Ngày hội chợ nổi cái răng 2023

Ðông đảo du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.

Sau thời gian dài tạm lắng vì dịch bệnh, chợ nổi nhộn nhịp trở lại vào những Ngày hội. Rất nhiều ghe tàu tấp nập trên chợ nổi, tiếng trao đổi của tiểu thương và du khách rộn rã. Chị Trần Thị Hoàng Oanh [đến từ Hà Nội], cho biết: “Lần đầu tôi đi chợ nổi lại ngay dịp Ngày hội, không khí trên sông rất náo nhiệt. Nhất là các ghe tàu đều treo cờ rất đẹp mắt và ấn tượng”. Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Lê, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nói: “Ðây là lần thứ hai tôi đi chợ nổi. Lần này thấy tàu ghe xôm tụ và mua bán nhiều hơn trước, tôi có nhiều trải nghiệm ấn tượng hơn. Ðiển hình như có nhiều ghe được trang trí màu sắc rực rỡ, tạo thêm sức sống cho chợ nổi; có thêm ghe biểu diễn đờn ca tài tử, nên hoạt động ở chợ nổi có thêm sinh khí, vui và thú vị hơn”.

Trong 3 ngày diễn ra Ngày hội với khoảng 16 hoạt động, cung cấp cho du khách đủ các trải nghiệm từ ẩm thực đến mua bán, giới thiệu nông sản, quảng bá du lịch, làng nghề… Một trong những hoạt động nổi bật được nhiều du khách yêu thích là thưởng thức bánh dân gian miễn phí. Chị Lâm Thị Kim Thoa, du khách đến từ Ðà Nẵng, nói: “Tôi được thưởng thức một số loại bánh dân gian Nam Bộ, như bánh khoai mì, bánh bò… Các loại bánh này khá ngon và chắc chắn tôi sẽ mua thêm vài món bánh khác để thưởng thức nhằm biết thêm về ẩm thực miền Tây”. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, ở Cái Răng, cho biết: “Ðây là năm thứ hai tôi tham gia Ngày hội, với mong muốn giới thiệu những món bánh truyền thống của gia đình với du khách gần xa”. Cô Ngọc Thúy đã có hơn 40 năm làm bánh, trong đó nổi tiếng là bánh lá hoa hồng. Ðặc biệt, lần này cô Ngọc Thúy mang đến Ngày hội một loại bánh hoàn toàn mới là bánh mít. Bánh mít này cô vừa mới thử nghiệm thành công và vui mừng đem bánh đến Ngày hội để du khách gần xa được thưởng thức. Có chung niềm hân hoan với cô Ngọc Thúy, chủ tiệm bánh tét Mai Anh [gốc là lò Minh Tân], cũng chia sẻ sự phấn khởi giới thiệu lò bánh gia truyền ba đời của gia đình đến với du khách, trong đó đặc trưng là bánh tét ngũ sắc của gia đình.

Bên cạnh các gian hàng ẩm thực, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống cũng thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. Du khách Ngô Nguyễn Ngọc Diệp, đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Ðây là lần đầu tôi biết về quy trình dệt chiếu, đan thúng. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi thử làm thì đúng là thử thách. Nhất là đan thúng, tôi tốn rất nhiều sức khi đan thử, nếu không cẩn thận có thể bị tre cứa. Ðiều này làm tôi thêm trân trọng những người giữ nghề truyền thống”. Tại đây có 5-6 nghệ nhân, trình diễn các nghề nổi bật của địa phương như dệt chiếu, đan giỏ, đan thúng… Bàn tay khéo léo của họ thu hút không ít người xem và tìm hiểu về nghề thủ công này.

Du khách tham quan và mua sắm tại các gian hàng của Ngày hội.

Du khách đến từ Hà Nội Hoàng Trọng Kiên cho biết: “Lần đầu tôi đến chợ nổi, tham quan không gian Ngày hội, tôi có ấn tượng với một số gian hàng trưng bày tạo hình trái cây, nông sản độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gian hàng chưa trưng bày. Các gian hàng bỏ trống còn quá nhiều ảnh hưởng mỹ quan chung. Tôi cũng nghĩ là nên có nhiều gian hàng bán đặc sản trái cây hơn như thế mới có kết nối với chợ nổi”. Tương tự, chị Trần Lê Hạnh Linh, ở Hải Phòng, nói: “Tôi cũng thấy tiếc vì ở đây các gian hàng bán trái cây ít quá. Tôi rất thích trái cây miền Tây”.

Ngày hội năm nay đã tạo được không khí sôi nổi cho chợ nổi, tuy nhiên các hoạt động vẫn chưa thực sự thu hút nhiều du khách, do thiếu sự trải nghiệm tương tác. Thêm vào đó, việc tổ chức và bố trí các gian hàng còn lộn xộn, còn quá nhiều gian để trống, gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Ngày hội. Tuy nhiên, Ngày hội cũng thu hút lượng khách nhất định và tạo được dấu ấn để du khách biết đến sự kiện của địa phương. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Ngày hội đã tạo được sức lan tỏa cộng đồng, thu hút nhiều du khách gần xa đến với Cái Răng. Tôi cho rằng cần có những hoạt động như thế thường xuyên để từ đó tạo sự hiểu biết về chợ nổi sâu rộng hơn đến du khách trong và ngoài nước”.

Qua 6 lần tổ chức, Ngày hội từng bước tạo cho Cái Răng dấu ấn trong quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng. Thông qua sự kiện Ngày hội, du khách có cơ hội hiểu sâu hơn về đời sống, nếp sinh hoạt của người dân chợ nổi ở Cái Răng và Cần Thơ nói riêng, cũng như ÐBSCL nói chung.

Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2022 với nhiều hoạt động hấp dẫn

Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận từ năm 2016 và là địa điểm nổi tiếng không chỉ đối với du khách trong nước, mà cả đối với khách quốc tế. Sau 2 năm phải gián đoạn việc tổ chức do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ngày hội được tổ chức trở lại nhằm tạo điểm nhấn du lịch Cần Thơ, kết nối tour tuyến, giới thiệu sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày hội năm nay diễn ra quy mô khá lớn, bao gồm nhiều hoạt động như: Chương trình văn nghệ chào mừng Ngày hội Du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”; diễu hành tàu từ Bến Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng; đờn ca tài tử trên chợ nổi; giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, thương mại, ngành nghề truyền thống; hoạt động ẩm thực, bánh dân gian, quà lưu niệm…

Hoạt động diễu hành trên sông được nhiều du khách hưởng ứng

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết: “Đến với các hoạt động trong Ngày hội năm nay không chỉ là dịp để các doanh nghiệp du lịch Tp. Cần Thơ nói chung và quận Cái Răng nói riêng được trực tiếp gặp gỡ, giao lưu, liên kết, hợp tác trong kinh doanh, mà chúng tôi còn mong muốn được lắng nghe nhận xét, đánh giá về sản phẩm du lịch hiện nay để chúng tôi sẽ từng bước nâng cao chất lượng, phấn đấu giới thiệu thật đầy đủ hình ảnh và con người của vùng đất Cái Răng và sớm đưa chợ nổi Cái Răng trở thành điểm du lịch hấp dẫn hơn nữa trong thời gian sắp tới”.

Nhiều món ăn đặc sản của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được trưng bày tại Ngày hội

Điểm nhấn của Ngày hội năm nay là không chỉ nhằm mục đích phát triển, quảng bá du lịch mà còn có những hoạt động chăm lo an sinh xã hội như: Ra mắt điểm cung cấp nước sạch cho thương hồ tại chợ nổi, tặng ghe cho thương hồ có hoàn cảnh khó khăn, phát động lắp nhà vệ sinh có bồn cầu tự hoại cùng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sông nước khác.

Dịp này, UBND quận Cái Răng cũng sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng. Qua đó, UBND quận sẽ nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện Đề án, đề ra những nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm hoàn thành nhiệm vụ Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng trong thời gian tới.

Chủ Đề