Từ nhân vật bà cụ Tứ, anh chị có suy nghĩ gì về vai trò của người mẹ trong gia đình hôm nay

        Có thể nói, con người là hoa của đất và người phụ nữ là hương hoa của cuộc đời. Khi tạo dựng nên con người, tạo hoá ban cho nam giới và phụ nữ những đặc điểm, những cá tính, những khả năng khác nhau để giao cho họ những trọng trách khác nhau. Tạo hoá đã ban cho phụ nữ một cơ thể đặc biệt để mang thai và sinh con. Điều đó đồng nghĩa với việc ban cho họ một thiên chức vô cùng quan trọng và cao quý, ấy là làm vợ và làm mẹ.

Với vai trò làm vợ, trước hết, người phụ nữ là người biết quên mình để làmngười vợ thủy chung, son sắt như lời thơ của Xuân Quỳnh:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em,Là máu thịt đời thường ai chẳng có,Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa,

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

Có người cho rằng “Nếu người vợ nào cũng biết hành xử như lời thơ của Xuân Quỳnh thì thế giới đức ông chồng có làm đến hết đời cũng không trả hết nghĩa nặng”.

Với vai trò làm vợ, người phụ nữ  có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Một gia đình hạnh phúc, luôn tràn đầy ấm áp, yêu thương là gia đình trong đó có người vợ luôn hiểu rõ chồng mình, đồng cảm với chồng trong tư tưởng và cuộc sống tinh thần; sẵn sàng chia sẻ với chồng niềm vui và sự lo lắng trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày; Luôn luôn tin tưởng ở chồng và tin vào bản thân.

Với vai trò làm vợ, người phụ nữ không chỉ là người “nâng khăn, sửa túi” mỗi khi chồng ra khỏi nhà và lo sao cho “cơm ngon, canh ngọt” mỗi khi chồng  trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Làm vợ, người phụ nữ  là người biết rõ sở thích và tâm lí của chồng mình, cố gắng đáp ứng nhu cầu của chồng trong sinh hoạt; Đặc biệt, họ luôn quan tâm để hiểu được công việc của chồng; Chủ động thu xếp việc gia đình để chồng có thời gian và yên tâm công tác; động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Thậm chí, nhiều phụ nữ còn trở thành cánh tay đắc lực của chồng.

Phải thừa nhận rằng: “Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là bóng dáng của người đàn bà”.  Mọi sự thành công trong cuộc sống của người đàn ông đều luôn có sự hỗ trợ hết mình, không biết mệt mỏi của những người vợ. Bằng những lời khuyên chân thành, người vợ có thể tạo cho người chồng sự tự tin trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, sẵn sàng bác bỏ những quan niệm sai lầm cũng như ủng hộ hết mình các ý tưởng hay trong suy nghĩ và hành động của người chồng. Chính người vợ là người thúc đẩy những ước mơ, hoài bão và nghị lực của người chồng; cùng chồng chia sẻ ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ; động viên, kích lệ, tạo nên thành công của người chồng. Bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào tài năng và ý chí của chồng, người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận cho chồng mình thỏa sức nam nhi trong mọi thử sức mạo hiểm. Một người vợ tuyệt vời sằn sàng lắng nghe và cùng chồng vượt qua mọi khó khăn, ủng hộ chồng hết mình khi chồng mình đương dầu với những thử thách. Bằng tình yêu và sự nhạy cảm của người phụ nữ, với cách cư xử  vừa nhẹ nhàng, mềm mỏng, vừa cương quyết, cứng rắn, nhiều người vợ đã giúp chồng chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính bản thân mình trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội, từ bỏ lối sống phong lưu để an cư, lạc nghiệp và thành đạt trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, không ít người đàn ông nhờ những lời khuyên bảo chân tình, sự động viên, cổ vũ của người vợ đã từ bỏ được ma túy, cờ bạc, rượu chè để chí thú làm ănvà làm giàu chính đáng. Một người vợ hoàn hảo luôn đứng về phía chồng mình, bênh vực các ý kiến của chồng, hỗ trợ và làm tăng uy tín của chồng trong mọi tình huống và trong các mối quan hệ xã hội. Không ít phụ nữ  sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm của chồng đối với mình, lên tiếng bênh vực, bảo vệ danh dự của chồng trước công chúng. Chính sự bao dung, độ lượng và tình yêu chân thành của người vợ đã giúp cho người chồng nhận thức được đâu là điều thực sự quan trọng trong cuộc đời của họ.

Có thể nói: Người vợ vừa là bạn đồng hành của người chồng trên con đường đời, vừa là hậu phương vững chắc đem đến sự thành đạt của người chồng.

Với vai trò làm mẹ, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng sinh đẻ duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái, không chỉ từ lúc  đứa con cất tiếng khóc chào đời  mà ngay cả khi con còn trong bụng mẹ và khi con đã trưởng thành.

Phụ nữ có quyền tự hào, có quyền hãnh diện khi được tạo hoá ban cho một đặc ân, giao cho một trọng trách vô cùng quan trọng và cao quý ấy.Với những đặc tính và thiên chức đó, từ ngàn đời xưa, phụ nữ luôn là người giữ vai trò quan trọng trong việc chèo lái con thuyền mơ ước đi đến bến bờ hạnh phúc. Người xưa có câu: ‘Chết cha ăn cơm với cá, chết mẹ liếm lá ngoài đường” chính là muốn đề cao vai trò làm mẹ của người phụ nữ trong gia đình.

Trước hết phải nói đến tình cảm người mẹ, phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu, với tình yêu thương vô bờ bến là hơi ấm, là nguồn sữa để nuôi con khôn lớn, là chỗ dựa tinh thần to lớn đối với mỗi đứa con. Ngoài ra thể lực, trí lực, phẩm chất đạo đức, nhân cách của người mẹ đã tác động ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành thể lực, trí lực, phẩm chất, nhân cách của những đứa con. Châm ngôn ta đã có câu “Con nhà tông không giống lông giống cánh”, hay là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “mẹ nào con nấy”… điều đó cho thấy vai trò và ảnh hưởng to lớn của người mẹ đối với con. Là những người mẹ hết lòng vì con , họ thực sự là những tấm gương cho con cái noi theo. Người mẹ ngày nay còn là một người bạn lớn luôn ở bên con để hướng dẫn, động viên kịp thời. Đúng như Thu Uyên – Tác giả bài hát “Mẹ yêu” đã viết:

“Vì đàn con thơ ngây bao yêu dấu,

Đã hi sinh cho con bao nhiêu tuổi đời.

Mẹ đã bên con, mẹ đã cho con lớn lên.

Luôn bên con, khuyên răn con nên người,

Mẹ yêu thương con hơn yêu cuộc sống”

Với vai trò làm mẹ, người phụ nữ sẵn sàng xông pha vào cuộc đời không ngại gian lao, khó nhọc, nghiệt ngã để trang bị cho con một tương lai rạng rỡ; phải làm được một vầng trăng thu huyền diệu soi sáng những đêm thâu, tình yêu của mẹ như núi cao vời vợi, lòng bao dung của mẹ như đại dương sâu thẳm, đôi mắt của mẹ làm vì sao dẫn lối cho con trẻ vào đời. Mẹ là nguồn mạch quê hương… Tình mẹ thương con phải là:

“Thời xuân xanh của một đời,

Thương con chẳng nhớ đánh rơi khi nào”.

Với vai trò ấy ta dễ dàng nhận ra tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh, sức khoẻ và trí tuệ của phụ nữ. Tất cả những yếu tố âý đến với phụ nữ như một cái duyên và nhờ cái duyên ấy mà phụ nữ trở thành người khéo léo, biết lo toan, tươm tất mọi bề: từ cái ăn, cái mặc, đến học hành, vui chơi, giải trí của mỗi thành viên trong gia đình;

2.Vai trò người thầy đầu tiên của con người

Con người, ai cũng cần được giáo dục. Các nhà khoa học đã khẳng định, con người ngay từ khi sinh ra mà không được giáo dục thì lớn lên chẳng khác gì cây hoang, cỏ dại bên đường, cũng chẳng khác mấy các loài động vật.

Trong các thiết chế giáo dục, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết, gia đình là trường học đầu tiên của con người. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ đã được cha mẹ và những người thân trong gia đình chăm sóc dạy cho cách làm người. Gia đình chính là nơi rèn luyện cho trẻ những thói quen tốt – mầm mống của những nét nhân cách tốt. Thứ hai, thời thơ ấu sống trong gia đình là thời kỳ quan trọng phát triển tâm hồn trẻ thơ. Tâm lý học hiện đại xác nhận từ sơ sinh đến 5 tuổi, đứa trẻ đã đặt xong nền móng cho tính cách của nó; Thời kỳ này, phần lớn thời gian trẻ gắn bố mẹ; Chính bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã giúp trẻ hình thành nhân cách. Thứ ba, tình thương yêu ruột thịt trong gia đình đã nuôi dưỡng tình cảm trong sáng và hành vi đạo đức tốt đẹp của con người. Tình thương yêu ruột thịt có sức cảm hóa mạnh mẽ đến đứa trẻ,khiến trẻ làm theo những điều mà cha mẹ mong muốn.

   Gia đình là môi trường hình thành nhân cách của mỗi con người; trong đó,  mỗi thành viên đều có vai trò của nhất định. Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ. Trong gia đình,  người mẹ là người thày đầu tiên của mỗi con người, giáo dục, theo dõi sự trưởng thành của con. Các quan niệm “cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “phúc đức tại Mẫu” của người Việt Nam  đã tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái; thành ngữ truyền miệng trong dân gian “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, mặc dù rất bất công khi quy kết trách nhiệm giáo dục con cho người phụ nữ trong gia đình, nhưng nó cũng phản ánh phần nào vai trò dạy dỗ trẻ em của người phụ nữ trong gia đình. Thực tế cho thấy, ngay từ khi còn trong bụng mẹ đứa trẻ đã chịu sự giáo dục, rèn luyện của người mẹ: Từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến những thói quen sinh hoạt, những suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn của người mẹ đều ảnh hưởng đến đứa con. Khi con cất tiếng khóc chào đời, người mẹ là người đầu tiên dạy con biết lắng nghe, biết biểu lộ cảm xúc khi giao tiếp với mẹ theo kiểu con người. Lớn hơn một chút, mẹ dạy con cách đứng và chập chững bước đi, dạy con cách cầm thìa và sử dụng các đồ vật, các công cụ theo kiểu người. Khi con lớn hơn nữa, mẹ là người dạy cho con các hành vi đạo đức, các cách ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội:

Mẹ là người thầy giáo ban đầu,

Con như trang giấy trắng phau bên đèn.

Mẹ là tấm gương phản chiếu cho con, người mẹ đức độ vị tha thường có  con sẽ ngoan ngoãn, lễ phép. Người mẹ luôn gần gũi con, hiểu rõ con để dạy bảo, uốn nắn những sai lầm của con. Những phẩm chất quý báu của người mẹ như: tần tảo, dịu hiền, thương yêu con hết mực có sức thuyết phục, cảm hóa lớn đối với đứa con. Sự hy sinh vô bờ bến, tấm lòng bao dung, độ lượng, tính nhẫn nại, thái độ hòa nhã với mọi người… là tấm gương sáng cho con noi theo;

Người mẹ có vai trò to lớn trong việc nuôi dạy con trở thành những người tốt.  Đề tài nghiên cứu “Vai trò của phụ nữ trong gia đình” của Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình – Học viện Phụ nữ Việt Nam cho thấy, có 32,4% người vợ đảm nhiệm việc kèm cặp đôn đốc con học trong khi tỷ lệ này ở chồng chỉ có 10,7% và hai vợ chồng đảm nhiệm ngang nhau là 18,8%.

Không chỉ kèm cặp con về kiến thức, người mẹ còn là người bạn lớn của con; chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giúp con giải quyết những khúc mắc từ đáy lòng, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Kết quả nghiên cứu đề tài “Vai trò của phụ nữ trong gia đình” cũng cho thấy, trong số phụ nữ được hỏi,  có 46,8% các bà mẹ có con từng gặp “rắc rối” trong tình bạn đã lắng nghe con tâm sự, 45,5% đã tư vấn, khuyên nhủ con. Có thể nói họ đều là chỗ dựa về tâm lý và tinh thần của con. Con cái thường tìm đến mẹ để giãi bày, thổ lộ, và họ đều biết lắng nghe con tâm sự, tìm hiểu ngọn nguồn để đưa ra những lời khuyên nhủ ân tình, thấu đáo, giúp con tháo gỡ vấn đề.

Trong gia đình, người phụ nữ không chỉ là người thầy đầu tiên của con mình mà còn là người thầy của các thành viên khác, trong đó có cả người chồng; Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trai khôn dạy vợ, gái ngoan bảo chồng”.  Trong mọi thời kỳ của lịch sử Việt Nam, luôn có những người phụ nữ thông minh, tài giỏi, có nhiều mưu lược đã giúp chồng tề gia, trị quốc và cũng không ít người đàn ông là “công tử bột” hay “cậu ấm nhà giàu” chỉ biết ham chơi,  sống  sa hoa, không nghĩ đến công danh, sự nghiệp…nhờ sự kiên trì thuyết phục, khuyên răn cùng với tình yêu thương và lòng bao dung, độ lượng của người vợ đã từ bỏ được các thói hư, tật xấu, từ bỏ các tệ nạn xã hội, thay đổi lối sống …. trở về làm ăn lương thiện.

3. Vai trò người lao động chính, tạo thu nhập cho gia đình

Theo quan niệm truyền thống, người chồng là “trụ cột” trong gia đình, chịu trách nhiệm chính trong việc tạo thu nhập cho gia đình. Người vợ chủ yếu lo thu vén nhà cửa, nuôi dạy con cái, làm việc nhà, chăm sóc sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con.  Tục ngữ Việt Nam có câu: “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”.  Ngày nay, quan niệm truyền thống đó đã có những thay đổi; Vai trò của người phụ nữ không chỉ giới hạn ở việc bếp núc mà phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò là “trụ cột” thứ hai trong gia đình, cùng với nam giới chia sẻ trách nhiệm kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống vật chất cho gia đình. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ được đánh giá ngang bằng với nam giới, đó là:“đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Vai trò “trụ cột” của người phụ nữ trong kinh tế gia đình thể hiện ở việc hai khía cạnh: trực tiếp lao động sản xuất tạo thu nhập và quản lý các nguồn lực của gia đình. Cụ thể:

  • Phụ nữ là người trực tiếp lao động sản xuất, tạo thu nhập:

Những hoạt động tạo thu nhập mà phụ nữ tham gia để cùng chồng chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình rất đa dạng, phong phú, đó là: làm công ăn lương;  trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh buôn bán, dịch vụ, sản xuất thủ công …Không chỉ lao động tại chỗ, hàng vạn phụ nữ nông thôn đã phải xa quê hương, xa chồng con, di cư tới những vùng kinh tế phát triển hơn, cả trong nước và ngoài nước, chịu đựng những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để lao động kiếm sống nhằm cải thiện đời sống gia đình. Trước những diễn biến phức tạp nền kinh tế thị trường, của thời tiết, của dịch bệnh…phụ nữ vẫn tích cực và chủ động trong các hoạt động tạo thu nhập, đóng góp vào kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo; nâng cao thu nhập cho gia đình, làm giàu chính đáng.

  • Quản lý các nguồn lực của gia đình:

Ngoài việc trực tiếp tham gia lao động sản xuất tạo thu nhập, phụ nữ còn là người tổ chức, động viên, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tham gia hoạt động kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và đảm nhiệm vai trò của người giữ “tay hòm chìa khóa” cho gia đình. Theo kết quả nghiên cứu của Học viện PNVN, gần một nửa số phụ nữ được hỏi [46,9%] khẳng định người vợ là người quản lý thu nhập trong gia đình và 40,7% cho rằng người vợ cùng với chồng quản lý thu nhập. Số liệu này cho thấy phụ nữ nhìn chung được tin cậy để tự mình hoặc cùng chồng quản lý thu nhập, cân đối thu chi, đảm bảo cho gia đình có một cuộc sống ổn định, tránh tình trạng “bóc ngưn, cắn dài” dẫn đến “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mặc dù mức độ đóng góp của phụ nữ vào thu nhập chung của cả gia đình là khác nhau nhưng họ vẫn giữ vai trò chủ yếu trong quản lý thu nhập của gia đình. Càng độc lập về mặt kinh tế, người phụ  nữ càng có vai trò cao hơn trong việc quản lý thu nhập của gia đình, với tỷ lệ tăng dần từ 2,3% khi bị phụ thuộc hoàn toàn lên 10,6% khi phụ thuộc một phần và 32,8% khi không phụ thuộc.

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang mà thu nhập khiêm tốn của người lao động chưa được cải thiện, công việc nội trợ trở nên khó khăn hơn bởi nó đòi hỏi người phụ nữ phải cân đối các khoản thu chi, tính toán một cách khoa học và cũng rất cần nghệ thuật bếp núc để luôn đảm bảo cơm dẻo canh ngọt, đủ dưỡng chất cho cả nhà, quần áo mới cho con đến trường…

  1. Vai trò người chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình

Chăm sóc sức khỏe, lao động nội trợ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tái sản xuất sức lao động – là những hoạt động nhằm bảo đảm cho những người người già, trẻ em, người đau ốm và tất cả các thành viên trong gia đình có được sức khỏe tốt. Thiếu sự chăm sóc và nuôi dưỡng, trẻ em sẽ không thể phát triển được các năng lực. Người cao tuổi sẽ không sống lâu, sống khỏe mạnh. Thiếu sự chăm sóc, bao hàm cả chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần,  người lớn sẽ không đủ  sức khỏe để học tập và lao động tốt. Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý xã hội đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chức năng tái sản xuất sức lao động, coi đây là một yếu tố rất thiết yếu đối với sự phát triển bền vững..

Như vậy, phụ nữ ngoài trách nhiệm xây dựng gia đình phát triển về mặt kinh tế, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, họ còn có vai trò và trách nhiệm đặc biệt trong đảm bảo sự bền vững của gia đình. Kết quả từ nghiên cứu này cũng cho thấy, người vợ vẫn là người đảm nhiệm chính hầu hết các công việc nội trợ: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà. Với những gia đình có con nhỏ thì người vợ cũng là người đảm nhiệm nhiều hơn chồng các công việc liên quan đến trẻ; Thậm chí việc đưa đón con đi học, không đòi hỏi kiến thức hay kỹ năng gì cũng chỉ có rất ít người chồng chia sẻ. Riêng hoạt động chăm sóc người già, người ốm thì tỉ lệ vợ làm chính tương đương với tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng thực hiện bởi hoạt động này không chỉ là đơn thuần là trách nhiệm, mà hơn thế, nó là biểu hiện của sự hiếu thảo của con cháu với đấng sinh thành.

Với việc gánh vác chính hầu hết các việc nội trợ, phụ nữ phải dành cho các công việc gia đình trung bình mỗi ngày 4,2 giờ, nhiều hơn chồng 2,2 giờ/ngày. Thêm vào đó, người phụ nữ thường phải “vận trù” để có thể cùng một lúc làm được nhiều việc như vừa đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vừa trông con, kèm con học hoặc chăm sóc người già, người ốm… khiến họ luôn luôn thiếu thời gian và mệt mỏi.

  Mặc dù thời gian tham gia lao động sản xuất, tỉ lệ đóng góp cho thu nhập gia đình, được coi là bằng chứng chứng tỏ vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trong việc thực hiện chức năng kinh tế của gia đình, thì việc phụ nữ đóng vai trò chính trong lao động gia đình vẫn được coi là biểu hiện rõ rệt nhất của bất bình đẳng giới trong gia đình. Bởi tổng thời gian lao động trong ngày của phụ nữ bao gồm cả lao động sản xuất và lao động không được trả công cho việc nhà cao gần gấp đôi nam giới. Tính riêng thời gian làm việc nhà, nếu 50,4% người vợ cho biết họ làm từ trên 2 tiếng đến 4 tiếng một ngày thì tỷ lệ này ở người chồng là 28,2%.

Có thể thấy là sự chia sẻ của nam giới trong thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe, tái sản xuất sức lao động vẫn rất mờ nhạt. Mặc dù ai cũng biết công việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên và giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ và thể hiện sự chăm sóc lẫn nhau của các thành  viên – điều đặc biệt quan trọng  trong đời sống gia đình. 

       Thời gian lao động sản xuất và làm việc nhà một cách quá tải của phụ nữ dẫn đến tình trạng khá phổ biến là thời gian nghỉ ngơi của phụ nữ luôn hạn chế hơn nam giới. Kết quả điều tra cho thấy ở tất cả các nhóm có thời gian nghỉ ngơi từ 2 tiếng trở lên một ngày, tỉ lệ nam giới đều cao hơn nhiều so với phụ nữ, và ngược lại ở các nhóm có thời gian nghỉ dưới 2 tiếng một ngày, tỉ lệ phụ nữ cao hơn hẳn nam giới.

Cách phụ nữ sử dụng thời gian rảnh rỗi cũng thể hiện vai trò của họ trong gia đình; Mặc dù trong điều kiện kinh tế hiện nay tỷ lệ các hộ gia đình có ti vi –  phương tiện truyền thông phổ biến và hiệu quả nhất để phụ nữ cập nhật thông tin  chiếm đến  90%và phụ nữ cũng sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình nhiều nhất vào việc xem ti vi, nghe đài, có điều họ thường kết hợp làm việc nhà trong khi xem ti vi. Ngoài ra, theo quan niệm của phần đông phụ nữ Việt Nam, khi có thời gian rỗi là họ tranh thủ dọn dẹp, bài trí nhà cửa; đi thăm hỏi người thân, họ hàng, dành cho con cái hoặc cải thiện bữa cơm gia đình…Điều này cho thấy, phụ nữ không có thời gian thực sự rảnh rỗi. Với nhiều người, rỗi rãi là được thư giãn, xem tivi, truyền hình, nghe nhạc, vui chơi giải trí, du lịch, thể thao thì với đa phần phụ nữ Việt Nam, rỗi rãi chính là có thời gian thực hiện các công việc chăm lo cho cuộc sống gia đình.

  1. Vai trò người sắp xếp, tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình

Ngày nay, mặc dù có nhiều phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội và thành công không kém nam giới, nhưng nhìn chung việc nội trợ, quản lý gia đình vẫn còn là mảng công việc chủ yếu do phụ nữ đảm trách. Là tay hòm chìa khóa, người phụ nữ phải lo đã sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình theo suy nghĩ, nhận thức và tính năng động của mình.

Là người tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình, trước hết người phụ nữ phảilo quản lý tốt các nguồn thu nhập thường xuyên và đột xuất của gia đình; Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thu, chi, tiết kiệm các nguồn thu nhập đó; Sử dụng các nguồn lực gia đình một cách triệt để; Phân công lao động cho các thành viên một cách hợp lý, vừa phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo, vừa đảm bảo sức khỏe của các thành viên và  đảm bảo bình đẳng giới trong phân công lao động; đồng thời biết điều phối các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình;

Là người tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình, người phụ nữ không chỉ quản lý, điều hành các công việc trong gia đình mà chính bản thân họ là người tham gia chủ yếu, trực tiếp vào các công việc đó: từ việc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, phơi phong đến việc đi chợ, tổ chức các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình…Khi nói đến vai trò người phụ nữ, ông bà ta có câu “nam ngoại nữ nội”, “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” Thật vậy, thực tế từ xưa đến nay dù ở giai đoạn lịch sử nào thì vai trò nội trợ của người phụ nữ cũng được coi trọng và khẳng định.

Ngày nay, mặc dù khoa học phát triển, đời đống vật chất tinh thần ngày càng cao đã tạo điều kiện giải phóng phụ nữ khỏi công việc nội trợ gia đình để tham gia hoạt động xã hội, tuy nhiên vai trò nội trợ của người phụ nữ không vì thế mà mờ nhạt đi, ngược lại nó được quan tâm nhiều hơn, yêu cầu cao hơn nữa, đặc biệt người phụ nữ cần có kế hoạch tổ chức cuộc sống gia đình thật vui vẻ, đầm ấm phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình với những bữa ăn ngon, trong bầu không khí thân mật để các thành viên có đủ sức khỏe học tập, công tác.

  1. Vai trò người chăm lo đời sống tinh thần của gia đình

Luôn kề vai sát cánh cùng chồng lao động sản xuất, chăm sóc nuôi dạy con cái, người phụ nữ còn là tâm điểm tình cảm của cả gia đình. Không ai khác, chính bàn tay dịu dàng và trái tim nhân hậu của người phụ nữ đã biến mỗi căn nhà trở thành tổ ấm, nơi sum vầy, chia sẻ yêu thương, để mỗi gia đình  thực sự trở thành nơi phát triển cảm xúc, tâm hồn, là hậu phương vững chắc, là động lực để mỗi thành viên phát huy tối đa năng lực, đạt được những kết quả tốt nhất trong lao động và học tập. Với nhiều đức tính như kiên trì, tình cảm, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con, người phụ nữ trở thành sợi dây liên kết tình cảm các thành viên trong gia đình, là người thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên và kết nối con cái với bố mẹ, ông bà với cháu con.

Người phụ nữ là người giữ hoà khí trong gia đình, tạo dựng và dung hòa các mối quan hệ: Mối quan hệ vợ – chồng; Mối quan hệ giữa mẹ chồng- nàng dâu, mẹ vợ với chàng rể; Mối quan hệ giữa các anh chị em, mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ  với con…

Không chỉ có người mẹ, mà ngay cả người bà, người con gái trong gia đình cũng là những người chăm lo tinh thần, tình cảm cho các thành viên của gia đình. Nếu so sánh các thành viên của cùng một thế hệ, thì thường các thành viên nữ bao giờ cũng gắn với vai trò chăm lo tình cảm cho gia đình hơn các thành viên nam. Thậm chí, ngay cả khi những người con gái đã trưởng thành, lập gia đình riêng, không trực tiếp phụng dưỡng cha mẹ già, nhưng vẫn có vai trò nhất định trong việc chăm sóc tinh thần, tình cảm cho các bậc sinh thành. Dân gian có câu: “Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho”. Điều làm nên giá trị của người con gái ở đây không nằm ở những vật chất hữu hình mà là tấm lòng thơm thảo, là tình cảm yêu kính thiêng liêng dành cho cha mẹ già.

Với vai trò người chăm lo đời sống tinh thần của gia đình, người phụ nữ thường xuyên gần gũi, yêu thương tất cả các thành viên khác, nhưng đối với bản thân họ thì chính tình cảm sắt son chung thủy của người chồng lại là chỗ dựa tinh thần, nâng đỡ và tiếp thêm nghị lực cho họ vượt qua muôn ngàn gian khó, hăng say lao động sản xuất, chèo chống đảm đang để chăm sóc nuôi dưỡng cả gia đình và dạy dỗ con cái nên người. Vì thế, người phụ nữ  bao giờ cũng đề cao tình cảm yêu thương, sự cảm thông, quan tâm và chia sẻ của người chồng.

Trong cuộc sống, những mâu thuẫn gia đình xảy ra là điều tất yếu bởi các thành viên là những thực thể khác nhau, không thể luôn luôn giống nhau về quan điểm và hành vi. Để luôn là biểu tượng của tình cảm yêu thương, gắn bó trong gia đình; mỗi phụ nữ đều phải gắng vượt qua những khó khăn rất riêng của giới mình; Nhường nhịn, hy sinh và yêu thương là bản tính của phụ nữ; Trong gia đình, họ thể hiện điều đó một cách bình dị như một lẽ tất yếu.

  1. Vai trò người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các giá trị văn hóa gia đình

Trong chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta, gia đình được xem là một thành tố lớn của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc và sự tiên tiến của nền văn hóa dân tộc. Trong thực tế, mỗi gia đình đều liên quan và tác động đến các mặt của đời sống xã hội và qua đó thực hiện vai trò là thành tố văn hóa của mình. Để thực hiện vai trò ấy, mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức trách nhiệm thực hiện, song  cả trong lĩnh vực này, người phụ nữ vẫn là người đóng vai trò quan trọng.

Trong gia đình, phụ nữ vừa là người giữ gìn, phát huy những gia trị truyền thống của gia đình, vừa là người tiếp thu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà trước hết đó là xây dựng gia đình văn hóa. Vai trò đó thể hiện ở:

  • Người phụ nữ là người giữ gìn tôn ti trật tự trong gia đình, giữ gìn truyền thống trên kính dưới nhường, kính lão đắc thọ qua việc giáo dục con cái các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn con cái thực hiện các qui tắc ứng xử trong gia đình: kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ; thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn  giữa các anh chị em; quan tâm, các thành viên trong gia đình luôn chăm sóc lẫn nhau…
  • Người phụ nữ là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các làn điệu dân ca, các câu ca dao, tục ngữ, các bài hát, bài thơ. Bằng lời ru, tiếng hát dân ca mượt mà, thắm đượm tình yêu thương,  người mẹ, người bà trong gia đình truyền lại cho con cháu vốn văn hóa dân tộc; đem lại cho con cháu trong nhà không chỉ là tình yêu thương, mà còn là những bài học về đạo lí làm người qua các lời ru ấy:

“ Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Hết lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu ấy là đạo con”.

  • Người phụ nữ là người giữ gìn các phong tục, tập quán, truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây qua việc thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ tới người đã khuất vào các ngày đầu tháng, các ngày lễ, tết, ngày giỗ…
  • Người phụ nữ là người tiên phong trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong gia đình qua việc tích cực học tập nâng cao trình độ; phân công làm các công việc nhà phù hợp giữa vợ và chồng, giữa con trai với con gái; công bằng trong đối xử giữa các con, không coi trọng con trai, xem nhẹ con gái;
  • Người phụ nữ là nhân tố tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình; Phòng chống các tệ nạn xã hội từ gia đình…Thiếu sự quan tâm của người vợ, thiếu sự quản lý của người mẹ, người chồng và con cái rất có thể bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như bài bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm…

         Tóm lại, phụ nữ  nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng trong  xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ không chỉ góp phần quan trọng vào kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau mà còn đảm trách hầu hết công việc nhà và là người đảm nhiệm việc chăm sóc, nuôi dạy con. Quan trọng hơn, người mẹ còn là người giáo dục đường ăn nết ở, và truyền cho con những bài học đạo lý làm người, góp phần quan trọng vào hình thành nhân cách cho trẻ. Với nhiều đức tính: tần tảo, chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng vì con; Với tình thương bao la và sự kiên trì, người phụ nữ trở thành trung tâm liên kết các thành viên trong gia đình, là người thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên. Họ đóng vai trò chính yếu trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng tâm lý tình cảm – chức năng đặc thù của gia đình mà không một thiết chế xã hội nào khác có thể thay thế.

 Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng với những nỗ lực của chính bản thân, chị em phụ nữ  rất cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội; Vì vậy, một mặt, mỗi phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện các phẩm chất đạo đức của phụ nữ việt nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; Một mặt, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước  nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. 

Video liên quan

Chủ Đề