Ý thức của sinh viên trong học tập

  • Giới thiệu
  • Quy định
  • Liên hệ
  • Enews - đọc và suy ngẫm
  • English
  • Bản tin
    AGU
  • Phóng sự
    Ảnh
  • Khoa học
    với AGU
  • Câu chuyện
    AGU
  • Góc
    nhìn
  • Tản
    mạn
  • Gương mặt
    AGU
  • SV với
    Câu lạc bộ
  • eNews và
    Bạn đọc
  • Lướt web
    cùng SV
  • Tìm kiếm...
  • Bản tin AGU
  • Phóng sự Ảnh
  • Khoa học với AGU
  • Câu chuyện AGU
  • Góc nhìn
  • Tản mạn
  • Gương mặt AGU
  • SV với Câu lạc bộ
  • eNews và Bạn đọc
  • Lướt web cùng SV
  • Tìm kiếm...
  • Trang chủ
  • Khoa học với AGU
  • Giải pháp nâng cao ý thức, thái độ cho sinh viên khối xã hội nhân văn [*]

Giải pháp nâng cao ý thức, thái độ cho sinh viên khối xã hội nhân văn [*]

  • In bài này
  • Gửi Email bài này
Ngày đăng: 10 Tháng 8 2020

Ngày nay, khoa học kỹ thuật, máy móc càng hiện đại thì khoảng cách, sự khác biệt giữa con người càng được rút ngắn, chính thái độ sống khác biệt của mỗi cá nhân sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong xã hội[1]. Thái độ sống có thể thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống, trong đó có thái độ ý thức học tập [giáo dục]. Bài viết này là những chia sẻ, những suy tư cá nhân nhằm nhận thức lại vai trò của giáo dục thái độ, ý thức nói chung trong giáo dục đại học, đặc biệt là các ngành thuộc Khoa học xã hội và nhân văn [cụ thể là sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn và Cử nhân Văn học].

Mục tiêu giáo dục ý thức thái độ trong giáo dục Đại học

Trong hơn ba mươi năm gần đây, giáo dục Việt Nam luôn loay hoay với việc cải cách, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá,.. thay đổi, thí điểm sách giáo khoa các bậc học làm tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc, sức lực, và nhiều lần dấy lên nhưng lo lắng, hoài nghi đối với người học, người dạy và các bậc phụ huynh. Dẫu nỗ lực là vậy, nhưng, theo các nhà nghiên cứu giáo dục, thì, từ năm 1975 đến nay, dường như nền giáo dục vẫn chưa phát triển như mong đợi[2]. Các lý do thường được nêu ra dẫn đến những thất bại thường là chương trình đào tạo nặng, không mang tính quốc tế, bệnh thành tích trong học tập thi cử, năng lực của đội ngũ giáo viên, nhưng theo nhận thức của cá nhân tôi, còn một lý do cũng quan trọng không kém, là do chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về giáo dục đạo đức, ý thức thái độ đối với người học, xã hội coi rẻ người thầy, đạo đức nhà giáo suy giảm.

Vậy trước hết cần giới thuyết giáo dục thái độ, ý thức là gì?

Mô hình giáo dục phổ biến trên thế giới hiện nay là Mô hình năng lực [ASK] mà Benjamin Bloom [1956] được coi là người tiên phong, với ba nhóm năng lực chính bao gồm:

Phẩm chất/Thái độ [Attitude]: thuộc về phạm vi cảm xúc, tình cảm [Affective]

Kỹ năng [Skills]: kỹ năng thao tác [Manual or physical]

Kiến thức [Knowledge]: thuộc về năng lực tư duy [Cognitive]

Trên thực tế, nhận thức và kỹ năng thường được coi trọng, và kiểm tra đánh giá được, nhưng thái độ thì rất mơ hồ vì nó khó xác định, khó áp dụng và khó đánh giá. Vì vậy mục tiêu giáo dục ý thức, thái độ ít được chú trọng và thường đánh giá rất chủ quan. Nếu chúng ta rất quen thuộc với sáu thang mức độ nhận thức [biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá] theo sự phân chia của B. Bloom và các cộng sự thì lại khá xa lạ với các mục tiêu thái độ tình cảm mà họ đã đề xuất. Theo họ, mục tiêu thái độ tình cảm là nhấn mạnh một sắc thái tình cảm, một cảm xúc hoặc một mức độ của sự chấp nhận hay bác bỏ[3]và các mục tiêu này cũng được chia thành năm trình độ từ thấp tới cao là tiếp nhận, đánh ứng, chú trọng, tổ chức và tính cách hóa.

Kiến thức và kỹ năng có thể nâng cao và rèn luyện nếu chúng ta có ý thức thái độ tốt nhưng thiếu ý thức, thái độ thì có lẽ câu chuyện giáo dục phải bắt đầu lại từ đầu. Ông cha ta đã khẳng định: dạy con từ thuở lên ba, có lẽ là trong ý nghĩa đó, là từ tấm bé phải rèn luyện thói quen, tình cảm, ý thức, thái độ sống đúng đắn, tích cực. Đối với SV hiện nay, trong môi trường toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức, yếu tố ý thức thái độ lại càng trở nên quan trọng hơn. Theo UNESCO ba thành tố hợp thành năng lực của con người là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp. Trong đó kiến thức chỉ chiếm 4%, kỹ năng chiếm 26%, thái độ chiếm tới 70%[4]. Điều này còn được thể hiện rất rõ trong triết lý giáo dục thế kỷ XXI mà UNESCO đề ra vào năm 1997 với bốn trụ cột: Học để biết [liên quan đến kiến thức], học để làm [liên quan đến kỹ năng], học để sống cùng nhau [liên quan đến ý thức, thái độ], học để khẳng định bản thân, học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn [là sự tổng hòa của ba yếu tố, trong đó then chốt là ý thức thái độ].

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, chỉ một khoảng thời gian chưa đến một thập kỷ là lượng kiến thức đã tăng lên gấp đôi; hơn nữa, thời đại kỹ thuật, việc lưu trữ và tra cứu thông tin trở nên rất thuận tiện. Vậy việc học kiến thức hiện nay có phải là vấn đề then chốt? Vấn đề cấp bách của chúng ta hiện nay là phương pháp và thái độ học tập, nghiên cứu. Chúng ta phải hình thành được ý thức, thói quen học tập suốt đời trong một môi trường học thuật rộng lớn đúng như khái niệm xã hội học tập.

Quan sát các bài viết xoay quanh vấn đề giáo dục hiện nay như: Sinh viên 5 tốt bị loại ngay tại tọa đàm về tuyển dụng vì thái độ, thiếu kỹ năng[5], hoặc Thái độ sinh viên quyết định việc được doanh nghiệp tuyển dụng[6]và đặc biệt là bài viết, Bước vào lớp, nhìn qua là biết sinh viên nào sẽ thất nghiệp[7], Giáo dục: Quan trọng là thành tích hay thái độ?, Thái độ quan trọng hơn cả kỹ năng và kiến thức các bài viết đều nêu ra thực trạng là SV rớt tuyển dụng vì thái độ và ý thức, họ cho rằng thái độ quan trọng hơn trình độ, ý thức quan trọng hơn học thức. Tôi rất đồng tình với quan điểm này bởi chính trải nghiệm học tập và giảng dạy, đời sống của chính bản thân. Giáo viên không bao giờ buồn vì hiểu biết kiến thức hạn hẹp của người học, ngược lại, họ rất vui vì người học luôn nỗ lực học hỏi, giáo viên vui vì thành tích học tập của người học nhưng họ hãnh diện vì học sinh, sinh viên của mình trưởng thành từng ngày. Với tư cách là người đi học gần 20 năm, gặp gỡ khá nhiều thầy cô, có rất nhiều người dạy giỏi, nhưng đọng lại nơi tôi lại là những câu chuyện nho nhỏ về lối sống, cách làm người. Những bài giảng rất hay của họ có cái còn nhớ, có cái đã quên, nhưng lương tâm, trách nhiệm và tâm huyết của họ sẽ mãi mãi ở lại nơi tôi, tôi muốn trao truyền lại cho những thế hệ người học song lắm lúc tôi thấy phiền muộn và bất lực vì thái độ và ý thức của người học hôm nay.

Ở Trường Đại học An Giang, sau 20 năm xây dựng, hội nhập và phát triển luôn đề cao triết lý giáo dục là Kiến tạo - Khai phóng, hướng đến giá trị cốt lõi là Chính trực - Tận tâm - Sáng tạo[8]là phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thực trạng năng lực, phẩm chất của SV có đáp ứng được chuẩn đầu ra, yêu cầu công việc, và cuộc sống sau khi ra trường hay không thì cần sự bình tĩnh quan sát và nhìn nhận lại.

Sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn trong hội thi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm [Ảnh minh họa. Nguồn: e-News]

Thực trạng ý thức thái độ sinh viên Ngữ văn Trường Đại học An Giang

Như trên đã nói, việc đánh giá ý thức thái độ của người học một cách định lượng là rất khó và nhiều khi là cứng nhắc. Ở các bậc học giáo dục phổ thông, đánh giá học sinh bao giờ cũng gồm hai mặt là học lực và hạnh kiểm. Hạnh kiểm chính là đạo đức, phẩm chất, ý thức, thái độ của người học. Dẫu năng lực và hạnh kiểm luôn được đánh giá song song nhưng nếu học lực được kiểm tra đánh giá một cách nghiêm ngặt thông qua các kỳ thi, kiểm tra thì hạnh kiểm lại được đánh giá thường mang tính chủ quan và phụ thuộc vào học lực. Ở các bậc giáo dục Đại học, Cao đẳng và Trung cấp,ở nước ta hiện nay, đánh giá ý thức, thái độ của SV thường được đánh giá hai bậc là điểm rèn luyện và điểm ý thức học tập được lồng vào từng môn học. Điểm rèn luyện do Phòng công tác sinh viên đánh giá, gồm các mặt như: Đạo đức, tác phong, việc tuân thủ nội quy nhà trường, pháp luật nhà nước, các hoạt động của SV,... Kết quả của điểm rèn luyện là căn cứ để xét học bổng, xét khen thưởng kỷ luật, xét thôi học, xét làm khóa luận, xét tốt nghiệp, Điểm ý thức học tập được cấu trúc hóa vào khung chương trình và quy chế đào tạo, ở nội dung đánh giá môn học thường được phân bổ theo tỉ trọng: 40% tri thức lý thuyết + 50% kỹ năng thực hành + 10% điểm thái độ. Ở Trường Đại học An Giang đánh giá ý thức, thái độ của sinh viên cũng như vậy.

Theo số liệu của Phòng Đào tạo, số lượng SV bị buộc thôi học học kỳ I năm học 2019-2020 là 195 SV và số lượng SV bị cảnh báo học vụ là 147 SV [trên tổng số người học toàn trường là 9.636] trong đó SV ngành Văn lần lượt có 3 và 6 SV cho từng trường hợp [trên tổng số 176 SV ngành Văn, chiếm lần lượt là 1,7% và 3,4%]. Số lượng và tỉ lệ SV ngành Văn bị buộc thôi học và cảnh báo học vụ trên là đáng lo lắng, vì trong mỗi học kỳ tình trạng này liên tiếp xảy ra thì sau mỗi khóa học [8 học kỳ] SV bị buộc thôi học sẽ là 13,6% và SV bị cảnh báo học vụ là 27,2%. Dẫu chỉ là giả thiết của người viết, tuy nhiên, những con số đưa ra thật đáng quan ngại[9]. Cũng cần nói thêm rằng, không phải những SV bị buộc thôi học và cảnh báo học vụ đều là SV yếu về năng lực và phẩm chất, không đủ điều kiện để được tiếp tục theo học ở trường, mà ngược lại, cũng có những trường hợp vì lý do cá nhân nên SV tự ý thôi học. Vì vậy những số liệu định lượng trên đây là một cách nhìn tham khảo, chưa thể phản ảnh đúng ý thức thái độ của SV.

Dưới đây chúng tôi tiếp tục khảo sát Điểm rèn luyện của SV ngành Văn do phòng Công tác SV đánh giá:

Bảng số lượng và tỉ lệ kết quả Điểm rèn luyện của SV ngành văn học kỳ I năm 2019-2020[10]

SL & TL

Lớp

Sỉ số

[SV]

XUẤT SẮC

TỐT

KHÁ

TRUNG BÌNH

YẾU

Số lượng

[SV]

Tỉ lệ

[%]

Số lượng

[SV]

Tỉ lệ

[%]

Số lượng

[SV]

Tỉ lệ

[%]

Số lượng

[SV]

Tỉ lệ

[%]

Số lượng

[SV]

Tỉ lệ

[%]

17NV

27

0

0

6

22

21

78

0

0

0

0

18NV

37

3

8

7

19

24

65

3

8

0

0

19NV

34

2

6

2

6

13

38

10

29

7

21

20NV

15

1

6.5

4

27

9

60

1

6.5

0

0

19VH

29

0

0

4

14

7

25

10

36

7

25

20VH

26

0

0

1

4

10

38

15

58

0

0

Hiện tại, Bộ môn Ngữ Văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐHAG đào tạo hai ngành Văn là Sư phạm Ngữ văn [NV] và Cử nhân Văn học [VH], trong đó ngành Cử nhân Văn học mới tuyển được hai khóa [19VH, 20VH].

Quan sát bảng số liệu ta thấy, điểm rèn luyện của SV được đánh giá thành năm bậc: Xuất sắc, tốt, khá, trung bình và yếu. Trong đó đa số SV ngành Sư phạm đạt loại khá, duy chỉ có lớp 19NV tỉ lệ loại khá chỉ đạt 38% và tỉ lệ SV loại trung bình và loại yếu rất lớn [chiếm 50%]; các lớp còn lại không có SV loại yếu, và loại trung bình [lớp 17NV] và vẫn có số lượng SV loại xuất sắc dẫu tỉ lệ còn thấp. Ngành Cử nhân văn học, đa số SV đạt loại trung bình, lại không có SV đạt loại xuất sắc, loại tốt cũng rất hiếm, trái lại, loại yếu lại chiếm 25% [lớp 19VH]. Qua đó, cho thấy hai điều: 1/ điểm rèn luyện của SV ngành Văn không cao; 2/ điểm rèn luyện của SV ngành Sư phạm Ngữ văn cao hơn so với điểm rèn luyện của SV ngành Cử nhân Văn học. Đây cũng là minh chứng thuyết phục cho năng lực học tập chưa tốt và minh chứng cho sự khác biệt về thái độ học tập giữa SV hai ngành, là hệ quả tất yếu của sự chênh lệch khi tuyển sinh đầu vào của hai ngành trên.

Những số liệu trong bảng khảo sát trên, đối với cá nhân tôi, là khá chân xác và đáng tin cậy. Song tôi còn muốn phân tích thực trạng ý thức, thái độ học tập của SV từ quan điểm cá nhân thông qua ý thức của SV về việc học, cách chuẩn bị bài, mục tiêu đi học,.., và xa hơn, ý thức về công việc tương lai.

Một số SV tâm sự, chọn ngành Văn là giải pháp cuối cùng để được tiếp tục đi học như bạn bè cùng trang lứa. Họ không có ý hướng, niềm yêu thích và đam mê với ngành đang học. Vì vậy, họ học rất đối phó và khi quá chán nản họ chọn giải pháp bỏ học. Số lượng SV này ở ngành Sư phạm không nhiều, nhưng ở ngành Cử nhân văn học là khá lớn. Ở lớp 19VH, sau một năm học đã có 9 SV thôi học. Ở lớp 20VH, sau một học kỳ đã có 4 SV thôi học.

Hầu hết SV, ngay cả những SV giỏi vẫn chưa xác định được mục đích học tập đúng đắn. Rất hiếm SV có được niềm yêu thích và đam mê thật sự. Nếu có ý chí và nghị lực, họ cũng chỉ cố gắng học làm sao để đạt điểm số cao nhất có thể. Cho nên, việc học trở thành một công việc nặng nề và mệt mỏi. Học không phải là quá trình trải nghiệm mà là những ngày nhồi nhét trước kỳ thi. Học không phải là quá trình giải đáp những thắc mắc, băn khoăn, suy ngẫm mà làm sao chép cho đủ ý để trả bài, Với nhận thức về việc học như vậy, làm sao SV đáp ứng được vai trò là nhân tố trung tâm trong quá trình giáo dục? Mỗi vấn đề SV được giao thuyết trình, SV làm với tâm thế đối phó. Và với tâm thế đó, bản thân họ cũng không hiểu, không tin lời họ nói làm sao thuyết phục được nhóm khác, SV khác. Đặc biệt, đối với những môn thi ngân hàng câu hỏi, thì SV chỉ cần có được bộ ngân hàng kèm đáp án là yên tâm, một số SV không đến lớp nữa

Không chỉ hạn chế về ý thức, thái độ, một số SV còn rất kém về kỹ năng: kỹ năng tìm tài liệu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, Đối với SV đại học, việc tra tìm tài liệu là một kỹ năng cơ bản, nhưng SV còn duy trì phong cách học phổ thông, qua bộ sách giáo khoa duy nhất được cấp sẵn từ đầu. Chính cách học đó đã chặn đứng con đường vào khám phá tri thức với nhiều điều hấp dẫn, hữu ích. Một điều khiến tôi phiền lòng không kém thái độ học tập của SV là kỹ năng giao tiếp, hiểu biết về văn hóa xã hội, hiểu biết pháp luật và ý thức bảo vệ môi trường. Thời đại 4.0 nhưng SV không biết viết một email đúng chuẩn, gửi bài cho giảng viên chỉ đính kèm tập tin hoặc đường link có sẵn. Không phải số ít, mà quá nửa SV gửi bài [lần đầu] cho tôi qua email đều như vậy Đặc biệt đối với SV ngành Khoa học xã hội và nhân văn, thái độ và ý thức như vậy càng đáng buồn và đáng trách. Nhiều lúc, buồn phiền, bất lực, tôi phải thú nhận: không ai có thể sống dùm cuộc đời các bạn [SV].

Có thể những chia sẻ trên của tôi về thực trạng ý thức của sinh viên là chưa đầy đủ về những SV có thái độ tốt và những SV có thái độ chưa tốt. Nhưng một không khí bao trùm dễ nhận thấy là SV bi quan về công việc tương lai. SV lo lắng cho tương lai là đúng nhưng lấy đó làm lý do hủy bỏ động cơ học tập là điều sai lầm. Nhà trường [SV] và xã hội có mối quan hệ tác động qua lại, tại sao ta không có tư duy học tập, nghiên cứu để thay đổi bản thân và xã hội, mà lại hủy diệt cơ hội của mình ngay từ vạch xuất phát?

Một số giải pháp để nâng cao ý thức thái độ cho SV

Để nâng cao ý thức thái độ của SV cần rất nhiều yếu tố [như gia đình, nhà trường, xã hội] nhưng then chốt nhất vẫn là chủ thể SV. Họ là những con người trưởng thành về tâm sinh lý, họ có đầy đủ quyền lợi của một công dân, họ phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Vì vậy giáo dục ở trường đại học phải làm sao để người học nhận rõ giá trị bản thân, xây dựng ý thức tự học, tự trọng, tự giác, tự chịu trách nhiệm, biến quá trình đào tạo ở trường đại học thành quá trình tự đào tạo. Những biện pháp mà chúng tôi nêu ra dưới đây chỉ là những biện pháp từ góc nhìn bên ngoài chủ thể.

Thứ nhất là điều chỉnh nội dung giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá

Trong mỗi bài học, môn học chương trình đều ghi mục tiêu, chuẩn đầu ra rõ ràng về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhưng hầu hết chúng ta chỉ chú trọng giảng dạy kiến thức. Điều này không chỉ trái với triết lý giáo dục hiện nay của UNESCO, của Trường Đại học An Giang mà còn không phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Thông tin là vô tận và sự lưu trữ thông tin của các phần mềm là cực kỳ chi tiết, vì vậy, thay vì ghi nhớ thông tin một cách máy móc, chúng ta nên học cách tra cứu thông tin, học cách lý giải thông tin, như phương châm giáo dục tiến bộ của nhà triết học người Đức Immanuel Kant [1724-1804]: không chỉ giảng dạy cho sinh viên các tư tưởng mà còn dạy họ biết tư tưởng.

Không chỉ điều chỉnh nội dung giảng dạy mà còn phải thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá. Bằng cách hạn chế dạng câu hỏi cung cấp thông tin, tăng cường các câu hỏi lý giải, đánh giá vấn đề, nêu ý kiến cá nhân hoặc các dạng câu hỏi tư duy tổng hợp nhằm phát triển kỹ năng phán đoán, phân tích, giải quyết vấn đề của SV. Đặc biệt cần hạn chế tối đa hình thức thi trắc nghiệm. Hình thức này có thể rất tiện ích trong khâu chấm điểm, ra đề, song nó tai hại khi hình thành thói xấu ở sự ỷ lại 25% may rủi, dẫu không học bài đi nữa. Và với số điểm này [kết hợp 50% điểm quá trình] thì SV sẽ qua môn. Thi trắc nghiệm còn triệt tiêu khả năng tư duy logic, tư duy sáng tạo của người học. Ngay cả các môn khoa học tự nhiên, khi chấm bài, cách làm còn quan trọng hơn đáp án. Vậy tại sao chúng ta đang làm điều ngược lại, chỉ thừa nhận kết quả, thủ tiêu toàn bộ quá trình lý giải và tư duy? Đối với các môn khoa học xã hội thì hình thức thi trắc nghiệm lại càng phủ nhận hoàn toàn tính độc lập, sáng tạo của chủ thể, nó đánh đồng mọi hoàn cảnh, cách nhìn, cách tiếp cận. Tất cả người học bị đóng khung trong bộ đồng phục rập khuôn ở nơi mà sự khác biệt, bản sắc và tiếng nói cá nhân được cho là có cơ hội được bộc lộ nuôi dưỡng và phát triển.

Một khía cạnh nữa của việc kiểm tra là phải đánh giá chính xác năng lực và phẩm chất của SV. Đánh giá quá khắt khe có thể làm SV áp lực và bi quan. Đánh giá quá cao khiến SV ảo tưởng vào năng lực của bản thân. Thực trạng hiện nay cho thấy ở các bậc học phổ thông hầu hết học sinh trong lớp đều đạt học sinh tiên tiến, có giấy khen và phần thưởng. Điều này triệt tiêu ý nghĩa của sự vinh danh. Trong môi trường giáo dục đại học cũng vậy, GV cho điểm SV quá cao khiến SV lơ là, không học cũng có thể qua môn, làm quá trình giáo dục và tự giáo dục mất ý nghĩa.

Trong bộ phim nổi tiếng Ba chàng ngốc [một bộ phim về giáo dục của đạo diễn Rajkumar Hirani, 2009, Ấn Độ], tôi rất yêu thích và nhớ mãi câu nói của nhân vật Raju, về mục đích của việc học: Chúng ta[Farhan, Raju và hầu hết SV] học vì tấm bằng, riêng Rancho học vì đam mê. Và đời sống, sự nghiệp của Rancho đã chứng minh cho mọi người thấy được học vì đam mê sẽ sung sướng, hạnh phúc và hữu ích như thế nào... Mong sao, mỗi SV, mỗi GV, mỗi phụ huynh, mỗi cơ sở giáo dục và xã hội cũng có được ý thức sâu sắc về mục đích cốt lõi của giáo dục như thế.

Thứ hai, khẳng định và tự khẳng định vai trò của nhà giáo

Trong những năm gần đây, báo chí liên tục đưa tin những sự việc coi rẻ đạo đức, nhân phẩm người thầy [giáo viên nữ đi tiếp khách ở Hà Tĩnh], phụ huynh uy hiếp thầy giáo vì cái quần của con [ở Bạc Liêu],đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Khiến nhiều người đã cho rằng nghề giáo là một nghề nguy hiểm hay hình như thời nay lỗi lầm thời nay đều thuộc về giáo viên. Để giáo dục người học tốt, trước nhất, người thầy phải là tấm gương tốt [đạo đức và chuyên môn], bởi giáo dục không chỉ đơn thuần là trao truyền kiến thức, mà ở đó phải có sự đồng cảm, thuyết phục và chinh phục. Chỉ sự tinh tế, đẹp đẽ và ấm áp mới có thể lan tỏa và chinh phục được trái tim người khác. Vì vậy bản thân mỗi nhà giáo phải tự rèn luyện tư tưởng, đạo đức và nâng cao tay nghề chuyên môn, nâng cao uy tín của bản thân trước học trò, đồng nghiệp và xã hội. Đồng thời, Nhà nước, xã hội cũng tạo điều kiện, chính sách để mỗi nhà giáo có thể sống bằng lương để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Thứ ba, xác lập vị trí đúng đắn của khoa học xã hội trong thời hiện đại

Thời đại 4.0 mà chúng ta vẫn thường xuyên nhắc đến, bên cạnh những lợi ích to lớn thì mặt trái của nó cũng không hề nhỏ, đó là sự suy thoái đạo đức [ví như nhân bản vô tính], tệ nạn văn hóa xã hội [tin giả, hacker, văn hóa đồi trụy,..] hoặc quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm, nhiều khi khiến con người hoang mang, ngờ vực và mất niềm tin. Điều phi lý nhất là con người đang rơi vào trạng thái bất bình đẳng với máy móc dẫn đến tình trạng con người bị robot, máy móc thay thế, họ mất việc làm, không được trọng dụng. Và trong một thời đại kỹ trị như vậy, chỉ những ai có thái độ, tư duy, kỹ năng, thẩm mỹ khác biệt mới thực sự tồn tại và hữu ích. Vì vậy, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn phải được đặt đúng tầm, nó phải là nền tảng của giáo dục, phải định hướng các giá trị nhân văn, đạo đức, kĩ năng sống cho xã hội và thế hệ trẻ. Không ít người thực dụng vẫn luôn hoài nghi và phủ nhận vai trò của văn chương nghệ thuật vì nó không trực tiếp làm ra lương thực, thực phẩm, điện, ga, nước, và những nhu yếu phẩm cần thiết để đáp ứng đời sống của phần con; tuy nhiên, mỗi người gần người hơn là phần tinh thần, nhân cách, lương tâm, danh dự và cả nỗi sợ cái xấu, cái ác. Khoa học xã hội mang trọng trách to lớn ấy cho nên càng phải nỗ lực để tiếp cận và giải quyết kịp thời những thách thức của đời sống.

Thứ tư, mở ngành học mới

Những đòi hỏi mới của đời sống là cơ hội để các trường đại học thay da đổi thịt bằng cách mạnh dạn bỏ các ngành học mà xã hội không còn nhu cầu, thay vào đó là những ngành học mới. Trong một thập kỷ trở lại đây, bên cạnh bằng Đại học chuyên ngành thì SV muốn ra trường còn cần có các bằng bắt buộc khác như chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa thể đủ. Gần đây, các trung tâm còn đào tạo các khóa về kỹ năng mềm [kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, quản trị cảm xúc,]. Tại sao chúng ta không mở ngành mới để đáp ứng nhu cầu rất cần thiết này?

Trên thế giới, nhiều trường đại học mở ngành gọi là Khoa học thường thức hoặc Khoa học đời sống [Life Sciences] giảng dạy các kỹ năng sống và giá trị sống, sự tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên để giải quyết các tình huống mà phần lớn thuộc về vấn nạn xã hội, đặc biệt là những vấn đề nóng hổi trong cuộc sống đương đại, ví như tình trạng cấp bách của dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Nếu chưa có đủ điều kiện mở ngành mới thì đối với những nội dung, vấn đề thời sự như vậy, chúng ta có thể mời các chuyên gia về trao đổi. Một mặt vừa mở rộng quan hệ giao lưu cho giảng viên, mặt khác còn định hướng quan điểm, thái độ cho SV đối phó với những vấn đề trước mắt; và hơn nữa, thu hút lực lượng trẻ quan tâm, có trách nhiệm đến những vấn đề của quốc gia, dân tộc.

Tóm lại, giáo dục ý thức, thái độ có vai trò rất quan trọng trong các bậc học, đặc biệt đối với SV trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Phải chăng chính những giao lưu, kết nối không ràng buộc trong thời đại Internet đã phần nào vô hiệu hóa những quy tắc chuẩn mực, cố kết của cộng đồng. Mạng xã hội đã cấp cho cá nhân cơ hội sống nhiều đời sống mà ít phải chịu trách nhiệm nên đời sống đạo đức và ý thức xã hội đang bị đe dọa?

SV nói chung và SV ngành Văn nói riêng muốn quá trình giáo dục đại học trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn thì phải xác định mục đích chân chính của việc học là quá trình sống tự khám phá năng lực của bản thân; trong đó, ý thức thái độ như ngọn đuốc dẫn đường, sẽ xác định tầm vóc và vị thế của mỗi cá nhân.

Bên cạnh SV phải ý thức về vai trò của thái độ đối với việc học tập và đời sống thì nhà trường, thầy cô và xã hội cũng phải góp phần giáo dục, hướng dẫn, tạo điều kiện để SV phát huy tối đa năng lực bản thân. Thay đổi hình thức, nội dung và mục đích của việc kiểm tra đánh giá là yếu tố tiên quyết thay đổi cách học của SV. Mỗi người thầy là một tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, chuyên môn và trao truyền cho sinh viên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, cảm hứng. Có như vậy, vị thế của người thầy trong xã hội mới không thể thay thế, giá trị đạo đức, nhân văn mới trở thành thước đo chuẩn mực và trường tồn.

[*]Bài viết trích từ Kỷ yếu Hội thảo dạy và học các môn khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Thủ Dầu Một tháng 6/2020 của chính tác giả]

Tài liệu tham khảo:

[1] Anderson, Mac [2017].Điều kỳ diệu của thái độ sống[The Power of Attitude]. TP.HCM: NXB Tổng hợp.

[2]Ngô Bảo Châu & CS [chủ biên]. 2011.Festschrift-Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm[1810-2010]. Hà Nội: NXB Tri thức, tr.552.

[3]Dẫn theo Lê Vinh Quốc. 2011.Đổi mới dạy học theo khoa học giáo dục hiện đại.Tp Hồ Chí Minh: NXB ĐHSP TP Hồ Chí Minh, tr.23.

[4]Dẫn theo, Minh Minh,//cafebiz.vn/ty-le-nhom-lao-dong-tot-nghiep-dai-hoc-that-nghiep-cao-gap-4-lan-cao-dang-va-trung-cap-ts-dao-xuan-khuong-khi-doc-thong-tin-nay-lan-dau-toi-nghi-thong-ke-nay-bi-nham-20191220171340763.chn, 20/12/2019 10:00 PM.

[5]đăng trên //plo.vn/xa-hoi/giao-duc/ ngày 14/12/2019

[6]đăng tải trên//dantri.com.vn/ngày 14/12/2019

[7]đăng trên//tuoitre.vn/ngày 02/11/2019

[8]Nhiều tác giả. 2019.20 năm xây dựng, hội nhập, phát triển.An Giang: Công ty Cổ phần in An Giang tr.8]

[9]Đáng tiếc, chúng tôi không có được số liệu thật cụ thể và chính xác để đưa ra luận chứng thuyết phục hơn.

[10]kết quả đánh giá điểm rèn luyện của Phòng Công tác Sinh viên.

TS Nguyễn Thị Tuyết - K. Sư phạm

Cập nhật lần cuối: 10 Tháng 8 2020Lượt xem: 5361
  • Trang trước
  • Trang sau

Viết lời bình

  • Họ và tên [*]:
  • Email:
Vui lòng gõ văn bản trong hình vào ô bên dưới Chọn mã số khác
Gửi lời bình Theo dõi
  • Chưa có lời bình cho bài viết này.

Stickies

Yêu thích

Bài viết dự thi

  • Kể chuyện học tập
  • Mùa xuân tình yêu
  • Cuộc sống muôn màu
  • Ơn Thầy
  • Áo xanh tình nguyện
  • Thư viện của tôi

Liên kết nội bộ

  • Đại học An Giang
  • Thư viện
  • Thư điện tử

Lượt truy cập

Từ ngày 09/09/2016
Hôm nay43
Hôm qua97
Tuần này140

Video liên quan

Chủ Đề