Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là gì

Trẻ em hôm nay Thế giới ngày mai, nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của trẻ em đối với gia đình và xã hội, những năm qua, nước ta đã và đang nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh. Đặc biệt Luật trẻ em năm 2016 ra đời thay thế luật cũ đã nâng cao tầm quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Bài viết dưới đây của Luật Thiên Minh sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về luật trẻ em cho bạn đọc cùng tìm hiểu và tham khảo.

1. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mới nhất

Luật Trẻ em năm 2016 được ban hành thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 với nhiều nội dung mới, đề cao tầm quan trong của việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Luật Trẻ em năm 2016không đưa ra định nghĩa về quyền được chăm sóc, nuôi dưỡngcủa trẻ em, mà chỉ khẳng định tại Điều 15 Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện. Theo Từ điển Tiếng Việt, chăm sóc là việc một người cung cấp những thứ cần thiết cho người khác, nhằm tạo điều kiện để duy trì và phát triển cuộc sống của người đó. Theo đó, chăm sóc trẻ em được hiểu là việc dành cho trẻ em những điều kiện cần thiết về ăn, mặc và ở để phát triển về thể lực, trí lực và bảo đảm môi trường sống lành mạnh, an toàn cho sự phát triển bình thường của trẻ em. Đó là những phương tiện tiên quyết để trẻ em có thể phát triển một cách bình thường cả thể chất và lẫn tinh thần.

Nuôi dưỡng là nuôi nấng và chăm chút cho tồn tại khỏe mạnh và phát triển nói chung. Bên cạnh đó, nuôi nấng là nuôi dưỡng với sự chăm sóc ân cần và chu đáo. Đặc biệt, chăm chút được hiểu là săn sóc, chăm nom tỉ mỉ chu đáo. Từ đó, có thể hiểu rằng nuôi dưỡng trẻ em là việc săn sóc ân cần, chu đáo, chăm nom tỉ mỉ về tinh thần và thể chất, dành cho trẻ em tình cảm yêu thương, chở che. Nuôi dưỡng trẻ em còn là việc giáo dục và hình thành nhân cách, tư tưởng và đạo đức, tạo ra những yếu tố tiên quyết, nền tảng cho sự phát triển toàn diện. Từ đó, có thể hiểu, Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em là khả năng của trẻ em được hưởng những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần trong sự săn sóc ân cần chu đáo để lớn lên bình thường và phát triển toàn diện.

Đại Từ điển tiếng Việt, bảo đảm là làm cho có được điều gì; có đủ, trọn vẹn các điều quy định; chắc chắn đạt tiêu chuẩn cần thiết. Theo Từ Điển Vdict, thuật ngữ bảo đảm được hiểu là làm cho chắn chắc được thực hiện, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết. Do đó, bảo đảm có nghĩa chung nhất là đáp ứng điều kiện cần thiết, chịu trách nhiệm cho một việc nào đó được thực hiện hoặc đáp ứng điều kiện cần thiết để sự việc được bảo đảm một cách đầy đủ, phù hợp và trọn vẹn nhất. Tóm lại, bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡngcủa trẻ em hiểu là việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em được hưởng những điều kiện về vật chất và tinh thần trong sự săn sóc ân cần chu đáo một cách phù hợp, đầy đủ và trọn vẹn nhất.


2. Một số quy định về luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em


Nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em pháp luật nghiêm cấm những hành vi sau:

1. Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ;

2. Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi;

3. Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ;

4. Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em;

5. Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em;

6. Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;

7. Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;

8. Cản trở việc học tập của trẻ em;

9. áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật;

10. Đặt cơ sở sản xuất, kho chứa thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ gần cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em.

Các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em:

1. Các quyền cơ bản:

Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em.

Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.

Trẻ em có quyền được học tập. Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí.

Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.

Trẻ em có quyền được phát triển năng khiếu. Mọi năng khiếu của trẻ em đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Trẻ em có quyền có tài sản, quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với sự phát triển của trẻ em, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm. Trẻ em được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với nhu cầu và năng lực của mình.

2. Bổn phận của trẻ em

Trẻ em có bổn phận sau đây:

Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ, đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình;

Chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường;

Yêu lao động, giúp đỡ gia đình làm những việc vừa sức mình;

Sống khiêm tốn, trung thực và có đạo đức; tôn trọng pháp luật; tuân theo nội quy của nhà trường; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc;

Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đoàn kết quốc tế.

3. Những việc trẻ em không được làm

Trẻ em không được làm những việc sau đây:

Tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang;

Xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; gây rối trật tự công cộng;

Đánh bạc, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ;

Trao đổi, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh.

Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

1. Trách nhiệm đăng ký khai sinh

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em; vận động cha mẹ, người giám hộ khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn.

2. Trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng

Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em;

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Trong trường hợp ly hôn hoặc các trường hợp khác, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng con đến tuổi thành niên, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con.

Cha mẹ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống chung với mình.

3. Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự

Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm bảo vệ sức khỏe

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khỏe, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

Cơ sở y tế công lập có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức y tế học đường.

5. Trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập

Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.

6. Trách nhiệm bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch

Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quy hoạch, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em thuộc phạm vi địa phương.

7. Trách nhiệm bảo đảm quyền phát triển năng khiếu

Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em.

8. Trách nhiệm bảo đảm quyền dân sự

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.

Cha mẹ, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

9. Trách nhiệm bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội

Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện, giúp đỡ trẻ em được tiếp cận thông tin phù hợp, được phát triển tư duy sáng tạo và bày tỏ nguyện vọng; có trách nhiệm lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của trẻ em.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm:

1. Tuyên truyền, vận động, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

2. Phát triển phúc lợi xã hội cho trẻ em, tạo cơ hội thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức;

3. Cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp trẻ em.

Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật

1. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi sức khoẻ, tinh thần và giáo dục đạo đức; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học tập hoà nhập hoặc được học tập ở cơ sở giáo dục chuyên biệt.

2. Chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các quyền của trẻ em; hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em, thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em để bảo đảm cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng.

3. Hình thức trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Đóng góp tự nguyện bằng tiền hoặc hiện vật;

Nhận làm con nuôi, nhận đỡ đầu hoặc nhận làm gia đình thay thế để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

Tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp trẻ em;

Tổ chức các hoạt động để hỗ trợ trẻ em giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt, phục hồi sức khoẻ, tinh thần và giáo dục đạo đức.

  • Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi

Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được Uỷ ban nhân dân địa phương giúp đỡ để có gia đình thay thế hoặc tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp trẻ em công lập, ngoài công lập.

Nhà nước khuyến khích gia đình, cá nhân nhận nuôi con nuôi; cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi.

Nhà nước có chính sách trợ giúp gia đình, cá nhân hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi.

  • Trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học

Trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học được gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ, chăm sóc, được tạo điều kiện để sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; được nhận vào các lớp học hoà nhập, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, tàn tật; được giúp đỡ học văn hoá, học nghề và tham gia hoạt động xã hội.

  • Trẻ em nhiễm HIV/AIDS

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử; được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để chữa bệnh, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc tại cơ sở trợ giúp trẻ em.

Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, trẻ em phải làm việc xa gia đình

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; tạo điều kiện cho trẻ em được học nghề, làm công việc phù hợp với sức khoẻ, lứa tuổi trong phạm vi địa phương.

Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giữ liên hệ thường xuyên với trẻ em phải làm việc xa gia đình để giúp đỡ, giáo dục trẻ em.

  • Trẻ em lang thang

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em đến lang thang phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trẻ em đi lang thang trong việc tổ chức, giúp đỡ đưa trẻ em trở về với gia đình; đối với trẻ em lang thang mà không còn nơi nương tựa thì được tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; đối với trẻ em lang thang của hộ nghèo thì được ưu tiên, giúp đỡ để xoá đói, giảm nghèo.

  • Trẻ em bị xâm hại tình dục

Trẻ em bị xâm hại tình dục được gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ bằng các biện pháp tư vấn, phục hồi sức khoẻ, tinh thần và tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.

  • Trẻ em nghiện ma túy

Cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động phòng, chống ma tuý có trách nhiệm tổ chức cai nghiện tại gia đình hoặc tại cơ sở cai nghiện cho trẻ em nghiện ma tuý theo quy định của Luật phòng, chống ma tuý.

  • Trẻ em vi phạm pháp luật

Trẻ em vi phạm pháp luật được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục, giúp đỡ để sửa chữa sai lầm, có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc của đời sống xã hội và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Việc tổ chức giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện tại cộng đồng hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Việc xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em vi phạm pháp luật phải theo quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên./.


3. Những điểm chú ý nhất trong luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em


  • Thứ nhất, quy định rõ độ tuổi và mở rộng chủ thể được coi là trẻ em

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, khác với quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Khái niệm trẻ em hiện nay không còn giới hạn trong phạm vi là công dân Việt Nam mà bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 còn bổ sung thêm các quy định về nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn

  • Thứ hai, quy định cụ thể các quyền cơ bản của trẻ em

Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc bảo vệ quyền trẻ em, là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Theo quy định tại Mục 1, Chương 2, Luật Trẻ em, trẻ em có 25 quyền, trong đó có một số quyền cơ bản như:
Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;
Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.
Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.
Quyền bí mật đời sống riêng tư: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Quyền được sống chung với cha, mẹ: Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em
Bên cạnh đó, Luật Trẻ em 2016 còn bổ sung thêm một số quyền của trẻ em như: Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy
Hiểu và nắm bắt được nội dung Quyền trẻ em sẽ giúp xã hội chăm lo tốt hơn cho thế hệ tương lai và giúp các em được hưởng đầy đủ các quyền lợi của mình.

  • Thứ ba, quy định về các cấp độ bảo vệ trẻ em

Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được bảo vệ theo 03 cấp độ, cụ thể:
Cấp độ phòng ngừa: Gồm các biện pháp áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại. [Điều 48].
Đây là cấp độ đầu tiên, cụ thể trong cấp độ này tập trung vào việc tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện sớm nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Để thực hiện vấn đề này quan trọng là phải có một hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em hoàn thiện. Điều đã có ở một số nước nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện. Theo đó, nếu trẻ em có nguy cơ thì người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ phải phát hiện, phòng ngừa và cảnh báo sớm. Đội ngũ cộng tác viên và cán bộ này sống trong những môi trường ấy, biết được, theo dõi, quản lý, lường trước và có những biện pháp can thiệp sớm để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là ở trong những gia đình có các nguy cơ như: Thường xuyên đánh cãi nhau, bố nghiện rượu, cờ bạc hoặc gia đình chuẩn bị ly hôn, gia đình rất nghèo Để làm được điều này phải kiện toàn và xây dựng hệ thống cộng tác viên bảo vệ trẻ em hoàn chỉnh.
Cấp độ hỗ trợ: Gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. [Điều 49].
Ở cấp độ thứ hai, nếu xảy ra vấn đề trẻ em bị đánh đập, bị bạo hành, hiếp dâm phải có quy trình báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhờ can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Cấp độ can thiệp: Gồm các biện pháp áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. [Điều 50].
Cấp độ cuối cùng, sau khi giải quyết những vấn đề thuộc cấp độ một và hai thì phải có cơ chế, hỗ trợ cho trẻ em. Nếu trẻ đi lang thang thì đưa về địa phương và tiếp tục các giải pháp hỗ trợ khác; nếu trẻ bị bạo hành, đánh đập thì ngăn chặn đồng thời có các giải pháp tâm lý phù hợp nhằm hỗ trợ cho các em. Nói chung, phải có các dịch vụ can thiệp và các quy trình tiếp theo để xử phạt đối tượng xâm hại, bạo hành, thậm chí là truy tố những đối tượng đó.
Ngoài ra, Luật còn quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em như: Việc bảo vệ phải bảo đảm tính hệ thống, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, việc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp tạm thời.

  • Thứ tư, quy định về quyền riêng tư của trẻ em

Theo quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016: Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
Khoản 2 Điều 54 Luật này quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng còn phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em [Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP].
Với các quy định trên, các bậc cha, mẹ, người thân thích của trẻ em cần phải lưu ý và thận trọng trong việc đăng tải hình ảnh, kết quả học tập, của trẻ trên các trang mạng xã hội [chẳng hạn như Facebook, Zalo, Instagram] để tránh vi phạm các quy định của pháp luật.

  • Thứ năm, quy định về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Theo quy định tại Mục 1, 2 Chương II Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Bộ Lao động Thương binh xã chịu trách nhiệm quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Theo đó, Tổng đài bảo vệ trẻ em là 111, hoạt động 24 giờ tất cả các ngày trong tuần.
Tổng đài có 08 nhiệm vụ chính, cụ thể:
1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
2. Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại.
3. Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.
4. Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
5. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.
6. Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
7. Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.
8. Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng quy định mọi thông tin thông báo, tố giác về các trường hợp xâm hại trẻ em đều được bảo mật trước khi được xác minh. Các cuộc điện thoại gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em được miễn phí phí viễn thông và phí tư vấn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN PHÁP LUẬT THIÊN MINH

Add: Tòa AQUA 1 109OT12B Vinhomes Golden River, số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1

Tel: 0839 400 004 0836 400 004

www.luatthienminh.vn

Trân trọng !

Bạn có thể tham khảo các bài viết khác mà khách hàng thường quan tâmcủa Luật Thiên Minh:

  • Luật kinh doanh bất động sản
  • Luật thi hành án hình sự
  • Luật quản lý thuế
  • Luật quản lý tài sản công
  • Luật thủy sản

Video liên quan

Chủ Đề