Người phát ngôn toàn cầu là gì

'Hạn chế' cung cấp thông tin cho báo chí

Một quyết định của thủ tướng Việt Nam, mới được ban hành và sắp sửa có hiệu lực, sẽ cấm tất cả các quan chức cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí.

Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 28/5/2007 và có hiệu lực 15 ngày sau đó quy định rõ chỉ có các nhân vật thuộc diện "người phát ngôn" mới được quyền làm việc này.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, được ông Nguyễn Tấn Dũng ký, nói rõ: "Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí."

Tất cả thông tin theo quy định mới này sẽ phải qua một nguồn cung cấp duy nhất là người phát ngôn của cơ quan, tổ chức.

Quy định viết: "Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước."

Tên tuổi và chức vụ của những người được trao nhiệm vụ phát ngôn sẽ được công bố bằng văn bản cho báo chí và những người này sẽ phải "chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí".

Khó tiếp cận thông tin

Quyết định mới của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ khiến việc thu thập thông tin trong quá trình tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo Việt Nam còn khó khăn hơn trước.

Thực tế cho thấy, tuy chỉ còn 'một cửa' là người phát ngôn, nhưng để tiếp cận cửa này không phải chuyện dễ dàng.

Tuy nhiên, trả lời BBC, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó cục Trưởng Cục báo chí Bộ Văn Hóa Thông tin, bác bỏ lo ngại rằng quy chế sẽ cản trở tự do báo chí.

"Có tình trạng một số cơ quan nhà nước rất ngại cung cấp thông tin cho báo chí. Do vậy, quyết định của thủ tướng đã yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc không định kỳ. Tức là khi báo chí có nhu cầu cần có thông tin để cung cấp cho người dân, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ đáp ứng cho báo chí."

Ông nói thêm: "Ngoài việc tìm kiếm thông tin từ người đứng đầu cơ quan nhà nước, tôi cho rằng báo chí có quyền tìm kiếm thông tin từ những người khác, những nguồn khác. Đó là trách nhiệm và quyền của báo chí."

Quy định cho phép người phát ngôn "có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí."

Quyết định số 77 quy định các người phát ngôn sẽ có họp báo hàng tháng và các bộ ngành đều phải cập nhật thông tin mỗi tháng hoặc mỗi quý cho báo giới.

Tuy nhiên việc cung cấp thông tin định kỳ như vậy dường như đi ngược lại với xu hướng thời đại trao đổi thông tin như vũ bão hiện nay.

Các phóng viên nói với quy định mới, các quan chức nhà nước sẽ có cớ để từ chối hoặc vì sợ trách nhiệm mà không cung cấp thông tin nữa.

Tự do báo chí

Việt Nam bị nhiều tổ chức quốc tế liệt vào diện thiếu tự do báo chí. Gần đây chính phủ Việt Nam đã ra nhiều thông tư, chỉ thị và quy chế nhằm siết chặt quản lý báo chí.

Tháng 11/2006, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị 37CP với nội dung "Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước."

Tháng 1 năm nay, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trương Tấn Sang nói tại một hội nghị rằng ̣hoạt động báo chí còn có những "hạn chế, khuyết điểm, cần được tăng cường lãnh đạo, quản lý."

Ông Sang nói một số cơ quan báo chí "có biểu hiện coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, xa rời tôn chỉ, mục đích; thiếu nhạy bén chính trị" và những yếu kém này là "nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội."

Người ta vẫn còn nhớ việc trong năm qua nhiều tờ báo trong nước đã bị kỷ luật trong vụ "Tiền polymer" khi vẫn đăng tin về 'bê bối in tiền polymer' tuy đã có lệnh ngừng.

Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam hồi tháng 4/2007 ra quy chế bắt các báo và nhà báo phải cải chính thông tin đã đăng nếu thông tin đó bị cho là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và xã hội.

Nghe thêm trong tạp chí Việt Nam Ngày Nay
Báo Nhân Dân chỉ trích bài của BBC

Josie Nguyễn
Không biết các bạn so sánh VN với nước ngoài về vấn đề này đã từng ở nước ngoài chưa? Và nếu ở nước ngoài thì đã từng làm việc trong các cơ quan hành chính chính phủ và cơ quan thương mại chưa? Báo chí nước ngoài ít khi đăng tin dựa vào phát ngôn chính thức của cơ quan chính phủ mà người ta có các kênh lấy tin khác, khi đã lấy được tin rồi thì mới đi sách hạch các phát ngôn viên chính thức của các cơ quan để so sánh và kiểm chứng độ chính xác của các tin tức.

Phát ngôn viên chính thức của chính phủ thường giữ vai trò đứng ra chịu chất vấn của báo chí chứ báo chí nào mà lại đi lấy tin từ phát ngôn viên của chính phủ rồi đăng lại cho đó là sự thật !!! Cái nghị định này của ĐCSVN là nhầm bịt miệng tất cả các công nhân viên chức chính phủ vì cái logic của nó là như thế này - anh phát biểu dưới danh nghĩa cá nhân cũng không được vì bản chất của tin cơ quan nó liên quan đến thông tin nhà nước nên chỉ có người phát ngôn chính thức mới có thể nói, hoặc từ chối không nói, và như vậy thì các bạn thấy ngay cái lý luận vòng luẩn quẩn này có mục đích gì rồi!

Cái thứ hai là định nghĩa của từ "bí mật" thì ĐCSVN rất là tuỳ tiện, còn nước ngoài thì cơ quan hành chính chính phủ phải ra toà biện hộ cho các định nghĩa "bí mật" gắn liền với các văn bản cụ thể của từng tin nếu báo chí không hài lòng về việc cơ quan dấu tin vịn vào cớ "bí mật".

Anh Tú, Hà Nội
Bạn Trang Hà Nội, ban đừng vội phê phán tất cả mọi người là lạc đề. Thật ra bạn mới là người lạc đề. Quyền mà bạn nói là một quyền rất căn bản của con người: quyền được bảo vệ bí mật của cá nhân, đoàn thể , quốc gia. Một quyền như thế ai cũng biết, không cần bàn luận là được quyền hay không được quyền bảo vệ bí mật. Bài viết của BBC cũng như các ý kiến của diễn đàn không bàn đến quyền này. Vấn đề chúng tôi đang bàn luận là nghị định của thủ tướng chính phủ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề phổ biến thông tin và quyền tự do ngôn luận của con người.

Minh, Melbourne
Vấn đề mấu chốt là người ta thực hiện chỉ thị đó như thế nào. Có thể ý tưởng ban đầu tốt, nhưng khi thi hành thì mới thấy bất cập, dân ai cũng kêu vì mỗi nơi làm một phách, mỗi người hiểu theo một cách. Luật Việt Nam vốn nổi tiếng bởi tính mập mờ. Trong trường hợp này, người ta dễ dàng hiểu rằng đó là một chứng cớ pháp lý vin vào đó để giấu nhẹm hoặc bưng bít thông tin. Báo chí Việt Nam ở thế một cổ đôi tròng: Quyết định 77 và Chỉ thị 37.

An Thanh, Hà Nội
Ý kiến về bài 'Cần đáp ứng nhu cầu thông tin' Nghi định nói: "Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí." Đọc kỹ, thì thấy hợp lý, vì cá nhân khi không có nhiệm vụ thì không có quyền nhân danh cơ quan để phát ngôn. Và cũng có nghĩa là cá nhân đó không bị cấm phát ngôn nhân danh cá nhân mình. Do đó phóng viên báo chí có thể tìm tin tức từ những nguồn nhân danh cá nhân này.

Tuy nhiên cái lắt léo của nghị định là ở chỗ là khi được phóng viên hỏi, viên chức nhà nước đó sẽ nhân danh ai? Không lẽ viên chức đó sẽ nói: Tôi nói điều này là nhân danh cá nhân tôi; tôi nói điều kia là nhân danh cơ quan ! Trừ khi về nhà vợ con hỏi, trong đa số trường hợp được phóng viên hỏi, các viên chức hiểu mình đang nói với tư cách của môt viên chức cơ quan, nghĩa là nhân danh cơ quan. Vì thế ông ta sẽ không dám đưa ra thông tin một cách tự do. Cái ý nghĩa hạn chế báo chí của nghị định là ở chỗ này.

Trang, Hà Nội
Mọi người có ý kiến lạc đề. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc phát ngôn trên báo chí đề đúng quy định và tôn trọng pháp luật, thuần phong, mỹ tục của mỗi nước. Việc cung cấp thông tin từ một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp thì trên thế giới đã có từ lâu và rất chặt ché nhằm bảo mật thông tin của đơn vị mình. Không có tổ chức nào mà để cho nhân viên đưa thông tin tùy tiện ra bên ngoài cả. Nếu vậy, nhân viên CIA hay tình báo Anh đều cung cấp thông tin, dù chỉ là tin vịt hay tin gây thiệt hại. Việt Nam đưa ra quy định này là quá muộn so với các quốc gia khác. Tất nhiên Việt Nam đã rút ra nhiều bài học từ các nước khác trong vấn đề này.

Võ Quý, Hà Nội
Tôi không hiểu tại sao ngài thủ tướng lại có một quyết định lạ lùng như vậy. Chúng ta đều biết rằng các vụ tiêu cực gần đây như: PMU18, Bán độ U23 Ngân Hàng nhà nước, Đất đai tham nhũng... đều do báo chí phanh phui. Công lao của báo chí trong những không khí đổi mới của VN những tháng vừa qua là rõ rệt nhất. Họ đã bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến bây giờ lại hạn chế sự tiếp xúc rộng rãi của báo chí tới các tổ chức nhà nước!! Hi vọng đừng có người nước ngoài nào hỏi tôi về Dân chủ ở nước tôi!!

Granite
Từ ngày ông Dũng và ông Triết lên nắm quyền tưởng rằng với tính cách người miền Nam cởi mở, dân chúng sẽ dễ thở hơn. Ai dè tình hình không khá hơn mà còn tệ hơn xưa! Cứ bảo rằng quyết tâm chống tham nhũng mà cứ bịt miệng báo chí thì làm gì được. Nghe nói chính phủ khoá XII sẽ tinh gọn hơn nhiều, nhưng để rồi xem!

Vinh, Hà Nội
Sau khi nghe tựa đề của bài báo này tôi thực sự buồn và thất vọng. Tuy nhiên, với tính hay tò mò, tôi tìm cho được Quyết định số 77 mà bài báo có nói tới để tận mắt được đọc. Té ra, trong quyết định này, Thủ tướng nói tới cả trách nhiệm của cơ quan nhà nước và người phát ngôn của cơ quan đó phải cung cấp thông tin cho báo chí chậm nhất là 2 ngày sau khi có một số quyết định hoặc thông tin quan trọng của cơ quan.

Tôi làm cho một tổ chức quốc tế tới từ Bắc Âu, đến bây giờ được hơn 13 năm. Cơ quan tôi cũng có quy định việc tiếp xúc với báo chí phải quy về một mối đó là ông Đại diện của cơ quan. Lý do rất đơn giản, nhiều lúc cũng cùng một thông tin mà bị đưa ra khỏi bối cảnh gốc của nó thì đã có thể có những cách hiểu không đúng rồi. Việc Quyết định này đưa ra thì có gì mà ghê gớm.

Green Peace, Hà Nội
Tôi ủng hộ ý kiến của bạn Vince Pham Hà Nội rằng trước khi la lối chê bai cái gì, cần đọc hết để chắc chắn rằng mình đang phản đối cái gì chứ! Chính phủ Việt Nam có thể làm nhiều điều chưa dân chủ, nhiều điều chưa theo kịp sự phát triển của đất nước, nhưng cái quyết định này không nằm trong số đó, nếu không muốn nói là ngược lại! Vả lại các bạn hãy trả lời cho tôi xem trên thế giới này chính phủ nào thật sự dân chủ đây? Chính phủ nào thật sự không tham nhũng đây?

Ẩn danh
Quyết định này về hình thức là đúng, mỗi người có quyền phát biểu ý kiến riêng, nhưng khi đã đứng trong 1 tổ chức thì phải tuân theo qui định của nó. Bên phương Tây cũng vậy thôi. Nếu anh không đồng ý mà muốn phát biểu với báo chí khi tổ chức, Công ty anh không đồng ý thì anh có thể ra từ bỏ nó mà phát biểu. Nhưng như thế đồng nghĩa với mất việc mà không được bồi thường!

Nguyễn TN, Hà Nội
Không có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng mà lúc nào cũng nói đến kinh tế tri thức. Không có tự do báo chí và không có cơ chế thông tin minh bạch mà lúc nào cũng hô hào chống tham nhũng. Thật là những người thích đùa. Lâu nay có nhiều quan chức khi báo chí chất vấn thì ấp a ấp úng, chẳng biết nên nói thế nào. Không nói thì sơ người ta chê cười, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức. Nói thì sợ không may lỡ mồm, phạm huý thì cũng chết. Nay thì tốt rồi, vì đã có qui định số 77/2007/QĐ-TTg của chính phủ, cứ vin vào đó mà chối phắt việc chất vấn đi là xong.

Chẳng hạn trong một cơ quan có vấn đề nghiêm trọng, báo chí tìm đến chất vấn thì ông thủ trưởng nói là: " Cái này tôi không có quyền trả lời, các anh phải hỏi người phát ngôn của cơ quan tôi". Còn anh phát ngôn là cấp dưới, bố bảo cũng không giám nói điều gì đụng chạm đến thủ trưởng, nên đành nói là: "Tôi chỉ có quyền thông tin đến chỗ A chỗ B thôi". Đúng là toàn vẹn đôi đường. Kể cũng lạ, lâu nay nhà nước kiểm soát báo chí từ A đến Z, mấy tờ báo chỉ hơi phạm qui một tí là tổng biên tập đi đứt ngay. Như vậy quyết định mới này nói lên điều gì, có vẻ như nhà nước đã cảm thấy không còn kiểm soát được báo chí hoàn toàn như trước nữa.

NTT
Tôi không rành về luật,cũng như chưa thấy hết toàn bộ văn bản của quyết định nên mạn phép hỏi BBC và anh Pham Hùng HN như sau : -Nếu có 1 cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí[không nhân danh cơ quan nhà nước]thì người này có phải " chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí" hay không? -Báo chí đăng tải thông tin của cá nhân trên [ tính đúng sai của thông tin chưa được xác nhận ]thì báo chí có phạm luật không? Nếu 2 điều trên không phạm luật thì quyết định trên là hạn chế hay "thoải mái" cho cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí Chân thành cảm ơn những hồi đáp quí báu của các bạn.

Ẩn danh
Hoan hô nhà nước XHCN VN về việc hạn chế tự do báo chí, càng hạn chế tự do báo chí thì càng tốt cho đất nước chúng ta nhiều lắm. Làm như vậy thì các "ông" lớn, "bà" lớn của chúng ta mặc sức có tiền xài do tham nhũng và các sai lầm của Đảng ta và những người thuộc Đảng sẽ không bao giờ bị phanh phui nữa. Và như vậy những vị ấy sẽ càng thêm lộng quyền và tham nhũng ngày càng nhiều. Rồi dân ta ngày càng khổ bởi những vị và những sai lầm ấy, theo đó sẽ làm tăng số người bất đồng chính kiến với Đảng ta trong xã hội. Đến khi dân ta chịu hết nổi nữa thì VN lại chìm trong cảnh chiến tranh. Hoan hô ĐCS VN đã ban hành quyết định hết sức sáng suốt về báo chí.

Ta Đi Tới, Sài Gòn
Báo chí chính là "ánh sáng" của nhân loại, tự do báo chí là chuẩn mực của một xã hội dân chủ, vậy mà Đảng ta lại sợ ánh sáng? Đảng ta sợ ánh sáng soi tỏ những điều khuất tất, mờ ám của mình. Ông Dũng xuất thân là một mật vụ công an nên ông bị ám ảnh nghề nghiệp. Ông sợ ánh sáng. "Cây ngay không sợ chết đứng" nếu như Đảng đàng hoàng minh bạch thì tại sao lại sợ báo chí đến thế? Tôi đang chờ xem những trung thần bồi bút tại Việt Nam nói gì khi bị "bịt miệng" như thế này? Suy cho cùng 600 tờ báo trong nước, mấy chục năm nay có dám nói SỰ THẬT bao giờ, họ luôn ca ngợi Đảng hết lời. Vậy mà Đảng vẫn phải cảnh giác với họ, tôi buồn thay cho họ.

Vince Pham, Hà Nội
Những ai có ý định phê phán quyết định này của chính phủ Việt nam thì trước hết nên đọc toàn văn nó đã. Đừng nên phát biểu một cách hồ đồ khi chưa biết nội dung của nó ra sao. Với BBC, việc trích dẫn có chọn lọc kèm theo bình luận riêng như bài viết này, nhẹ thì có thể tạo nên sự phiến diện, nặng thì có thể gây lạc hướng cho người đọc. Quyết định này được công bố trên web site của chính phủ //www.chinhphu.vn/vanbanpq/lawdocs/QD77TTG.HTM?id=26434

Andy Nguyen
Lại thêm một nghị quyết ra đời để hạn chế thông tin dù rằng tư nhân đã không có quyền làm báo. ĐCSVN đã có công an hùng mạnh, quân đội lớn để bảo vệ chế độ, vậy mà họ vẫn lo sợ cho sự an toàn của họ, nên họ lại tìm ra thêm một cách để bảo vệ cho chính quyền của họ. Trong diễn đàn mục này, cho đến lúc này chỉ có 1 ý kiến từ nước ngoài, còn lại đều từ trong nước và gần như tất cả đều tỏ sự bất mãn với nghị quyết này.

Tôi muốn nói đến sức mạnh của phương tiện truyền thông, trong đó có báo chí, tư nhân ở nước ngoài trong khả năng bảo vệ cho người dân và cho xã hội. Ai ai cũng thấy rõ là đối tượng mà phương tiện truyền thông luôn để ý đến trước tiên là các nhân vật tai to mặt lớn trong nhà nước. Từ tổng thống, cho đến các thượng nghị sỹ, dân biểu, cho đến các quan chức điạ phương đều được tận tình theo dõi xem có một hành vi nào bất chính không?

Mới hôm qua, tờ báo địa phương ở quận Cam, miền nam tiểu bang California lôi chuyện các ông nghị viên của Quận tiêu xài quá trớn vào việc mua bàn ghế, TV màn hình mỏng 50 inches để trang bị trong văn phòng mỗi vị. Bốn vị nghị viên đã xài hết hơn 1 triệu đô và bị tờ báo chỉ trích.

Chắc bao nhiêu người cũng nhớ tờ báo Washington Post đã khui vụ Water Gate và làm cho tổng thống Nixon mất chức. Biết bao nhiêu quan chức lớn nhỏ ở xứ Mỹ đã bị mất chức vì báo chí, truyền hình [đại đa số là tư nhân] khui ra những bê bối, tham nhũng, hay có một đời sống buông thả phóng túng. Và những trường hợp như vậy thì người dân và xã hội rõ ràng được bảo vệ.

Không có ai trên cuộc đời thường này mà không có lòng tham và có những lúc vì lợi ích cá nhân mình mà có lúc làm hại cho người khác và cho xã hội. Và đương nhiên khi làm điều xấu thì muốn dấu không cho người khác biết. Nếu có luật mà không cho tự do truyền thông thì những kẻ xấu và nhất là kẻ xấu có quyền trong tay tha hồ mà thao túng, chỉ có dân nghèo thấp cổ bé miệng và xã hội bị thiệt thòi thôi.

Dang Moi, HCMC
Quả là không còn gì để nói. Vậy là từ nay chúng ta cứ coi như mình bị mù, bị điếc là xong. nếu muốn yên thân, không bị kỷ luật, kiểm điểm, tù tội thì tốt nhất là im lặng theo đúng tinh thần của Đảng. nghe sao mà giống luật im lặng của mafia quá.

Ẩn danh
Đây là một nghị định thừa, vì chả có nó thì người nhà nước vốn dĩ bao năm nay có dám nói bừa bãi bao giờ đâu, kể cả nói đúng sự thật xấu xa. bao đời nay dân Việt Nam đã thấm nhuần câu nói/: im lặng là vàng, hoặc im lặng là sống đó sao.

Nguyễn Cường, Bình Dương
Tôi cho rằng việc cụ thể hóa đăng tải các tin tức liên quan đến lợi ích của Quốc gia trên phương tiện thông tin đại chúng là đúng. Vụ việc thứ nhất: là tiền Polymer, khi báo chí đăng tải quá nhiều về việc này có phải "vô tình" làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và đồng tiền của Việt Nam không? Sự việc này nên kiểm tra và xử lý nội bộ, những sai sót trước sau gì Thanh tra Chính phủ và Chính phủ có hình thức xử lý thích đáng và sẽ được công bố sau này.

Thứ hai: tiêm phòng vaccine cho trẻ em, báo chí tung những tin như chết sau khi tiêm phòng, và xảy ra các biến chứng đã làm hoang mang các bậc cha mẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược tiêm phòng của Việt Nam. Trong khi đó vụ việc chưa có kết luận chính thức của WHO [báo chí không đề cập sâu lợi ích của tiêm vaccine là to lớn, trong khi nhiệm vụ này của báo chí là quan trọng hơn]. Do đó, tôi nghĩ các nhà làm báo nên suy xét thật kỹ khi đăng những có ảnh hưởng đến lợi ích của Quốc gia.

Phương Thanh, Montreal
Qua bài viết này rõ ràng cho thấy BBC và rất nhiều bạn đọc cố tình không hiểu và xuyên tạc vấn đề. "Các cá nhân và cơ quan không được giao nhiệm vụ phát ngôn thì không được phát ngôn" Rõ ràng là người nào việc nấy; không chỉ hạn chế việc làm không đúng chuyên môn mà quyết định này còn tăng cường năng lực thông tin cho báo chí bởi lẽ chỉ những người có chuyên môn và trách nhiệm mới được quyền phát ngôn.

Lẽ ra quyết định này phải được hoan nghênh; và cũng nên hiểu đây không phải là quyết định cấm cung cấp thông tin cho báo chí, mà là cung cấp thông tin chính xác cho báo chí. Hiện nay có rất nhiều báo dựa những nguồn tin lung tung, không chính xác dẫn đến ảnh hưởng xấu trong xã hội. Thiết nghĩ đây là việc làm tuy muộn nhưng cần thiết và góp phần lành mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Trang, Sài Gòn
Sự thực thì ông Dũng có giới hạn hay không giới hạn những tin tức của nhà nước CS cung cấp cho báo chí [cũng của nhà nước] thì về phía người dân cũng không có gì thay đổi cả vì từ trước cho tới nay nhà nước CS lúc nào mà không "giữ bí mật quốc gia" trong những việc làm bê bối. Bây giờ ông Dũng chỉ đưa ra một quyết định cũng như một lời nhắc nhở và cảnh báo những ai thuộc cơ quan nhà nước mà không phải phận sự thì hãy coi chừng.

Như vậy chứng tỏ rằng trước kia nhà nước đã đưa các thông tin cho báo chí một cách bừa bãi và thiếu kiểm soát. Các báo chí của VN đưa các thông tin về sinh hoạt của nhà nước phần nhiều là để tuyên truyền hoặc đánh bóng chế độ hơn là thuần túy tin tức cho người đân hiểu biết.

Liên, Sydney
Tôi thấy quy định này cũng hợp lý mà. Nếu phát ngôn là nhiệm vụ được giao thì anh mới có quyền nhân danh tổ chức, cơ quan để phát ngôn chứ. Còn nếu không, anh có quyền phát biểu ý kiến cá nhân của mình, nhưng không được lấy danh nghĩa của tổ chức mình đang làm việc. Ở trường tôi đang học cũng thế thôi, một Professor muốn phát biểu gì đó ủng hộ phân biệt chủng tộc chẳng hạn, ông ấy hoàn toàn có thể phát biểu với báo chí với danh nghĩa cá nhân ông ấy. Nhưng không được phép dùng danh hiệu "Professor" của trường abc gì đó trước tên của ổng, bởi vì đó là ý kiến cá nhân ổng, không phải quan điểm chính thức của trường.

Mai Nam, VN
Đảng ta rất giỏi mù mờ trong ngôn từ nên thoạt đầu tôi cũng hiểu lầm đấy. Cố nhiên, nếu nói đây là thông tin chính thức của một cơ quan nhà nước hay một tổ chức nào đó thì phải do người có trách nhiệm nói ra. Câu này mới đọc thì khá dễ hiểu, đương nhiên.

Từ nay, cá nhân nếu nắm được sự thật [bị che dấu] sẽ không dám nói với báo chí nữa. Công chức sẽ e ngại khi được báo chí phỏng vấn. Một bộ trưởng [nếu không kiêm "người phát ngôn" có thể không dám nhân danh Bộ của mình mà phát ra thông tin cho báo chí, dù ông ta có thể chính thức trả lời phỏng vấn. Từ nay, có lẽ ông ta sẽ bảo phóng viên nên tìm gặp đồng chí phát ngôn của bộ. Mấy trăm tờ báo không dễ tìm được vị phát ngôn để hỏi han cặn kẽ, đành chấp nhận sự trả lời chung chung trong cuộc họp, thậm chí tạt qua trụ sở nhận một bản tin soan sẵn...

Dinh Linh, Tacoma
Tôi thật bức xúc khi đọc và biết chỉ thị này của thủ tướng vừa ban ra. Tôi những tưởng đất nước ngày càng phát triển thì nhận thức và dân trí phải ngày càng tăng lên và được bồi đắp bằng nhiều con đường khác nhau chứ. Không cho phép báo tư nhân hoạt động thì được, chứ không cho phép các cơ quan đại diện của dân, những cá nhân đại diện cho quyền lợi của nhân dân thì không được. Làm vậy sẽ sinh ra độc đoán, vô hình với hành động này sẽ bao che cái xấu. Một số tham quan sẽ dựa vào đây mà lộng hành, đất nước sẽ ngày càng đi xuống thôi.

Xưa tới nay đã nhiều người ngại va chạm với 1 số quan to chức lớn, nay đất nước phát triển, với sự tín nhiệm của nhân dân họ mới mạnh dạn đứng ra đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi nh! ân. Thêm vào đó là hành động xử phạt 1 số tờ báo vì đã đăng tin vụ bê bối in tiền polyme thì quả là ngu muội và sai lầm.

Không biết lãnh đạo nghĩ gì mà lại hành động như vậy, họ chỉ đại diện cho người dân thôi, họ mang tin tức, tình hình của đất nước báo với người dân, sao lại xử phạt họ? Chế độ xã hội chủ nghĩa là xã hội của nhân dân, chúng ta đang theo chế độ đó, sao không làm đúng những gì chúng ta tuyên truyền và tuyên dương? Hay là lại nói 1 đằng rồi lại làm 1 nẻo chỉ để vét cho đầy hầu bao của lãnh đạo mà không biết dân đói nghèo ra sao?

Loco roco, Hà Nội
Không biết có còn cuộc "phỏng vấn" trực tuyến nào giữa ông Dũng và người dân không? Không biết ông ấy còn trả lời là chỉ thị này cũng do tuyệt đại đa số người dân đồng tình như ông ấy phát biểu về chỉ thị 37CP không? Thật lố bịch hết sức.

Mai, Florida
Ông Nông Đức Mạnh đã nói không có cái gọi là dân chủ ở QH. Ông Nguyễn Tấn Dũng thì có nghị định 37 CP cấm ra báo tư nhân. Bi chừ, thêm cái mới 7 lần 7 nữa, là chỉ có phát ngôn viên mới có-quyền-nói. Dĩ nhiên phát ngôn viên đã được cho phép nói những gì, những gì không được phép. Ấy thế nhưng ông TT. cũng chưa yên tâm, nên dặn dò thêm là không được nói chuyện thuộc diện "bí mật nhà nước"! Lo lắng đến như vậy thì quả thật không còn khe hở!

Như vậy mai mốt nếu có tin tức gì thuộc loại phát ngôn viên không được nói nhưng lộ ra là chắc chắn do vết nứt rò rỉ! Đã biết mọi truyền thông đều thuộc đảng và nhà nước, thế mà nhà nước cao lại lo lắng cho nhà nước thấp. Như vậy thì nội bộ đảng cũng chẳng còn ai tin ai nữa cả! Hình ảnh đập vào mắt mọi người khi đến VN là đa số những người đi ngoài đường đều tự động bịt miệng mũi mình kín mít, phải chăng đây là biểu tượng tự do ngôn luận kiểu VN?

Phạm Hùng, Hà Nội
Tôi nghĩ các bạn nên bình tĩnh để đọc kỹ nội dung quy định, đây là quy định về "cung cấp thông tin cho báo chí NHÂN DANH CƠ QUAN HÀNH CHÍNH", chứ không phải nhân danh cá nhân nhé. Mà quy định này, thì tất nhiên ở ngay cả nước Mỹ thân yêu và rất đỗi tự do hay châu Âu hào hiệp mà các bạn viện dẫn, cũng không quy định khác đâu. Một nhân viên nào đó của Nhà Trắng, tất nhiên, chỉ có thể phát biểu với báo chí "nhân danh cá nhân", chứ làm sao mà "nhân danh Nhà Trắng được.

Hoàng Hà, TP HCM
Bây giờ thì ông TT Nguyễn Tấn Dũng và ông Hugo Chavez ở Venezuela thực sự đã trở thành anh em cột chèo rồi! !Thật là đáng buồn cho báo chí VN: chuyện tình tiền án mạng gì cũng có thể noí được, còn hễ động vào các ông lớn là có ngay những bức tường chắn ở trước mặt, cái câu :"dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" chỉ là chuyện cổ tích !!

Hùng Cường, Cần Thơ
Việc không có tự do báo chí ở VN là việc xảy ra từ trước đến giờ, và người dân ai mà không biết. Nhưng chúng tôi có biết cũng chỉ nói với nhau trong những dịp "trà dư tửu hậu" thôi, chứ ai nào dám thắc mắc ý kiến gì được với chính quyền. Chính vì không có tự do báo chí, nên mới để biết bao vụ tham nhũng hối lộ "chìm xuồng", không ai biết kết cục của các vụ ấy ra sao. Có lẽ càng ngày mấy ổng càng sợ khi hội nhập sẽ làm báo chí tự do hơn, đến mức không thể điều khiển được nữa thì nguy cho Đảng, nên mới càng ngày càng siết chặt kiểm soát như vậy.

Phạm Minh Tuấn, Nghệ An
Đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay rất cần một nền báo chí mạnh, độc lập để phanh phui những bệnh tật, sai lầm còn ăn sâu trong tiềm thức. Những bệnh tật đó phải nói thật là trong quá khứ ĐCS là kiến trúc sư còn trong hiện tại là thầy thuốc. Một người thầy thuốc kém về năng lực, phẩm chất và cực kỳ bảo thủ nên như cha ông thường nói "chữa mù ra đui"...Tất nhiên Tổ Quốc của chúng ta rồi cũng rất từ từ khỏi bệnh vì ánh sáng của văn minh, dân chủ, toàn cầu hoá là quá lớn và không thể cưỡng lại nhưng tuyệt nhiên không phải là công lao của ĐCS nếu không muốn nói họ là vật cản đường...

Quang Minh, Hà Nội
Chỉ có những người làm việc khuất tất hoặc mờ ám thì mới sợ tự do báo chí. Xem ra đảng CSVN đang rất sợ tự do báo chí, cố gắng bịt miệng báo chí của ông Dũng là cố gắng che đậy những yếu kém, tham nhũng, bất cập của hệ thống chính trị độc đảng, độc tài, độc tham nhũng ở VN. Chỉ khi nào báo chí được tự do thì những kẻ có quyền, chức mới biết sợ, mới biết e dè trước những hành động của mình.

Văn Quang, Bình Dương
Nếu VN cho phép thông tin tự do, VN sẽ chắc chắn phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và dân chủ hơn. Vì sao? Vì lúc đó tất cả những yếu kém của Đảng và Nhà Nước sẽ được phơi bày trước bàn dân thiên hạ, việc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn, và tiếng nói người dân thông qua các kênh thông tin độc lập sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhưng đó cũng là lúc Đảng CS sẽ đối mặt với rất nhiều hậu quả mà Đảng đã gây ra cho biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Giữa quyền lợi dân tộc và sự tồn vong của chế độ, chắc chắn Đảng sẽ chọn cách thức nào nhằm duy trì quyền lực, dẫu rằng điều đó đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Cho nên thật dễ hiểu tại sao khi đất nước càng hôi nhập thì các cấp lãnh đạo Đảng lại càng "hết sức quan tâm" đến hệ thống truyền thông.

Video liên quan

Chủ Đề