Taại soa không nên hợp pháp hóa quyền được chết năm 2024

Cho đến lúc này “quyền được chết” mới chỉ là đề xuất của Bộ Y tế vào dự thảo Bộ luật Dân sự, tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này đang có rất nhiều tranh luận.

Bệnh nhân nặng không còn cơ hội sống tại sao lại không có quyền được chết?

Để cơ quan chức năng có được nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, báo Lao Động xin mở diễn đàn: Quyền được chết - Nên hay không? Rất mong nhận được sự tham gia, đóng góp của các chuyên gia và bạn đọc. Bài tham gia diễn đàn xin được gửi về địa chỉ email: [email protected]

Cho phép “quyền được chết” là giải thoát cho người bệnh nặng

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nếu quyền được chết được đưa vào luật, người bệnh có quyền được đề nghị bác sĩ (BS) giúp đỡ để có một cái chết êm ái, nhẹ nhàng. Đây cũng là cách giải thoát cho người bệnh. Mỗi người đều có quyền tự quyết định sức khỏe, sinh mệnh của mình. Trên thực tế có nhiều trường hợp mắc bệnh nan y không thể cứu chữa, nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối phải sống đau đớn, vật vã từng ngày, từng giờ, có trường hợp phải sống thực vật... Họ mong muốn được chết nhưng lại không thể vì luật không cho phép.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên giám đốc BV Việt Đức cho rằng, trong nhiều năm qua đã từng phải chứng kiến rất nhiều bệnh nhân (BN) mắc các chứng bệnh nan y ở giai đoạn mà sự sống chỉ còn là vô vọng, hay những BN chết não do tai nạn giao thông không thể nào vớt vát nổi, chính BN hoặc gia đình BN đã đề đạt với BS nguyện vọng được… chết nhưng không thày thuốc nào dám làm. Theo GS Sơn, nếu đưa quyền được chết vào Luật phải có tiêu chí xác định rõ ràng đâu là trường hợp không còn hy vọng sống về mặt khoa học thì mới cho phép, còn không, dù với bất cứ lý do nào cũng không được phép mà phải ngăn cản, giúp đỡ họ. Do đó, Luật phải quy định thật cẩn thận, chặt chẽ nếu không sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

GS Nguyễn Tiến Quyết – giám đốc BV Việt Đức đã nhiều lần nói về BN chết não do tai nạn giao thông với quan điểm rằng sẽ là rất tốt nếu cho phép họ được chết nhân đạo. Tại BV Việt Đức trong những năm gần đây đã có một số BN được gia đình đồng ý cho chết nhân đạo để hiến tạng cứu sống những người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, để xem xét một BN có nên cho phép chết nhân đạo hay không phải do hội đồng y khoa xem xét và quyết định. Theo GS. TS Tiến Quyết, khi cái chết của người này lại là sự sống của người khác thì việc cho phép họ quyền được chết để hiến tạng cứu sống những sinh mạng khác là hết sức nhân văn.

Một BS chuyên điều trị cho BN ung thư nêu quan điểm: Người bệnh ung thư giai đoạn cuối phải chịu đựng đau đớn dày vò mỗi giờ, mỗi ngày. BS, người nhà BN đều bất lực nhìn người bệnh đau đớn. Với họ thời gian sống có thể chỉ còn vài tháng hoặc vài tuần nhưng họ sẽ phải đau đớn đến khủng khiếp trước lúc ra đi. Vậy tại sao lại không cho phép họ quyền được ra đi sớm hơn để không phải đau đớn khổ sở. Đúng là sẽ rất khó khăn nếu phải “giết” người thân song khi được luật pháp cho phép thì người thầy thuốc có thể giúp họ làm điều đó. Tôi tin là người bệnh được ra đi sớm hơn họ sẽ cám ơn BS đã giúp họ có được cái chết nhẹ nhàng. Và như thế chính là y đức. Theo ý kiến của một BS làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu – BV Bạch Mai, nếu quyền được chết được công nhận, đây không chỉ là một lối thoát cho người bệnh mà còn là một lối thoát đạo đức cho chính người thầy thuốc, giúp họ biết làm thế nào cho đúng. Biết người bệnh đau đớn lắm, duy trì cũng chỉ sống thêm từng ngày nhưng không thể giúp họ kết thúc cuộc đời, đó cũng là một sự dằn vặt…

Nghề BS là cứu người chứ không phải giết người

Nhiều BS bày tỏ quan điểm không đồng tình. Họ nói dù luật có cho phép thì nhiều người thầy thuốc cũng không dám làm. PGS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai nói: “Không có cái gì được gọi là cái chết nhân đạo; chết là tình huống xấu nhất. Tại sao mình lại nói để họ chết đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Thay vì để người ta chết tại sao không nghĩ đến việc giảm nỗi đau cho họ. Mỗi con người đều có số phận nếu đến lúc số phận của họ chưa hết thì tại sao lại can thiệp để họ chết… Một số trường hợp gia đình thấy con khó cứu chữa, muốn xin cho con về chết; bệnh viện không thuyết phục được thì yêu cầu gia đình tự rút ống thở của con. Nhưng 10 gia đình thì hầu hết đều không dám. Họ đã không dám, BS lại càng không dám. Nhiều BN tưởng chết rồi nhưng cuối cùng vẫn cứu được”, TS.Dũng cho biết.

BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch Viện Tim mạch quốc gia, BV Bạch Mai cũng cho rằng, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành như thế nào cũng rất khó vì với người thầy thuốc để thực hiện “cái chết nhân đạo” sẽ rất khó khăn bởi nghề BS là cứu người chứ không phải để "giết" người, dù là mục đích tốt đẹp đi nữa. Cùng quan điểm này, một số BS cũng thẳng thắn từ chối nếu họ phải làm cái việc kết liễu cuộc sống của người bệnh.

Trước những lo ngại về việc nếu đưa quyền được chết vào Luật thì có trái với y đức của người BS hay không, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, quan điểm của ngành y là cứu người bệnh đến tận cùng nhưng nếu Luật cho phép quyền được chết thì việc BS giúp đỡ BN kết thúc sự sống trong thanh thản, nhẹ nhàng cũng là y đức.

Và đặt câu hỏi với một số người nhà BN nặng đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu – BV Việt Đức rằng: Họ có thể đồng ý kí giấy xin người thân được chết hay không thì cũng có hai luồng ý kiến đồng ý và không đồng ý. Đồng ý vì họ biết người thân không còn cơ hội sống sót trong khi gia đình đã tốn kém đến sạt nghiệp để chữa chạy và chỉ còn nước xin về chờ chết. Nếu BS giúp cho người bệnh được ra đi sớm cũng như giúp những người còn lại của gia đình được sống tiếp. Một số người khác lại phản đối gay gắt, họ cho rằng phải “còn nước, còn tát” đến hơi thở cuối cùng. Làm sao có thể dễ dàng để người thân ra đi như vậy...