Đánh giá hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị

Hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến vào hoạt động sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương

Năm 2021, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được hỗ trợ để thực hiện đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Các đề án đã góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư, mua sắm dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế và quảng bá thương hiệu.

Những năm qua hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế- xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, Sở Công Thương vẫn nổ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện 03 dự án ứng dụng máy móc, thiết bị tiến tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập kinh tế, đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp.

Là một trong 03 đơn vị thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Công ty TNHH tinh dầu sả Thành Công đã mạnh dạn đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây sả (Model SETECH_NSLHP01, xuất xứ Việt Nam, mới 100%). Máy sấy năng lượng mặt trời là một trong những ứng dụng công nghệ mới đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản. Công ty TNHH tinh dầu sả Thành Công là công ty chuyên sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây sả như: tinh dầu sả, trà lá sả, sả sấy khô,…Trước đây, để sấy nguyên liệu sả tươi thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tinh dầu sả và các sản phẩm khác từ cây sả, công ty sử dụng phương pháp sấy bằng gas, điện hoặc phơi nắng thủ công nên hiệu quả không cao, tốn nhiều nhân công trong quá trình thực hiện; chất lượng sản phẩm sấy bằng thủ công chưa đồng đều, cần nhiều diện tích rộng để phơi. Theo đại diện của đơn vị thụ hưởng, từ khi được hỗ trợ đầu tư, ứng dụng máy sấy năng lượng mặt trời để sấy nguyên liệu đầu vào thay cho phương pháp sấy thủ công từng được công ty áp dụng đã giúp công ty giảm được chi phí năng lượng sử dụng, giảm chi phí nhân công, giảm thời gian sấy nguyên liệu, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình sấy qua đó giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất từ đó giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, góp phần tận dụng được nguồn nguyên liệu cây sả tại chỗ giúp giải quyết tốt đầu ra cho người nông dân trồng sả tại địa phương.

Đánh giá hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị

Hình: Máy sấy năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây sả

Tương tự, Công ty TNHH Nhà cổ Ba Đức được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất bánh phồng tôm (xuất xứ: Việt Nam, mới 100%). Sản phẩm bánh phồng tôm Nhà cổ với quy trình sản xuất theo công thức truyền thống thiên về giữ gìn hương vị chuẩn của bánh xưa, sản phẩm không sử dụng chất bảo quản nên đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách hàng ưa dùng sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, do quá trình sản xuất của Công ty TNHH Nhà cổ Ba Đức còn thủ công nên số lượng sản phẩm sản xuất ra còn hạn chế chưa đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường. Mỗi năm, Công ty chỉ sản xuất được khoảng 5 tấn sản phẩm để phục vụ nhu cầu khách hàng trong nước và nước ngoài. Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bánh phồng tôm với công suất 12 tấn thành phẩm/năm đã giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm thời gian sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Đánh giá hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị

Dây chuyền sản xuất bánh phồng tôm

Tương tự, cũng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Nông Vinh đã được hỗ trợ để đầu tư dây chuyền sản xuất bột dinh dưỡng từ hạt sachi (xuất xứ Việt Nam, mới 100%, công suất 312 tấn thành phẩm/năm). Trước đây, để sản xuất bột sachi, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Nông Vinh sử dụng máy nghiền thông dụng với công suất 54kg thành phẩm trong ngày. Nhưng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao nên hiện tại số lượng sản phẩm công ty không đủ đáp ứng với nhu cầu thị trường và trong quá trình sản xuất sản phẩm làm ra chất lượng không đồng điều không đáp ứng tiêu chuẩn với những thị trường khó tính. Sau khi được hỗ trợ để ứng dụng dây chuyền sản xuất bột sachi vào sản xuất đã giúp công ty tăng năng suất, giảm được thời gian sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.

Đánh giá hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị
Một số hình ảnh về dây chuyền sản xuất bột sachi

Trong quá trình triển khai đề án, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và địa phương tích cực giám sát việc lắp đặt, vận hành chạy thử, đánh giá hoạt động của máy móc thiết bị. Sau khi đạt yêu cầu và được nghiệm thu, các máy móc thiết bị đã được các đơn vị thụ hưởng áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói, với chính sách hỗ trợ khuyến công thông qua nguồn vốn khuyến công địa phương thời gian qua đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang ở giai đoạn hình thành hoặc đã đi vào hoạt động ổn định mạnh dạn mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất để phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc hỗ trợ đầu tư mới 100% máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại các đơn vị đã giúp người lao động giảm bớt sức lao động nặng nhọc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sử dụng hiệu quả nguyên nhiện, vật liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tham gia sản xuất, góp phần không nhỏ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.