Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 có ý nghĩa như thế nào

Đối với các định nghĩa khác, xem Trận Bạch Đằng.

Trận Bạch Đằng năm 1288 xảy ra trên sông Bạch Đằng thuộc đất Đại Việt, là một trận đánh quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trong lịch sử Việt Nam.

Trận Bạch Đằng [1288]
Một phần của Kháng chiến chống Nguyên lần ba

Cọc gỗ trên sông trong trận Bạch Đằng.

Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghênh chiến, các tướng Phàn Tham Chính, Hoạch Phong cũng ra tiếp ứng. Khi thuyền quân Nguyên đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tướng Nguyễn Khoái dẫn các quân Thánh Dực ra khiêu chiến và nhử quân Nguyên tiến sâu vào khúc sông đã đóng cọc, trong khi quân Trần đợi cho thủy triều xuống mới quay thuyền lại và đánh thẳng vào đội hình địch. Bình chương Áo Lỗ Xích của Nguyên Mông đã bị bắt sống trong cuộc chiến đấu quyết liệt của quân Thánh Dực.[3]

Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông - Vân Trà từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng trăm chiến thuyền cùng quân lính các lộ dàn ra trên sông và dựa vào Ghềnh Cốc thành một dải thuyền chặn đầu thuyền địch ngang trên sông. Trong lúc thủy chiến đang diễn ra dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua Trần đóng ở vùng Hiệp Sơn [Kinh Môn, Hải Dương] bên bờ sông Giáp [sông Kinh Thầy, vùng Kinh Môn, Hải Dương] làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của địch, cũng tấn công từ phía sau khiến quân Nguyên càng lúng túng và tổn thất rất nặng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, "nước sông do vậy đỏ ngầu cả"[3]. Bị bất lợi hoàn toàn, rất nhiều thuyền chiến của quân Nguyên bị cháy rụi[1]. Bị tấn công tới tấp trên sông, một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát, nhưng vừa lên tới bờ họ lại rơi vào ổ phục kích của quân Trần, bị chặn đánh kịch liệt. Trời về chiều khi giao tranh sắp kết thúc, Ô Mã Nhi cùng với binh lính dưới quyền chống cự tuyệt vọng trước sự tấn công của quân Trần, vì quân Nguyên của Thoát Hoan không tới cứu viện, nên đạo quân này hoàn toàn bị quân Trần tiêu diệt. Theo Nguyên sử, truyện của Phàn Tiếp chép rằng kịch chiến xảy ra từ giờ mão đến giờ dậu, tức là từ sáng kéo dài đến chiều tối mới kết thúc. Nguyên Sử có chép về tướng Nguyên Phàn Tiếp: "Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chặn. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. Tiếp hết sức đánh từ giờ mão đến giờ dậu. Tiếp bị thương, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết".

Bia Lý Thiên Hựu cũng chép: "Tháng ba, đến cảng Bạch Đằng, người Giao chắn chiến hạm ngang sông để chống cự quân ta, đến lúc nước triều rút, thuyền không tiến được, quân tan vỡ…".[6] Lý Thiên Hựu là 1 viên tướng Nguyên cũng tham gia trận Bạch Đằng.

Kết cụcSửa đổi

Quân nhà Trần đại thắng, bắt được hơn 400 chiến thuyền, tướng Đỗ Hành bắt được tướng Nguyên là Tích Lệ Cơ và Ô Mã Nhi dâng lên Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Thượng hoàng đã vui vẻ "hậu đãi" những viên bại tướng này.[3] Khoảng hơn 4 vạn tướng sĩ Nguyên Mông đã bị loại ra khỏi vòng chiến[1]. Tướng Nguyên là Phàn Tiếp bị bắt sống, rồi bị bệnh chết, trong khi một bại tướng khác là Phạm Nhan thì đã bị Trần Quốc Tuấn cho trảm quyết.[1] Cánh thủy quân của quân Nguyên hoàn toàn bị tiêu diệt. Chiến thắng vinh quang của quân Đại Việt trong trận sông Bạch Đằng năm 1288 được xem là một trận đánh hủy diệt và thủy chiến lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam, và cũng được xem là thắng lợi tiêu biểu nhất của quân Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, dẫn đến chấm dứt thắng lợi cho Đại Việt trong cuộc Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ ba.

[1][4]

Mặc dầu về sau này, "Giao Chỉ" hãy còn "ngứa ngáy trong tim Hốt Tất Liệt", đại thắng của Quân đội Đại Việt trong trận sông Bạch Đằng không chỉ hoàn tất mục đích đập vỡ đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi, mà còn hoàn toàn phá vỡ âm mưu xâm lược Đại Việt, và qua đó Đế quốc Mông Cổ không thể nào làm chủ cả Đông Nam Á.[1]

Ý kiến khác về Ghềnh CốcSửa đổi

Hiện nay, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vai trò của Ghềnh Cốc trong chiến thắng Bạch Đằng, cho rằng ghềnh này đã được tận dụng như là một chiến lũy tự nhiên tuyệt vời để góp phần quan trọng cho trận thắng.

Tuy nhiên, tất cả các tài liệu sử Nguyên, sử Việt được biết đều chẳng nhắc gì đến Ghềnh Cốc. Trong khi đó, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rõ ràng về gò Mã Yên, nơi Liễu Thăng tử trận ở ải Chi Lăng. Chỉ vào nửa sau Thế kỷ XX, Ghềnh Cốc mới được nói đến và được đánh giá với vai trò quan trọng như vậy. Điều này có thể đúng, nếu hơn 7 thế kỷ qua, dòng sông Bạch Đằng bất biến về vị trí, hình thái và kích thước. Nhưng trong tự nhiên, sự bất biến như vậy gần như không có trên thực tế.

Phân tích tài liệu hình thái, có thể thấy sông Bạch Đằng đã và đang có xu thế dịch trục lòng lại về phía bờ đông, tương ứng với xói lở bờ phía Hà Nam và bồi tụ phía Thủy Nguyên.

Trục lòng sông Bạch Đằng vào khoảng năm 1288 có thể nằm lệch về phía tây một vài trăm mét hoặc nhiều hơn nữa so với bây giờ, Ghềnh Cốc khi ấy có thể còn nằm chìm dưới bề mặt vùng bãi triều phía tả ngạn dòng sông và mới lộ ra ở đáy sông sau này, khi lòng sông Bạch Đằng dịch chuyển về phía đông.

Vậy, nếu không có Ghềnh Cốc, quân Đại Việt dựa vào đâu để cản được chiến thuyền Nguyên Mông rút chạy ra biển theo dòng chính Bạch Đằng? Chính là trận địa cọc trên dòng chủ lưu Bạch Đằng đã cản đường rút quân ra biển của chiến thuyền Nguyên Mông [7].[8]

Đâu là bãi cọc chính của trận Bạch Đằng 1288?Sửa đổi

Xem thêm: Các bãi cọc trên sông Bạch Đằng

Sông Bạch Đằng bây giờ sâu và rất rộng, nên khó nghĩ rằng trận địa cọc chính lại có thể cắm ngang dòng chủ lưu. Nhưng khoảng 5 - 7 trăm năm trước, đây là một bộ phận của châu thổ sông Hồng. Vì thế, lòng chính sông Bạch Đằng khi ấy có thể nông hơn và hẹp hơn ngày nay. Mô tả của Nguyễn Trãi trong Dư địa chí phù hợp với nhận định này: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước”. Chỉ mới khoảng 5-7 trăm năm qua, vùng cửa sông Bạch Đằng mới chuyển hóa thành cấu trúc vùng cửa sông hình phễu với các lòng lạch bị xâm thực sâu và rộng.[9]

Vì vậy, việc tồn tại một trận địa cọc chính cắm ngang qua dòng chủ lưu sông Bạch Đằng là hoàn toàn có thể. Những chỗ quá sâu có thể giăng xích sắt như đã nêu trong Binh thư Yếu lược và cũng là cách nhà Hồ thực hiện sau này. Có điều, bãi cọc chính ấy, sau chiến tranh người ta buộc phải thu dọn, nhổ đi để cho thuyền bè buôn bán, vận tải và đánh cá xuôi ngược. Những bãi cọc tìm thấy hiện nay ở sông Chanh, Vạn Muối, sông Rút chỉ là các bãi phụ trợ, nhằm chặn đường rút của chiến thuyền Nguyên Mông sang Vịnh Hạ Long. Phân tích kỹ chiều dài thân cọc, đoạn chặt vát, vị trí cọc nguyên vị trong bãi bồi sông Chanh và dao động thủy triều khu vực, chẳng khó khăn để nhận thấy các bãi cọc tìm thấy chỉ là phần cắm trên bãi triều thấp ven lòng, chưa phải phần chính của bãi cọc ngang qua sông Chanh [chắc cũng phải nhổ đi sau chiến tranh cho thuyền bè qua lại].

Một nhận định nữa về sự tồn tại của trận địa cọc chính trên dòng chủ lưu sông Bạch Đằng: Vào thời gian trong năm xảy ra trận đánh, ở vùng này gần như hoàn toàn không có gió hướng tây [10]. Vì vậy, khi dòng chảy triều xuống, các bè lửa thả từ phía thượng nguồn không thể dạt về cửa nhánh sông Chanh, hay Vạn Muối để thiêu đốt thuyền Nguyên Mông tụ lại ở đấy. Các bè lửa sẽ theo dòng chảy trôi về phía cửa biển Nam Triệu, khi ấy, nếu áp sát vào Ghềnh Cốc để cản thuyền Nguyên Mông, thì thuyền Đại Việt cũng bị bè lửa thiêu. Vậy, chính trận địa cọc dày đặc ngang sông, chứ không phải ghềnh đá, đã cản thuyền quân Nguyên Mông ra cửa biển Nam Triệu.

Chiến trận Bạch Đằng thực chất là một chiến dịch diễn trên một vùng chiến trường rộng lớn. Các bãi cọc Cao Quỳ và Đầm THượng mới phát hiện ở Thủy Nguyên [Hải Phòng] vào cuối năm 2019 được cho là có liên quan đến trận Bạch Đằng 1288.[11] Tài liệu hiện có chưa đủ và cần phải có thêm những khảo sát, nghiên cứu chi tiết và mở rộng hơn để khảng định điều này. Tuy nhiên, nếu đây là một bãi cọc liên quan đến chiến trường Bạch Đằng 1288, thì cũng chỉ là một trong hệ thống liên hoàn các bãi cọc phụ, góp phần dồn chiến thuyền quân Nguyên trên đường rút chạy vào bãi cọc chính nằm ở phần dưới sông Bạch Đằng.

Một số tư liệu chưa công bố chính thức của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết các tuổi phân tích C14 của các cọc này tập trung vào khoảng 2100 - 2400 năm trước, tức là thời văn hóa Đông Sơn.

Giả thuyết khác về bãi cọcSửa đổi

Có ý kiến cho rằng, ngay từ khi nhận chức Tiết chế ở Bình Than, Trần Quốc Tuấn đã theo kế của Ngô Quyền, muốn ngăn quân địch tiến vào bằng cọc nhọn ở Bạch Đằng. Số cọc nhọn làm năm 1288 chỉ là số bổ sung thêm[12].

Ngay từ năm 1284, Trần Quốc Tuấn đã giăng bẫy ở đây và có ý định sẽ dồn địch vào trận địa cọc, nhưng quân Trần yếu thế không thực hiện được ý định. Kết quả quân Nguyên vượt qua an toàn.

Năm 1287, khi Ô Mã Nhi tiến vào cũng mang quân đông và mạnh khiến quân Trần không thể dồn quân Nguyên tới bãi cọc vào thời điểm triều rút, do đó việc bố trí cọc cũng vô hiệu.

Theo ý kiến của Trần Xuân Sinh, các tướng Nguyên không thể không biết về bài học trận Bạch Đằng, 938 của Nam Hán; nhưng do hai lần đã đi qua dễ dàng, quân Nguyên chủ quan không đề phòng cạm bẫy ở sông Bạch Đằng năm 1288. Chính vì vậy khi rút lui đã bị sa vào trận địa và bị diệt hoàn toàn[13].

Còn những ý kiến khác cho rằng khi thắng trận thì quân dân ta phải nhổ hết cọc đi để tàu bè đi lại, cũng như mới vài chục năm thôi thời chống Pháp trên địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có hàng vạn bãi chông, nhưng nay không còn một bãi chông nào. Những bãi cọc mới tìm được dưới mỗi cọc có tảng đá và cọc đều có đầu bằng, đây có thể là các công trình dân sự từ thời văn hóa Đông Sơn?

Trong thi caSửa đổi

Chiến công trên sông Bạch Đằng vào năm 1288 của các vua Trần và Trần Quốc Tuấn, cùng với đại thắng của Ngô Quyền trong trận đánh tại đây thuở xưa, đã khiến cho dòng sông này trở nên gắn bó sâu sắc với lịch sử dân tộc Việt Nam và chứng tỏ lịch sử đánh giặc hào hùng của ông cha ta. Có thể kể đến bài Phú sông Bạch Đằng của một môn khách của Hưng Đạo Đại Vương là Trương Hán Siêu được coi là một bản hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam. Qua tác phẩm này, Trương Hán Siêu đã ca ngợi công đức của hai vị minh quân Trần Thánh Tông cùng với Trần Nhân Tông ["Nhị Thánh hề tịnh minh, tựu thử giang hề tẩy giáp binh" - dịch là: "Hai vua thật anh minh, đến sông này dẹp đạo binh".], và đề cao Hưng Đạo Đại Vương ["Duy thử giang nhi đại tiệp, do Đại Vương chi tặc nhàn", dịch nghĩa: "Nghĩ có đại thắng trên sông này, do bởi Đại Vương [biết thế] giặc nhàn"]. Tác giả cũng nêu cao khí phách của Vương triều nhà Trần - "hào khí Đông A" - đại thắng hiển hách trong trận Bạch Đằng.[5]

Vua Trần Minh Tông về sau cũng viết bài thơ "Bạch Đằng Giang", trong đó có đoạn:[14]

"Non sông này xưa nay đã hai lần mở mắt," "Cuộc hơn thua giữa Hồ và Việt thoáng qua như một lúc dựa vào lan can." "Nước sông chan chứa rọi bóng mặt trời cuối ngày đỏ ối," "Còn ngỡ là máu chiến trường thuở trước chưa từng khô."

Nguyễn Trãi - vị anh hùng dân tộc của Đại Việt dưới triều Hậu Lê, cũng có bài thơ "Bạch Đằng Hải Khẩu", trong đó có đoạn:[15]

"Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc;" "Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng." "Quan hà bách nhị do thiên thiết;" "Hào kiệt công danh thử địa tằn"

Dịch nghĩa:[15]

"Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc một;" "Như mũi qua chìm, cây xích gãy, bên bờ lớp lớp chồng". "Quan hà hiểm hai người chống trăm người do trời xếp đặt;" "Hào kiệt lập công danh đất ấy từng là nơi."

Xem thêmSửa đổi

  • Kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3
  • Trận Bạch Đằng, 938
  • Trận Bạch Đằng, 981

Thư mụcSửa đổi

  • Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm [1972], Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, bản in lại năm 2003.
  • Trần Xuân Sinh [2006], Thuyết Trần, Nhà xuất bản Hải Phòng.
  • Đại Việt Sử ký Toàn Thư [nhiều tác giả]
  • Almanach Những nền văn minh thế giới - Nhà xuất bản văn hóa thông tin, tái bản lần 1 năm 2007.

Chú thíchSửa đổi

  1. ^ a b c d e f g h i j Nhớ về chiến thắng Bạch Đằng Xuân Mậu Tý 1288
  2. ^ Almanach Những nền văn minh thế giới - Nhà xuất bản văn hóa thông tin, tái bản lần 1 năm 2007
  3. ^ a b c d e f Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, phần: Nhân Tông Hoàng đế
  4. ^ a b Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn: Thánh tướng hiền minh
  5. ^ a b Đọc bài phú Sông Bạch Đằng qua nguyên tác
  6. ^ Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1983.
  7. ^ Trần Đức Thạnh, 1988. Một vài suy nghĩ về trận địa cọc Bạch Đằng 1288. Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng. No.13. Tr.1-7.
  8. ^ “Một vài suy nghĩ về trận địa cọc Bạch Đằng năm 1288 [PDF Download Available]”. ResearchGate. Truy cập 4 tháng 2 năm 2018.
  9. ^ Thạnh, Trần; Cẩn, Nguyễn; Nga, Dang; Van, Huy [1 tháng 9 năm 2004]. “Coastal development and sea level change during Holocene in Haiphong area - Đặc điểm phát triển bờ và dao động mực nước biển Holocen ở khu vực Hải Phòng”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển -Journal of Marine Science and Technology. 4: 25–42.
  10. ^ Thạnh, Trần [27 tháng 3 năm 2013]. “Đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên vùng chiến trường Bạch Đằng năm 1288 - The basic features of the natural conditions of the Bach Dang Battle in 1288”. Chú thích journal cần |journal= [trợ giúp]
  11. ^ “Thêm những chứng tích quan trọng trong chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử”.[liên kết hỏng]
  12. ^ Trần Xuân Sinh, sách đã dẫn, tr 234
  13. ^ Trần Xuân Sinh, sách đã dẫn, tr 235
  14. ^ Bạch Đằng Giang
  15. ^ a b Bạch Đằng Hải Khẩu

Video liên quan

Chủ Đề