Vì sao phải nhớ cội nguồn

[TN&MT] - Hai tiếng Hùng Vương từ rất lâu đã in đậm trong tâm thức của mỗi người Việt Nam ta. Hình ảnh ngôi mộ Tổ thiêng liêng trên núi Nghĩa Lĩnh [Việt Trì - Phú Thọ], cạnh khu đền thờ cổ kính trang nghiêm mà nhân dân ta đã xây dựng nên từ mấy trăm năm trước, cùng với câu ca dao quen thuộc “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”, đã như một lời truyền dạy các thế hệ con dân đất Việt về nghĩa vụ đối với tổ tiên.

Cùng với vô số hiện vật đã được giới khoa học khai quật, phản ánh sự phát triển của văn hóa vật chất thời kỳ hoang sơ của lịch sử, là hàng loạt các truyền thuyết, các tín ngưỡng và tập tục lâu đời được đúc kết thành các lễ hội trong dịp thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các danh nhân của đất nước. Phải chăng đây cũng là một giá trị văn hóa lớn của dân tộc. Từ hàng ngàn năm qua, việc thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng như trên bàn thờ những người có công với đất nước, với cộng đồng, cũng là hành động quen thuộc đối với bất cứ người Việt Nam nào, dù là người dân hay người có trách nhiệm, có vị trí cao trong xã hội.

Cùng với những truyền thuyết, tín ngưỡng, tập tục tốt đẹp, tổ tiên ta từ thời dựng nước đã sớm có một tổ chức Nhà nước khá chặt chẽ, với quốc hiệu là Văn Lang, chia nước ra làm 15 bộ. Cũng đã hình thành các tổ chức quản lý các công việc của đất nước. Nói cách khác, về phương diện quản lý quốc gia, thời Hùng Vương đã đạt được một trình độ khá cao về công tác tổ chức. Đó là việc đặt quốc hiệu, xây dựng bộ máy quản lý xã hội và hình thành các đơn vị hành chính trong một quốc gia thống nhất. Điều này góp phần không nhỏ trong việc sớm hình thành ý thức quốc gia, dân tộc ở nước ta. Khi một dân tộc sớm ý thức được vai trò quốc gia, dân tộc của mình thì ý thức bảo vệ chủ quyền của quốc gia dân tộc chắc chắn sẽ trở thành tài sản quý báu chung cho mọi thế hệ. Cái chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” chắc chắn cũng được bắt nguồn từ ý thức sơ khai đó của dân tộc ta.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng [tỉnh Phú Thọ]. Ảnh: TTXVN

Như vậy, trải qua một thời kỳ lịch sử khá dài, Nhà nước Văn Lang không những đã dựng lên một quốc gia dân tộc đầu tiên, mà còn để lại một di sản tinh thần vô giá. Đó là tình nghĩa đồng bào, là sự cưu mang đùm bọc lẫn nhau, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn, sự thờ phụng tổ tiên và những người có công với đất nước… Phải chăng tất cả những cái đó là cơ sở để hình thành chủ nghĩa nhân văn, tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam. Và phải chăng với ý nghĩa đó, trong “Bài cáo bình Ngô” Nguyễn Trãi đã có thể tự hào khẳng định:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác…”

Suốt mấy ngàn năm qua, các giá trị của văn hóa Hùng Vương vẫn tồn tại qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua các truyền thuyết, các tập tục, lễ hội cổ truyền, văn hóa Hùng Vương đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, tạo nên lớp phù sa màu mỡ nuôi dưỡng nền văn hóa và con người Việt Nam. Đó cũng là sức mạnh nội sinh để dân tộc ta vượt qua các cuộc xâm lăng của các thế lực phản động của lịch sử.

Tuy vậy, để nhận thức giá trị đích thực của thời đại Hùng Vương, của văn hóa Hùng Vương, cũng không phải là công việc giản đơn. Bằng nhãn quan văn hóa và chính trị sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên khẳng định các giá trị to lớn của văn hóa Hùng Vương và vai trò của các giá trị đó đối với lịch sử hiện nay. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” được viết từ năm 1942, nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, Bác thường xuyên nhắc đến khái niệm Rồng, Tiên [con Rồng cháu Tiên] để nhớ về thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc, thời kỳ mà con người gắn bó mật thiết với nhau như anh em ruột thịt. Từ đó, Người khuyên mọi người:

Hỡi ai con cháu Rồng Tiên

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau

Kết thúc tập sách, Bác viết:

Mai sau sự nghiệp hoàn thành

Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng

Dân ta xin nhớ chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh

Như vậy, với truyền thống con Rồng cháu Tiên, Bác Hồ đã phát hiện ra cái triết lý sống, cái đạo lý làm người của dân tộc ta: sự đùm bọc thương yêu lẫn nhau, tinh thần đoàn kết giữa những người cùng chung số phận. 12 năm sau, năm 1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội cùng Đại đoàn quân Tiên phong, Bác đã dừng chân tại Đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ. Tại đây, Bác căn dặn các chiến sĩ quân đội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là mệnh lệnh của lãnh tụ đối với toàn quân, nhưng cũng là lời thề thiêng liêng mà Bác đã thay mặt toàn quân, toàn dân thề trước anh linh của các vua Hùng. Đó cũng là tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với tổ tiên và đối với các thế hệ mai sau. Khái niệm “giữ lấy nước” mà Bác nói ở đây không chỉ có ý nghĩa giữ lấy mảnh đất sinh sống và bờ cõi cương vực của đất nước mà còn là giữ lấy và phát huy những giá trị tinh thần - hồn thiêng của dân tộc.

Cũng cần thấy thêm rằng trong truyền thuyết xa xưa về câu chuyện 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển, phải chăng tổ tiên ta đã nhìn thấy địa bàn sinh sống của con dân đất Việt không chỉ thu hẹp trong vùng đất trung du và đồng bằng, mà còn là miền rừng núi và miền biển. Lịch sử hàng ngàn năm qua đã soi tỏ điều đó. Trong nhiều cuộc chiến tranh giữ nước trước đây, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cư dân các địa bàn miền núi ngày càng đông và đã trở thành căn cứ vững chắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Gần đây, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một bộ phận khá lớn người dân từ đồng bằng và thành phố đã chuyển lên sinh sống trên miền núi.

Về miền biển cũng vậy. Câu chuyện Mai An Tiêm, đời vua Hùng thứ 18, cũng là dự báo về sự nghiệp làm chủ biển đảo của Tổ quốc, biển đảo phải là nơi cư trú, phát triển kinh tế và là điểm tựa bảo vệ bờ cõi, khẳng định chủ quyền quốc gia.

Cũng cần nói thêm rằng, trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, thế giới đang trải qua nhiều biến động, đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển. Mặt trái của kinh tế thị trường cùng với sự tấn công của các luồng thông tin độc hại qua internet, thế hệ trẻ khó tránh khỏi những sợ ngỡ ngàng, lúng túng, đặc biệt trong sự chọn lựa các giá trị, các tiêu chuẩn của lối sống. Người ta đang e ngại có một sự xâm lăng về văn hóa đang diễn ra giữa các nước có ưu thế về kinh tế, về kỹ thuật và công nghệ đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển. Trong tình hình đó, sự suy yếu về văn hóa dân tộc, thậm chí sự khủng hoảng về văn hóa cũng có thể diễn ra. Có thể coi đó là một nguy cơ lớn đối với nhiều quốc gia dân tộc. Trước tình hình đó, việc khơi dậy, làm sống lại các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, tổ chức giáo dục sâu rộng các giá trị truyền thống đó, hiện đại hóa các giá trị truyền thống và bổ sung những nhân tố mới mang tính thời đại, đó cũng là con đường cứu nguy cho dân tộc. Đó cũng là bệ phóng thần kỳ để đất nước ta, trong một thời gian không xa, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã từng mong ước.




Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam, và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.

Từ ngàn xưa, trên các cổ kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới. Xưa kia, việc cúng Tổ [cử hành] vào ngày 12 tháng 3 [âm lịch] hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 [âm lịch]... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần [vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ], có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 [âm lịch]. Do đó, ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 [âm lịch] hàng năm.

Những năm hội chính thì phần lễ gồm: Tế lễ của triều đình, sau đó là phần lễ của dân. Có 41 làng được rước kiệu từ đình làng mình tới Đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng trong tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm rộn rã một vùng. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ... và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo - hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Châu Phong.

Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn” nên giỗ Tổ Hùng Vương 1946 - sau khi Chính phủ mới được thành lập - là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ VNDCCH lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.

Kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ [7-5-1954], ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày [từ 1/3 đến 10/3 âm lịch]. Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương [10/3 âm lịch]. Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn -QUỐC LỄmang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong giỗ tổ, nhân dân cả nước có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.


Video liên quan

Chủ Đề