Giới học có liên hệ gì đến định học và Tuệ học

Bây giờ Giới, Định, Tuệ liên hệ với Bát Chánh Đạo như thế nào?

1]Trước hết Giới là khuôn vàng thước ngọc giúp con người tránh xa ác nghiệp và vun bồi thiện nghiệp để tâm được trong sạch và thanh tịnh. Như thế trong Bát Chánh Đạo thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc về Giới. Tại sao? Nếu chúng ta tránh xa những lời nói gian dối, đâm thọc, ác độc và nhảm nhí thì Chánh Ngữ sẽ giúp con người có được những lời nói chân thật, hòa nhã, thanh tao và hữu ích phát sinh từ tâm Từ bi, quảng đại của mình. Nếu chúng sinh tránh xa ba loại hành động là sát sinh, trộm cướp và tà dâm thì Chánh Nghiệp tức là hành động bởi thân sẽ không còn do Tham-Sân-Si thúc đẩy. Còn nghề nghiệp làm ăn chân chính không mang lại sự thiệt hại cho xã hội và cho chúng sinh như không buôn bán vũ khí, giết hại súc vật, không buôn bán ma túy rượu chè, không mở vũ trường cờ bạc…thì chúng ta đã thực hành đứng đắn Chánh Mạng rồi.

Vậy khi nói đúng, không tạo nghiệp và làm đúng tức là chúng ta không phạm Giới. Ngày xưa sau khi Đức Phật thành đạo thì Ngài bắt đầu thu nhận đệ tử để truyền lại Chánh pháp mà Ngài đã chứng dưới cội Bồ-đề. Liên tiếp trong mười hai năm đầu, Đức Phật chưa hề nói đến Giới. Tại sao? Vì những đệ tử đầu tiên nầy là những người có đức hạnh cao. Họ đến với đạo Phật là vì bổn nguyện muốn được giải thoát giác ngộ. Phần lớn họ xuất thân từ những vương gia quý tộc, giàu sang quyền quý. Chẳng hạn như tôn giả Tu Bồ Đề là cháu của trưởng giả Cấp Cô Độc Tu Đạt Đa. Chính trưởng giả Tu Đạt Đa là vị đại thần của nước Ma Kiệt Đà có quyền uy mà ngay cả Thái tử Kỳ Đà còn phải kiêng nể. Còn thân phụ của tôn giả thì làm quân sư cho vua xứ Ma Kiệt Đà thì quyền uy và tài sản gia đình họ Tu chỉ thua nhà vua. Khi xuất gia theo Phật thì tôn giả cũng như mọi người, tức là tài sản duy nhất chỉ có tam y, nhất bát mà thôi. Đối với tôn giả đi tu là muốn được giải thoát giác ngộ. Mà muốn đạt đến cứu cánh tột đỉnh nầy thì phải chấp nhận buông xả tất cả để tâm được thanh tịnh. Một khi có tài sản thì phải lo, phải giữ. Có càng nhiều thì lo càng lớn và dĩ nhiên đau khổ phiền não càng to. Muốn đạt thánh đạo thì phải đoạn trừ phiền não có nghĩa là phải buông xả tất cả. Không còn Tham-Sân-Si thì tâm sẽ an định. Vì thế chúng ta có thể hiểu Phật là người không còn gì để mất, vì Phật chẳng có cái gì để mất cả. Như thế Ngài mới ung dung tự tại và tâm thường trụ Niết Bàn là vậy. Rất tiếc sau mười hai năm thì tăng đoàn không còn như trước. Tỳ kheo bây giờ vì danh văn lợi dưỡng mà quy y theo Phật chớ không còn tôn chỉ cao quý là muốn được tự độ để độ tha như thủa ban đầu. Họ gây ra lắm điều phiền não làm bận lòng Đức Phật vì thế Ngài bắt đầu chế ra giới luật với mục đích nhắc nhở chúng Tỳ kheo quay về với chánh đạo. Nếu không giữ giới thì tâm không bao giờ an, mà tâm không an thì không bao giờ có thể vào định được. Không vào sâu trong thiền định thì vĩnh viễn trí tuệ không phát sanh. Vì thế dù có tu ngàn đời, muôn kiếp cũng không thể nào giải thoát được, có nghĩa là không đoạn được phiền não và thoát ly ra khỏi lục đạo luân hồi. Kinh Kim Cang dạy con người nhìn sâu vào đối tượng để nhận biết bản tính chân thật, đó là thật tướng vô tướng. Đối với Phật giáo tất cả mọi hình tướng bề ngoài chỉ là tạm bợ, không chắc thật. Vì thế Phật dạy rằng:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” là vậy. Con người càng chạy theo hình thức bề ngoài thì càng chuốc lấy hệ lụy khổ đau. Cái thật chất nằm trong nội tâm sẽ phản ảnh bản chất đạo đức, tâm thanh tịnh và tánh thuần lương hay là tâm Bồ-đề để sống với mọi người. Tâm hồn cao thượng, việc làm chân chính, lời nói hòa nhả và sống vị tha, vô ngã là những chất lượng của người giữ giới. Vì thế hằng ngày nếu thực tập Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng một cách đứng đắn thì chúng ta sẽ có cuộc sống rất an vui tự tại và đây chính là chất liệu căn bản như xăng nhớt để làm cho chiếc xe chạy vậy. Bởi vì có giới thì mới tiến đến định và sau cùng thì trí tuệ mới phát sinh, có nghĩa là có xăng thì xe mới chạy và khi xe chạy thì nó sẽ đưa chúng ta đến chỗ giải thoát. Đây chính là cứu cánh cho tất cả mọi người.

2] Định gồm có Chánh Tư Duy và Chánh Định. Chánh Tư Duy là ôn lại những giáo lý và đạo lý của Phật để nhắc nhở chúng ta luôn giữ Chánh Niệm. Một khi chúng ta suy nghĩ đúng làm cho vọng tưởng không còn quay cuồng thì tâm sẽ được thanh tịnh. Thêm nữa Chánh Duy Tư có nghĩa là đối chiếu với cuộc sống thực tế hằng ngày bằng cách dùng đạo lý của Đức Phật mà ứng dụng vào trong cuộc sống để trắc nghiệm xem giáo lý đó có đúng với hoàn cảnh xã hội của chúng ta cũng như xác định nó có thật sự là cứu cánh giải thoát cho mình không? Vì thế Chánh Tư Duy chính là nền tảng căn bản để đưa con người vào Định. Tâm định có nghĩa là tâm có khả năng an trú trên một đối tượng mà không bị lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Như thế thì Chánh Định là nền tảng cho Định mà Chánh Tư Duy chính là khả năng để đưa con người vào sâu trong Định. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong tam vô lậu học mà ngày xưa tất cả đại đệ tử của Phật đều ứng dụng để vào thánh đạo.


3] Tuệ thì bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Kiến và Chánh Niệm. Khi tâm đã định thì Chánh Kiến giúp chúng ta phát sinh trí tuệ bằng cách phân biệt để thấy, biết rõ ràng đâu là tà kiến. Càng siêng năng, nỗ lực thì trí tuệ càng phát sinh và sau cùng Chánh Niệm giúp chúng ta giữ vững niệm lành trong tâm. Một trong những Chánh Niệm là áp dụng câu:”Văn như Tư và Tư như Tu” thì Ly mà có hỷ lạc tức là lìa xa ái dục thì sẽ được vui. Từ sơ thiền đến tứ thiền tức là xả niệm thanh tịnh thì chắc chắn trí tuệ sẽ phát sinh. Thí dụ như màn đêm buông xuống, cũng ví như vô minh che lấp trí tuệ, làm cho chúng ta nhìn ra ngoài thấy sợi dây thừng mà tưởng lầm là con rắn nên đâm ra sợ hãi, ví như vọng tưởng Tham-Sân-Si. Sau khi lấy đèn Pin , tức là định lực, ra rọi ngoài sân để xem xét, tức là quán, nhưng vẫn không thấy rõ vì đèn Pin hơi yếu không đủ sáng, có nghĩa là định lực yếu. Nhưng khi dùng đèn pha, tức là định lực mạnh, thì thấy con rắn chỉ là sợi dây thừng. Thấy rõ thực tướng để không còn nhìn, thấy, biết sai lầm, tức là phát sinh trí tuệ. Ngay lúc đó chúng ta bừng tỉnh, tức là giác, không còn hoang mang sợ hãi, tức là không còn vọng tưởng Tham-Sân-Si và được thay thế bằng an lạc tự tại, tức là Niết Bàn. Như vậy Định lực càng mạnh thì việc quan sát càng dễ dàng để thấy rõ thật tướng của vạn vật. Nhưng có định lực mạnh mà không rọi đúng vào đối tượng, chẳng hạn như đèn pha mà không rọi đúng vào con rắn thì làm sao biết được đó chỉ là sợi dây thừng, thì cũng không thể nào giải tỏa được cái nhìn, biết sai lầm. Vì thế vô mình còn thì trí tuệ không sanh. Do đó Trí tuệ là ánh sáng để phá tan bóng tối vô minh. Một thí dụ khác là nếu chúng ta đặt một tảng đá trên nắm cỏ. Vì đá đè quá nặng nên cỏ không mọc nổi, nhưng khi lấy tảng đá thì cỏ mọc trở lại. Định thì cũng thế, Định chỉ tạm thời đè nén Tham-Sân-Si xuống và khi xả Định thì Tham-Sân-Si sẽ phát tác trở lại. Vì thế Định không trừ được Tham-Sân-Si. Nếu chúng ta không có Tuệ thì vĩnh viễn không thể nào trừ dứt được tận gốc cái tam độc nầy. Mà Tuệ chỉ được phát triển qua thiền Quán, tức là Chánh Niệm mà thôi. Quả thật ảnh hưởng của Bát chánh đạo giúp con người tránh xa mê lầm đau khổ để chuyển tâm đi vào thánh đạo. Chính Bát chánh đạo rất thực tiển giúp chúng sinh thấy được sự mầu nhiệm vì chính Đức Phật đã cẩn thận sắp xếp theo thứ tự để chúng sinh áp dụng tùy theo hoàn cảnh và căn cơ mà tu hành. Tất cả các vị đại đệ tử của Phật trong quá khứ nếu muốn đạt thành Phật đạo viên mãn thì phải đi theo con đường tam vô lậu học, tức là Giới, Định, Tuệ. Ngày nay thì cũng thế nếu có chúng sinh muốn thành tựu đạo quả Bồ-đề thì Giới, Định, Tuệ vẫn là con đường duy nhất để đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Thêm nữa mục đích của thiền định trong Phật giáo là loại bỏ Tham-Sân-Si bởi vì đời sống của con người sở dĩ khổ đau và hổn loạn cũng tại vì những ô nhiễm đó. Khi nào còn Tham-Sân-Si thì nhân loại còn lầm than khốn khổ. Vì thế thiền định là phương cách hữu dụng nhất để loại trừ những bất tịnh nầy. Tuy nhiên việc loại trừ tập nhiễm của tam độc không thể thực hiện được một cách nhanh chóng và dễ dàng vì Tham-Sân-Si đã ăn sâu vào trong tâm hồn của con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Phật giáo là con đường tìm kiếm Chân Lý mà thiền định là một phần của đường lối đó. Thiền định giúp con người tĩnh tâm và tĩnh tâm là để nhận chân Chân Lý. Khi tâm con người bị chi phối bởi Tham-Sân-Si thì họ không thể nhìn vạn pháp đúng với chân tướng của nó. Trái lại khi các ô nhiễm nầy bị tẩy trừ thì lúc đó Chân Lý sẽ hiện bày. Nếu nói rằng Tham là một trong những gốc của bất thiện thì làm sao con người có thể sống được nếu không còn ham muốn gì cả? Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới văn minh tiến bộ đầy đủ mọi thứ về vật chất thì chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa ham muốn và nhu cầu. Sống trên đời chúng ta cần có những nhu cầu cần yếu như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe di chuyển, máy vi tính…để cho đời sống được tiện nghi. Ngược lại ham muốn chỉ xuất hiện khi nào chúng ta có những cố gắng thỏa mãn những đòi hỏi của thị dục, có nghĩa là vượt ra khỏi hàng rào tri túc. Đây là động lực chính làm con người đau khổ khi những ước muốn của mình không được thỏa mãn. Khi nhìn thấy rõ như thế thì người tu Phật không hề bị bắt buộc phải xóa bỏ tất cả mọi tiện nghi vật chất. Họ có thể có tất cả những gì họ cần nhưng luôn luôn phải biết đâu là nhu cầu cần thiết và đâu là lòng ham muốn, tham lam. Chân lý Tứ Diệu Đế đã được Đức Phật truyền dạy cho đệ tử từ khi Ngài mới bắt đầu thành đạo cho đến khi Ngài bắt đầu nói Kinh Bát Nhã. Thế thì pháp Tứ Diệu Đế nầy là cổ xe không thể rời bỏ được nếu chúng sinh muốn đoạn trừ phiền não để đạt đến bốn quả vị Thánh trong Thanh Văn thừa. Biết bao đệ tử của Phật đã thành tựu Thánh quả dựa vào chân lý nầy thì tại sao ngày nay chính Đức Phật lại đánh đổ, bảo là không có? Chúng ta sẽ phân tích rõ ràng điều nầy sau phần Lục độ ba-la-mật. “Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi [không đáng tin cậy], chỉ tạo khẩu nghiệp”.

“Người tu Phật cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn tức là không được “khẩu thị tâm phi” có nghĩa là miệng nói một đàng mà tâm nghĩ một ngả”

Video liên quan

Chủ Đề