Bài tập môn pháp luật phòng chống tham nhũng

Tham nhũng là những hiện tượng đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử xã hội loài người và ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Tham nhũng là nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của mỗi quốc gia và cả thế giới. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng [PCTN] là vấn đề không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề có tính toàn cầu. Ở nước ta hiện nay, nếu không kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và quét sạch những kẻ thoái hóa, biến chất làm biến dạng quyền hạn và công vụ được nhân dân giao phó thì rất dễ nảy nòi một tầng lớp “tham quan ô lại mới” - một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang quyết tâm xây dựng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, trong phạm vi bài tập học kỳ, em xin lựa chọn đề bài số 01 để lần lượt giải quyết vấn đề, bình luận cũng như đưa ra các kiến nghị đ ể hoàn thiện. Trong quá trình làm bài, không tránh mắc phải những sai sót nhất định, rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung của thầy cô.

Đề số 1:

 Câu1. Qua kiểm tra hồ sơ di chuyển từ tỉnh HN đến tỉnh ĐB, Bảo hiểm xã hội tỉnh ĐB đã phát hiện hồ sơ hưởng BHXH giả của bà Hoàng Thị Yến, 48 tuổi, thường trú tại thị xã ML [tỉnh ĐB] nên đã chuyển sang cơ quan điều tra. Qua xác minh, điều tra được biết, tháng 4/2009, Hoàng Thị Yến đã chủ động gặp và đưa cho Đinh Văn Tính, 55 tuổi, ở thôn SĐ, huyện PS tỉnh ĐB 50 triệu đồng, nhờ Tính “lo lót” làm giả hồ sơ, giấy tờ để được hưởng chế độ mất sức lao động. Đinh Văn Tính đã chuyển cho Phạm Anh Đức – 45 tuổi, phó phòng Bảo hiểm xã hội huyện TN tỉnh ĐB số tiền 30 triệu đồng nhờ Đức làm giả giấy tờ cho bà Yến, số tiền còn lại Tính chiếm đoạt bỏ túi riêng. Phạm Anh Đức đã làm một bộ hồ sơ giả mang tên Hoàng Thị Yến được hưởng chế độ BHXH tại tỉnh HN, rồi chuyển cho Yến làm thủ tục hưởng chế độ BHXH tại tỉnh ĐB. Sau khi làm xong hồ sơ giả cho bà Yến, Đức đã gọi điện yêu cầu bà Yến đưa thêm cho Đức 20 triệu đồng nữa. Bà Yến đồng ý và đã giao cho Đức đủ số tiền 20 triệu đồng. Với hồ sơ giả trên, bà Yến đã chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền là 144 triệu đồng. Cũng qua xác minh, cơ quan điều tra còn phát hiện thêm Phạm Anh Đức đã làm giả ba bộ hồ sơ của 3 cá nhân khác [ hồ sơ khống] và đã chiếm  đoạt số tiền bảo hiểm xã hội từ 3 hồ sơ đó là 465 triệu đồng.

Câu hỏi: trên cơ sở quy định của BLHS, hãy hãy định tội danh đối với Hoàng Thị Yến, Đinh Văn Tính và Phạm Văn Đức.

Câu 2. Anh, chị hãy bình luận quy định của Mục 4 – Minh Bạch tài sản, thu nhập [từ Đ 44 đến Đ 55] của Luật phòng chống tham nhũng.

Câu 3. Theo anh, chị, có nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.

NỘI DUNG

Câu 1. Định tội danh đối với Hoàng Thị Yến, Đinh Văn Tính và Phạm Văn Đức

Trả lời: Hoàng Thị Yến phạm tội  Đ ưa hối lộ.

Bởi lẽ:  Hoàng Thị Yến đã có hành vi đưa tiền trung gian cho Tính rồi từ Tính đến tay của Đức. Số tiền mà Yến đưa lên tới 50 triệu đồng. Mục đích của Yến trong trường hợp này là nhờ Tính “lo lót” Đức để làm giả hồ sơ nhằm vì lợi ích của Yến.

Đinh Văn Tính phạm tội Làm môi giới hối lộ.

Bởi lẽ:  Đinh Văn Tính đã làm trung gian để chuyển yêu cầu của Yến đến Đức. Tội môi  giới hối lộ hoàn thành khi đạt được sự thỏa thuận của người đưa và người nhận về của hối lộ, do Đức đã nhận 30 triệu đồng và đồng ý giúp đỡ, nên tội phạm đã hoàn thành.

Phạm Văn Đức phạm tội nhận hối lộ

Bởi lẽ: Đức là người có chức vụ, quyền hạn qua trung gian của Tính, Đức đã nhận 30 triệu đồng từ Yến để làm giả hồ sơ theo yêu cầu của Yến nhằm chiếm đoạt tài sản. Ở đây, đã có sự thống nhất giữa Đức và Tính, Yến để Đức làm một việc vì lợi ích của Yến.

Ngoài ra, cả Yến, Tính và Đức đều phạm tội Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bởi lẽ: Cả 3 đều biết thông tin trong hồ sơ là không đúng sự thật, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đưa ra thông tin để người khác tin đó là sự thật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Câu 2. Anh, chị hãy bình luận quy định của Mục 4 – Minh Bạch tài sản, thu nhập [từ Đ44 đến Đ55] của Luật phòng chống tham nhũng.

Hiện nay, hệ thống minh bạch tài sản ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở kê khai tài sản đơn thuần, còn thiếu nhiều yếu tố để Nhà nước có thể kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Luật PCTN đã quy định những nội dung cơ bản nhất của một hệ thống minh bạch tài sản, bao gồm những vấn đề chính như sau:

- Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản hàng năm để tránh che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng; ngoài việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công chức còn phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhằm ngăn chặn việc phân tán tài sản tham nhũng, tránh sự phát hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Việc xác minh tài sản được tiến hành trong một số trường hợp nhất định khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử hoặc có hành vi tham nhũng thì thủ trưởng cơ quan tổ chức việc xác minh tài sản để xem cán bộ, công chức có kê khai trung thực hay không.

- Bản kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản được công khai trong một số trường hợp nhất định theo yêu cầu và trên cơ sở quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Người có nghĩa vụ kê khai tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật nếu kê khai không trung thực, nếu là người ứng cử thì sẽ bị loại khỏi danh sách bầu cử, người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn thì sẽ không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ dự kiến.

Với tinh thần đó, việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã khác với trước kia chỉ quy định về kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, nay mục tiêu là tiến tới minh bạch tài sản cán bộ, công chức. Luật PCTN không đặt vấn đề công khai bản kê khai tài sản mà chỉ quy định công khai kết luận về tính minh bạch, trung thực của việc kê khai sau khi đã tiến hành xác minh theo các hình thức và ở những địa điểm thích hợp.

·     Về đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai:

Theo quy định tại Điều 44 của Luật PCTN, không phải mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, mà chỉ cán bộ có chức vụ từ phó trưởng phòng của cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên hoặc tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức làm tại một số vị trí nhất định [sẽ do Chính phủ quy định]. Cụ thể, những người sau đây phải kê khai tài sản:

- Cán bộ từ phó trưởng phòng của uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Để cụ thể hoá quy định này, tại Điều 6 Nghị định số số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định cụ thể người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Ngày 03/07/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 85/2008/QĐ-TTg ban hành danh mục người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hiện đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, lực lượng vũ trang.

Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP [sau đây gọi tắt là Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP] đã cụ thể hóa thêm một bước nữa về vấn đề này, bổ sung thêm nhóm đối tượng thứ hai là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoạt động minh bạch tài sản, thu nhập, bao gồm: cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai công tác; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu xác minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xác minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành xác minh và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Ngày 22/01/2010, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 01/2010/TT-TTCP sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442. Theo đó, những đối tượng sau đây có nghĩa vụ phải kê khai:

- Người có nghĩa vụ kê khai tại khoản 2, Điều 6, Nghị định số 37/2007/NĐ-CP là những người có chức vụ từ phó trưởng phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên, bao gồm:

+ Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân [QĐND] không phải là hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân [CAND] không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp;

+ Những người được Đảng, Nhà nước điều động, phân công và người được tuyển dụng, bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được giao làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Người có nghĩa vụ kê khai tại khoản 8, Điều 6, Nghị định số 37/2007/NĐ-CP: đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước thì đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đáp ứng đủ hai điều kiện sau:

+ Giữ một trong các chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, phó chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, phó trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước;

+ Các chức danh trên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử giữ, bổ nhiệm; hoặc do hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị của công ty cổ phần bầu, bổ nhiệm và là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại công ty đó.

·     Quyền và nghĩa vụ của người kê khai tài sản

Theo quy định của pháp luật, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai. Khi kê khai, người có nghĩa vụ kê khai phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước.

Cụ thể hoá nội dung về quyền và nghĩa vụ của người kê khai tài sản, Điều 7 Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ quy định:

- Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có các quyền sau:

+ Được bảo đảm bí mật nội dung của bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật;

+ Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập tại Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 37/2007/NĐ-CP;

+ Được khôi phục danh dự, uy tín, được bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập gây ra.

- Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có các nghĩa vụ sau:

+ Kê khai trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn về số lượng tài sản, thu nhập phải kê khai và những thay đổi so với lần kê khai gần nhất trước đó;

+ Giải trình trung thực, đầy đủ, kịp thời về nội dung liên quan đến kê khai tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

+ Thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.

 Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ được quy định nói trên còn phải thực hiện các nghĩa vụ về kê khai tài sản, thu nhập do tổ chức đó quy định.

Người có nghĩa vụ kê khai phải tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về nội dung và sự trung thực của việc kê khai. Việc kê khai hằng năm được tiến hành theo trình tự sau:

Để đảm bảo công tác kê khai đúng quy định và thời hạn, tháng 11 hằng năm, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt. Việc phê duyệt hoàn thành chậm nhất là ngày 30/11 hằng năm.

Sau khi danh sách người có nghĩa vụ kê khai được phê duyệt, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phát mẫu bản kê khai và hướng dẫn kê khai. Người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai và nộp bản kê khai cho đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được Mẫu bản kê khai.

Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được bản kê khai, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phải kiểm tra lại bản kê khai; nếu thấy việc kê khai chưa đúng mẫu quy định thì yêu cầu kê khai lại; thời hạn kê khai lại là năm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Khi tiếp nhận bản kê khai, người tiếp nhận phải làm Giấy giao nhận theo mẫu và ký nhận. Việc kê khai và nộp bản kê khai có thể chậm hơn các thời hạn nói trên nếu người có nghĩa vụ kê khai có lý do chính đáng [ốm, đi công tác vắng,..].

 Việc lưu giữ bản kê khai thực hiện như sau:

- Nếu người kê khai không thuộc diện cấp ủy quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì bản kê khai được lưu cùng hồ sơ cán bộ của người đó tại đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ; người kê khai có trách nhiệm lưu giữ bản sao bản kê khai của mình.

- Nếu người kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ sao y 02 bản; nộp bản gốc cho ban tổ chức cấp ủy cùng cấp; lưu 01 bản sao tại đơn vị mình; gửi 01 bản sao cho ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ [để phục vụ công tác giám sát và xác minh theo quy định].

Đối với bản kê khai của người kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý mà trước đây đã sao y 3 bản [gửi 1 bản cho ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ; gửi 1 bản cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp; lưu 1 bản tại đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ] thì cơ quan, đơn vị này thực hiện quản lý bản kê khai theo quy định về quản lý hồ sơ cán bộ.

Tất cả các hoạt động trên phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm kê khai.

Việc kê khai phục vụ công tác bổ nhiệm được thực hiện theo trình tự dưới đây: Khi có kế hoạch, dự kiến bổ nhiệm thì người có thẩm quyền bổ nhiệm yêu cầu người dự kiến được bổ nhiệm thực hiện việc kê khai.  Thời hạn kê khai, nộp bản kê khai do người có thẩm quyền bổ nhiệm ấn định để bảo đảm việc bổ nhiệm được thực hiện theo đúng quy trình, nhưng phải hoàn thành trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm và đảm bảo đủ thời gian 10 ngày cho người kê khai thực hiện việc kê khai.

* Về tài sản phải kê khai

So với quy định trước kia thì vấn đề tài sản phải kê khai được quy định đầy đủ hơn, bao gồm:

- Nhà, quyền sử dụng đất;

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá trị và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên;

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

- Thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Cụ thể:

- Các loại nhà, công trình xây dựng sau:

 + Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước;

+ Nhà, công trình xây dựng khác thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu;

+ Nhà, công trình xây dựng khác thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác.

- Các quyền sử dụng đất sau:

+ Quyền sử dụng đất của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng;

+ Quyền sử dụng đất của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

- Thu nhập từ mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân trở lên theo quy định của pháp luật.

- Kim khí quý, đá quý, tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc, các công cụ chuyển nhượng khác, mô tô, ôtô, tàu, thuyền và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên.

Thủ tục kê khai tài sản được thực hiện tương tự như trước: Việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12.

Bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

·     Về xác minh tài sản thu nhập và xử lý vi phạm

Việc xác minh tài sản là để đánh giá về tính trung thực của việc kê khai, góp phần đánh giá cán bộ, công chức hoặc người tham gia ứng cử vào các cơ quan quyền lực để bảo đảm bộ máy nhà nước có một đội ngũ cán bộ trung thực, liêm chính, không tham nhũng. Tuy nhiên, quyền sở hữu về tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân cần được tôn trọng và bảo vệ. Vì vậy, Luật PCTN quy định vấn đề này rất chặt chẽ, việc xác minh chỉ được tiến hành trong trường hợp có đủ hai điều kiện:

- Phải có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

- Chỉ được thực hiện trong các trường hợp Luật định.

Cụ thể, Điều 47, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định như sau:

- Việc xác minh tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

- Việc xác minh tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản khi xét thấy cần thiết;

+ Theo yêu cầu của hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

+ Có hành vi tham nhũng

Trên thực tế, việc xác minh tài sản là vấn đề cực kỳ phức tạp vì liên quan đến việc phân cấp quản lý cán bộ, công chức, trong đó có vai trò của các cơ quan Đảng bởi vì nhiều cán bộ, công chức là đảng viên thuộc diện cấp uỷ quản lý. Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP đã chia thành các nhóm đối tượng khác nhau, nội dung, trình tự xác minh cũng như việc công khai kết luận xác minh và việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực.

Qua xác minh, nếu người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tuỳ theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Hạ bậc lương;

- Hạ ngạch.

Đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND, đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người dự kiến được phê chuẩn, bổ nhiệm thì bị xử lý như sau:

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà bị kết luận là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì bị xoá tên khỏi danh sách người ứng cử trong thời hạn một nhiệm kỳ.

- Người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND, đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người dự kiến được phê chuẩn, bổ nhiệm mà bị kết luận là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì không được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm trong thời hạn một năm, kể từ ngày bị kết luận là kê khai không trung thực.

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người dự kiến được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm bị kết luận là kê khai tài sản, thu nhập không trung thực mà người đó là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc QĐND; sĩ quan trong các cơ quan, đơn vị thuộc CAND ngoài việc bị xử lý theo quy định trên thì còn bị xử lý kỷ luật.

Câu 3. Theo anh, chị, có nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng?

Trả lời: Nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.

Điều 20 Công ước quốc tế về chống tham nhũng [UNCAC], quy định: “Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy”.

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp không phải là quy định bắt buộc, nhưng xuất phát từ đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, việc bổ sung hành vi này là tội phạm là cần thiết. Hiện nay, Luật PCTN và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định về các biện pháp phòng ngừa nhằm phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.

Tuy chưa có một báo cáo chính thức của các cơ quan, tổ chức nào về vấn đề này nhưng qua nhiều nguồn phản ánh khác nhau, có thể thấy rằng tình trạng làm giàu bất chính vẫn đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực đời sống và có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, nhưng các chế tài xử lý hiện không đủ sức răn đe cũng như xử lý triệt để, khiến một số người dân mất niềm tin về công cuộc đấu tranh PCTN.

Dự thảo BLHS [sửa đổi] dự định hình sự hóa một số hành vi, trong đó có hành vi hoàn toàn mới và khá nhạy cảm là làm giàu bất chính. Cụ thể, tội làm giàu bất hợp pháp là trường hợp tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, họ không giải thích được một cách hợp lý về sự tăng đáng kể đó. Thực tế hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp quan chức giàu lên nhanh chóng mà không thể lý giải hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm này. Điều đó cho phép ta nghi ngờ về một sự làm ăn không minh bạch, vi phạm pháp luật hoặc phạm tội trước đó.

BLHS hiện hành có quy định tội chứa chấp, hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có [điều 250]; và tội hợp pháp hóa tiền tài sản do phạm tội mà có [điều 252]. Tuy nhiên, cả hai tội này, muốn kết tội, đều phải chứng minh hành vi phạm tội nguồn. Nếu không chứng minh được, thì không thể xử lý hành vi giàu lên nhanh chóng mà không chứng minh được nguồn gốc, chính hạn chế này của hai điều luật nói đã tạo cơ hội để những người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng hoặc tham nhũng rồi tẩu tán tài sản cho người thân.

Việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính là hết sức cần thiết và phù hợp với yêu cầu của Công ước quốc tế về PCTN mà Việt Nam là một thành viên. Nếu việc hình sự hóa hành vi này thành hiện thực thì sẽ tạo ra đột phá trong công cuộc đấu tranh PCTN - thể hiện ở việc triệt tiêu được động cơ của hành vi tham nhũng, cũng như các hành vi phạm tội khác, nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi khi hình sự hóa hành vi này như có thời gian để triển khai các giải pháp khác như: quản lý thu nhập qua tài khoản, thực hiện việc tăng lương, nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động,…thì cần tiếp tục nghiên cứu, quy định bổ sung tội làm giàu bất chính vào thời gian thích hợp.

KẾT LUẬN


Tiếp tục thực hiện việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, Chiến lược quốc gia PCTN đến 2020 yêu cầu: sửa đổi, bổ sung các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước công khai và quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập; thực hiện việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức; Tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc minh bạch tài sản, thu nhập, việc thực thi công vụ ở vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Video liên quan

Chủ Đề