháp luật thừa nhận nên giao dịch này có nguy cơ cao là vô hiệu, rủi ro pháp lý rất lớn. Tư vấn này hoàn toàn đúng. Sau khi được tư vấn của luật sư, anh ta quyết định dừng việc đầu tư. 1 tháng sau, bitcoin đúng là tăng giá 8 lần thật, anh ta nhìn sang các bạn bè đầu tư khác kiếm được rất nhiều lợi nhuận [có lẽ vì họ không đến gặp luật sư tư vấn]. Và từ đó, anh ta không sử dụng luật sư đó nữa. Cách tư vấn của luật sư như thế nào trong tình huống này là một chủ đề khó và rất nhạy cảm ở nhiều khía cạnh [tôi có thể sẽ bàn thêm về vấn đề này trong một bài khác]. Với luật sư Việt Nam, thực tế nền tư pháp nước nhà lại càng khiến cho tình huống này thêm phần khó khăn. Nếu những ai quan tâm về vụ đại án Bầu Kiên cũng biết: việc góp vốn, mua cổ phần khi không đăng ký kinh doanh ngành nghề này đã được kết luận [dựa trên luật doanh nghiệp 2005] là kinh doanh trái phép. Đến những thứ nhiều luật sư nghĩ là đúng nhưng kết luận cuối cùng là sai thì việc tư vấn trong vùng xám càng khó khăn hơn. 

Dừng việc phân tích, tôi xin gợi ý một vài điều sơ lược bạn có thể làm khi gặp phải vùng xám. Thứ nhất, hãy chắc chắn đó là vùng xám. Khi đối mặt với một rừng văn bản pháp luật, nhất là khi thiếu thời gian thì việc để xót quy định liên quan dễ xảy ra. Vấn đề bạn nghĩ là vùng xám nhiều khi có thể nằm trong một nghị định, thông tư hay công văn nào đó. Ngoài ra bạn cũng nên kiểm tra bằng cách đối chiếu với các cộng sự [người mà mình tin cậy] xem họ nhìn nhận vấn đề đó như thế nào, nếu họ trả lời khác nhau và có logic riêng thì nhiều khả năng đó là vùng xám. Thứ hai, hãy hiểu mục đích của khách hàng và tìm hiểu thực tiễn. Nếu băn khoăn đó liên quan đến việc làm thủ tục hành chính tại cơ quan X, hãy tìm cách tham khảo cách xử lý của cơ quan X hoặc cơ quan tương tự. Nếu băn khoăn đó có thể là nguy cơ xảy ra tranh chấp tại tòa án, hãy tìm hiểu xem có bản án nói về vấn đề đó chưa…v.v 

Thực tiễn đời sống có trước, luật pháp có sau. Vùng không rõ ràng trong luật pháp là một điều hết sức tự nhiên. Nó có thể là do chưa có luật lệ điều chỉnh, có thể là do quy định pháp luật chưa rõ nghĩa, chưa đủ chi tiết, có thể là do quy định pháp luật chồng chéo mẫu thuẫn lẫn nhau. Việc làm rõ vùng không rõ ràng thuộc về cơ quan lập pháp/hành pháp và cơ quan tư pháp. Không phải Việt Nam mà ở bất cứ đâu, kể cả Mỹ, hệ thống pháp luật cũng có đầy rẫy những vùng không rõ ràng, chỉ có điều ở những nước có trình độ pháp luật phát triển thì người ta biết cách xử lý hợp tình hợp lý thôi. Hãy chấp nhận vùng không rõ ràng như một phần tất yếu của cuộc chơi, nó là nơi người ta tạo ra cơ hội hoặc bị dính bẫy và nó cũng là đất diễn của thẩm phán, luật sư đỉnh cao để lại tư duy và dấu ấn riêng của mình.

Trong hoạt động tư vấn pháp lý, IRAC được xem là một mô thức tư duy pháp lý căn bản mà gần như bất cứ ai muốn định hình phát triển kỹ năng tư duy pháp lý đều phải quan tâm và biết đến. 

Trước hết chúng ta phải hiểu rõ IRAC thực ra nó biểu thị cho điều gì trong hoạt động tư duy pháp lý. Mô thức tư duy pháp lý IRAC là viết tắt cho 4 từ Tiếng Anh biểu thị của từng giai đoạn khi tư duy giải quyết vấn đề: I – Issue Vấn đề”; R – Relevant Law “Quy định pháp luật liên quan”; A – Application Facts “Vận dụng pháp luật vào tình huống pháp lý” và cuối cùng là C – Conclusion “Kết luận”. Đây là một mô thức được phát triển rất nhiều ở hầu hết các ngành luật và luật sư tại các nước phát triển như Anh, Mỹ…, không chỉ được ứng dụng trong giải quyết các vấn đề pháp lý mà còn được xem như một kỹ năng tư duy pháp luật, tìm kiếm luật, ý kiến pháp lý, thư từ pháp lý, hay ứng dụng để nghiên cứu hồ sơ vụ việc.

Khi tiếp cận một tình huống pháp lý thì điều đầu tiên mà gần như ai cũng phải quan tâm để giải quyết đó là liệu vấn đề pháp lý ở đây là gì? Bằng cách thông qua các sự kiện có ý nghĩa và tính chất pháp lý của vụ việc, các yêu cầu và thắc mắc của khách hàng đề ra thì chúng ta có thể xác định được vấn đề pháp lý cần phải giải quyết đó là gì. Tuy nhiên trên thực tế, để xác định đúng “vấn đề pháp lý” là một điều không phải dễ dàng, chúng ta có thể xác định sai hoặc thiếu vấn đề pháp lý nếu không xem xét toàn diện và chi tiết vụ việc cũng như thông tin mà khách hàng cung cấp. Hậu quả của việc này dẫn tới toàn bộ các giai đoạn tư duy phía sau sẽ hoàn toàn sai lệch.

Ví dụ: Ông B lập di chúc để lại cho anh A một khối tài sản gồm một miếng đất có diện tích 500m2 và một căn nhà cấp 4, đồng thời tại thời điểm lập di chúc gồm có anh X và chị N là người làm chứng, mặc dù nội dung di chúc hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật tuy nhiên ông B lại không tiến hành công chứng chứng thực. Một năm sau đó ông B chết, nhưng con cháu ông B cho rằng ông B lập di chúc nhưng không được công chứng chứng thực cho nên không công nhận và muốn chia đều theo pháp luật.

Trong tình huống trên chúng ta phải xác định được các sự kiện pháp lý xảy ra và các tình tiết của sự việc mà có liên quan tới giải quyết vấn đề giữa hai bên:

Sự kiện pháp lý:

  • Ông B lập di chúc để lại tài sản cho anh A;
  • Ông B chết;
  • Những người con cháu khác không công nhận di chúc và muốn chia đều.

Thông tin liên quan:

  • Nội dung di chúc hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật nhưng không được công chứng chứng thực;
  • Có sự làm chứng của anh X và chị N.

Tìm “I – IRAC” trong trường hợp này là chúng ta cần phải tìm hiểu và xác định được vấn đề cần giải quyết là gì? Vận dụng những loại câu hỏi “có – không” để có thể liên kết thành hệ thống câu hỏi pháp lý của vụ việc. Điều này sẽ quyết định hướng giải quyết của vụ việc trên. Như trong trường hợp này thông qua các sự kiện pháp lý thì chúng ta có thể xác định được vấn đề ở đây là “Giá trị pháp lý của di chúc không được công chứng” và câu hỏi pháp lý đó là: “Liệu di chúc không được công chứng thì có giá trị pháp lý hay không?” 

2. R – IRAC: Relevant Law – Quy định pháp luật liên quan

Tại giai đoạn này, sau khi xác định được vấn đề pháp lý thì nhiệm vụ của chúng ta đó là trình bày được những quy định của pháp luật liên quan để giải quyết. Cụ thể:

Thứ nhất đó là phải làm rõ được với vấn đề pháp lý cần giải quyết thì liệu do pháp luật nào điều chỉnh [Dân sự, hình sự hay hành chính…].

Thứ hai phải làm rõ được chi tiết Điều khoản nào quy định trực tiếp hay có liên quan đối với vấn đề pháp lý.

Thứ ba trong trường hợp chưa có quy định pháp luật điều chỉnh thì liệu có tiền lệ hay tập quán nào đã xảy ra trước đó hay không. Ở đây chúng ta có thể tìm hiểu và tiếp cận thông qua các nguồn án lệ hay bản án đã được công bố…

Ví dụ:  Đối với vấn đề pháp lý cần giải quyết là “Giá trị pháp lý của di chúc không được công chứng” liên quan tới di chúc tính hợp pháp của di chúc nên chúng ta có thể chọn Điều 630 của BLDS 2015 để xem xét giải quyết:

Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a] Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b] Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

3. A – IRAC: Application Facts – Vận dụng pháp luật vào tình huống

Giai đoạn này có lẽ là quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề pháp lý bởi vì khi chúng ta kết nối giữa I – IRAC và R – IRAC thì sẽ chính thành A – IRAC để có thể đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc đó là C – IRAC. Tức là chúng ta kết nối những sự kiện pháp lý và các thông tin có liên quan với quy định pháp luật để đưa ra được những phân tích chính xác.

Ví dụ:

Phân tích pháp luật:

Căn cứ Điều 630 BLDS chúng ta có thể thấy được tính hợp pháp của di chúc khi không được công chứng theo quy định của pháp luật, cụ thể:

* Tại khoản 1 của Điều luật có quy định Điều kiện để di chúc hợp pháp:

– “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;”

– “Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”

*  Tại khoản 4 của Điều luật quy định “Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.”

=> Tại đây có thể xác định giá trị pháp lý của di chúc không được công chứng theo quy định của pháp luật: Di chúc không được công chứng -> Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép -> Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật -> Di chúc hợp pháp. 

Áp dụng vào tình huống:

 Để áp dụng quy định pháp luật vào tình huống, chúng ta cần xác định các sự kiện pháp lý và các thông tin quyết định tính hợp pháp của di chúc:

* Di chúc không được công chứng. 

* Ông B hoàn toàn minh mẫn, không bị lừa dối hay cưỡng ép khi lập di chúc. 

* Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái với quy định của pháp luật.

Tiếp đó, chúng ta áp dụng quy định pháp luật liên quan để đưa ra câu trả lời cho vấn đề pháp lý: * Di chúc không được công chứng -> * Ông B hoàn toàn minh mẫn, không bị lừa dối hay cưỡng ép khi lập di chúc -> * Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái với quy định của pháp luật -> Di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

4. C – IRAC: Conclusion – Kết luận

Tại phần cuối cùng chúng ta sẽ đưa kết luận về vấn đề pháp lý tức trả lời cho câu hỏi pháp lý được xác định ban đầu thông qua các cơ sở và phân tích từ giai đoạn A – IRAC.

Ví dụ: Trên cơ sở áp dụng pháp luật vào tình huống pháp lý ở giai đoạn A-IRAC thì chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra kết luận cho câu hỏi pháp lý ban đầu:

“Liệu di chúc không được công chứng thì có giá trị pháp lý hay không?” 

=> Di chúc trong trường hợp này mặc dù không được công chứng nhưng vẫn có giá trị pháp lý vì được xem là một di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Tổng hợp 

Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi muốn gửi tới Quý khách hàng. Để được tư vấn cụ thể và có những giải đáp tốt nhất tốt, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay cho chúng tôi bằng một trong những phương thức sau:

+ Liên hệ trực tiếp theo địa chỉ: 1132 Lê Đức Thọ, phường 13, Quận Gò Vấp, Tp.HCM.

+ Thông qua hotline của chúng tôi theo số: 0886260651.

+ Thông qua Facebook của chúng tôi: Hãng Luật Bạch Tuyết

Bài viết liên quan:

Một số vấn đề cần lưu ý khi lập di chúc

Một Số Lưu Ý Khi Đặt Biển Hiệu Kinh Doanh 

Video liên quan

Chủ Đề