Làng kiêu kỵ ở đâu

10:14' - 12/03/2021

BNEWS Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hà Nội vốn được coi là vùng đất “trăm nghề”. Các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã hình thành, phát triển mạnh mẽ, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Làng nghề Kiêu Kỵ [xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm] đã trải qua nhiều thăng trầm. Có lúc tưởng như bị mai một nhưng đến nay, Kiêu Kỵ vẫn bảo tồn, duy trì được tinh hoa của làng nghề. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - một sự tôn vinh xứng đáng với làng nghề độc đáo này.
*Tinh hoa làng nghề “độc nhất vô nhị” “Phá giặc uy danh lừng đất Bắc             Dát vàng tinh xảo nức trời Nam” Ngâm xong hai câu thơ, nhấp ngụm trà thơm, nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ không giấu được niềm tự hào cho biết: Đây là hai câu thơ mà tất cả người dân Kiêu Kỵ đều thuộc lòng và tự hào về làng mình.

Kể về lịch sử ra đời làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Anh Chung chia sẻ: Xưa có danh nhân Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai [Hải Dương], ông đỗ Tiến sỹ năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng [1740-1786] làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sỹ. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học được nghề dát đập vàng để sơn thếp vàng câu đối, hoành phi, tượng…

Về nước, ông đã truyền nghề dát quỳ vàng bạc cho dân làng Kiêu Kỵ khi đó thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh này thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm [Hà Nội]. Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề dát quỳ vàng bạc và lấy ngày 17/8 âm lịch [ngày ông rời làng đi] làm ngày giỗ Tổ nghề hàng năm. Điểm độc nhất vô nhị của làng nghề làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ là ông tổ Nguyễn Quý Trị chỉ truyền nghề cho người trong làng và làng nghề này trở thành “độc nhất vô nhị” ở nước ta. Bất kỳ người dân nào trong làng muốn học nghề quỳ vàng đều phải làm lễ khấn Tổ nghề và lập lời thề “không ai được truyền ra ngoài”.

Làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, có những lúc, nghề này tưởng chừng đã mai một. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng, cung đình. Qua hai cuộc chiến, các hộ dân làm nghề còn rất ít. Nhiều gia đình chuyển hẳn sang làm ruộng hoặc các ngành nghề khác. Phải đến khi đất nước mở cửa phát triển kinh tế, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được khôi phục, nghề làm vàng quỳ truyền thống ở Kiêu Kỵ mới có cơ hội phục hồi… Người dân làng nghề cũng cải tiến trong nhiều công đoạn trong quy trình, từ 50 công đoạn nay chỉ còn 20. Nhiều công đoạn mất công, thời gian đã được thay thế. Ví dụ như khâu chuẩn bị nguyên liệu vàng, bạc trước đây phải mất một ngày lọc, cán mỏng, nay có thể mua được nguyên liệu vàng chất lượng ngoài thị trường, máy móc hiện đại hỗ trợ. Chiếc búa dùng để đập quỳ cũng được cải tiến để được đập nhanh và hiệu quả hơn. 20 công đoạn còn lại là cả quá trình lao động hết sức tỉ mỉ, yêu cầu cao về kỹ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận của con người mà không máy móc nào thay thế được. Đó là việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với nhựa thông, viên nhỏ rồi đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt”. Quỳ vàng phải đập mỏng đều, không rách đòi hỏi phải tập trung cao độ. Chỉ cần 1 chỉ vàng, người thợ có thể đập mỏng thành 980 lá có diện tích gần 1m2 -  điều mà chưa có ngành công nghiệp nào làm được… Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung tiết lộ, bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác là công đoạn làm lá giống để đặt vào các miếng vàng bạc được cán và cắt nhỏ [gọi là điệp]. Cứ 49 miếng điệp được xếp xen kẽ giữa 50 lá giống được bó chặt vào để sử dụng cho công đoạn đánh vỡ. Đây là công đoạn mang tính quyết định chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc. Lá giống đạt tiêu chuẩn phải đủ độ dai, đàn hồi để không bị rách, nhưng lại không được phai màu keo lẫn vào vàng, nhất là phải khô để miếng vàng không bị dính vào lá giống. Một điều cần lưu ý khi lướt và đập giấy quỳ là phải loại bỏ giấy rách nát. Chỉ cần sơ ý quên, vàng bạc lúc cho vào đánh quỳ sẽ bị vỡ vụn, hoặc dàn mỏng không đều, ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ. Lá giống có thể sử dụng lại khoảng 10 lần tùy thuộc vào độ bền, kinh nghiệm làm của từng nhà…

* Những tín hiệu vui từ  làng nghề

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ vui mừng cho hay, cả làng hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300- 400 lao động, thu nhập từ 5-10 triệu/tháng, chưa kể số lao động tỏa đi làm ở các địa phương trên cả nước. Có hộ thuê tới hơn 20 lao động.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp, luôn duy trì 10 lao động thường xuyên, quanh năm sản xuất quỳ vàng, mỗi tháng sử dụng khoảng 10 cây vàng để làm nguyên liệu.  Thường thì dịp cuối năm là bận rộn nhất, ngoài công việc sản xuất quỳ vàng, gia đình ông còn nhận nhiều đơn hàng thếp vàng lên tượng, đồ thờ cúng, vật dụng trang trí… Ngoài ra, ông còn tự đặt một số hàng gốm sứ, tranh gỗ, sơn mài... để thếp vàng rồi mang ra trưng bày, giới thiệu và bán cho người có nhu cầu. Làng nghề phát triển đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Chị Lê Thị Hòa, 58 tuổi, đã làm công cho gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp hơn 20 năm qua. Chị thấy công việc này đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, cho thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Trung bình mỗi tháng, chị thu nhập hơn 4 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Ninh, 24 tuổi, con trai cả của ông Nguyễn Văn Hiệp đã có 12 năm kinh nghiệm làm nghề. Anh cho rằng, nghề này không thể giàu nhanh, nhưng công việc ổn định, thu nhập cũng khá nên anh muốn gắn bó cả đời với nghề. Anh mong muốn được chính quyền hỗ trợ anh và lớp thanh niên trong làng nói chung được vay vốn khởi nghiệp, mở rộng sản xuất... Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cho biết, để nghề truyền thống của cha ông phát triển hơn nữa trong đời sống ngày nay, người dân làng nghề đã  tìm tòi, sáng tạo và tìm hướng đi mới để quảng bá và phát triển làng nghề. Ngày nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, người dân trong làng nghề còn sử dụng kĩ thuật thếp vàng thực hiện trên nhiều sản phẩm quà tặng, đồ vật trang trí, hay các công trình kiến trúc…, được nhiều khách hàng ưa chuộng và tìm đến. Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cũng thực hiện nhiều công trình lớn, tốn nhiều thời gian và công phu. Như năm 2020, gia đình ông đã nhận thếp vàng, trang trí hoa văn cho một tư gia ở Bắc Giang, phải mất vài tháng, thuê thêm hàng chục nhân công mới hoàn thành. Cuối năm 2020, ông nhận được đơn hàng thếp vàng lên hàng ngàn con trâu làm tặng phẩm và phải hết tháng Giêng năm Tân Sửu mới hoàn thành.

Người dân làng nghề Kiêu Kỵ luôn mong muốn đưa sản phẩm dát vàng, bạc đến với thị trường quốc tế; được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển bền vững./.

Diện tích đất toàn xã 547,6 ha với tổng số dân khoảng 9.000 người; trong đó đất nông nghiệp 328 ha chiếm 59,95%; đất chuyên dùng 155,5 ha chiếm 28,40%; đất dân cư 61 ha chiếm 11,13%; đất chưa sử dụng 2,8 ha chiếm 0,52%. Xã Kiêu Kỵ nằm trải dài theo trục đường 179, từ Quốc lộ 5 đến trung tâm của xã khoảng 1km. Với vị trí ấy Kiêu Kỵ có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nói chung và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp nói riêng.

Kiêu Kỵ có 2 nghề truyền thống là sản xuất vàng quỳ và nghề may đồ da, giả da.

Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy có ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai [Hải Dương], ông đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng [1740-1786] làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang - Hàn lâm Viện trực học sĩ. Trong một lần ông đi sứ bên Trung Quốc học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thiếp vàng các đồ thờ cúng và hoành phi, câu đối... Khi về nước ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ. Sau khi ông Nguyễn Quý Trị đã truyền nghề quỳ vàng bạc cho dân làng, thì vào ngày 17/8 âm lịch, ông bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc, và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ Tổ sư hàng năm. Xưa kia, việc lo cúng lễ vào dịp giỗ Tổ nghề do dân của 4 chạ: Chạ Đông, chạ Nam, chạ Đoài và chạ Bắc của làng cùng thay nhau gánh vác.

Các cụ già có nhiều thâm niên trong nghề quỳ vàng bạc kể lại rằng đây là một nghề độc nhất vô nhị ở nước ta, và lưu truyền gìn giữ được cho đến ngày nay.

Ngoài ngày giỗ Tổ nghề vào ngày 17/8 ra, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng, các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng. Sau đó về nhà làm nghi thức "khai tràng" [tức là lễ khai búa đập quỳ]. Do đó ngày 12 tháng Giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng.

Trước Cách mạng tháng 8, nghề làm vàng quý khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước, cả tranh sơn mài nữa Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một, dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc. Nhờ vậy, hàng trăm thanh niên sau khi rời khỏi trường phổ thông và vài trăm lao động nữ có công việc làm với thu nhập ổn định.

Từ những thỏi vàng, bạc thật được đập cho dài và mỏng [gọi là đập diệp] có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó [giấy làm tranh Đông Hồ] mỏng và dai, được "lướt" nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1 cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ. Cắt nhỏ lá vàng đã đập mỏng thành mười hai mảnh, lấy một mảnh đặt tiếp lên lá quỳ và tiếp tục đập mỏng. Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh, vàng cũng đã bay tung. Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảng tre vát mỏng để giát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.

Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thợ, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực "lướt" quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách và chỉ cần lơ đãng ]một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tay 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp giát vàng của Nhật. Chính vì vậy, cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài như Sơn Đồng, Vũ Lăng, Hạ Thái [Hà Tây]; Mai Động, Đồng Quang [Bắc Ninh]; Liên Minh, Cát Đằng [Nam Định]; Bảo Hà [Hải Phòng]; nhiều nghệ nhân ở Đình Bảng, Huế và miền Nam đều là những bạn hàng thân thiết của Kiêu Kỵ. Không những xưa kia mà gần đây, các hoạ sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn thành phố, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Bác và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc. Các di sản văn hoá, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An, cả Văn Miếu Quốc Tử Giám càng không thể thiếu vàng quỳ, bạc quỳ.

Mọi người đều phải thừa nhận rằng nghề quỳ vàng bạc là một nghề truyền thống độc nhất vô nhị của nước ta, với nhiều cung đoạn khá phức tạp, nên một người thợ dù tài giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể làm hết các công việc được. Và trên thực tế không có loại máy móc nào dù hiện đại đến đâu cũng khó có thể thay thế được đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công của làng quê Kiêu Kỵ trong việc làm quỳ. Để làm ra một sản phẩm quỳ vàng hay quỳ bạc với chất lượng cao thì phải có sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều người thợ trong một dây chuyền sản xuất đồng bộ và khép kín. Thực tế đã cho thấy, sản phẩm quỳ vàng và quỳ bạc do dân làng Kiêu Kỵ làm ra đã đáp ứng được yêu cầu của các nghệ nhân sơn thiếp vàng bạc và các nhà họa sĩ vẽ tranh sơn mài từ nhiều năm nay, và không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài.

Có thể nói sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kỵ đã góp phần làm đẹp cho đời. Đó chính là cái đẹp tiềm ẩn hay cái hồn trong mỗi pho tượng hay trong mỗi bức tranh do người thợ quỳ vàng bạc tài khéo của làng nghề Kiêu Kỵ góp phần làm ra đã từng nổi tiếng hàng trăm năm nay.

Bên cạnh đó Kiêu Kỵ còn nổi tiếng với nghề làm đồ dùng bằng da và giả da, có thể nói là nhất nước. Nghề này bắt đầu phát triển ở Kiêu Kỵ từ năm 1970 của thế kỷ trước. Khi đó, Hợp tác xã may da, vải bạt Kiêu Kỵ được thành lập. Ông Đinh Hữu Trạch, ông Vũ Danh Năng là hai cán bộ phụ trách thành lập ngành nghề. Lúc thành lập chỉ có 8 người: các ông Vũ Hữu Cơ, Phạm Đình Hàm, Lê Bá Hồng, Lê Hữu Duyến, Vũ Huy Hợi, Đinh Bá Tào, Nguyễn Đức Điền, Đinh Bá Hà. Sau phát triển rất đông, lúc này nghề làm ruộng, nghề quì, nghề may da rất thịnh vượng, dân ấm no. Đến năm 1989, Hợp tác xã giải thể không bao cấp, nghề may da được làm tự do.

Khác với nghề dát vàng, nghề may da phát triển khá nhanh. Từ đầu những năm 1990, các hộ kinh doanh cá thể ra đời góp phần làm cho kinh tế địa phương thêm phát triển và cải thiện đời sống. Cơ sở hạ tầng địa phương được nâng cấp, người dân xây nhà cửa cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ. Hiện nay Kiêu Kỵ có khoảng 80 chủ hộ, khoảng 4.500 lao động tham gia may [có khoảng 2.000 máy khâu] và kinh doanh các phụ kiện khác như: thu gom vật liệu, thiết kế mẫu, cắt, tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm... Hằng năm, từ may da, các cơ sở đã sử dụng hàng ngàn mét vải giả da, hàng tấn nhựa các loại; hàng chục tấn giấy các-tông... để tạo ra hàng triệu sản phẩm các loại gồm: cặp, ba lô, túi sách, giày dép giả da, hàng nghìn đôi ô, dù phục vụ cho khách hàng đi du lịch. Doanh thu từ nghề may và kinh doanh các phụ kiện khác ở Kiêu Kỵ thường đạt 60 - 65% tổng thu nhập của toàn xã. Sản phẩm da của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Hàng năm, làng nghề đã sử dụng trên 400.000m2 vải giả da, sản xuất ra khoảng 3 triệu sản phẩm cặp, ba lô, túi xách, ô dù, nhà nghỉ dã ngoại bằng nguyên liệu giả da và trên 1.500 đôi giày dép da. Đặc biệt trong đó là công ty LADODA với các sản phẩm cặp túi da được người tiêu dùng bình chọn "Hàng Việt Nam chất lượng cao" và đoạt được nhiều giải thưởng tại các hội chợ triển lãm trong nước.

Năm 2006, Hội nghề da Kiêu Kỵ được thành lập với số lượng ban đầu là 50 hội viên với trên 300 hộ chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp qui mô nhỏ, thu hút 1.035 lao động chuyên và 3.106 lao động thời vụ. Để khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, Sở Công nghiệp Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố và Bộ Công nghiệp hỗ trợ kinh phí thành lập Hội nghề da Kiêu Kỵ từ Quỹ khuyến công Quốc gia năm 2006. Căn cứ Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2006-2010 được UBND Thành phố phê duyệt, Sở Công nghiệp đang và sẽ phối hợp với UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Kiêu Kỵ và Hội nghề da Kiêu Kỵ xây dựng Kế hoạch khuyến công hàng năm để tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho làng nghề Kiêu Kỵ thông qua các đề án khuyến công về hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động cải tiến mẫu mã; tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các chủ cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ tư vấn cung cấp thông tin thị trường, xử lý môi trường; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn, áp dụng công nghệ, thiết bị mới; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.

Đặc biệt, trong năm 2001, năm đầu của thiên niên kỷ mới, Kiêu Kỵ đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương về thăm làng nghề và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về tham gia tết trồng cây cùng với dân làng, nhằm phát động "Tết trồng cây ơn Bác" trong cả nước. Quả là chưa có một làng nghề nào mà vào dịp đầu năm được đón tiếp cả Chủ tịch nước và Tổng bí thư về thăm như vậy.

Cán bộ và nhân dân Kiêu Kỵ quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống mà tổ tiên truyền lại, động viên con cháu học lấy nghề và kế tục lâu dài cho muôn đời về sau. Tuy nhiên, trong xu thế chung cơ chế thị trường, việc phát triển làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề quỳ vàng bạc gặp không ít những khó khăn. Những người thợ thủ công sống chủ yếu nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ có chung ước vọng - Đó là nhờ Nhà nước có biện pháp hữu hiệu can thiệp với ngành thủ công mỹ nghệ nên xây dựng kế hoạch phát triển ổn định trước mắt và lâu dài cho các làng nghề thủ công truyền thống ở ven đô trong đó có làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ. Đồng thời chú trọng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có liên quan và sử dụng đến các sản phẩm quỳ vàng cũng như quỳ bạc của làng nghề Kiêu Kỵ, nhằm mục đích đảm bảo cho các gia đình sản xuất quỳ phát triển đúng hướng phục vụ theo nhu cầu thị trường ở trong nước và cả ở nước ngoài. Nếu có điều kiện thì Nhà nước nên đứng ra tổ chức lại sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm giữ giá cả ổn định để người sản xuất quỳ đỡ bị thiệt thòi; Và làm họ yên tâm sống với nghề của ông cha để lại, góp phần làm đẹp cho đời và cho quê hương đất nước.

Website: //kieuky.com/

admin admin

In bài viết
Gửi mail

Video liên quan

Chủ Đề