Lãnh đạo khác quản trị như thế nào năm 2024

Nhà quản lý và lãnh đạo đều có nhiệm vụ là người đứng đầu dẫn dắt, giám sát đội ngũ của mình? Vậy liệu hai khái niệm này có phải là một?

Chúng ta ai cũng đã từng một lần có thắc mắc hoặc đặt ra câu hỏi: “Quản lý và Lãnh đạo khác nhau ra sao?” nhưng các câu trả lời đều không có được sự cô đọng và súc tích nhất định. Vậy đâu là những điểm khác biệt rõ ràng và cơ bản nhất giữa hai khái niệm này? Hãy cùng tìm hiểu qua 9 điểm khác biệt này.

1. Nhà lãnh đạo đưa ra tầm nhìn, nhà quản lý đưa ra mục tiêu

Các nhà lãnh đạo vẽ một bức tranh tổng thể về những gì mình thấy và truyền cảm hứng cho cấp dưới của họ chung tay biến bức tranh đó thành hiện thực. Họ có nhiệm vụ nghĩ ra và đưa những ý tưởng mới vào kế hoạch của công ty trong giai đoạn tiếp theo. Nhà lãnh đạo phải luôn có tầm nhìn, đồng thời không ngừng phát triển các chiến lược và chiến thuật mới. Do đó họ cần phải có hiểu biết về các xu hướng, các nghiên cứu và cập nhật kỹ năng mới nhất.

Trong khi đó, các nhà quản lý tập trung vào việc thiết lập, đo lường và đạt được mục tiêu. Họ kiểm soát các tình huống để mọi thứ được duy trì và vận hành theo đúng kế hoạch.

2. Lãnh đạo là tác nhân thay đổi, nhà quản lý duy trì hiện trạng

Các nhà lãnh đạo là những người luôn tìm kiếm sự đổi mới. Họ chấp nhận thay đổi ngay cả khi biết rằng mọi thứ đang hoạt động bình thường; nếu họ cho rằng đã tìm ra một cách thức mới đem lại hiệu quả tốt hơn. Các nhà lãnh đạo đều hiểu và sẵn sàng với thực tế rằng những thay đổi thường sẽ tạo ra sóng ngầm bất ổn trong bộ máy doanh nghiệp/tổ chức.

Các nhà quản lý luôn tận tụy, gắn bó với những gì đang hoạt động. Họ lựa chọn tinh chỉnh hệ thống, cấu trúc và quy trình để làm cho hệ thống đạt hiệu quả cao hơn.

3. Lãnh đạo là duy nhất, quản lý là học hỏi

Các nhà lãnh đạo sẵn sàng là chính mình. Họ tự nhận thức và làm việc tích cực để xây dựng thương hiệu cá nhân độc đáo, khác biệt của họ. Các nhà lãnh đạo luôn thoải mái với phong cách của riêng mình và sẵn sàng nổi bật. Họ cũng được biết tới là những người xác thực và minh bạch.

Các nhà quản lý học hỏi những khả năng và kỹ năng quản lý của mình thông qua những kinh nghiệm công việc hoặc từ người khác. Họ thiên về học hỏi để làm nên phong cách lãnh đạo của bản thân hơn là tự định nghĩa, sáng tạo.

4. Lãnh đạo chấp nhận rủi ro, nhà quản lý kiểm soát rủi ro

Các nhà lãnh đạo sẵn sàng đương đầu với những điều mới ngay cả khi họ có thể thất bại thảm hại. Họ biết rằng càng có rủi rot hi cơ hội sẽ càng lớn; và thất bại sẽ là một bước trên con đường dẫn đến thành công.

Các nhà quản lý làm việc để giảm thiểu rủi ro hay những tình huống ngoài ý muốn. Họ luôn tìm cách né tránh, kiểm soát các vấn đề này hơn là đâm đầu vào những thứ không an toàn.

5. Nhà lãnh đạo chuẩn bị cho một đoạn đường dài, nhà quản lý kiểm soát ngắn hạn

Các nhà lãnh đạo luôn có tầm nhìn xa. Họ làm những gì họ nói họ sẽ làm và hướng tới một mục tiêu lớn trong một tương lai xa. Các nhà lãnh đạo có thể làm việc để hướng tới mục tiêu này với một động lực cháy bỏng mà không cần nhận được bất cứ phần thưởng nào ngoài chạm tới đích đến.

Ngược lại, các nhà quản lý làm việc dựa trên các mục tiêu ngắn hạn. Họ luôn giám sát, kiểm tra quá trình và tìm kiếm những sự công nhận cùng các phần thưởng từ cấp trên hoặc từ hiệu quả thực tế.

6. Nhà lãnh đạo mở rộng, phát triển cá nhân; nhà quản lý phát triển, hoàn thiện kỹ năng hiện có

Các nhà lãnh đạo biết nếu họ không học được điều gì mới mỗi ngày, họ sẽ đứng yên và bị tụt lại phía sau. Họ luôn tò mò và tìm cách nắm bắt những thứ mới mẻ trong một môi trường kinh doanh luôn thay đổi.

Các nhà quản lý thường tìm cách phát triển từ những gì đã khiến họ thành công; hoàn thiện các kỹ năng hiện có và áp dụng những phương pháp đã được chứng minh qua các kiến thức, kinh nghiệm, mà họ đã trải qua.

7. Nhà Lãnh đạo củng cố niềm tin, nhà quản lý giám sát và dẫn dắt về mặt công việc

Lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên. Nếu mọi người hào hứng với ý tưởng của bạn thì đó chính là bởi họ đã được bạn truyền “lửa” và niềm tin.

Còn ở vai trò nhà quản lý, họ có nhiệm vụ duy trì kiểm soát đối với nhân viên để nhân viên phát huy khả năng lớn nhất nhằm tạo ra sản phẩm và tăng lợi nhuận cho công ty. Để làm việc này một cách hiệu quả, nhà quản lý cần phải am hiểu các xu hướng hành vi, sở thích, đam mê và kỳ vọng về phúc lợi của cấp dưới.

8. Nhà lãnh đạo huấn luyện, nhà quản lý hướng dẫn trực tiếp

Các nhà lãnh đạo biết rằng những người làm việc cho họ đã có câu trả lời hoặc có thể tìm thấy chúng. Họ biết mình đã tuyển dụng những người có năng lực và luôn tin tưởng, tạo điều kiện cho cấp dưới của mình tự do phát triển. Các nhà lãnh đạo không nói cho nhân viên của mình phải làm gì và làm như thế nào cho đến khi họ thấy thực sự cần thiết.

Nhà quản lý luôn phân công nhiệm vụ theo từng bước và cung cấp hướng dẫn về cách hoàn thành chúng cho đội ngũ của mình.

9. Lãnh đạo hỏi “Cái gì và tại sao”, quản lý hỏi “Như thế nào và bao giờ”

Nếu công ty phạm phải sai lầm nào đó thì lãnh đạo sẽ là người đặt ra câu hỏi: “Chúng ta học được gì từ sai lầm này?” và “Tại sao trong kế hoạch ban đầu không cân nhắc đến trường hợp này?”

Tuy nhiên, nhà quản lý thì lại không chú trọng vào những sai lầm. Nghề của họ là hỏi “như thế nào” và “bao giờ” để đảm bảo kế hoạch sẽ được thực hiện như dự định.

Bạn là nhà lãnh đạo hay nhà quản lý? Tuy lãnh đạo có vẻ là mẫu hình cấp trên lý tưởng hơn; nhưng nên nhớ rằng để đứng vững và thành công, tất cả các đội nhóm và doanh nghiệp phải kết hợp giữa duy trì và thay đổi. Họ phải vừa vận hành vừa đổi mới, vừa giữ vững hướng đi đã đặt ra nhưng vẫn phải sẵn sàng thay đổi. Lý tưởng hóa lãnh đạo và xem nhẹ quản lý chỉ khiến cho các thử thách mà doanh nghiệp phải đối mặt trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, dù là nhà quản lý hay lãnh đạo thì điều quan trọng bạn cần làm vẫn là không ngừng học hỏi, phát triển cá nhân để đưa doanh nghiệp cùng sự nghiệp của bản thân vươn xa hơn trong tương lai. MBA Andrews ở đây để làm bàn đạp tri thức giúp những nhà lãnh đạo/quản lý thực hiện mục tiêu điều đó.