Mục tiêu của Samsung khi đầu tư vào Việt Nam

Mục tiêu của Samsung khi đầu tư vào Việt Nam

Tổ hợp nhà máy Samsung Thái Nguyên, một cơ sở sản xuất lớn trong tổ hợp Samsung Việt Nam - Ảnh: L.B.

Tọa đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và một số nhà đầu tư FDI lớn.

Đánh giá về triển vọng đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian tới, ông Choi Joo Ho cho biết hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm R&D này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.

Theo ông Choi Joo Ho, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn.

Cũng theo người đại diện Samsung Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm công ty này vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, và nếu nhà máy Samsung tại TP.HCM sớm hoạt động trở lại thì hãng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.

Về chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho khẳng định Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư vào thị trường này dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất. 

Và với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại quốc gia này.

"Nếu trước đây Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp thì sắp tới tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu", đại diện Samsung Việt Nam nhấn mạnh.

Là một trong những nhà đầu tư vừa quyết định mở rộng đầu tư tại quốc gia này, ông Binu Jacob, tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương.

Về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư, ông Binu Jacob cho hay cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé, vì vậy, tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Đồng Nai.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng ghi nhận đến 20-9, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2020, vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh đều tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.

BẢO NGỌC

Ngày 19 tháng 1 năm 2022 – Hôm nay, Samsung Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19, năm 2021, Samsung Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu so với năm 2020. Cụ thể, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.

Kết quả tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu như trên là do các nhà máy của Samsung đã nghiêm túc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ Việt Nam khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 năm 2021. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2021, do các nhà máy của Samsung Việt Nam và các nhà cung ứng đặt tại các địa phương có sự bùng phát dịch mạnh mẽ và phải thực hiện một số biện pháp phòng dịch quyết liệt nên Samsung đã gặp phải một số khó khăn trong việc cung cấp linh, phụ kiện khiến sản xuất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương nơi Samsung và các nhà cung cấp đặt nhà máy, nên những khó khăn này đã nhanh chóng được giải quyết để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng không thể không kể đến nỗ lực của các nhân viên Việt Nam cũng như các nhân viên Hàn Quốc khi sẵn sàng ở lại nhà máy theo quy định “3 tại chỗ” nhằm duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Mục tiêu của Samsung khi đầu tư vào Việt Nam

Đặc biệt, để đảm bảo việc cung cấp linh kiện không bị gián đoạn, ban lãnh đạo Samsung đã coi việc hỗ trợ các nhà cung cấp phòng dịch, duy trì ổn định sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực. Samsung Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương nơi có nhiều nhà cung cấp như Bắc Giang, Vĩnh Phúc để giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa, di chuyển của nhân lực.

Khắc phục những khó khăn đó, Samsung cũng đã cho ra mắt các sản phẩm gây tiếng vang lớn trên thị trường toàn cầu. Các dòng điện thoại chiến lược được sản xuất tại Việt Nam của Samsung như Galaxy Z Fold 3 và Galazy Z Flip 3 góp phần chủ lực trong doanh thu của Samsung Việt Nam. Trong năm 2021, các mẫu điện thoại gập của Samsung đã bán được trên 4 triệu sản phẩm trên toàn thế giới, tăng 4 lần so với năm 2020. Theo công ty chuyên điều tra thị trường Counterpoint research, trong tổng số thị phần của điện thoại Samsung tại Mỹ, lượng bán ra của các dòng điện thoại gập đã tăng từ 0,6% trong năm 2020 lên đến 12% trong năm 2021. Hiện tại hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm di động thông minh được sản xuất tại các nhà máy Samsung tại Việt Nam đang được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mục tiêu của Samsung khi đầu tư vào Việt Nam

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Đáp lại sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam do đại dịch COVID-19. Ngoài việc giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt, hàng năm chúng tôi vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD, đạt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD.”.

Kết quả kinh doanh vượt trội của Samsung Việt Nam năm 2021 còn có sự đóng góp không nhỏ từ nỗ lực của các nhân viên Việt Nam. 5 nhân viên xuất sắc, trong đó 4 nhân viên của công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và 1 nhân viên của công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) đã có sáng kiến cải tiến hiệu quả trong sản xuất làm lợi cho doanh nghiệp 5,3 triệu USD mỗi năm. Các hoạt động cải tiến này đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và tại Lễ tuyên dương “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, 5 nhân viên nói trên của Samsung đã vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính trao “Bằng lao động sáng tạo”.

Mục tiêu của Samsung khi đầu tư vào Việt Nam

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)

Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Trong kế hoạch phát triển của Samsung, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D. Hiện nay, Samsung đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Hiện Trung tâm R&D mới dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT…