Vợ chồng ca sĩ thành lê là ai?

Sau khi kết thúc Sao Mai 2007, Giải Nhất dòng nhạc dân gian Thành Lê vẫn chăm chỉ hoạt động âm nhạc và định hình một phong cách riêng. Đó là cách hát nhạc dân gian mang hơi hướng semi chứ không hát dân gian theo kiểu “thuần chất”. Dù sở hữu một vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng ít ai biết rằng, Thành Lê lại là một ca sĩ rất độc lập và mạnh mẽ.

Ở tuổi 34, cô vẫn chưa lập gia đình. Nhìn lại hơn chục năm lập nghiệp tại đất Hà Nội với nhiều vui buồn của nghề ca sĩ, Thành Lê luôn cảm thấy, chỉ khi về với gia đình mới có được sự bình yên.

PV VOV.VN có cuộc trò chuyện với Đinh Thành Lê – ca sĩ của Nhà hát Đài TNVN.

Ca sĩ Thành Lê

“Nếu như không lựa chọn nghệ thuật, biết đâu đã khác”

PV: Thành Lê là một trong số ít những nghệ sĩ của dòng nhạc dân gian chịu khó ra album. Mới đây, chị cũng cho ra mắt album Vol.7 mang tên “Tình em như sông dài”. Chị nghĩ sao khi có khán giả so sánh chị với Anh Thơ?

CS Thành Lê: Tôi sợ nhất là người nghệ sĩ không được so sánh với ai. Điều đó nghĩa là mình không được ai nhớ đến và không có chỗ đứng trong lòng khán giả. Nói tôi là thế hệ 2 của Anh Thơ cũng là điều hoàn toàn đúng. Anh Thơ là một “nghệ sĩ lớn” trong dòng nhạc dân gian và là một giọng hát mà tôi rất ngưỡng mộ về tâm hồn, nội lực, cảm xúc…

Chính điều đó đã thúc đẩy tôi cố gắng hơn. Mỗi một lần ra sản phẩm, có thể mình chưa hát hay, chưa chạm đến trái tim của khán giả như khi nghe Anh Thơ, Thu Hiền hát nhưng phải tìm được cái riêng để không trộn lẫn với bất kỳ nghệ sĩ nào. Khán giả đôi khi vì yêu mến mình mà đánh giá không khách quan, nhưng mình không đánh lừa được giới chuyên môn, những người đồng nghiệp. Tôi luôn đau đáu về điều đó.

PV: Mỗi một người nghệ sĩ đều có một khát vọng và một mục đích để vươn tới. 7 năm sau khi bước ra từ Sao Mai, chị thấy mình đã làm được những gì cho mục đích đó?

CS Thành Lê: Nhìn lại chặng đường đã qua sau Sao Mai năm 2007, tôi thấy mình đang đi đúng hướng và có một cuộc sống khá bình yên. Khán giả nhớ đến Thành Lê là nhớ đến giọng hát, đồng nghiệp nhớ đến cách làm việc năng nổ, nhiệt tình. Tôi tự đặt ra mục tiêu là một “nghệ sĩ hát” đúng nghĩa chứ không phải nổi tiếng vì những scandal, những ồn ào. Cám dỗ thì chỉ đến với những người chân dài thôi, còn Thành Lê chân ngắn lắm.

Nói cho vui vậy thôi chứ tôi nghĩ, chẳng ngành nghề nào lại có sự cạnh tranh khốc liệt, đào thải dữ dội như ngành nghệ thuật. Một năm có biết bao cuộc thi hát, người tài năng thì xuất hiện rất nhiều. Thành Lê lại không phải người được tạo hóa cho quá nhiều thứ. Tôi không có xuất phát điểm tốt, không hát quá hay, nhan sắc không quá đẹp. Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền đất nghèo. Chính sự nghèo đã in đậm lên cuộc sống mình, khiến mình phải vượt lên số phận ấy để mang lại cho gia đình cuộc sống khá giả hơn.

Chính vì thế, tôi chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ trong cuộc sống và trong âm nhạc. Đôi lúc cũng nghĩ, nếu như mình không chọn nghệ thuật, biết đâu đã khác. Thế nhưng, nghệ thuật cho tôi rất nhiều thứ và tôi được sống đúng với đam mê của mình.

Ca khúc Cho dù có đi nơi đâu - Thành Lê

PV: Với một tính cách như vậy, với một tư duy âm nhạc độc lập, tại sao chị lại chọn về công tác tại Đài TNVN trong khi chị có thể là một nghệ sĩ solo?

CS Thành Lê: Việc tôi chọn về Đài TNVN bởi tôi là một người có sự đam mê về công việc, xông xáo, có sự thẳng thắn và yêu ghét rõ ràng. Trước khi về Đài, tôi có tìm hiểu nhất định. Ở Đài có một môi trường làm việc sạch, lành, không bon chen. Các diễn viên trong Nhà hát Đài TNVN đều đoàn kết, yêu thương nhau. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng và luôn được Đài tạo điều kiện để làm việc hết mình, dù là việc chung hay việc riêng.

Tình yêu không quá lớn để đánh đổi sự nghiệp

PV: Năm nay Thành Lê đã 34 tuổi. Ở tuổi này, nhiều nghệ sĩ đã kết hôn, có gia đình yên ấm. Còn chị tại sao lại sống một mình? Phải chăng vì chưa gặp được đúng người?

CS Thành Lê: Ngày xưa, khi vẫn còn 25 tuổi, tôi quan niệm chuyện lấy chồng dễ lắm, cứ nghĩ lấy lúc nào mà chả được. Sau đấy thì mọi việc cứ trôi đi, tôi cứ đam mê và lao vào công việc. Thậm chí có nhiều người yêu mình cũng cảm thấy chán vì tôi quá đặt nặng sự nghiệp hơn là hạnh phúc cá nhân. Cho đến giờ, khi ngoảnh lại tôi đã thấy mình 34 tuổi rồi. Đơn giản là tôi có công việc, đó là điều mình thích.

PV: Nhưng đâu phải lúc nào người nghệ sĩ cũng làm việc. Những khi kết thúc một đêm diễn và trở về nhà, sẽ thấy cô đơn hay buồn bã chứ…?

CS Thành Lê: Ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người, khi muốn lấy chồng nhất thì mình lại bận rộn nhất, lại mải mê kiếm tiền với mong ước thay đổi cuộc sống cho gia đình, giúp đỡ bố mẹ, chăm lo chuyện học hành cho em gái, giúp đỡ các chị. Chuyện chồng con không có trong suy nghĩ nhiều cũng bởi tôi quen sống độc lập. Mười mấy năm lập nghiệp ở Hà Nội, tôi đều sống một mình.

Chuyện cô đơn hay buồn bã thì tôi đã trở nên quen rồi. Cũng chẳng thể nói nó là buồn được nữa vì cứ thuận theo tự nhiên thôi.

 

PV: Chị tự nhận là một người khá độc lập, tự tin khi sống một mình. Vậy chị có bao giờ lo lắng khi yêu và lập gia đình, chuyện đó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình không?

CS Thành Lê: Tôi nghĩ là có bởi người nghệ sĩ không dễ gì nhận được sự chia sẻ sâu sắc từ bạn đời. Có rất nhiều gia đình tan vỡ bởi những áp lực của cuộc sống, cả chuyện vợ chồng, con cái… Nếu như không tìm được người yêu mình, thương mình và thấu hiểu, chia sẻ thì sẽ rất khó. Trong suốt những năm tháng qua, tôi không thể tìm được một tình yêu quá lớn để hy sinh sự nghiệp của mình, để mình có thể đi chậm hơn trong cuộc sống.

Yên bình khi trở về với gia đình

PV: Bận rộn với lịch diễn, với công việc âm nhạc, Tết này, chị có thời gian để trở về với gia đình ở Hà Tĩnh?

CS Thành Lê: Công việc bận rộn khiến tôi rất khó thu xếp được thời gian để trở về với gia đình. Thời điểm trước Tết Âm lịch, tôi cũng phải đi diễn rất nhiều. Nhưng khi đã vào Tết, tôi sẽ không nhận lịch diễn nữa mà chỉ toàn tâm chăm sóc gia đình, chăm sóc cho bố mẹ. Bình thường, tôi rất thích bếp núc, nội trợ và thích được chăm người khác. Cơm cúng Tất niên thường là do tôi tự làm. Mọi người quây quần hưởng một cái Tết đầm ấm.

Có một điều là, khi về nhà, tôi thường rất… thèm ngủ. Giấc ngủ trở nên sâu hơn và rất ngon giấc bởi tôi không phải lo lắng bất kỳ điều gì. Ngày Tết là những ngày mà tôi cảm thấy thanh thản nhất. Đôi khi, mình không thể biểu hiện ra mọi niềm vui, nỗi buồn. Có những điều trong cuộc sống không thể trọn vẹn và đi theo mong ước của mình. Nhưng vào ngày Tết, mọi cảm xúc trong tôi dường như đều không còn. Sau khi đón Giao thừa xong, tôi thường đi lễ chùa với tính chất thành tâm, để thấy mình được nhẹ nhõm.

PV: Cảm ơn ca sĩ Thành Lê./.

1. Thành danh từ cuộc thi Sao mai 2007 với giải nhất phong cách hát dân gian, đến nay Thành Lê đã có 15 năm hoạt động chuyên nghiệp. Với 8 album trong 10 năm, chị định hình là giọng hát cá tính cùng thái độ làm nghề bền bỉ, luôn vươn tới sự chỉn chu, mới mẻ trong từng sản phẩm. Thành Lê có một vị trí riêng trong dòng nhạc dân gian đa sắc màu và cũng không ít những tên tuổi. Nhưng có lẽ, giấc mơ của cô gái xứ Nghệ cá tính, mạnh mẽ không chỉ dừng lại ở vùng an toàn đó.

Thành Lê, sau năm năm ở ẩn, lại tái xuất giang hồ bằng một album nhạc tình, khác hẳn với con đường mà chị đã định hình trong đời sống âm nhạc. Với nội lực của một giọng ca trầm, khàn nhưng không kém phần ngọt ngào, nữ tính, Thành Lê có thể vượt ra ngoài những giới hạn của chính mình. Ai đã nghe Thành Lê hát đều thấm cái tình trong từng câu hát của chị, của một trái tim nhạy cảm, từng trải trong đời sống.

Thế mạnh đó một lần nữa đã giúp Thành Lê táo bạo bước vào lãnh địa hát nhạc tình khi quyết định thu âm, tái hiện lại một tuyển tập bài hát gắn với danh ca Ngọc Lan. Thành Lê luôn đi con đường không giống ai, bởi nghệ sĩ, điều kỵ nhất là bị so sánh với một người khác. Với Dear Người tình”, Thành Lê chủ động lựa chọn ca sĩ Ngọc Lan, một tượng đài nhạc tình để đối thoại. Chị hát lại 9 ca khúc gắn liền với tên tuổi của danh ca Ngọc Lan. Điều này khiến chị rất dễ bị so sánh và áp lực. Nhưng Thành Lê đã hát vì yêu, vì đam mê và chị đã gói gọn tâm tình của mình trong 9 ca khúc, với concept là 9 bức thư tình chị muốn gửi gắm cho những khoảng hồi ức, những kỷ niệm quý giá. 9 bức thư là 9 lời tâm sự, 9 lời ngỏ, 9 tầng nấc của những trải nghiệm đủ đắng cay, ngọt bùi, làm nên khoảng chín của người đàn bà đủ kiêu hãnh đi qua và cao thượng nhìn lại, thương mến cuộc đời.

Thành Lê chia sẻ: “15 năm theo đuổi âm nhạc và làm nghề nếu tính từ khi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia là tròn 20 năm, chị vẫn là một người dạo chơi với tâm thế thong dong, thích khám phá cái mới. Âm nhạc với chị là nỗi lòng và người bạn chia sẻ cùng chị những thăng trầm trong cuộc sống. Chị chọn là “người mù” nghe theo tiếng trái tim để mở từng ô cửa âm nhạc. Vì thế, những mất mát đã qua khiến chị tìm được sự đồng cảm, an ủi, nghị lực sống và ý chí hồi sinh trong ca từ, giai điệu của nữ danh ca Ngọc Lan.

Quyết định hát lại những nhạc phẩm “Mưa trên biển vắng”, “Người yêu giấu”, “Chiếc lá mùa đông”... gắn liền với tượng đài Ngọc Lan, Thành Lê nói chị không bị áp lực mà hát bằng những cảm xúc sẵn có, những từng trải và những đớn đau của cuộc sống thăng trầm, truân chuyên của mình. Tôi nghe Thành Lê hát, tiếng hát mỏng manh, như làn khói nhưng không làm người ta bi lụy mà tràn đầy yêu thương, ấm áp của một người từng trải, dù mất mát những vẫn không ngừng yêu thương cuộc đời. Chị hát bằng trải nghiệm của một người đàn bà đã đi qua nỗi đau, ngắm nhìn nỗi đau bằng nụ cười mỉm chứ không phải bằng nước mắt.

“15 năm với 9 đĩa nhạc, có thể nói tôi cũng là một người mắn đẻ, nếu ví đó là những đứa con tinh thần. Tôi thích thu âm để kỷ niệm những cảm xúc trong đời sống và trưởng thành về giọng hát. Đối với tôi, từng đĩa nhạc là một câu chuyện kết tinh từ tình yêu hoàn hảo nhất để diễn đạt cảm xúc và tâm hồn của chính mình. Âm nhạc thì không thể rẻ tiền. Tôi luôn quan niệm phải tìm đến những người hoàn hảo nhất, dù tốn tiền tỷ để cho ra đời một sản phẩm tốt, có giá trị về âm nhạc nhất định không làm ẩu và làm cho vui”. Có thể nói, Thành Lê đã đánh dấu sự trở lại của mình một cách ấn tượng, không phải theo xu hướng hay phong trào mà với chị, âm nhạc là sự thôi thúc từ trong trái tim mình.

2. Thành Lê sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, trong 1 gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng bù lại chị được ban tặng  một vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt ưa nhìn và khí chất mạnh mẽ cùng giọng hát mảnh khảnh, trầm khàn, nhưng không kém phần ngọt ngào, nữ tính. Chị yêu âm nhạc từ nhỏ, những câu hát dân ca từ đài phát thanh cứ thế ngấm vào chị, cả cái không gian mà chị sinh ra, nơi có núi Hồng, sông La và những cồn cát cháy nắng đã nuôi dưỡng tâm hồn của cô gái xứ Nghệ một chất giọng ngọt ngào.

Nhà nghèo nên thuở nhỏ, đối với Thành Lê, giấc mơ âm nhạc thật xa vời. Nhưng càng lớn, chị càng cảm thấy, đó chính là con đường của mình. Chị thuyết phục bố mẹ để ra Hà Nội thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đó là những năm tháng khó khăn, chật vật. Nhưng rồi, vinh quang bắt đầu chạm vào Thành Lê khi năm 2007, chị dành giải nhất cuộc thi Sao Mai, dòng nhạc dân gian. Đó cũng là khởi điểm cho cái tên Thành Lê được định hình trong đời sống âm nhạc.

Nhưng với chị, giải thưởng chỉ là một cú hích để chị bước trên con đường gian nan nhiều chông gai của mình. Có thể, mọi người chỉ nhìn thấy những hào quang của người nghệ sĩ trên sân khấu, nhưng ít ai hiểu và chia sẻ với họ những giây phút cô đơn, những khổ luyện và những khó khăn mà họ phải vượt qua.

“Tôi cảm ơn gió Lào cát trắng, núi Hồng sông La đã cho tôi một giọng hát, cảm ơn những thăng trầm trong cuộc sống giúp tôi biết trân quý những gì mình đang có. Hạnh phúc là khi ta biết yêu thương, trân trọng từng khoảnh khắc trong đời sống này”. Chị chia sẻ.

Thành Lê là một người làm nghề chỉn chu, nghiêm túc, trong thời đại nhạc số, chị vẫn đều đặn dốc tiền để ra album, đánh dấu từng chặng đường mình đã đi qua. Cuộc sống của người đàn bà hát không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Với một trái tim đa cảm, Thành Lê phải trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Chị khá kín tiếng, không bao giờ chia sẻ về cuộc sống riêng. Chị mất tích 5 năm, sinh con và làm mẹ đơn thân.

Giờ thì những đau khổ đã đi qua. Thành Lê mạnh mẽ hơn và không ngần ngại chia sẻ cuộc sống độc lập của một bà mẹ đơn thân cùng con gái xinh đẹp năm nay lên 4 tuổi. Hạnh phúc làm mẹ đã khiến chị bị ngắt quãng trong âm nhạc. Nhưng đó chỉ là một khoảng dừng trong hành trình dài của đời nghệ sĩ. Âm nhạc vẫn ở đó, là chốn nương thân của chị. Âm nhạc, với Thành Lê là cứu cánh giúp chị đi qua những bão giông của cuộc đời.

Giờ Thành Lê bình yên với lựa chọn của mình. Làn đầu tiên chị khoe về cô con gái cưng, đó cũng là nguồn sống của chị, mang lại cho chị sự bình an trong tâm hồn. Chị không tiết lộ về người đàn ông của mình. “Trong cuộc đời, tôi nghĩ có nhiều thử thách. Khi mình đã khóc đủ rồi thì hãy đứng dậy, hãy bước đi để tin rằng phía trước có những điều mới mẻ hơn, tốt đẹp hơn.” Và chị sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả những bản tình ca, một ngã rẽ táo bạo, không đoán định trước trong sự nghiệp âm nhạc của chị.

Tôi nghe Thành Lê hát tình ca, và cứ nghĩ, cuộc sống sẽ ra sao nếu không có những bản tình ca, những bản nhạc được viết lên từ nỗi đau, từ tình yêu, để ca tụng đời sống này. Và người nghệ sĩ, bằng tình yêu và giọng hát của mình đã mang những bản tình ca ấy đến cho mọi người, xoa dịu những vết thương. Với họ, đó cũng là hạnh phúc.

Bảo Linh

Video liên quan

Chủ Đề