Cơ quan nào cắm biển báo giao thông

Quy chuẩn nêu trên đã có từ nhiều năm trước, lúc đó đường giao thông chủ yếu là 1 làn xe (1 chiều) hay 2 làn xe (2 chiều). Hiện nay, các đường giao thông chính đều đạt mức 2 làn xe trở lên (1 chiều) và 4 làn xe trở lên (2 chiều). Chính vì vậy việc biển báo giao thông nằm trong lề đường bên phải đã mất đi tác dụng thông báo chính xác cho người tham giao giao thông.

Việc này dẫn đến hệ lụy, người dân bị cảnh sát giao thông xử phạt nhưng không đồng thuận vì không thấy biển báo do tình hình khách quan và có tâm lý chống đối.

Do vậy, ông Toàn đề xuất gắn biển báo giao thông ở cả 2 bên đường hoặc trên giá long môn ở các tuyến đường có 2 làn xe trở lên. Việc này tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần giải quyết bức xúc của người dân.

Bộ Giao thông vận tải trả lời vấn đề này như sau:

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Trung Toàn đã có những ý kiến đóng góp quý báu, thiết thực đối với việc quy định triển khai lắp đặt hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải rất mong được cộng tác với ông Nguyễn Trung Toàn và mọi ý kiến đóng góp về các vấn đề chuyên môn của ông nêu trên sẽ được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, nghiên cứu và điều hành các đơn vị triển khai thực hiện.

Ngày 31 tháng 12 năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức giao thông trên cầu đường bộ và việc đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu trên mạng lưới đường bộ Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.

Theo đó, nguyên tắc tổ chức giao thông trên cầu đường bộ phải tuân theo quy tắc giao thông được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nguyên tắc sau: Phương tiện tham gia giao thông trên cầu đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định; tuân thủ chỉ dẫn của người điều khiển giao thông và quy định của biển báo hiệu đường bộ đặt trước cầu; Trường hợp không có biển báo hiệu, phải tuân theo quy định tại Thông tư này và các quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về hạn chế trọng lượng xe, khổ giới hạn được phép tham gia giao thông trên đường bộ, tốc độ và khoảng cách an toàn giữa các phương tiện; Không được phép dừng, đỗ, quay đầu xe (trừ phương tiện, thiết bị của đơn vị quản lý, bảo trì cầu). Trường hợp phương tiện bị hư hỏng đột xuất, người điều khiển phải khẩn trương đưa phương tiện ra khỏi phạm vi cầu hoặc đưa vào vị trí được phép dừng, đỗ; Xe thô sơ, người đi bộ, súc vật có người dắt phải đi trên phần đường quy định trên cầu.

Các chế độ kiểm soát khi giao thông trên cầu đường bộ, theo Thông tư quy định: không thực hiện chế độ kiểm soát đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thỏa mãn điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT, được phép lưu thông bình thường qua cầu nếu không có biển báo hiệu đặt trước cầu (trừ biển thông tin cầu); kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thỏa mãn điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT, được phép lưu thông qua cầu nhưng phải tuân theo quy định của biển báo hiệu đặt trước cầu; Áp dụng chế độ kiểm soát đặc biệt đối với các phương tiện tham gia giao thông đường bộ vượt quá điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT hoặc có tổng trọng lượng, khổ giới hạn vượt quá trị số quy định trên biển báo hiệu đặt trước cầu, khi tham gia giao thông trên đường bộ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Khi đó, việc lưu thông qua cầu phải tuân thủ quy định trong giấy phép (giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ), hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc phải có giải pháp gia cố (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo an toàn công trình cầu.

Quy định lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ, theo Thông tư: Biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe được lắp đặt cho từng cầu, biển đặt bên phải theo chiều đi, cách hai đầu cầu từ 10 đến 30 mét ở vị trí dễ quan sát; Trường hợp cầu hư hỏng đột xuất, cầu có tải trọng khai thác thấp, ngoài việc đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này, còn phải đặt bổ sung các bảng thông tin hướng dẫn ở hai đầu đoạn tuyến để thông báo cho người tham gia giao thông về vị trí và tải trọng của cầu có tải trọng khai thác thấp nhất nằm trong đoạn tuyến.

Cũng theo Thông tư, thẩm quyền thực hiện lắp đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ được quy định: Cục Quản lý đường bộ thực hiện trên hệ thống quốc lộ được giao quản lý; Sở Giao thông vận tải thực hiện trên hệ thống quốc lộ ủy thác, các hệ thống đường địa phương được giao quản lý; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, đơn vị khác (được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ) thực hiện trên các hệ thống đường địa phương được giao quản lý; Nhà đầu tư thực hiện trên các dự án PPP, BOT hoặc đường chuyên dùng.