Phong trào Đồng khởi Bến Tre có Anh hưởng đến phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam như thế nào

[Bqp.vn] - Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, quân và dân ta đã làm nên cuộc Đồng khởi vĩ đại, đập tan từng mảng lớn bộ máy chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ của nhân dân trên phạm vi rộng lớn, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát huy cao độ là nhân tố cơ bản, cội nguồn sức mạnh giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi vẻ vang.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển một nền văn hóa bền vững, giàu bản sắc. Hạt nhân của nền văn hoá ấy là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, sớm biết dựa vào sức mạnh đoàn kết để giành độc lập dân tộc, giữ vững non sông, bờ cõi; dũng cảm, thông minh trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam, là cơ sở hình thành và phát triển hệ thống các quan điểm, lý luận về dân tộc, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, nghệ thuật quân sự... Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành chuẩn mực cao nhất của đạo lý, lẽ sống, phẩm chất của mỗi người dân Việt Nam; là động lực nội sinh to lớn tạo nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào Đồng khởi ở miền Nam cuối năm 1959, đỉnh cao là năm 1960 chính là sự kế thừa, phát triển lên tầm cao mới chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhằm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, ngăn chặn làn sóng cộng sản xuống khu vực Đông Nam Á, từ năm 1954 đến năm 1959, cùng với tăng cường lực lượng quân đội, thiết lập bộ máy thống trị từ trung ương đến cơ sở, Mỹ và chính quyền tay sai ráo riết thi hành chính sách khủng bố, thẳng tay sát hại hàng vạn người kháng chiến cũ và đàn áp dã man đối với đồng bào miền Nam yêu nước. Song, sự tàn bạo của quân thù không thể nào khuất phục được tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của quân và dân ta, không thể nào phá được “thế trận lòng dân” và làm nguôi đi chí căm thù của hàng triệu trái tim, khối óc nguyện chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông. Trong gian lao, thử thách, đồng bào, chiến sĩ miền Nam vẫn giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng; vừa tiến hành đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đấu tranh chống khủng bố, chống chính sách “tố cộng, diệt cộng” của địch, vừa tích cực chuẩn bị thực lực, sẵn sàng tiến công kẻ thù khi có chủ trương mới của Đảng.

Trước yêu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam và trên cơ sở phân tích khoa học, biện chứng về so sánh lực lượng, vững tin vào sức mạnh của toàn dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam [khóa II] đã khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” [1].

Ý Đảng hợp lòng dân. Nghị quyết 15 của Đảng như một luồng sinh khí thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong đồng bào miền Nam. Nhân dân và lực lượng vũ trang đã kết thành một khối đại đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiến hành đồng khởi trên khắp vùng nông thôn miền Nam, tiêu biểu là cuộc nổi dậy ở Bác Ái [2/1959], khởi nghĩa ở Trà Bồng [8/1959], trận đánh ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung [9/1959], trận Xẻo Rô [10/1959], trận Tua Hai [1/1960]… Đặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh mẽ trở thành cao trào Đồng khởi ở Bến Tre [1/1960]. Từ Bến Tre, phong trào như “triều dâng thác lũ”, nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên, lôi cuốn hàng vạn, hàng triệu người, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái cùng chung sức, đồng lòng đứng lên khởi nghĩa, tạo nên một phong trào cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp, hết đợt này đến đợt khác, lần lượt san phẳng đồn bốt địch, xóa bỏ ách kìm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm, giành quyền làm chủ quê hương. Đến cuối năm 1960, nhân dân miền Nam đã làm tan rã trên 2/3 chính quyền địch ở nông thôn, thành lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã trên tổng số 2.627 xã ở miền Nam.

Nét đặc sắc trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa là căn cứ vào đặc điểm chiến trường, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, yếu tố địa - chính trị, địa - quân sự, cấp ủy đảng và nhân dân các địa phương đã vận dụng rất sáng tạo, linh hoạt các phương thức đấu tranh của Đảng vào thực tiễn của từng địa phương; kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Kế thừa nghệ thuật đánh giặc độc đáo của dân tộc, trong đấu tranh cách mạng, quần chúng nhân dân đã sáng tạo ra nhiều cách đánh rất linh hoạt, sáng tạo, như dùng mưu để đoạt bốt, chiếm đồn địch; vận dụng tài tình ba mũi giáp công [chính trị, quân sự, binh vận]; tổ chức “tản cư ngược” nhằm đấu tranh, gây sức ép buộc địch phải rút quân. Lực lượng vũ trang các địa phương đã vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, đánh giặc theo “muôn hình, vạn trạng”, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Thế trận khởi nghĩa toàn dân rộng khắp của ta đã khiến cho địch không thể nào tập trung lực lượng đối phó, không thể phát huy được ưu thế về lực lượng và vũ khí, trang bị hiện đại.

Đặc biệt, sự ra đời, phát triển rộng khắp của “Đội quân tóc dài” là một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. “Đội quân tóc dài” lên đến hàng vạn người, được tổ chức thành nhiều bộ phận, hỗ trợ, phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Tuy không có tấc sắt trong tay, nhưng “Đội quân tóc dài” có sức mạnh phi thường, triển khai hiệu quả cả ba mũi giáp công chính trị, binh vận và vũ trang; đấu tranh phá “ấp chiến lược”, chống hành quân càn quét, chống dồn dân, bắt lính của chính quyền Sài Gòn. “Đây là một binh chủng đặc biệt trong đấu tranh chính trị với địch, một sáng tạo độc đáo của đồng bào miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ” [2]. “Đội quân tóc dài” là biểu tượng sinh động của truyền thống toàn dân đánh giặc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc ta.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã khẳng định sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sức mạnh toàn dân đánh giặc, sức mạnh vật chất và tinh thần, cả thế, lực và thời cơ, cả lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng... đã được kết tinh, tỏa sáng, phát huy lên tầm cao mới. Đó còn là thắng lợi của đức hy sinh, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, năng lực vận động, tổ chức, sử dụng lực lượng của các cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không nắm vững quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, không biết dựa vào dân, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của nhân dân, thì không thể lãnh đạo, chỉ đạo một phong trào Đồng khởi thành công lớn như vậy.

Đồng khởi thắng lợi đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của của cách mạng miền Nam: từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công liên tục, từ thế đấu tranh chính trị là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa của quần chúng kết hợp với chiến tranh cách mạng, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ không thể cứu vãn nổi của chế độ thực dân mới ở miền Nam. Đồng khởi đã tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn, hình thành hệ thống căn cứ địa cách mạng làm hậu phương tại chỗ cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài. Đặc biệt, từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng và là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Ngày nay, hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, thay đổi nhanh chóng và khó dự báo. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt; thế và lực của đất nước không ngừng nâng lên, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đã và đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Kế thừa truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc, phát huy tinh thần Đồng khởi, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Nhờ có chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và xu thế vận động, phát triển của thời đại, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa XII], Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [bổ sung, phát triển năm 2011], Nghị quyết Trung ương 8 [khóa XI] về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia... đã được Bộ Chính trị thông qua; các luật, bộ luật, nghị quyết và chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, quân sự, quốc phòng, an ninh… đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành.

Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chủ động đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...

Cùng với các nhiệm vụ trên, phải tuyên truyền, quán triệt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm, sức mạnh và phương thức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của Đảng trong tình hình mới. Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Hai là, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhờ phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức làm nên phong trào Đồng khởi vĩ đại và nhiều chiến công hiển hách khác. Tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch không thế lực nào có thể ngăn nổi.

Ngày nay, để phát huy tinh thần yêu nước phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống đánh giặc, giữ nước của ông cha ta cho các tầng lớp nhân dân; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Kiên quyết bảo vệ đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Mỗi người dân, dù ở cương vị nào cũng đều phải thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên để cùng tạo nên một cuộc “Đồng khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực, quyết tâm đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từng bước vươn lên sánh kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh của ý chí, nghị lực, sự năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân và doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng “đi tắt đón đầu” trong nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Thường xuyên chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa Đảng với dân, quân với dân, đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, các tôn giáo, các thành phần dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt, phải coi trọng xây dựng, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống tổ chức Đảng. Đảng phải thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đủ năng lực và uy tín để định hướng, quy tụ, tập hợp, phát huy hết thảy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cơ sở tạo nên đoàn kết bền vững, lâu dài là phải xây dựng đất nước vững mạnh toàn diện, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mẫu số chung; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đảng và Nhà nước phải có chính sách tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất. Thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, đối tượng chính sách, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng… Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm dân được biết, được nói, được bàn, được kiểm tra, giám sát.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với phát huy nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, phải không ngừng tăng cường, củng cố đoàn kết quốc tế, làm cho ta thêm bạn, bớt thù, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quan hệ đối ngoại phải quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, giữ vững nguyên tắc chiến lược; mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; tích cực chuyển hóa đối tượng thành đối tác, gắn chặt lợi ích đối tác với lợi ích quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Trong phong trào Đồng khởi, nhờ phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, biết động viên, tổ chức lực lượng, xây dựng được thế trận toàn dân đánh giặc; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến công địch bằng ba mũi giáp công [chính trị, quân sự và binh vận]... quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích lịch sử. Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; hình thái chiến tranh có sự thay đổi, phát triển mới. Để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, chúng ta phải chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, phải quán triệt quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh, đối ngoại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Đó là một nền quốc phòng mang tính toàn dân, toàn diện, do nhân dân tiến hành, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, các cơ quan, Ban, Bộ, ngành làm tham mưu.

Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác. Theo đó, cần tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chủ động phòng, chống và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng hiện đại, không chỉ đơn thuần đảm bảo vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng vũ trang, mà phải nghiên cứu phương thức tác chiến, nghệ thuật quân sự phù hợp để đối phó hiệu quả với chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục tổng kết những kinh nghiệm xây dựng thế trận chiến lược, thế trận toàn dân đánh giặc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; đồng thời, phải nghiên cứu, nắm chắc diễn biến của tình hình làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn chỉnh lý luận xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện đại, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đủ sức đánh bại các cuộc chiến xâm lược của kẻ thù.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trước hết, phải làm tốt công tác quy hoạch và tăng cường xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Bố trí, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu, bảo đảm hợp lý trên từng địa bàn, hướng chiến lược. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, “xây dựng cơ sở xã, phường, an toàn làm chủ, SSCĐ”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Trước kẻ thù xâm lược sử dụng lực lượng quân sự, vũ khí trang bị hiện đại, tiến hành đàn áp nhân dân, tàn phá xóm làng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác là phải vũ trang khởi nghĩa. Nhận thức được vai trò của lực lượng vũ trang, Xứ ủy Nam bộ và cấp ủy đảng các địa phương đã chủ động chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cả về số lượng, chất lượng, vũ khí trang bị, huấn luyện. Trong phong trào Đồng khởi, lực lượng quyết định giành thắng lợi là lực lượng chính trị của quần chúng, nhân dân, song nếu không có bộ đội chủ lực Miền, lực lượng vũ trang của các địa phương, thực hiện đòn quân sự hỗ trợ thì khởi nghĩa không thể thành công và bảo vệ được thành quả cách mạng.

Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao. Cùng với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, phải tập trung xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trước hết, phải xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Giữ vững và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, nhạy bén, quyết đoán trước mọi diễn biến của tình hình. Xây dựng Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an thực sự trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với nâng cao trình độ chính quy, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải tiếp tục đẩy mạnh việc điều chỉnh tổ chức, sắp xếp biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có sức chiến đấu cao, phù hợp với điều kiện mới. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện; tích cực, chủ động ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình huấn luyện, SSCĐ bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng nâng cao trình độ tác chiến, kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng đã được hiện đại hóa. Coi trọng nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh bảo đảm tốt cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ khác.

Trước tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, lực lượng vũ trang phải mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, sớm phát hiện, nhận rõ kẻ thù; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; chủ động về tư tưởng, lực lượng, thế trận; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, không để đất nước bị động, bất ngờ.

Phong trào Đồng khởi đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau. Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu làm nên chiến thắng vẻ vang này và các chiến công vĩ đại khác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát huy tinh thần Đồng khởi, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

[1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tập 20, tr.82.

[2] - Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 185.

Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng XHCN Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề