Mắt người nhìn được bao nhiêu khung hình trên giây

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn lý do vì sao trong lịch sử gần một thế kỷ của điện ảnh, bất chấp sự phát triển vượt bật của công nghệ thu hình, chuẩn 24 hình/giây vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các nhà làm phim. Sự lựa chọn này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn đậm ý nghĩa về nghệ thuật.

Sự ra đời của chuẩn 24 hình/giây


Trước khi chuẩn 24 hình/giây ra đời, các bộ phim câm [điển hình như những tác phẩm kinh điển của danh hài Charlie Chaplin] thường được phát với tốc độ từ 16 - 26 hình/giây. Tuy nhiên vào năm 1926, sự xuất hiện của các bộ phim lồng tiếng đã thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh. Con người rất nhạy cảm với âm thanh, vì vậy các nhà sản xuất buộc phải đặt ra một quy chuẩn chung để tránh sự bất đồng nhất giữa hình và tiếng khi trình chiếu.


24 hình/giây là tốc độ khung hình tiêu chuẩn của tất cả các phim điện ảnh sau 1930 - ảnh www.mtv.com​

Vào thời điểm này, các rạp thường chiếu phim với tốc độ từ 22 đến 26 hình/giây và 24 hình/giây được lựa chọn. Từ 1927 đến 1930, các studio làm phim cập nhật lại các thiết bị của mình và 24 hình/giây chính thức trở thành tốc độ khung hình tiêu chuẩn cho các bộ phim nhựa 35 mm. 24 hình/giây được sử dụng cho đến tận ngày nay, dẫu các nhà làm phim đã chuyển đổi sang định đạng kỹ thuật số và các thiết bị thu hình có khả năng quay với tốc độ cao hơn rất nhiều.

Quảng cáo



24 hình/giây dưới góc độ kỹ thuật

Vào năm 1926, sự lựa chọn 24 hình/giây làm tốc độ thu hình được xem là thuần tuý vì lý do kỹ thuật. 24 hình/giây là tốc độ thấp nhất mà vẫn đảm bảo sự đồng nhất với âm thanh và tránh hiện tượng nháy hình. Tốc độ thấp cũng đồng nghĩa với việc sử dụng ít thước phim, giảm thiểu chi phí sản xuất đồng thời tối đa hoá lợi nhuận. Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu thì sự hạn chế về kỹ thuật của tốc độ 24 hình/giây đã được ngành công nghiệp phim ảnh nhận thức rất rõ.


24 hình/giây được lựa chọn bởi vì nó giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất phim - ảnh www.mowgliproductions.in​

Đó là lý do mà khi trình chiếu tại các rạp, việc sử dụng máy chiếu với màn trập 2 lá cho phép mỗi khung hình được lặp lại 2 lần, nâng tốc độ lên đến 48 hình/giây để khắc phục hiện tượng nháy hình. Một số máy chiếu phim nhựa 35 mm hiện đại sử dụng màn trập 3 lá, nâng tốc độ khung hình lên đến 72 hình/giây với mỗi khung hình được lặp lại 3 lần. Kỹ thuật này tương tự như các dòng TV hiện nay trình chiếu nội dung với tốc độ thấp hơn nhiều so với tần số quét thực của chúng [TV 60 Hz chiếu nội dung 30 hình/giây].


24 hình/giây giúp chuyển đổi sang hệ PAL [50 hình/giây] và NTSC [60 hình/giây] dễ dàng hơn - ảnh Hardwarestuff Wiki - Wikia​

Sự không đồng nhất về chuẩn trình chiếu tại gia từ thời kỳ analog cũng là một trong những nguyên nhân mà 24 hình/giây được các nhà làm phim lựa chọn. Với 2 hệ video phổ biến từ thời kỳ analog là PAL [50i] và NTSC [60i], việc chọn tốc độ khung hình khác 24 hình/giây sẽ khiến nhà sản xuất phim gặp khó khăn trong việc phân phối đến khán giả gia đình [băng từ VHS hoặc chiếu trên truyền hình] do vấn đề về chuyển đổi. Nếu sử dụng 24 hình/giây, sử dụng phương pháp chuyển đổi 2:2 pull down [PAL] hoặc 3:2 pull down [NTSC] cho phép chuyển các phim chiếu rạp sang băng từ VHS một cách dễ dàng mà không làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hình ảnh cũng như sự đồng nhất với âm thanh.


Các phim blu-ray hiện nay đều lưu ở tốc độ 24 hình/giây [24 fps]​

Các hệ video kỹ thuật số mới như ATSC [Bắc Mỹ, Hàn Quốc,...] hay DVB-T/DVB-T2 [Việt Nam, Châu Âu,...] cho phép hỗ trợ nhiều tốc độ khung hình khác nhau và việc chuyển đổi không còn là vấn đề quá lớn như trước kia nữa. Tuy nhiên khi phân phối nội dung qua định dạng đĩa Blu-ray, 1080p@24Hz [24 hình/giây] vẫn là sự lựa chọn của các hãng phim. Các TV được phân phối hiện nay đều có chế độ mặc định cinema 24p, tối ưu cho trình chiếu 24 hình/giây bất chấp tần số quét thực lẫn vùng phân phối [60/120 Hz đối với khu vực Bắc Mỹ hay 50/100 Hz đối với khu vực Châu Âu, Châu Á và Việt Nam]

Quảng cáo




Dù chuyển sang hệ NTSC hay PAL, Sony A7 vẫn sẽ có tuỳ chọn quay ở 24 fps - ảnh www.eoshd.com
Điển hình cho chuẩn 24 hình/giây không bị giới hạn bởi hệ vùng video khi là khi sử dụng một số thiết bị quay phim. Chẳng hạn đối với dòng máy Sony A7/A7s/A7r, người dùng buộc phải chuyển hệ nếu như muốn quay ở tốc độ 60 Hz [NTSC] hoặc 50 Hz [PAL]. Tuy nhiên dù ở bất cứ hệ video nào thì vẫn luôn có tuỳ chọn 24 hình/giây.

24 hình/giây ở góc độ nghệ thuật


Tính đến năm 2015, 24 hình/giây đã gắn liền với ngành công nghiệp điện ảnh gần 90 năm. Sự khác biệt của một bộ phim chiếu rạp không chỉ đơn thuần là ở góc máy, kịch bản hay cách phối màu sắc; nó còn được gắn liền với cảm giác về chuyển động mà 24 hình/giây đem lại. Nói một cách đơn giản, nhược điểm nhoè hình [motion blur] khi thể hiện các cảnh chuyển động nhanh của tốc độ 24 hình/giây được những người mê phim xem như là một nét đặc trưng của điện ảnh.


Hiện tượng nhoè hình [motion blur] gắn liền với cảm giác điện ảnh - ảnh www.technologyx.com​

Rất khó có thể lý giải một cách khoa học về sức hút của sự mờ ảo trong chuyển động của phim và đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Một trong những lý do phổ biến nhất thường được các tín đồ điện ảnh đề cập là vì tính nghệ thuật của chúng. Tương tự như việc xoá phông trong nhiếp ảnh, con người thường thích cảm nhận những thứ xung quanh mình ở một góc độ khác. Sự mờ ảo trong việc trình diễn các cảnh hành động được cho là đem lại chất riêng cho những bộ phim trên màn bạc, đối lập với sự rõ ràng của thực tế cuộc sống. Khi đạo diễn Peter Jackson quyết định dùng công nghệ quay tốc độ cao HFR [48 hình/giây] cho phim the Hobbit, không ít người xem cho rằng nó quá "thực", làm mất chất phim. Thậm chí họ có cảm tưởng như đang xem phim truyền hình rẻ tiền thay vì một tác phẩm điện ảnh bom tấn.

Quảng cáo



Sự phổ biến của 24 hình/giây

Mặc dù được giới thiệu từ năm 1926, sử dụng tốc độ 24 hình/giây ngày càng trở nên phổ biến. Tất cả các bộ phim chiếu rạp hiện nay đều được quay ở 24 hình/giây [ngoại trừ trilogy The Hobbit của Peter Jackson quay ở 48 hình/giây], bất kể đó là Hollywood, Bollywood hay phim Việt.


Phim truyền hình Mỹ như Game of Thrones cũng sử dụng 24 hình/giây để đem lại cảm giác điện ảnh - ảnh www.ew.com​

Không chỉ dừng lại ở màn bạc, ngày càng nhiều phim truyền hình tốc độ 24 hình/giây để tạo ra cảm giác "điện ảnh" cho người xem. Kỹ thuật này được áp dụng trong hầu hết các bộ phim truyền hình của Mỹ. Breaking Bad, Game of Thrones, The Walking Dead là những bộ phim truyền hình điển hình sử dụng tốc độ 24 hình/giây cùng các kỹ thuật về góc quay và phối màu cho người xem cảm giác không thua kém gì phim chiếu rạp. Khi bạn so sánh phim truyền hình của Mỹ [24 hình/giây] và Hàn Quốc [30 hình/giây], sự khác biệt về độ rõ nét trong các cảnh chuyển động khá dễ nhận ra. Các bộ phim truyền hình của TVB từ năm 2000 trở về trước thường được quay ở 30 hình/giây. Tuy nhiên 25 hình/giây là tốc độ khung hình bạn thường thấy trong những bộ phim gần đây. Đây là một biến thể của 24 hình/giây để tương thích với tần số quét gốc 50 Hz của các TV hệ PAL.


Một số trò chơi giả lập lại hiệu ứng mờ [motion blur] của 24 hình/giây - ảnh www.giantbomb.com​

Hiệu ứng làm mờ các cảnh chuyển động nhanh của phim ảnh do 24 hình/giây tạo ra thậm chí còn thâm nhập vào cả trò chơi điện tử. Chế độ Motion Blur xuất hiện trên các tựa game bom tấn như Witcher 3, Bioshock Infinite hay Metro Last Light tiêu tốn không ít tài nguyên hệ thống với một nhiệm vụ duy nhất là làm mờ chuyển động, giả lập cảm giác "điện ảnh 24 hình/giây" dù tốc độ khung hình thực cao hơn khá nhiều [tối thiểu 60 hình/giây để đảm bảo sự mượt mà trong tương tác].

Tương lai của 24 hình/giây


Sự kết hợp gần như là hoàn hảo giữa tính kỹ thuật và nghệ thuật của 24 hình/giây là yếu tố giúp nó tồn tại đến ngày hôm nay. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không muốn thay đổi nó bằng một tiêu chuẩn tốt hơn [về mặt kỹ thuật].


48 fps được kỳ vọng sẽ thay thế cho 24 fps trong tương lai​

Kỹ thuật quay tốc độ cao HFR [high frame rate] với 48 khung hình/giây đã được đạo diễn Peter Jackson sử dụng trong Trilogy The Hobbit được xem là sự kế thừa tiếp theo của 24 hình/giây. Mặc dù những phản ứng của người xem không hẳn là tích cực, tuy nhiên ưu thế về khả năng thể hiện rõ nét các cảnh chuyển động của kỹ thuật quay này là không thể bàn cãi. Sau Peter Jackson, đạo diễn nổi tiếng James Cameroon cũng cho biết ông sẽ quay phần tiếp theo của Avatar với tốc độ cao hơn 24 hình/giây để tạo cao cảm giác trung thực hơn cho tác phẩm. Ra mắt vào năm 2009, chính Avatar của James Cameroon đã mở ra kỷ nguyên 3D cho điện ảnh, và có lẽ sẽ không có gì bất ngờ khi Avatar 2 làm được điều tương tự với HFR.

Avatar 2 dự kiến sẽ được công chiếu vào tháng 12/2017 và ít nhất cho đến thời điểm đó, 24 hình/giây vẫn được xem là tốc độ khung hình vàng đối với điện ảnh.

Tổng hợp

Video liên quan

Chủ Đề