Người cao tuổi bao nhiêu thì gọi già già hóa năm 2024

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội tương đối phát triển, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi nên cần phải nỗ lực tăng thời gian sống khỏe mạnh. Nguy cơ khuyết tật cũng tăng lên theo độ tuổi, vì vậy đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ở Việt Nam, người cao tuổi thường nhận được sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình, nhưng hỗ trợ từ phía gia đình ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Tình trạng phân biệt đối xử theo tuổi tác có thể xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng thường không được giải quyết. Không may, người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, có xu hướng bị bạo lực gia đình. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây ra trạng thái căng thẳng và mức độ căng thẳng có thể biểu hiện ở hành vi ngược đãi người cao tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc báo cáo hay thừa nhận hành vi ngược đãi người cao tuổi bị coi là điều cấm kỵ và là vấn đề riêng tư trong gia đình.

Già hóa dân số chắc chắn là một lĩnh vực cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên phương pháp tiếp cận theo vòng đời. Mặc dù già hóa dân số đặt ra thách thức cho xã hội và nền kinh tế, song một bộ chính sách phù hợp sẽ cho phép cá nhân, gia đình và xã hội giải quyết những thách thức này và gặt hái những lợi ích mà nó mang lại. Do đó, cần hỗ trợ thanh niên phát triển, lên kế hoạch và chuẩn bị cho tuổi già để có thể giải quyết vấn đề già hóa dân số một cách chặt chẽ và toàn diện.

UNFPA tại Việt Nam

UNFPA Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời vào vấn đề già hóa dân số và coi người cao tuổi là nguồn lực chứ không phải gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững. Cách tiếp cận theo vòng đời ủng hộ tiếp cận vấn đề già hóa dân số theo hướng toàn diện, phù hợp về giới trên cơ sở tôn trọng quyền, nhấn mạnh vào tính tuần tự của các sự kiện và các bước phát triển trong suốt cuộc đời của một con người.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn đang gia tăng với tốc độ khá nhanh trong thời gian qua. Năm 2019, số lượng người cao tuổi của TP. Hồ Chí Minh mới chỉ chiếm tỷ lệ 9,3% tổng dân số TP. Hồ Chí Minh, nhưng năm 2022 đã tăng lên 11,03%. Đây được xem là cột mốc ghi dấu TP. Hồ Chí Minh chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Đại diện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ suất sinh thấp cùng với tỷ lệ chết giảm, tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao là nguyên nhân khiến cho TP. Hồ Chí Minh có tốc độ già hóa dân số nhanh. Hiện nay, chỉ số già hóa dân số của TP. Hồ Chí Minh ở mức 49,4%, cao hơn trung bình cả nước gần 1%. Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động từ 10-20% được gọi là già hóa dân số, và nếu tỷ lệ này vượt quá 20% thì trở thành dân số già.

Với tốc độ già hóa không ngừng liên tục gia tăng như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại TP. Hồ Chí Minh sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành địa phương có dân số già sớm nhất cả nước. Đây là thách thức không nhỏ về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí.

Việc tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, từ đó kìm hãm năng suất lao động. Mặt khác, dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế. Trung bình, chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp 7-8 lần so với một người trẻ tuổi. Do đó, khi số lượng người cao tuổi tăng lên thì hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với áp lực lớn.

Ngoài ra, số lượng người cao tuổi đang ngày càng tăng nhưng chất lượng sống chưa cao và người cao tuổi khỏe mạnh không nhiều. Trung bình một người cao tuổi mắc từ 2-3 bệnh lý mạn tính cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên. Các bệnh lý của người cao tuổi thường có ảnh hưởng đến nhau, bệnh này trở thành nguy cơ làm tăng nặng bệnh kia, do đó nếu người cao tuổi không được điều trị, chăm sóc toàn diện thì họ có nguy cơ tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Để người cao tuổi sống khoẻ, sống có ích

Cùng với tốc độ giá hoá dân số cao, thống kê của Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 250.000 người hưởng lương hưu và nhận trợ cấp xã hội, trong khi đó số lượng người trên 60 tuổi của thành phố là 1,033 triệu người. Như vậy, vẫn còn số lượng lớn người cao tuổi không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cháu hoặc chật vật mưu sinh ở tuổi xế chiều.

Theo đại diện Hội Người cao tuổi TP. Hồ Chí Minh, ngoài những người có lương hưu, kinh tế vững thì nhiều người cao tuổi vẫn chưa có chất lượng sống tốt. Thậm chí, một số người phải làm những công việc tay chân nặng nhọc để mưu sinh, như giúp việc nhà, trông giữ trẻ, bưng vác vật nặng…

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi quan niệm, thái độ xã hội về già hóa dân số và người cao tuổi. Trong đó, cần nhìn nhận người cao tuổi không phải là gánh nặng của xã hội mà là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội; khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động phù hợp với sức khỏe, độ tuổi. Đặc biệt, cần tạo cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi như một phương pháp bảo đảm thu nhập và phúc lợi, nhất là với những người cao tuổi không có lương hưu hoặc lương hưu thấp.

Ngoài ra, cũng cần có các giải pháp thích ứng để người cao tuổi có thể sống khoẻ, sống có ích. Thực hiện điều này, bắt đầu từ giữa tháng 8.2023, đồng loạt TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm hoạt động khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn. Người cao tuổi sẽ được khám và xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu.

Đây là chương trình nằm trong kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo do UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành. Mỗi năm ngân sách thành phố sẽ chi khoảng 150 tỷ đồng để khám sức khỏe cho khoảng 1 triệu người cao tuổi nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị.