Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài được xem là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh thế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, khu vực này cũng tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh… Mặt khác, sự phát triển của doanh nghiệp FDI đã có tác động lan tỏa gián tiếp tới các khu vực doanh nghiệp trong nước thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tiếp cận ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Sự phát triển của các doanh nghiệp FDI còn là động lực tạo ra các ngành sản xuất, dịch vụ mới hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI phát triển. Với những chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, đặc biệt từ sau khi Tập đoàn SamSung đầu tư xây dựng Nhà máy Tổ hợp công nghệ cao SamSung tại Khu công nghiệp Yên Bình của tỉnh Thái Nguyên năm 2013 thì các doanh nghiệp FDI của tỉnh Thái Nguyên phát triển rất mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1. Doanh nghiệp FDI tăng trưởng nhanh cả về số lượng, quy mô và kết quả sản xuất kinh doanh

Tính đến thời điểm 31/12/2018 toàn tỉnh có 102 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 6,8 lần năm 2013, bình quân giai đoạn 2013-2018 mỗi năm tăng 61,5%. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là 95 doanh nghiệp, chiếm 93,1% tổng số doanh nghiệp FDI, gấp 8,6 lần năm 2013, bình quân giai đoạn 2013-2018 mỗi năm tăng 71,4%. Tại thời điểm 31/12/2018, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thu hút 115,35 nghìn người, gấp 17,6 lần năm 2013, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm 99,4%, bình quân mỗi năm thu hút thêm 21,76 nghìn lao động, góp phần giải quyết việc làm không chỉ cho lao động tỉnh Thái Nguyên mà còn cho các tỉnh lân cận. Tổng số vốn của khu vực doanh nghiệp FDI sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm 31/12/2018 là 291.767,8 tỷ đồng, gấp 109,9 lần năm 2013, bình quân giai đoạn 2013-2019 tăng 223,8%/năm. Giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn của doanh nghiệp FDI thời điểm 31/12/2018 là 100.267,2 tỷ đồng, gấp 83,54 lần năm 2013, bình quân giai đoạn 2013-2018 tăng 102,33%/năm. Tài sản cố định của các doanh nghiệp FDI chủ yếu là đầu tư vào dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh thu thuần năm 2018 của khu vực doanh nghiệp FDI là 669.571,2 tỷ đồng, gấp 212,5 lần năm 2013, bình quân giai đoạn 2013-2018 tăng 281,8%/năm. Nếu như lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI năm 2013 là -11,88 tỷ đồng thì đến năm 2014, lợi nhuận trước thuế là 15.428,8 tỷ đồng và đến năm 2018 là 48.384,3 tỷ đồng. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực này năm 2018 là 7.403,46 tỷ đồng, gấp 87,29 lần năm 2013, bình quân tăng 205,67%/năm.

2. Khu vực FDI là khu vực sản xuất kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả.

Mặc dù hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có sự cải thiện đáng kể qua các năm nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI có sự tăng trưởng rõ rệt và vượt trội so với doanh nghiệp doanh nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi của khu vực FDI là 57,84% [doanh nghiệp nhà nước là 80,77% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 50,3%], cao hơn mức 26,32% của năm 2013 [doanh nghiệp nhà nước là 66,67% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 56,71%]. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI năm 2018 là 16,58%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước là 2,18% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,27%. Ngành có tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI cao là: sản xuất sản phẩm điện tử 17,28%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 11,63%. Thu nhập bình quân một lao động một tháng của các doanh nghiệp FDI năm 2018 là 10.585 nghìn đồng, gấp gần 2,9 lần năm 2013. Xét theo hình thức đầu tư, doanh nghiệp liên doanh có thu nhập cao hơn đạt 14.700 nghìn đồng, gấp 3,2 lần năm 2013, trong khi thu nhập bình quân của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là 10.394 nghìn đồng, gấp gần 2,9 lần năm 2013. Hiệu suất sử dụng lao động [tính bằng doanh thu bình quân một lao động/thu nhập bình quân một lao động] năm 2018 của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 47,9 lần [cao hơn mức 8,78 lần của năm 2013], cao hơn nhiều so với mức 15,29 lần của doanh nghiệp Nhà nước và mức 18,46 lần của doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo hình thức đầu tư, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài đạt hiệu suất sử dụng lao động là 53,46 lần, cao hơn của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đạt 47,85 lần. Chỉ số nợ [tính bằng tổng nợ phải trả/tổng vốn chủ sở hữu] thời điểm 31/12/2018 của các doanh nghiệp FDI là 0,46 lần [năm 2013 là 0,76 lần], thấp hơn của khu vực doanh nghiệp nhà nước [4,34 lần] và doanh nghiệp ngoài nhà nước [xấp xỉ 3 lần]. Tốc độ quay vòng vốn [tính bằng tổng doanh thu/tổng vốn] năm 2018 của doanh nghiệp FDI là 2,29 lần [cao hơn mức 1,08 lần của năm 2013], cao hơn doanh nghiệp nhà nước [1,14 lần] và doanh nghiệp ngoài nhà nước [0,96 lần]. Hiệu suất sinh lời trên tài sản [tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản] của doanh nghiệp FDI đạt 48,26%, cao hơn rất nhiều so với của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ lần lượt đạt 3,59% và 2,98%. Hiệu suất sinh lời trên doanh thu [tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu] đạt 7,23%, cao hơn mức 1,91% của doanh nghiệp nhà nước và 1,32 % của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

3. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh


Trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì được tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng GRDP năm 2018 so với năm 2017 của khu vực FDI tăng 14,12%, trong khi của chung toàn nền kinh tế là 10,44% [Tốc độ tăng GRDP của khu vực FDI và của toàn bộ nền kinh tế tương ứng các năm là: năm 2017 là 23,93% và 12,75%; năm 2016 là 19,71% và 16,35%; năm 2015 là 145,95% và 33,21%; năm 2014 là  2.762,24% và 129,65%; năm 2013 là 14,3 và 6,0%]. Tỷ trọng đóng góp vào GRDP của khu vực FDI không ngừng tăng lên; nếu như năm 2013 khu vực FDI chỉ đóng góp 1,1% vào cơ cấu GRDP của tỉnh, năm 2014 tỷ trọng này tăng lên là 17,9%; năm 2015 là 30,3%; năm 2016 là 30,5%; năm 2017 là 33,5% và đến năm 2018 đóng góp của khu vực FDI vào GRDP của tỉnh là 34,2%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI hiện nay chiếm 65,74% vốn sản xuất kinh doanh, 59,16% tài sản cố định, 81,63% doanh thu, 95,7% lợi nhuận trước thuế, 58,8% đóng góp vào ngân sách Nhà nước trong tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp FDI trong những năm qua tập trung phát triển chủ yếu vào sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2018 khu vực FDI đã tạo ra 92,66% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đồng thời góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đó là sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại, máy tính bảng… Sự phát triển của các doanh nghiệp FDI không những góp phần tạo ra bước đột phát trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh [giá trị xuất khẩu năm 2018 trên địa bàn đạt 24,84 tỷ USD, gấp 101,2 lần năm 2013, bình quân mỗi năm tăng 217,18%; trong đó khu vực FDI chiếm 98,25% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh, bình quân mỗi năm tăng 319,26%] mà còn góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Với sự phát triển lớn mạnh của Công ty TNHH SamSung Electronics Thái Nguyên Việt Nam đã góp phần đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI còn có tác động tích cực đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên. Nếu như năm 2013, hàng hóa của tỉnh Thái Nguyên mới chỉ có mặt ở trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay hàng hóa của tỉnh Thái Nguyên đã có mặt ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có cả những thị trường mà hàng hóa nhập khẩu được kiểm định rất nghiêm ngặt như thị trường EU, Mỹ.

4. Một số hạn chế của các doanh nghiệp FDI

Những đóng góp của các doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất to lớn, tuy nhiên trong quá trình phát triển, khu vực doanh nghiệp FDI còn bộc lộ một số những hạn chế, bất cập đó là:

Một là, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay sử dụng phần lớn là lao động thủ công, không được đào tạo hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn và đảm nhận các công việc giản đơn trong từng bộ phận của dây chuyền sản xuất. Tỷ lệ doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm 6,86% tổng doanh nghiệp FDI nên kỳ vọng các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần tích cực vào việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý doanh nghiệp của tỉnh là chưa đạt được như mong muốn.


Hai là, dù được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, thuế … nhưng khu vực doanh nghiệp FDI vẫn phát triển khá biệt lập, sự liên kết, mức độ lan toả của khu vực doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước còn rất lỏng lẻo; tỷ lệ nội địa hóa thấp nên giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu không cao.
Ba là, số lượng doanh nghiệp thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư có trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý… hàng đầu trên thế giới như Mỹ, EU,… Chưa có các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
Bốn là, mặc dù khu vực FDI đang tạo ra việc làm cho khoảng trên 115 nghìn lao động nhưng một tình trạng khá phổ biến diễn ra ở nhiều doanh nghiệp FDI là sử dụng lao động thiếu tính bền vững, chỉ sử dụng phần lớn lao động ở độ tuổi có sức khỏe và sức lao động cao nhất. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động, ngoài ra còn tạo tâm lý bất an và các vấn đề tiêu cực khác. Mặt khác, với việc sử dụng số lượng lớn lao động đã tạo ra sức ép cho địa phương trong việc đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.
Năm là, có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế trong các doanh nghiệp FDI. Một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng giá trị vốn góp [máy móc, thiết bị, bản quyền…], giá trị mua bán nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, chi phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước.
5. Một số giải pháp Để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp FDI, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần tập trung quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, BQL các KCN tỉnh cần phối hợp tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo mặt bằng tiếp nhận các dự án vào KCN; tạo điều kiện để các chủ đầu tư xây dựng hạ tằng kỹ thuật KCN, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.


Thứ hai, ưu tiên các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án mang lại nhiều giá trị gia tăng, có tỷ lệ huy động ngân sách cao, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghệ 4.0 như: công nghệ ITC, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới…
Thứ ba, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, tổ chức rà soát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng tính lành mạnh, minh bạch và công bằng; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng địa bàn, hình thức thu hút đầu tư, đặc biệt là những thị trường giàu tiềm năng và các công ty đa quốc gia./

Video liên quan

Chủ Đề