Lòng đố kỵ bắt nguồn từ những nguyên nhân nào

Sự ích kỷ dường như đã nằm sẵn trong bản ngã của con người ngay từ lúc mới sinh ra. Và khi biết nhận thức thì cái mầm ích kỷ đó cũng bắt đầu trỗi dậy. Tốc độ phát triển của cái mầm ấy nhanh hay chậm tùy thuộc vào bản lĩnh, khả năng kiểm soát bản thân của mỗi người.

Khi người khác có được điều gì đó tốt hơn mình, nhiều hơn mình, người ta đố kỵ.

Khi người khác có được điều mà chính mình mong muốn, người ta đố kỵ.

Ngay từ bé, những đứa trẻ đã bắt đầu tỏ ra đố kỵ khi bạn bè, anh chị em được chia cho phần quà nhiều hơn, phần ăn ngon hơn hay được mua quần áo đẹp hơn, đồ chơi nhiều hơn… Lớn hơn chút nữa, chúng thậm chí còn đố kỵ khi nhà bạn này bạn kia giàu hơn, bạn ý được bố mẹ đưa đến trường bằng ôtô, hay bạn ý có căn phòng đẹp hơn mình…

Khi đi học, bạn bè lại tiếp tục đố kỵ nhau về điểm số, về việc ai được thầy cô giáo yêu quý hơn…

Và khi trưởng thành, người ta bắt đầu đố kỵ bởi những cái lớn hơn như công việc của tốt hơn, lương cao hơn, vị trí cao hơn, được sếp nhân nhượng hơn… Một số người thì vẫn đố kỵ bởi không ít cái nhỏ nhặt như: Cô ấy xinh hơn, dáng đẹp hơn, có nhiều quần áo đẹp hơn, được nhiều người yêu mến hơn…

Cấp độ của sự đố kỵ tỷ lệ thuận với sự ích kỷ trong con người. Sự ích kỷ càng lớn, người ta càng đố kỵ với những điều nhỏ nhặt hơn, với tất cả mọi thứ mà người ta “hơn” mình…

Vâng, cũng chỉ bởi một chữ “hơn”! Người ích kỷ thường không mong muốn ai hơn mình, luôn muốn mình có được những điều tốt đẹp nhất.

Một trong những điều gây ra cái “khổ” cho con người chính là do họ thích quan tâm đến chuyện người khác rồi đem so sánh với mình… Mà tất cả mọi sự so sánh vốn khập khiễng, người ta mấy ai hài lòng về bản thân và lòng tham thì lại là không đáy.

Sự đố kỵ chính là một “cái khổ” của con người! “Nhìn lên thì chẳng bằng ai…”, những người ích kỷ, hay đố kỵ lại chỉ nhớ vế này mà quên mất vế sau: “nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Nếu họ cứ suốt đời đi so sánh để rồi thấy mình thua đường này, kém đường kia thì không bao giờ họ có thể hài lòng và sống thanh thản, hoàn toàn vui vẻ được.

Xóa bỏ được sự đố kỵ, lòng ích kỷ cũng chính là xóa bỏ cái “khổ” cho bản thân. Để chữa lành “căn bệnh” đố kỵ, cần triệt tiêu cái gốc rễ “ích kỷ”. Mỗi con người cần biết tiết chế bản thân, tiết giảm dần lòng ích kỷ và thay thế vào đó sự vị tha, cao thượng, phóng khoáng… Nên mừng cho người khác khi họ có được may mắn, đạt được những điều tốt đẹp… Cần nhìn những thứ người khác hơn mình để làm mục tiêu phấn đấu, vươn lên cho chính bản thân chứ không phải nhìn vào đó mà ghen ghét, đố kỵ và mong cho họ mất đi những điều đó, thậm chí mong lấy được những thứ đó từ tay họ. Nếu khả năng không thể cố gắng, hãy cố học cách hài lòng với những gì mình có.

“Ông trời vốn không cho ai tất cả”, bạn tin vào điều đó đi. Cái bạn nhìn được chỉ là những thứ mà họ hơn mình chứ chưa thấy được những điều họ không bằng bạn hay những vất vả, gian khổ, nỗ lực… mà họ phải trải qua để có được những thành quả hiện tại.

Chẳng gì bằng “dạy con từ thuở còn thơ”, những bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn nhỏ, nên chú ý dạy trẻ cách chia sẻ với bạn bè, anh chị em để bé không ích kỷ. Nhờ đó cái mầm ích kỷ không có cơ hội nảy nở, phát triển, để bé lớn lên không mang theo tính cách này vào cuộc sống.

Vậy, bạn sẽ lựa chọn dứt bỏ cái khổ của sự “đố kỵ” hay cứ giữ lấy nó như một căn bệnh, dù cho mình biết thuốc chữa?

Giữa nhiều thói xấu có thể phá nát tâm hồn người ta, có một thói xấu rất phổ biến và vô cùng phức tạp, nhiều khi còn làm người ta ngỡ đó là một... đức tính: đố kỵ. Họ nghĩ đó chỉ là sự ganh đua thuần tuý giúp mọi người ngày một tiến bộ hơn. Thế nhưng, suy nghĩ này chỉ đúng khi người ấy biết sử dụng tính đố kỵ đúng chỗ.


Xếp hạng thứ sáu trong danh mục bảy tội lỗi truyền thống chết người, đứng giữa sự phẫn nộ và tính kiêu căng, là đố kỵ. Đó là sự căm ghét, oán giận bạn dành cho những ai có được những thứ bạn muốn như cuộc sống giàu sang, xinh đẹp, thăng tiến hay được ngưỡng mộ.


Đố kỵ tồn tại trong hầu hết con người


Sự đố kỵ gặm nhấm và phá hủy cuộc đời bạn. Nếu là người đố kỵ, bạn khó có thể nhận ra những giá trị tốt đẹp đang tồn tại trong cuộc sống. Bởi lẽ bạn còn "bận" lo lắng về việc mọi người đang nghĩ gì, làm gì, sao lại thành công đến vậy...


Các nhà nghiên cứu hiện nay đang thử lượm lặt những kiến thức về thần kinh và thuyết tiến hóa của sự đố kỵ. Họ cũng vẽ lại con đường của sự đố kỵ và thấy nó tương tự như con đường của nhỏ nhen, tầm thường, một kiểu cảm giác giống như "sung sướng trên nỗi đau của người khác". Đó là lúc bạn thấy thật sự thoả mãn khi kẻ bạn ganh ghét rơi tõm xuống hố sâu đau khổ, thất bại ê chề.


Tom, nhân viên thiết kế của một công ty, là ví dụ. Ngoài mặt, Tom luôn xởi lởi với Jerry, vừa là bạn vừa là cấp trên của mình. Nhưng trong thâm tâm, anh ganh ghét với tất cả những gì Jerry có. Thế là Tom nhiều lần "đâm sau lưng" bạn chỉ vì muốn thế vào vị trí công việc đó.


Sau một sai lầm gây tổn thất lớn cho công ty, do Tom gây ra, Jerry xin nghỉ việc. Tom giả vờ thông cảm, an ủi bạn, nhưng bụng lại "mở cờ". Tuy nhiên, điều Tom không ngờ tới là cấp trên chẳng hề chú ý đến anh.


Để tìm hiểu sâu hơn, các nhà khoa học Nhật Bản dùng kỹ thuật quét não cho những người tình nguyện. Những người này được yêu cầu tưởng tượng mình đang đóng vai chính trong một vở kịch với nhiều tình huống khác nhau: vĩ đại, hèn kém hoặc thành công.


Khi những người tình nguyện tự nhận mình là người đố kỵ, vùng não có nhiệm vụ thu nhận nỗi đau lý tính của họ bị đánh thức. Mức đố kỵ càng cao, điểm tổn thương phía vành của vỏ não và vùng lân cận bốc lên càng mạnh mẽ. Ngược lại, khi đối tượng tình nguyện được yêu cầu tưởng tượng ra cảnh suy vi của một ai đó, vùng não tưởng thưởng (reward circuits) được kích hoạt.


Đầu tiên, não bộ phản ứng trước thông tin bất hạnh của địch thủ, sau đó sẽ xử lý và cho ra kết quả: sung sướng. Người Nhật có một câu nói: "Bất hạnh của người khác chính là vị ngon của mật ong". Và sau khi xử lý, vùng não thể vân sẽ cho ra kết quả "mật ong" này.


Nhiều nhà nghiên cứu phát hiện các yếu tố thần kinh "đố kỵ" và "sung sướng trên nỗi đau của người khác" có sự liên kết với nhau trong não bộ. Hãy thử tưởng tượng, càng đói và khát, bạn càng thấy thoả mãn khi được ăn no hay uống cho đã khát. Sự đố kỵ cũng gần như thế. Càng ganh tỵ, oán giận, bạn càng hả hê, sung sướng khi đối thủ của mình gặp họa và suy vi.


Như con người, loài khỉ cũng đố kỵ với nhau


Sự đố kỵ còn được tìm thấy ở thú vật, loài khỉ là một ví dụ. Chúng hoàn toàn vui vẻ đón nhận những lát dưa chuột cho đến khi người ta ném cho một con khỉ trong nhóm thứ gì hay ho hơn, như chùm nho chẳng hạn. Khi đó, đàn khỉ ngừng đón nhận dưa chuột, chuyển sang trạng thái tức tối và không đếm xỉa đến con khỉ với chùm nho kia. Cảm giác và cách thể hiện này thực chất là biểu hiện của sự ganh ty và oán giận.


Khi trẻ con nhận ra mình có anh chị em ruột, cuộc sống của chúng bị chi phối bởi vòng xoáy ghen tị: Tại sao con em luôn được ưu tiên chỗ ngồi gần cửa sổ trên máy bay? Tại sao cái bánh của thằng em lại có nhiều cốm hơn... Thế nếu không có anh chị em ruột? Bọn trẻ sẽ ganh tỵ với con mèo/chó cưng nhà bạn!


Sự khác biệt giữa ghen tuông và đố kỵ


Người ta thường đố kỵ với người có vị trí cao hơn mình đồng thời cảm thấy hổ thẹn vì sự thua kém


Các nhà nghiên cứu đã phân biệt được sự khác nhau giữa đố kỵ và ghen tuông. Đố kỵ là vấn đề giữa hai người, một ý nghĩ bắt nguồn từ ý muốn chiếm đoạt từ gốc đến ngọn những may mắn, tài năng trời cho của người khác. Còn ghen tuông là một tam giác mà ở đó, bạn thấy mất mát khi người bạn yêu ôm một người khác.


Đố kỵ luôn tồn tại trong mỗi con người, có tính bầy đàn và có thể hình thành nhóm. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để ý đến địa vị, ai làm tốt công việc hơn và ai không, làm thế nào để ta có chỗ đứng khi bị đem ra so sánh...


Thông thường, chúng ta đố kỵ với những ai có cuộc sống giống mình nhất: giới tính, độ tuổi, tầng lớp và nghề nghiệp. "Thợ gốm ganh tỵ thợ gốm", câu nói của Aristotle cách đây cả nghìn năm xem ra bây giờ vẫn đúng.


Hành động ghen tuông được đem vào câu chuyện hàng ngày như một điều bình thường. Trong khi đó, tính đố kỵ khó được thể hiện ra bằng lời nói. Đố kỵ cũng có tính bầy đàn nên khi cả nhóm có cùng một đối tượng để đố kỵ, họ bàn tán sôi nổi về đối tượng đó và dặn dò đừng nói với ai.


Tom và các đồng nghiệp rất thích "tám" về những người họ ganh tỵ. Họ thường tụ tập ở quán cà phê, nhà hàng hay karaoke rồi bàn luận, từ cách ăn mặc, tính cách đến cả chuyện đời tư của người đó. Với họ, đây là cách xả stress, khiến họ có cảm giác thoải mái hơn. Khi được hỏi họ cảm thấy thế nào về tính đố kỵ của mình, nhiều người thú nhận: "Tự thấy xấu hổ".


Nếu lòng đố kỵ là một thứ thuế, chắc chắn con người ai cũng phải trả! Vì vậy, hãy học cách biến đố kỵ thành công cụ giúp bạn hoàn thiện mình hơn.