Hạn chế của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

      1. Ba mươi năm qua, tiến hành công cuộc đổi mới, xét về phương diện xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, thì thành tựu to lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó là bước chuyển từ mô hình nhà nước tập quyền xã hội chủ nghĩa [XHCN] sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là bước đổi mới về chất trong tư duy lý luận về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

     Trước đây, theo tư duy của mô hình nhà nước tập quyền XHCN, thì quyền lực nhà nước tuy thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân chỉ thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Toàn bộ quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội; không có sự phân công thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mô hình tổ chức quyền lực nhà nước này phù hợp với điều kiện chiến tranh và nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, với ưu điểm bảo đảm cho nhà nước ban hành quyết định nhanh chóng và thống nhất. Tuy nhiên, mô hình này trong điều kiện mới - điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần - bộc lộ nhiều hạn chế.

      Do vậy, trong điều kiện mới, mô hình nhà nước tập quyền XHCN không còn phù hợp với việc phát huy đầy đủ vai trò của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền, lộng quyền, quan liêu, tham nhũng trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.

      Nhận rõ những hạn chế của mô hình tập quyền XHCN, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, lần đầu khẳng định trong văn kiện của mình chủ trương “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”. Với nguyên tắc mới: Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền. Theo đó, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, có tầm chiến lược, bao gồm toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; trở thành định hướng cho quá trình cải cách bộ máy nhà nước trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ này là: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng do Đảng ta lãnh đạo”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 [khóa VII] chuyên đề bàn về vấn đề nhà nước đã ra Nghị quyết: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính".

       Sau 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với những tổng kết bước đầu cả về nhận thức lẫn thực tiễn, năm 2001, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi một số điều về tổ chức bộ máy nhà nước của Hiến pháp năm 1992. Điểm nổi bật trong lần sửa đổi này là thể chế hóa các tư tưởng chỉ đạo của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Điều 2 Hiến pháp năm 1992 [sửa đổi một số điều năm 2001] khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân …”.

      “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

       Tiếp theo là tại các Đại hội lần thứ X và XI của Đảng - các đại hội có bước phát triển về chất trong nhận thức và vận dụng chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Tại Đại hội X, trong mục tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN đã đề cập tới vấn đề: “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” trong đó đã đề cập sâu về vấn đề “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Có thể nói, đây là nhận thức và là quan điểm mới về sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực nhà nước trong chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng ta. Theo đó, tại Đại hội XI của Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước [bổ sung và phát triển năm 2011] đã bổ sung một yếu tố mới vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Đó là yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước. Lần đầu trong Văn kiện của Đảng ta đã ghi nhận một nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN, chứa đựng đầy đủ các giá trị mới về chất so với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong nhà nước tập quyền XHCN trước đây. Đó là nguyên tắc: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Thể chế hóa các quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong gần 30 năm của Đảng ta, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 tuyên bố: “1. Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; 2. Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

       Như vậy, việc chuyển từ mô hình nhà nước tập quyền xã hội chủ nghĩa sang mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một quá trình tìm tòi và phát triển tư duy lý luận. Bởi “việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết của chúng ta còn ít, có nhiều việc phải vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm”.

      2. Căn cứ vào đường lối chính trị và cơ sở hiến định về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bộ máy nhà nước ta 30 năm qua ngày càng được cải cách, đổi mới, hiệu lực và hiệu quả; quản lý nhà nước ngày càng được tăng cường.

       Về thực hiện quyền lập hiến, lập pháp: chưa có thời kỳ nào số lượng các dự án luật được Quốc hội ban hành nhiều như trong 30 năm qua, gấp tám lần so với 41 năm trước [từ ngày 2-9-1945 đến 30-2-1986, nước ta ban hành 63 luật, pháp lệnh. Từ ngày 1-1-1987 đến 30-12-2013, nước ta ban hành 483 luật, pháp lệnh]. Chỉ tính riêng mười năm gần đây, Quốc hội đã thông qua được 238 luật, pháp lệnh [gồm 208 luật và 30 pháp lệnh]. 30 năm qua, Quốc hội đã tiến hành ba lần sửa đổi Hiến pháp: Hiến pháp năm 1992 [sửa đổi Hiến pháp năm 1980] - Hiến pháp của thời kỳ đầu công cuộc đổi mới; Hiến pháp năm 1992 [sửa đổi một số điều năm 2001] về tổ chức bộ máy nhà nước, tạo cơ sở hiến định để xây dựng và hoàn thiện một bước về bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN và Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, chủ động hội nhập quốc tế. Hệ thống pháp luật đứng đầu là Hiến pháp đã hình thành, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội từ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đến việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế và công cụ quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Các hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước cũng được Quốc hội không ngừng đổi mới và tăng cường; nhân dân ngày càng đồng tình và ủng hộ.

       Về thực hiện quyền hành pháp: không ngừng tiến hành đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính cả trên bốn thành tố hợp thành: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ công chức và cải cách hệ thống quản lý tài chính công. Trong hệ thống các chủ thể của nền hành chính quốc gia, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp cũng được cải cách đổi mới không ngừng, để ngày càng đáp ứng mục tiêu chung của cải cách hành chính là, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

       Về thực hiện quyền tư pháp: Công cuộc cải cách tư pháp cũng được đẩy mạnh trên cả ba mặt: thể chế, tổ chức và đội ngũ cán bộ. Vì thế, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan điều tra từng bước được đổi mới; chất lượng điều tra, truy tố và xét xử được tăng cường. Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, từ thủ tục tố tụng cho đến pháp luật về nội dung đều được đổi mới theo tư duy đề cao quyền con người, quyền công dân, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm công bằng và công lý về thực hiện quyền tư pháp.

       3. Tuy đạt được những thành tựu quan trọng cả về phương diện nhận thức lý luận lẫn phương diện tổ chức và hoạt động thực tiễn, nhưng sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong 30 năm qua cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn về phương diện lý luận, nhận thức và tổ chức thực hiện.

        Theo chúng tôi, trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây:

       Trước hết, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” là một nguyên tắc mới, chỉ đạo toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng cho đến nay không phải đã có sự nhận thức thống nhất, đầy đủ. Vì thế, trên thực tế việc thể chế hóa một cách minh bạch, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa Trung ương và địa phương chưa thật sự hợp lý, chưa phát huy đầy đủ hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm của mỗi quyền. Đây là vấn đề vừa mang tính chất lý luận, nhận thức, lẫn tổ chức thực hiện cần được tiếp tục làm rõ.

       Hai là, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thì nhiệm vụ hàng đầu là phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mặc dù, đã có nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung hoạt động lập pháp của Quốc hội thời gian qua chỉ mới chú trọng theo chiều rộng [để đáp ứng đủ luật trên các lĩnh vực] chứ chưa chủ động nhiều theo chiều sâu. Vì thế, nâng cao chất lượng lập pháp để có những đạo luật, bộ luật thật sự trở thành rường cột, ổn định lâu dài, đủ sức đảm đương vai trò là phương tiện hàng đầu trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới.

       Ba là, thủ tục hành chính là “kinh thánh tự do” của công dân trong mối quan hệ với công quyền của một nhà nước dân chủ và pháp quyền. Vì thế, trong 30 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng cải cách hành chính. Tuy nhiên, cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà, là những rào cản lớn đối với việc tạo lập môi trường xã hội thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh lành mạnh, minh bạch có hiệu quả. Tiếp tục cải cách hành chính là nhiệm vụ phải tiếp tục một cách quyết liệt trong những năm tới.

      Bốn là, cải cách tư pháp tuy được quan tâm, nhưng tiến hành còn chậm, nền tư pháp nước nhà chưa thật sự là biểu tượng của công bằng và công lý của một quốc gia dân chủ và pháp quyền, cho nên vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai, tồn đọng án, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tư pháp. Vì thế, tiếp tục cải cách tư pháp vẫn là nhiệm vụ rất nặng nề và phải với quyết tâm cao hơn nữa trong thời gian tới.

       Năm là, kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề mới, nhưng có vai trò to lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng thật sự của dân, do dân và vì dân; phòng chống sự lạm quyền, lộng quyền từ phía quyền lực nhà nước, góp phần đấu tranh có hiệu quả với phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, công chức. Vì thế, phải khẩn trương xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài nhà nước [đó là cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước gồm: Mặt trận Tổ quốc, các thành viên, tổ chức, các cá nhân tiêu biểu và công dân thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp]; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp [cơ chế kiểm soát bên trong nội bộ nhà nước] và cơ chế bảo vệ Hiến pháp chuyên trách theo luật định được điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định. Xây dựng đồng bộ các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong những năm tới.

GS, TS Trần Ngọc Đường

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
[Nguồn: Báo Nhân Dân]

Video liên quan

Chủ Đề