Chữ quốc ngữ được công nhận từ đời vua nào năm 2024

Trên thực tế, vấn đề này đã được đặt ra từ rất lâu và đã có nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt, nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra. Thậm chí người ta còn đặt vấn đề phán xét rằng: chữ Quốc ngữ tóm lại là một “thành tựu văn minh” hay là “công cụ xâm lược” và những người sáng tạo, truyền bá quốc ngữ ở Việt Nam là “công” hay “tội”.

Về lịch sử chữ quốc ngữ, đã có khá nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chữ quốc ngữ bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 17 theo bước chân các nhà truyền giáo phương Tây. Cho đến nay nhiều cái tên được nhắc đến như Francesco Buzomi, Gaspar do Amaral, Gio Fillippo de Marini, Christophe Borri, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Behaine, Jean Louis Taberd… như những người có đóng góp chính trong quá trình hình thành và truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Mục đích tạo ra chữ quốc ngữ ban đầu là để phục vụ công cuộc truyền đạo của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đại Việt. Việc tạo ra một loại chữ viết căn cứ trên mẫu tự Latin để diễn đạt ngôn ngữ của người Việt giúp cho các nhà truyền giáo dễ dàng hơn trong việc ghi chép, tiếp cận với người bản xứ. Dần dà thứ chữ viết đó được sử dụng ngày càng nhiều, các chữ được ký âm cũng ngày càng phong phú đến mức cần phải có từ điển để tra cứu. Và cuốn tự điển đầu tiên bằng ba thứ tiếng Việt-Bồ-La đã ra đời năm 1651, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc điển chế chữ quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ được công nhận từ đời vua nào năm 2024

Trang bìa cuốn Tự điển Việt-Bồ-La Cuốn tự điển đầu tiên về chữ quốc ngữ, ấn bản năm 1651. Nguồn: Ảnh tư liệu

Việc hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam có thể nói là nỗ lực tập thể của nhiều cá nhân và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên với sự thống trị của Nho giáo và Hán học trong nhiều thế kỷ, chữ quốc ngữ dường như chưa đủ sức mạnh để trở thành văn tự chính thức tại Việt Nam cho đến hết thế kỷ 19. Trải qua 300 năm hình thành và phát triển, đến đầu thế kỷ 20 chữ quốc ngữ mới trở thành văn tự chính thống và phổ biến khi khoa cử Nho giáo chấm dứt vào năm 1919.

Dưới triều Nguyễn giai đoạn thế kỷ 19, chữ Hán vẫn là văn tự chính thức sử dụng trong các hoạt động hành chính, giáo dục, khoa cử. Trên thực tế, ngay từ đầu triều Nguyễn người phương Tây khi gửi thư từ giao dịch với triều đình, ngoài việc dùng chữ nước họ, còn hay sử dụng chữ quốc ngữ khiến triều đình nhiều khi khá lúng túng. Tuy vậy việc đào tạo quan lại sử dụng chữ Tây (chủ yếu là tiếng Pháp) và chữ quốc ngữ (còn gọi là quốc âm La tinh) giai đoạn này vẫn chưa được chú trọng. Vua Minh Mệnh trong một lần Dụ bảo Bộ Lễ khi tập hợp các thông ngôn ở Ty Hành nhân để dạy chữ Tây đã truyền rằng: Việc giảng dạy thông dịch chủ yếu là để dáp ứng người nước ngoài. Còn như việc học của nước ta vẫn theo đạo Trâu, Lỗ (tức Nho giáo của Khổng, Mạnh) để giữ luân thường vua tôi, cha con. Người nước ngoài đặt ra tà thuyết là để mê hoặc tấm lòng chính đáng của người ta, trẻ con biết ngôn ngữ văn tự nước ngoài, tập lâu thành thói, dễ bị tà thuyết hãm hại.

Đến thời vua Tự Đức, trước sự can thiệp ngày càng nhiều của phương Tây, việc sử dụng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ trở thành vấn đề ngày càng cấp thiết. Bản thân vua Tự Đức cũng nhận thấy sự bất cập khi triều đình không có nhiều người thông thạo thứ tiếng này. Trong một lần bàn bạc với Viện Cơ mật, vua Tự Đức truyền hỏi: Ta xem bản dịch sách Tây sang chữ Hán có hơi khác nhau, đó là một việc rất khó, (các ngươi) nên làm thế nào cho dung hòa. Viện thần tâu rằng: Nghe đâu sách Tây muốn dịch ra chữ Hán, thì phải dịch ra tiếng La tinh trước, sau đó mới dịch sang tiếng Pháp, rồi dịch tiếng nước ta (tức chữ Nôm), về sau mới phiên ra chữ Hán. Tuy nhiên sách vở biên soạn bằng chữ Hán cũng là một hạn chế đối với phổ cập người dân, vì vậy một số loại hình cần phổ biến triều đình cũng thường phải phiên ra quốc âm (âm Nôm) để diễn nghĩa hoặc diễn ca. Vua Tự Đức từng ban Dụ rằng: Nước ta và Trung Quốc cùng văn tự, phàm các công văn thường dùng chữ Hán, không dùng phương ngôn bản ngữ (tức âm Nôm). Dân đen người biết chữ thì ít, người mù chữ thì nhiều, khi giảng đọc, giao tiếp phần nhiều chỉ nghe âm mà không hiểu nghĩa. Vì vậy 10 điều Thánh dụ huấn chỉ truyền cho dùng quốc âm để diễn nghĩa diễn ca, phân định chương pháp, chấm phẩy câu cú rõ ràng. Công việc in ấn xong, chuẩn cho trên từ Hoàng thân công, dưới đến bá quan sĩ thứ, quân dân mỗi tên đều được ban cấp. Giao cho Bộ Lễ lo liệu.

Trước tình hình đó, vua Tự Đức bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo, sử dụng quan lại biết tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Triều đình đã nhiều lần cử quan chức học tập để giúp cho việc thông dịch. Năm 1868 Viện Cơ mật dâng một bản Tấu trình rằng: tháng 7 năm Tự Đức 19 (1866) đã cử viên Vũ Văn Khuê người của viện ấy theo Linh mục Thuận học tập chữ quốc âm La tinh, tuy nhiên đến tháng 2 năm 1867 hạn đã hết mà viên này bẩm báo vẫn chưa thông dịch được thành thạo. Gần đây văn thư của Tây phần nhiều viết bằng chữ La tinh, công việc của viện ngày càng cần kíp mà viên ấy được cử đi học tập đã lâu, lại tốn kém mà vẫn chưa làm được việc, vì vậy xin rút về viện làm việc và nhận lỗi. Vua Tự Đức châu phê: Phạt Vũ Văn Khuê 80 gậy, các đại thần quản viện đó đều phạt mỗi người 1 năm tiền bổng.

Năm Tự Đức 22 (1869), trong một bản Tấu, Bộ Lễ cùng Nội các bàn bạc rằng: Cần phải đặt ra quy định thưởng phạt và định kỳ sát hạch các viên được cử đi học tiếng Pháp và quốc ngữ. Trong đó quy định: tiếng Pháp mỗi ngày học 3 câu dài (6-7 chữ trở lên) hoặc 4 câu ngắn (4-5 chữ trở xuống). Hàng năm 2 kỳ tháng 6 và tháng 12 sát hạch trích một vài câu trong sách để đọc, lại soạn một đạo thư trát bắt diễn dịch ra quốc ngữ và chữ Pháp. Người nào học nhiều hơn 200 câu trở lên cho xếp vào hạng ưu, thưởng 12 quan tiền. Người nào được hơn 100 câu xếp vào hạng bình, thưởng 8 quan tiền. Người nào chưa đến 100 câu, hoặc số câu chỉ đúng lệ quy định xếp vào hạng thứ, không thưởng tiền. Người nào chưa đạt đến mức đó xếp vào hạng lười biếng, đánh 50 roi, khấu trừ mỗi tháng 1 quan tiền bổng để răn đe.

Chữ quốc ngữ được công nhận từ đời vua nào năm 2024

Đặt lệ sát hạch và thưởng phạt các viên được cử đi học chữ Pháp và biên dịch chữ quốc ngữ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn (trích 2 trang đầu)

Năm Tự Đức 32 (1879), Nguyễn Lập - Khâm phái kiêm Lãnh sự Gia Định dâng bản Tấu đề nghị rằng: Người bản quốc ta am hiểu tiếng Pháp hiện nay rất ít, lúc cần sai phái công cán việc gì thật thiếu người. Nếu như chọn con em thiếu niên cho ra nước ngoài học tập thì phí tổn rất lớn mà những người được phái đi xa chưa chắc đã vui vẻ tình nguyện. Thần xét thấy tại Gia Định từ trước tới nay, Soái Pháp lập trường đào tạo người Trung và người Nam, rất nhiều người thông thạo tiếng Pháp và quốc ngữ. Vậy nay xin do thần phủ Thừa Thiên và hai tỉnh Nam - Ngãi tuyển chọn con em của dân lương và trẻ nhỏ trong hạt tuổi từ 10 đến 16 mỗi tỉnh trên dưới 10 tên gửi đến học tập. Hoặc do nha thần chiêu mộ con cháu dân tứ trực lưu ngụ tại Gia Định độ 30, 40 tên lập thành trường học, cấp cho quần áo, lương thực cả năm; lại phái một viên Ký lục và một viên Thông ngôn thuộc nha đến dạy học. Đợi vài ba năm sau xem xét người nào đã thông hiểu chữ Hán và Pháp thì phái ra nước ngoài học thêm tiếng Tây và thực hành các nghề.

Mặc dù dưới thời vua Tự Đức, việc dạy học chữ Tây và chữ quốc ngữ chưa phổ biến và chưa thực sự trở thành chính sách của nhà nước, nhưng nhờ có sự quan tâm của triều đình và đặc biệt là vua Tự Đức nên dần dần đã hình thành một đội ngũ quan lại sử dụng được tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hoằng, Nguyễn Lập, Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Hữu Lượng…