Đánh bất ngờ thần tốc là cách đánh của ai

QĐND - Đầu tháng 4-1975, sau gần một tháng Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng 16 tỉnh và 5 thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự thuộc miền Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng giải phóng được mở rộng, âm mưu co cụm chiến lược của địch ở các tỉnh duyên hải miền Trung bị phá sản.

Trước thời cơ hết sức thuận lợi, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt. Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của ta đã áp đảo mạnh quân địch. Quân đội Sài Gòn đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ đã bất lực, dù có can thiệp cũng không thể cứu vãn nổi đội quân tay sai. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”.

Quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975. Ảnh tư liệu.

Đó là một phương châm chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xét toàn bộ cuộc chiến tranh, trên cơ sở đánh lâu dài, đánh địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, Đảng ta đã sáng tạo và nắm vững thời cơ, tranh thủ thời gian giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đảng ta, các tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch luôn theo sát tình hình, giải quyết tài tình vấn đề chỉ đạo chiến lược, chọn đúng phương hướng tiến công, xác định đúng hình thức tác chiến và cách đánh linh hoạt, phát hiện thời cơ sau mỗi chiến dịch, để đôn đốc thực hiện việc tổ chức chiến đấu, giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để. Khi thời cơ xuất hiện thì yêu cầu thần tốc trở thành một nội dung quan trọng mang tính cấp thiết trong phương châm chỉ đạo chiến lược, cũng như trong hành động quân sự của các lực lượng vũ trang.

Thần tốc và táo bạo luôn gây cho địch những bất ngờ lớn, đồng thời đánh bất ngờ thường đem lại thắng lợi mau lẹ. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, dân tộc ta thường phải chiến đấu với những kẻ thù xâm lược mạnh hơn, đông quân và tàn bạo thì việc vận dụng lối đánh bất ngờ là hết sức cần thiết.

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, điều kiện tương quan lực lượng đã khác trước. Thế và lực quân ta vượt hẳn quân địch. Tập đoàn phòng ngự lớn bảo vệ Sài Gòn - Gia Định cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long của địch, tuy số lượng còn đông, nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã sút kém hẳn, đặc biệt tinh thần thất bại lan rộng ra cả binh lính và sĩ quan. Bộ chỉ huy đầu sỏ của địch dao động đến cực độ, mất lòng tin vào khả năng chống giữ của binh sĩ và thất vọng vì bị Mỹ “bỏ rơi”. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào, thuận lợi đến đâu, thì bất ngờ cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi trong chiến tranh. Đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột là một bất ngờ lớn đối với địch dẫn tới sự tan rã dây chuyền nhanh chóng của chúng. Đòn thần tốc đánh chiếm căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta để ta đẩy mạnh cuộc Tổng tiến công chiến lược, tập trung lực lượng áp đảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một bất ngờ nữa mà địch tuy đã lường định, nhưng vẫn không phán đoán được. Chúng không thể ngờ rằng, ta đã sử dụng 5 quân đoàn và các đơn vị binh chủng kỹ thuật tiến theo 5 hướng khác nhau, trong đó có những mũi thọc sâu bằng các binh đoàn cơ giới. Chúng không ngờ ta đã huy động hơn 400 xe tăng, xe bọc thép làm lực lượng đột kích, cùng gần 500 khẩu pháo lớn và hơn nửa triệu tấn vật chất kỹ thuật tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Phương châm tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng không chỉ là bài học sâu sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định, mà còn chứng tỏ tài năng quân sự độc đáo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, của các Bộ tư lệnh chiến dịch và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá Trần Tiến Hoạt

Trở lại những ngày tháng Tư lịch sử của năm 1975, chúng ta thấy rõ sự lãnh đạo tài tình của cơ quan lãnh đạo chiến lược, quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân ta với tinh thần khẩn trương “Một ngày bằng 20 năm”, xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, sau khi Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng hòa rút khỏi cao nguyên miền Trung, Bộ Chính trị nhận thấy địch đã sai lầm chiến lược, ta cần tận dụng hơn nữa thời cơ nghìn năm có một để hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến đã kéo dài gần 21 năm. Đặc biệt, sau thắng lợi của chiến dịch giải phóng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, khi quân đoàn I, II của Việt Nam Cộng hoà tan rã, căn cứ vào tình hình biến chuyển nhanh chóng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thấy rõ khả năng và thời cơ giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975. Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định chớp thời cơ giải phóng Sài Gòn tốt nhất là ngay trong tháng 4/1975 với tư tưởng chỉ đạo là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Trên cơ sở đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn được thành lập.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương chỉ đạo theo dõi chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện sử chỉ đạo và quyết tâm nêu trên, toàn bộ các cánh quân giải phóng miềnNamnhằm hướng Sài Gòn xốc tới. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện khẩn tới các cánh quân cụ thể hóa chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Đại tướng yêu cầu “Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sỹ”  trên các mặt trận ở miền Nam.

Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc kháng chiến. Đồng chí Khuất Duy Tiến, lúc đó là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, một mũi tiến công giải phóng miền Nam, cho rằng bức điện được truyền đạt đến ông chính là mệnh lệnh tiến công khẩn trương, là thông điệp cho biết phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Ngay tức khắc, quân đoàn cơ động lực lượng, tăng tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.

Đối với các chiến sĩ có mặt trong đội hình các quân đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn, thông điệp tiến công rõ ràng, quyết liệt như truyền một nguồn cảm hứng, sức mạnh mới, như hồi kèn xung trận, tạo sức mạnh cho những người lính tăng tốc hành quân không mệt mỏi, hướng về sào huyệt của địch.

Thực hiện thắng lợi phương châm trên, chúng ta có thể chớp thời cơ, nhanh chóng giải phóng miền Nam, giành chiến thắng quyết định trước khi quân đội chính quyền Sài Gòn có thể phối hợp, bố trí lại lực lượng, làm thất bại những âm mưu quốc tế hóa cuộc chiến tranh của các thế lực phản động quốc tế. Ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 của ta tiến công thị xã Xuân Lộc một vị trí trọng yếu trên tuyến phòng thủ Đông Bắc Sài Gòn của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Ở Nam Bộ, quân ta tấn công mãnh liệt ở Tây Nam Bộ và Trung Nam Bộ. Tại hướng Tây Nam Sài Gòn, Đoàn 232 chuyển lực lượng xuống đồng bằng, áp sát đường số 4, tạo bàn đạp ở phía Tây thị xã Tân An…

Đường Trường Sơn với những đoàn xe vận tải hướng về Nam, năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Trong lúc Mỹ và chính quyền Sài Gòn như “lên cơn sốt” trước sức tấn công của quân giải phóng, thể theo nguyện vọng của quân và dân ta, trong đó có quân và dân Sài Gòn-Gia Định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua lần cuối kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh và chủ trương “tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm”.

Quyết tâm của Bộ Chính trị được truyền đạt ngay tới các chiến trường vào 15 giờ 30 phút cùng ngày.

Tin chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Bác Hồ vĩ đại đã tạo thêm sức mạnh của quân và dân ta dồn dập tiến công, đập tan sự kháng cự của địch, giành thắng lợi cuối cùng.

Vào hồi 17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm thành phố Sài Gòn-Gia Định bắt đầu. 5 cánh quân đồng loạt nhằm các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn-Gia Định tiến quân với với khí thế hùng mạnh nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, cả nước ca vang khúc khải hoàn: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

11h30 phút ngày 30/4/1975, quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị và mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực quân ủy Trung ương tuyền đạt tới chiến trường đã thể hiện rõ sự chủ động, nhạy bén và quyết tâm chính trị cao độ, nắm vững thời cơ chiến lược và mục tiêu cách mạng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tạo nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bình Nguyễn

Video liên quan

Chủ Đề