Hướng dẫn chơi lan

Trồng lan chính là một nghệ thuật, người trồng phong lan chính là nghệ nhân, nhưn`g trước đó bạn cần phải tự lần mò tìm tòi kinh nghiệm, rồi làm nạn nhân, rồi có những phát hiện ra sai lầm, thậm chí mắc phải rất nhiều sai lầm cơ bản, và trả giá cho những sai lầm đó rất nhiều. Bài viết này tôi chia sẻ với các bạn tất cả kinh nghiệm người mới bắt đầu chơi lan cần biết, những kinh nghiệm  xương máu mà tôi đã đúc kết ra được từ thực tế, từ sự học hỏi các nghệ nhân trong ngành, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

1. Đặc điểm chung của Phong lan

Phong lan rất phong phú, đa dạng nhưng yêu cầu về ánh sáng, gió, nước, chất liệu môi trường nuôi trồng, phân bón có những nguyên tắc chung như:

  • Về ánh sáng: Cây lan cần ánh sáng, cần nắng để tăng trưởng, ra hoa. Nếu để lâu trong chỗ rợp, trong nhà, cây lan sẽ yếu, dễ bị bệnh và không ra hoa. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu kĩ, mỗi loài lan cần có nhu cầu ánh sáng khác nhau, ví dụ như: Lan hồ điệp vì mưa làm thối nhũn lá sau một đêm, cháy lá khi trồng dưới ánh sáng mạnh nên Cây phải trồng dưới mái che…Vì đặc tính sống trong rừng nên lan rừng không ưa ánh sáng mạnh. Lan rừng thì phải thoáng gió, tạo bóng râm. Kinh nghiệm của tôi là khi mua luôn hỏi người bán cây tên gì, để về tra trên mạng xem cách chăm sóc nó.

  • Gió: Phải tạo độ thoáng gió cho lan, không treo dày. Trước đây tôi treo cây quá dày dẫn đến sau một thời gian cây không phát triển, cho nên bạn treo với khoảng cách hợp lí để tạo độ thoáng gió.
  • Nước: Khi tưới nước cho Phong Lan phải chú ý đến các vấn đề như ẩm độ, sự thông gió, loài lan, mùa tăng trưởng, nhiệt độ… ta sẽ có những cách tưới khác nhau. Với mỗi loài lan thì có nhu cầu tưới nước khác nhau, nhưng nhìn chung thì lan nên được tưới nhiều vào mùa nắng, trừ ngày mưa nhiều, vì đây là mùa sinh trưởng của lan. 
  • Chất liệu môi trường nuôi trồng: Khi trồng lan phải đặc biệt lưu ý đến giá thể trồng, phải chọn những loại phù hợp với lan rừng, gần gũi với môi trường thiên nhiên mà lan thường sống. 2 loại giá thể thích hợp nhất để trồng lan rừng là gỗ và dớn, trong đó dớn có dớn sợi [già, hóa mỗ] và dớn vụn [phần non của thân cây dớn].Bạn nên lưu ý thêm về chất trồng. Tôi từng cho đất vào trồng lan như trồng hoa hồng, hay cho nhiều xơ dừa xay nhuyễn trồng vào những chậu xi măng to, kết quả các em ấy đã nhanh chóng ra đi mãi mãi.
  • Phân bón: Lan nhà tôi chỉ phun B1, không thì tưới bằng nước gạo và mì chính, khoảng tuần một lần, nhưng vườn lúc nào cũng ngát hương lâu lâu tôi bỏ ít phân gà phơi khô hoặc phân dê. 

Vì những đặc điểm trên mà thiết kế vườn trồng lan, phải:

  • Tránh nắng trực tiếp, nếu giàn phải có lưới che. Nên dùng lưới màu xám hay xanh đen, tốt nhất nên thiết kế khung giàn cẩn thận đảm bảo độ bền và chống gió bão.

Làm mái che cho phong lan
  • Phải đủ nắng cây mới khoẻ mạnh, sai hoa

  • Phải đủ ẩm cây mới sinh truỏng được

  • Phải thoáng mới không sâu bệnh và lưu thông không khí để cung cấp dinh dưỡng cho cây

  • Trồng lan để chơi, trang trí hay trồng để kinh doanh thì cây lan rừng luôn cần một vị trí trồng được bảo vệ chắc chắn, đủ rộng rãi.

  • Nếu trồng trên ban công, mái hiên, sân thượng: Cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thủy, nguyệt quế… để giảm bớt sự khô nóng do ảnh hưởng của kết cấu bê tông, mái tôn… xung quanh.

Khi bắt đầu chơi lan, theo kinh nghiệm thì bạn thích loài nào thì trồng loài đó, nhưng phải biết đặc điểm từng loài, và nên trồng tách biệt từng nhóm, từng loài hoa để dễ xứ lý nước, phân bón. Riêng tôi, tôi đã trồng nhiều loài: lan Rừng, lan Vanda, lan Denro màu, lan Denro nắng. . . Lưu ý nếu chỉ trồng lan rừng thì bạn sẽ không có hoa ngắm thường xuyên, đặc biệt các bạn mới tập chơi sẽ dễ nản lòng, vì chúng chỉ nở hoa vào mùa xuân – hè. Tôi thì trồng thêm cả lan công nghiệp.

Khi mới chơi chỉ cần có khoảng trên dưới hai chục giò thôi, và nên đầu tư từ từ, đừng ham nhiều nhé các bạn, vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm, lúc mới trồng, tôi cứ nghĩ mình cứ lên mạng tìm hiểu là kinh nghiệm có hết, nhưng thực tế không phải vậy, lý thuyết phải kết hợp thực hành …Và đặc biệt nên “tăng xin giảm mua”.

Lan rừng rất phong phú, đa dạng nhưng có 4 nhóm chính: Thân thòng [Phi điệp, trầm, long tu, u lồi, kèn, hạc vỹ…], đơn thân [giáng hương, quế, nhạn, tam bảo sắc, đai châu, cáo, sóc, hải yến…], địa lan và lan hài. Tuy nhiên, bạn nên trồng Phi điệp [giả hạc], Đai Châu [nghinh xuân, ngọc điểm, tai trâu] và Quế.

Phong lan thân thòng vươn theo hướng ngược xuống đất

Khi đi mua hoa lan cần tìm hiểu về các loại lan để không mua phải hàng hớ, tìm địa chỉ uy tín để mua lan: bạn bè, nhà vườn… Tìm hiểu môi trường và các điều kiện nuôi trồng, đặc tính Phong Lan: nên mua những cây đã được phổ thông, thích hợp với môi trường mình đang sinh sống

Nên mua cây giá rẻ nhưng phải to khỏe về chăm sóc, sẽ dễ sống và nhanh ra hoa làm cho bạn có động lực. Mua lan nên thấy hoa, khi mình thích hoa đó rồi thì giá nào cũng có thể mua miễn đừng quá mắc, không nên mua lan theo nghe nói hoặc theo sở thích người khác.

Nên tập nhớ tên khoa học của lan, sau này sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều khi lựa chọn cây lai. Lời khuyên của các chuyên gia là bạn nên chọn loại nào dễ ra hoa, những loại lan có hoa càng lớn thì càng khó ra hoa, sau khi ra hoa cây bị mất sức, yếu và nhanh chết như cây Cat hoa to, Vanda, Hồ Điệp…

Bạn nên nhớ hoa lan có thể xuống giá nhanh, lợi dụng sự giảm giá, hãy mua những cây lan hoa đã tàn, ta sẽ có những cây Hồ-Điệp khác nhau. Suốt năm bạn có đủ bông hoa đẹp khoe sắc.

3. Kinh nghiệm chăm sóc lan

Giữ cho rễ khoẻ mạnh bằng cách tưới nước vừa phải, bón phân đúng cách thì lá và hoa sẽ đương nhiên tốt tươi.

3.1. Kinh nghiệm tưới nước cho phong lan

  • Bất kể trồng loại lan nào, thì cây cũng cần nước để sinh trưởng và phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sát nhau. Sau khi trồng xong tưới nước luôn [tưới phun sương] và duy trì 2 lần/ngày.
  • Không tưới cây lan khi mặt trời đang chiếu thẳng vào cây. Nước có thể đọng lại, trở nên nóng và làm hại tế bào của cây.
  • Khi trời quá nóng, khô, ta có thể nhúng cả chậu vào nước sạch hoặc nhúng toàn thân cây lan vào nước khoảng 15 phút để ngăn ngừa sâu bọ làm ổ và rửa sạch những chất khoáng tồn đọng trong chậu.
  • Sau khi tưới cây, nghiêng chậu cho nước dư thừa đổ ra ngoài hết.
  • Hoa lan thích phun nước như sương.
  • Nên tưới bằng nước mưa cho lan vì nước máy làm đọng muối vào cây.
  • Không nên tưới quá nhiều nước cho cây mà chỉ nên tưới nhiều lần cho cây mà thôi.
  •  Khi vo gạo, bạn hãy giữ nước gạo lại và phun nhẹ cho lan. Nhưng đừng dùng khi nước vo gạo đã chua.
  • Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.
  • Không nên tưới nhỏ giọt để giữ ướt giá thể cả ngày, vì phải cho giá thể có một khoảng thời gian khô trong ngày. Thời gian khô này làm cây thiếu nước nhẹ, kích thích rễ vương dài ra để tìm nước, vô tình sự thiếu nước nhẹ cũng giúp rễ phát triển.

  • Không nên tưới buổi đêm muộn dễ gây nguy cơ đốm lá/thối bẹ lá.

  •  Rễ lan thích độ ẩm trong không khí. Nếu bạn tạo được môi trường tiểu khí hậu cho lan, một môi trường mà luôn có độ ẩm cao và không khí ở nơi trồng lan luôn mát mẻ thì thật tuyệt vời. Lúc đó bạn không cần phải tưới và bón nhiều mà cây lan vẫn phát triển vượt bậc.

  • Vào mùa nghỉ của lan chỉ tưới nước 1 lần/tuần vào buổi sáng

3.2. Kinh nghiệm bón phân cho phong lan

  • Cây lan thích được tưới phân loãng nhiều lần tốt hơn tưới dày nồng độ cao.
  • Vào mùa lan tăng trưởng mà nóng nực, chỉ nên bón phân vào buổi sáng sớm.
  • Tuyệt đối không bón phân khi nhiệt độ cao hơn 30 độ C
  • Giảm thiểu bón phân trong thời gian cây nghỉ dưỡng.
  • Bón phân tháng một lần là được
  • Thấy cây lan èo uột, vàng úa thì không nên bón nhiều phân, tưới nhiều nước.
  • Đừng bao giờ bón phân khi chậu cây quá khô, cây sẽ ngừng lớn lại.
  • Khi cây đã đâm chồi hoa hay ra nụ không cần bón phân nữa.
  • Đối với lan, ta không bón cây vào đất mà áp dụng bằng cách phun trực tiếp qua lá.

  • Sử dụng phân vô cơ pha thật loãng trong hầu hết các giai đoạn. Khi thấy đầu thân chuyển sang tròn, cây không mọc thêm lá mới thì nên pha phân đặc thêm giúp cây có đủ dinh dưỡng hơn để phát triển.

  • Không trộn phân và thuốc nấm, vi khuẩn rồi xịt.

  • Không pha phân thuốc nhiều loại 1 lần nhưng phun không hết cất đi mấy hôm sau phun tiếp.

  • Không trộn thuốc có cùng thành phần.

  • Không gắn phân tan chậm quá gần gốc hoặc gắn quá sớm khi lan chưa ra rễ gây lãng phí.

4. Kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh cho phong lan

  • Nếu thấy cây bị bệnh hãy cách ly cây ra khỏi vườn, lấy cây ra khỏi chậu, cắt bỏ phần thối và xử lí bằng thuốc men cho từng loại lan. Tiếp theo treo nơi mát mẻ và ngưng tưới nước 1 ngày, tiếp theo xử lý kích rễ tùy theo từng loại lan cho đến khi cây ổn định mới đưa vào chậu trồng lại.
  • Kiến mang sâu bọ và bệnh tật đến cho lan. Muốn diệt trừ kiến bạn nên rắc Diazinon granule vào chậu và xung quanh nơi để lan.
  • Rệp nhện rất sợ mùi dầu khuynh diệp [bạch đàn]. Hãy bẻ vài cành khuynh diệp nhỏ treo vào cây lan hoặc dùng dầu thấm vào bông gòn và để vào chậu lan.
  •  Cây lan có đốm, chấm hay sọc đen, nâu chưa hẳn đã bị vi rút, nhiễm trùng hay nấm nếu cây non vẫn xanh tốt.
  • Rắc bột chống nấm vào chồi hoa Vanda, Ascocendas, Hồ điệp để ngăn ngừa mầm hoa bị chột. 
  • Chất lưu-huỳnh [diêm sinh] có thể dùng để bôi vào chỗ cắt để giảm thiểu bệnh tật.
  • Nên tưới nước vào ngày hôm trước hoặc 4-5 giờ trước rồi mới bón phân. Tuyệt đối không tưới bón khi nhiệt độ thấp hơn 10°C
  • Khi muốn dùng thuốc phải nghiên cứu thật kỹ từng loại bệnh, chỉ sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây theo đúng liều lượng và hướng dẫn ghi trên bao bì, tránh tình trạng lạm dụng gây chết cây, tuyệt đối không dùng sai thuốc khi chữa bệnh cho lan. Ví dụ, lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm nên dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC,…

Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên tìm các loại thuốc phòng bệnh phổ rộng và an toàn cho người và động vật nuôi để phun phòng bệnh định kỳ, thay vì chờ khi lan bị bệnh rồi tìm cách chữa trị. Tôi thường dùng các loại thuốc an toàn như Nano Bạc, Agrifos 400, Benkona phun định kỳ nửa tháng 1 lần.

5. Kinh nghiệm trồng lan, tách chiết phong lan

 5.1. Kinh nghiệm chiết tách lan rừng:

Khi cây mới mua về, nên quan sát bộ rễ, nếu trong bụi lan có cây con và đang có rễ non, nếu rễ còn tốt không bị bầm dập thì cố gắng giữ lại. Còn không bạn nên cắt sát gốc, chỉ chừa lại 1 phần rễ ngắn khoảng 1cm.

Thời điểm không nên tiến hành chiết hay ghép cành lan rừng đó là vào khoảng tháng 7 hay tháng 11 vì thời điểm này rễ lan phát triển chậm, kích thước của cây lan con cũng nhỏ hơn nhiều so với những cây được chiết tách vào mùa xuân.Nếu không biết cách chiết tách lan rừng, tốt nhất bạn nên để nguyên bụi lớn trồng.

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm chơi lan hoàng thảo, thì không nên chiết tách mà hãy để nguyên bụi lớn trồng, bởi cây có thể bị mất sức, héo khi bạn không biết chiết hoặc chăm sóc.

Khi chia cây hay cắt cây con “keiki”, ta rắc bột quế vào chỗ cắt để tránh lây bệnh. Phân chia cây cần có kinh nghiệm và kiên nhẫn. Cần lưu ý là cây càng lớn thì cho ta càng nhiều giò hoa.

Trồng lan rừng trong chậu cần chọn chậu có khả năng thoát nước tốt, thoáng.

5.2. Kinh nghiệm trồng phong lan

  • Trước khi trồng nên xử lí giá thể thật sạch, tìm hiểu đặc tính sinh lý của từng giống lan để chọn giá thể phù hợp, dùng dây nilon để cột cây, giữ gốc lan không bị lung lay xê dịch khi tưới hoặc có gió, làm như vậy lan mới mau ra rễ và bám vào giá thể.

Lan Đai châu ghép gỗ sẽ rất sai hoa
  • Không ghép quá dày, nên ghép các cây lan cùng tuổi

  • Không nên di chuyển, dời đổi thường xuyên cây lan.
  •  Chọn chậu trồng lan có lỗ để tạo thoáng cho rễ cây, Tôi thường chọn dùng chậu có nhiều lỗ ở đáy. Ở những vùng ấm áp, cố gắng gắn lan lên những cây trong vườn. 
  • Không trồng lan quá chặt: Làm thêm vài thanh tre hoặc gỗ cắm vào chất trồng và cột 1 đầu vào sợi móc treo, sau đó cố định giả hành hoặc cây lan vào thanh tre.
  • Không trồng gốc quá sâu: Đặt gốc lan nhẹ nhàng lên trên giá thể trong chậu, sau đó cố định vào que như trên hoặc cố định vào dây móc, thành chậu.

  • Nên thay chậu 2 năm một lần và chỉ tưới sau một tuần lễ. Sau khi thay chậu, giữ cho cây lan khô ráo 1 tuần làm cho rễ bị gãy, giập chóng lành và tránh nhiễm độc
  • Bất cứ giá thể nào cũng có thể trồng lan nhưng chú ý điều khiển lượng nước hợp lý.
  • Mỗi vườn, mỗi vùng có tiểu khí hậu khác nhau, cho nên việc thay đổi cách trồng và tưới theo vườn người khác nên cân nhắc cẩn trọng.
  • Bạn trồng cây lan đơn thân chung với nhau trong một chậu lớn thay vì trồng riêng mỗi cây vào một chậu nhỏ, sau ra hoa sẽ cực đẹp
  • Vị trí đặt lan lý tưởng cho đa số phong lan là nơi có ánh nắng ấm áp buổi sáng cho đến chín giờ. Và chú ý chia khu cho loại lan, tuổi lan để chăm sóc hiệu quả cao. 
  • Một số kinh nghiệm cho phong lan:

Nếu những cây Đendro của bạn có vẻ chết thì đừng có vứt chúng đi. Hãy trút cây ra khỏi chậu và để nơi mát với ánh sáng vừa phải. Đôi khi, cây con  sẽ mọc ra ở chỗ thân khô.

Nếu bạn đang định trồng cây lan Hồ-Điệp trên một nhánh cây thì cây nhánh cây bưởi là tốt nhất. 

Để đỡ những Cymbidiums thích ẩm nhưng lại ghét nước, và thích khô ráo nhưng lại ghét vừa khô vừa nóng hay cây lan có rễ bò ra ngoài như Vanda hoặc Epidendrum thì dùng ba que tre, buộc chụm lại trên đầu

Ráng trồng Vanda trong rổ treo bằng thép mà không có đất trồng. Dây thép không mục nên khỏi phải thay chậu.

  • Kinh nghiệm hay mà độc và lạ:

Dùng một phần sữa một phần nước để chùi hay làm bóng lá lan. 

Cái rây bột có thể dùng làm cái rổ trồng lan mà lại rẻ tiền.

Để cho cây lên đều nên xoay chậu thường xuyên. Để giữ rễ mọc trong chậu, ta nên xoay sao cho rễ hướng về nguồn sáng

Nên giữ lại những nút chai rượu vang và dùng để trồng lan, nó làm cho thoáng khí xung quanh rễ.

Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân từ ngày mới bắt đầu tập tành trồng phong lan, giờ đây đã có kha khá giò phong lan ưng í. Xin chia sẻ cùng các bạn, những người cùng yêu phong lan.

438 views

Chủ Đề