Hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba là gì

. Hỏi: Ông A cho tôi thuê căn nhà để kinh doanh. Trước đó, ông A thế chấp căn nhà cho ngân hàng để vay vốn làm ăn. Thời gian gần đây, ông A không thanh toán được nợ nên ngân hàng đòi lấy nhà. Vậy, trong trường hợp ngân hàng lấy nhà mà hợp đồng thuê nhà giữa tôi và ông A vẫn còn thì xử lý ra sao?


(Phạm Công Hoàng - Nha Trang)


. Trả lời: Vấn đề ông hỏi được quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự về hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Theo đó, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.


Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của bộ luật này và luật khác có liên quan.


Trong trường hợp này, khi ngân hàng nhận thế chấp căn nhà của ông A thì đã phát sinh hiệu lực đối kháng với ông (tức là người thuê lại căn nhà đó). Như vậy, khi có tình huống xảy ra, thì phía ngân hàng được quyền truy đòi căn nhà đã thế chấp và được quyền thanh toán.


Quy định này được quy định rõ hơn tại Nghị định 21/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.


TKTS

 

Bộ luật dân sự 2015 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 24-11-2015. BLDS 2015 không những đã kế thừa của BLDS 2005 mà còn được sửa đổi bổ sung những quy định mới, cụ thể để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay. Hiệu lực đối kháng với người thứ 3 là một trong điểm mới của BLDS 2015 và quy định cụ thể tại Điều 297: “1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

  1. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Tuy nhiên đó là một khái niệm hoàn toàn mới được nhà làm Luật sử dụng trong BLDS 2015 nhưng xét về nội dung bản chất của Hiệu lực đối kháng đối với nguời thứ 3 đã được quy định trong BLDS 2005 tại khoản 3 Điều 323: “Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký” và tại khoản 1 Điều 11 nghị định 163/2006/NĐ-CP  ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm: “Giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm”. Các nội dung chính trong Hiệu lực đối kháng với người thứ 3 như sau:

  1. Khái niệm:

Qua các quy định về nội dung trong BLDS 2015, BLDS 2005 và các văn bản hướng dẫn thì có thể hiểu rằng “Hiệu lực đối kháng với người thứ 3 là giá trị pháp lý đối với người thứ 3. Trong giao dịch bảo đảm hợp pháp khi có thêm chủ thể là người thứ 3 thì ngoài phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thì còn phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ của bên thứ 3 kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.” (ý kiến cá nhân).

Người thứ 3 ở đây là ai? Đó có thể là cá nhân hoặc tổ chức ngoài chủ thể trực tiếp là bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm trong GDBĐ. Ví dụ như là các chủ nợ khác không có bảo đảm hoặc có bảo đảm, Người mua, người thuê, người nhận chuyển giao TSBĐ,…

  1. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3:

Nếu như trong BLDS 2005 quy định về thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3 là “kể từ thời điểm đăng ký.” (tại điều 323) cũng như tại khoản 1 điều 11 Nghị định 163/NĐ-CP cũng quy định “kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.” thì BLDS 2015 lại quy định  rõ cụ thể là “khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.” Ngoài điểm mới nêu trên thì BLDS 2015 cũng quy định rõ các biện pháp bảo đảm nào có hiệu lực đối kháng đối với người thứ 3. Cụ thể 4 biện pháp đó là:

– Cầm cố tài sản: Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. (khoản 2 điều 310)

Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Ví dụ: A cầm cố điện thoại Iphone 7s của mình cho B để đảm bảo khoản vay. Đây là trường hợp không phải đăng kí giao dịch bảo đảm nên thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3 kể từ thời điểm B chiếm hữu chiếc iphone 7s của A.

–  Thế chấp tài sản: Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.(khoản 2 điều 319)

Ví dụ: A đã thế chấp cho Ngân hàng B là 1 chiếc oto để đảm bảo khoản vay.  Hai bên thông nhất đăng ký giao dịch bảo đảm cho oto. Như vậy, Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3 kể từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm.

–  Bảo lưu quyền sở hữu: Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.(khoản 3 điều 331).

–  Cầm giữ tài sản: Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ, chiếm giữ tài sản.( khoản 3 điều 347).

Ví dụ: A thuê B chở hàng và 2 bên có ký kết hợp đồng vận chuyển. Trong hợp đồng, A và B thỏa thuận : “A thanh toán  đủ 1 lần cho B khi B chở hàng đến kho của A. Nếu A không thực hiện như đã thỏa thuận trên thì  B có quyền giữ hàng của A đến khi A thanh toán. Mọi thiệt hại không liên quan gì đến B”. Sau đó A thuê B chở hàng từ Sài Gòn về Đà Nẵng nhưng khi B chở về tới kho tại Đà Nẵng cho A. Nhưng A không đủ tiền trả cho B. Vậy nên,B cầm giữ lô hàng đó của A cho đến khi A thanh toán đủ số tiền. Như vậy, thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ 3 kể từ thời điểm B đang cầm giữ lô hàng của A.

  1. Quyền lợi của bên nhận bảo đảm khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba:

– Bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm khi tài sản bảo đảm đang được bên bảo đảm hoặc bên thứ 3 cầm giữ, nắm giữ tài sản bảo đảm:

Ví dụ: A đã thế chấp Ngân hàng B là 1 chiếc ô tô để đảm bảo khoản vay. Và 2 bên thống nhất về việc đăng ký giao dịch bảo đảm cho tài sản bảo đảm của A. Tới thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà hiện tại bên A không sử dụng trực tiếp mà đưa cho C thuê xe oto đó thì Ngân hàng B có quyền yêu cầu C giao chiếc xe đó lại cho Ngân hàng B.

– Được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan:

Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ nếu có giá trị tại thời điểm xác lập GDBĐ lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm. Vậy vấn đề đặt ra là khi xử lý tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì căn cứ vào yếu tố nào để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm? Và quy định cụ thể tại Điều 308 BLDS như sau:

  1. a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;

Ví dụ: A thế chấp chiếc oto cho B để đảm bảo khoản vay và có đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/2/2017. Và 4/3/2017, A lại tiếp tục thế chấp chiếc oto cho C và có đăng ký giao dịch bảo đảm. Gía trị oto cao hơn tổng giá trị thực hiện nghĩa vụ. Vậy khi xử lý tài sản bảo đảm thì B sẽ được thanh toán trước bởi giao dịch với B được xác lập hiệu lực đối kháng trước.

  1. b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;

Ví dụ: A thế chấp chiếc oto cho B để đảm bảo khoản vay và có đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/2/2017. Và 4/3/2017, A lại tiếp tục thế chấp chiếc oto cho C và không đăng ký giao dịch bảo đảm. Gía trị oto cao hơn tổng giá trị thực hiện nghĩa vụ .Vậy khi xử lý tài sản bảo đảm thì B sẽ được thanh toán trước bởi giao dịch A là giao dịch có hiệu lực đối kháng với người thứ 3

  1. c) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.

Ví dụ: A thế chấp chiếc oto cho B để đảm bảo khoản vay và không đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/2/2017. Và 4/3/2017, A lại tiếp tục thế chấp chiếc oto cho C và cũng không đăng ký giao dịch bảo đảm. Gía trị oto cao hơn tổng giá trị thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp này không có phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Vậy khi xử lý tài sản bảo đảm thì B sẽ được thanh toán trước bởi B xác lập biện pháp bảo đảm trước.

Nhưng thứ tự ưu tiên nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau và Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền theo khoản 2 điều 308 BLDS.

Như vậy, BLDS 2015 đã quy định cụ thể về hiệu lực đối kháng đối với người thứ 3 giúp cho việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự nói chung và giao dịch bảo đảm nói riêng được thuận lợi và an toàn hơn. Hiệu lực đối kháng với người thứ 3 giúp cho các bên tham gia giao dịch dân sự giảm được rủi ro khi thực hiện các giao dịch có bảo đảm và nhanh chóng thu hồi được nợ, hạn chế được tình trạng tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.