Con vật có tâm lý không tại sao

Cá có biết suy nghĩ, có cảm xúc không?

Nguồn hình ảnh, Thinkstock

Chụp lại hình ảnh,

Cá heo được cho là có khả năng cảm nhận cảm xúc

Câu hỏi liệu các loài động vật, trừ con người, có thể suy nghĩ và có cảm xúc hay không đã tạo ra là chủ đề tranh cãi trong nhiều thế kỷ qua.

Hầu hết chúng ta đồng ý rằng con người đạt mức độ nhận thức cao, hay nói một cách đơn giản là có khả năng cảm nhận được suy nghĩ và cảm xúc.

Nhưng những sinh vật nào khác ngoài con người cũng có khả năng nhận thức vẫn là điều đang còn bỏ ngỏ và là một câu hỏi gây tranh cãi.

Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi là liệu có tồn tại những mức độ nhận thức khác nhau hay không, và liệu trải nghiệm của các sinh vật khác có giống với những trải nghiệm của con người hay không.

Quảng cáo

Nhiều người cho rằng cá heo và hươu có khả năng cảm nhận được cảm xúc, nhưng còn các loài cá khác, các loài bọ, hay cây cỏ thì sao?

Điều đó khiến chúng ta lại đặt ra một câu hỏi quan trọng nữa cho các khoa học gia: làm thế nào để chúng ta xác định được loài động vật, thực vật nào có cảm xúc?

Tôi và các đồng nghiệp gần đây đã tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm cách trả lời câu hỏi này, và thấy rằng cá dường như có nhiều cảm xúc hơn những gì chúng ta từng nghĩ.

Các khoa học gia đã dùng nhiều tiêu chí khác nhau để ủng hộ hoặc phản đối quan điểm cho rằng các loài động vật, trừ con người, có khả năng cảm nhận cảm xúc và nhận thức.

Chẳng hạn, những người nói cá không có năng lực này thì chỉ ra rằng não cá khá nhỏ, đơn giản, không có nếp nhăn vỏ não vốn là cơ quan xử lý thông tin cao cấp ở động vật có vú.

Họ nói năng lực học hỏi và ghi nhớ ở cá là rất thấp, và cá chỉ có khả năng thực hiện được những hành vi rất đơn giản.

Theo quan điểm này, những gì cá thể hiện khi phản ứng trong các điều kiện ngặt nghèo có lẽ chỉ là những phản ứng vô thức, không kiểm soát, nhưng ngay cả vậy cũng vẫn là những hành vi rất đơn giản, hầu như không có ý nghĩa gì.

Những người phản bác thì nói có thể là cá có cũng có cảm xúc, nhận thức.

Ví dụ như tuy được cấu tạo khác với não của động vật có vú, nhưng não cá cũng có cấu trúc tiến hóa gốc giống như những bộ phận trên não của động vật có vú mà chúng ta đã biết là đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra cảm xúc [hạch hạnh nhân - amygdala] và hỗ trợ khả năng học hỏi [hồi hải mã - hippocampus].

Nếu những phần này của não bị tổn hại, chúng ta sẽ thấy có những tác động tới cách hành xử ở cá tương ứng với ở các động vật có vú. Điều này cho thấy chức năng này ở não của chúng hoạt động tương tự nhau.

Cũng có vô khối những nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng cá có khả năng học hỏi rất ấn tượng, và chúng dùng khả năng này để hỗ trợ cho một loạt những hành vi ứng xử phức tạp khác nhau.

Nhiều loài cá có thể thực hiện được hành trình định vị phức tạp nhờ vào cách ghi nhớ bản đồ vào trí não.

Một số loài cá khác có thể tìm cách chiến thắng trong cuộc chiến với con cá khác bằng cách quan sát và ghi nhớ các trận chiến trước đó của đối thủ.

Một số loài thậm chí còn biết tạo ra và sử dụng các công cụ trông như cái đe để cậy vỏ các con nhuyễn thể giáp xác như trai, hến.

Chúng ta nay cũng biết rằng cá có thể tiếp nhận và phản ứng trước các tác động độc hại, tương tự như khi các hóa chất, ví dụ như acid acetic, gây đau đớn cho các loài động vật có vú.

Khả năng đó gồm cả những thứ vượt ra ngoài phạm vi những phản ứng thông thường, như việc có những thay đổi trạng thái tâm lý, tinh thần.

Một vấn đề cụ thể được đưa ra nhằm xác định khả năng nhận thức, điều trước đây được cho là loài cá không có, là khả năng "lên cơn sốt cảm xúc".

Đây là một phản ứng vật lý tương tự như cơn sốt khi bị nhiễm trùng, nhưng là do đối tượng trong tình huống căng thẳng thần kinh. Nói đơn giản là cơ thể tăng nhiệt do bị stress.

Cho tới tận gần đây, người ta vẫn cho rằng trong số các loài động vật có xương sống thì chỉ có các loài động vật có màng ối [amniotes - gồm động vật có vú, chim, và bò sát] mới phát sốt do cảm xúc và do đó mới có năng lực nhận thức.

Quan điểm này dựa trên các nghiên cứu trước đây theo đó nói ở cóc và cá vàng không có cơn sốt đó.

Nhưng với việc nghiên cứu cá ngựa vằn trong tình trạng căng thẳng - bị nhốt trong một cái lưới nhỏ đặt bên trong một bể cá thực nghiệm - thì tôi và các đồng nghiệp đã chứng minh được điều ngược lại.

Bởi cá là loài máu lạnh, chúng cần phải di chuyển vào một môi trường có nhiệt độ phù hợp với tình trạng sinh lý học bên trong cơ thể. Do đó, sau khi bị đặt vào tình huống gây căng thẳng, bạn trông đợi là chúng sẽ bơi vào vùng nước ấm hơn.

Sau 15 phút bị bó buộc trong lưới, những chú cá được thả cho bơi tự do giữa các lô khác nhau trong cùng bể cá, mỗi lô có nước được giữ ở một mức nhiệt khác nhau.

Những chú cá căng thẳng đã dành thời gian đáng kể bơi trong các lô nước ấm hơn so với các chú cá trước đó không bị nhốt trong lưới. Điều này cho thấy thân nhiệt của chúng đã tăng từ 2 đến 4 độ C, đồng nghĩa với việc chúng đã "lên cơn sốt cảm xúc".

Việc một số chú cá trải qua cơn sốt cảm xúc không đủ để chứng minh rằng nhìn chung cá có khả năng nhận thức.

Tuy nhiên, nó cho thấy những người tin rằng cá không có cảm xúc nay đã không thể dựa vào lý do 'cá không lên cơn sốt cảm xúc' mà họ đưa ra làm căn cứ cho lập luận của họ được nữa.

Điều đó củng cố thêm cho lập luận cá, cũng giống như những loài động vật có cấu tạo phức tạp hơn, ở một mức độ nào đó cũng có tri giác và cảm xúc.

Điều quan trọng nhất là điều này có thể ảnh hưởng tới việc chúng ta hiểu ra sao về quá trình tiến hóa của cảm xúc và khả năng nhận thức ở động vật có xương sống, và điều đó sẽ có ích cho chúng ta trong việc áp dụng cách thức bảo vệ cá phù hợp.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth, với bản gốc đăng trên The Conversation.

Video liên quan

Chủ Đề