Hiệu lực vaccine astrazeneca trong bao lâu

Vaccine phòng Covid-19 sẽ bảo vệ cơ thể trong bao lâu, và hiệu lực bảo vệ của từng loại vaccine mà Việt Nam đang triển khai tiêm chủng như thế nào, nhờ bác sĩ tư vấn? (Nguyễn Thị Nga, 33 tuổi, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Trả lời:

Hiệu quả bảo vệ kéo dài của vaccine được đánh giá dựa trên những đánh giá dài hạn sau khi vaccine được lưu hành. Các vaccine phòng Covid-19 chỉ mới được đưa vào sử dụng khoảng một năm nên không có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả dài hơn khoảng thời gian này.

Dữ liệu của Pfizer gần đây nhất (tháng 7/2021) dựa trên đánh giá hiệu quả vaccine thực hiện trên 44.000 người ở Mỹ và các quốc gia khác, cho thấy hiệu quả chung của vaccine sau khi tiêm hai mũi từ 91% giảm còn 84% sau 6 tháng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine Pfizer là mạnh nhất ở mức 96,2% trong khoảng từ một tuần đến hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai, trung bình giảm 6% mỗi hai tháng. Hiệu quả vaccine ổn định 97% đối với phòng bệnh Covid-19 nặng.

Theo một công bố của hãng Moderna vào tháng 8/2021, vaccine của Moderna hiệu quả chung là 93% trong 6 tháng và 98% đối với bệnh Covid-19 nặng sau khi tiêm đủ hai mũi. Tuy nhiên, những dữ liệu mới nhất này không đánh giá hiệu quả chống lại chủng Delta.

Hiện, chưa có nghiên cứu công bố về hiệu quả kéo dài của vaccine trong thế giới thực của vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca và Sinopharm.

Công bố hồi tháng 7 của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) về hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng Covid-19 sau nghiên cứu lâm sàng như sau:

Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 có triệu chứng sau một liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 73%, Moderna là 85%, Pfizer là 82%.

Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 nặng hoặc nhập viện từ 21 ngày sau liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca là 100%, Moderna là 100%, Pfizer là 83%, Sinopharm là 79%.

Hiệu lực bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng sau hai liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 67%, của Moderna là 95%, Pfizer là 94%, Sinopharm là 78%.

Những nghiên cứu này được thực hiện trong những điều kiện khác nhau về cỡ mẫu, quốc gia, sự lây lan Covid-19 thời điểm nghiên cứu, do đó không thể "so sánh đối đầu trực tiếp" để đánh giá hiệu lực giữa các vaccine với nhau.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh
Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

  • Nhóm trì hoãn và chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19
  • Những điều thai phụ cần biết khi tiêm vaccine Covid-19
  • Người già có cần tiêm vaccine phòng Covid-19?
  • Bị tăng huyết áp có được tiêm vaccine Covid-19?

Ngày 20/9, Bộ Y tế đã có Công văn số 7820/BYT-DP gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung liên quan đến khoảng cách tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Trước đó, Bộ Y tế đã nhận được Công văn số 8758/UBND-VHXH ngày 3/9/2021 của UBND tỉnh Long An và Công văn số 6530/SYT-NVY ngày 12/9/2021 của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất việc rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca.

Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 8 đến 12 tuần. Trong tháng 7/2021, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1.

Bộ Y tế đề nghị sở y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế để tham mưu UBND tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca. Thời gian tối thiểu giữa hai mũi vắc xin phải bảo đảm tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo của WHO và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng, chống dịch.

Sau khi được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận rút ngắn thời gian khoảng cách giữa 2 mũi tiêm, sở y tế hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng tiêm trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của việc rút ngắn thời gian để người dân biết và tham gia nếu được đối tượng tiêm đồng thuận.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện tiêm chủng và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (qua Cục Y tế dự phòng) theo quy định. Bộ Y tế đề nghị sở y tế tỉnh, thành phố khẩn trương báo cáo UBND tỉnh, thành phố và tổ chức triển khai thực hiện.

Duy Tuân