Sử ra đời của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII, dịp sinh hoạt hội viên kỳ này, chúng ta sinh hoạt với chủ đề “Lịch sử 86 năm ra đời và phát triển của Hội LHPN Việt Nam” nhằm cùng nhau ôn lại truyền thống của Hội LHPN và phong trào phụ nữ Việt Nam.

Ngày 20/10/1930, tổ chức phụ nữ Việt Nam đầu tiên được thành lập. Kể từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, phong trào phụ nữ Việt Nam không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển, trưởng thành của tổ chức Hội Phụ nữ qua các giai đoạn cách mạng. 1. Thời kỳ tiền khởi nghĩa (1930- 1945) Thời kỳ này, hoạt động của Hội Phụ nữ đi vào phương thức tổ chức các Hội giúp đỡ nhau như “Hội cấy”; “Hội gặt”; “Hội tương tế“ để tranh thủ tuyên truyền, vận động phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức phụ nữ lần lượt ra đời nhằm quy tụ sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936), Đoàn Phụ nữ cứu quốc (1941-1945). Những hoạt động của phụ nữ trong thời kỳ này đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. 2. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) Hội Phụ nữ đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú và là lực lượng nòng cốt tham gia vào các phong trào do Chính phủ phát động như: “Không bỏ 1 tấc đất hoang”; “Tuần lễ vàng”; “Bình dân học vụ”; “Hũ gạo cứu quốc”; “Bảo trợ thiếu nhi”; “Cứu đói“...góp phần cùng nhân dân cả nước củng cố chính quyền non trẻ và giúp cho hàng triệu phụ nữ thoát nạn mù chữ. Ngày 20/10/1946, tổ chức Hội Phụ nữ với tên gọi mới “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” được thành lập nhằm động viên phụ nữ tham gia phong trào cách mạng. Ở Nam Bộ, các tổ chức Hội Phụ nữ hoạt động dưới nhiều hình thức như: “Phụ nữ tiền phong”; “Phụ nữ cao đài”; “Phụ nữ dân chủ”; “Phụ nữ hiệp hội”... đều tham gia Hội LHPN Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ đã phát động các phong trào như: “Phụ nữ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, “Phụ nữ học cày, học bừa”; phong trào “Phụ nữ học nghề“, phong trào “Chống bắt lính”, “Vận động binh sĩ trở lại quê hương”. Những đóng góp của Hội Phụ nữ ở cả hậu phương và tiền tuyến, từ Bắc tới Nam, từ nông thôn đến thành thị, miền núi...đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 3. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) Thời kỳ này, miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc. + Ở Miền Bắc, Hội Phụ nữ đã phát động các phong trào thi đua “Phụ nữ 5 tốt”, “Ba đảm đang“ đã động viên kịp thời các tầng lớp phụ nữ hăng hái lao động sản xuất và công tác, chăm lo gia đình, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thiết thực góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam năm 1966, Bác Hồ đã trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước“. + Ở miền Nam: Phụ nữ tích cực tham gia đấu tranh chính trị và hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang, kết hợp đánh địch bằng 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận. Đồng chí Nguyễn Thị Định được phong làm Phó tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1961, Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập cũng đã phát động “Phong trào 5 tốt“. Với những đóng góp vào cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Miền Nam xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam trao tặng. 4. Thời kỳ 1975 đến nay Đây là thời kỳ đất nước được thống nhất, độc lập, cùng đi lên xây dựng CNXH. - Tháng 3/1978, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phong trào đã giáo dục, động viên phụ nữ cả nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, thực hiện quyền dân chủ, bình đẳng, chăm lo quyền lợi phụ nữ, trẻ em. - Từ năm 1986 đến nay, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động của Hội LHPN Việt Nam cũng được đổi mới về nội dung, phương thức cho phù hợp với tình hình: + Tháng 3/1989, Hội đã phát động Cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ là đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất và tổ chức tốt cuộc sống gia đình, khuyến khích chị em phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, để nuôi dạy con tốt. + Từ năm 1992, Hội đã cụ thể hoá các nội dung hoạt động thành 5 chương trình trọng tâm và phát động 2 phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Phụ nữ nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”. Với những đóng góp của phong trào phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Hội LHPN Việt Nam danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”. + Tháng 5/1997, Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ 8 tiếp tục triển khai thực hiện 5 chương trình trọng tâm và phát động 2 phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”. + Tháng 2/2002, Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ 9 quyết định “6 chương trình công tác trọng tâm” và phát động phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. + Tháng 10/2007, Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ 10 quyết định “6 nhiệm vụ trọng tâm” và thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc“. Thực hiện Chỉ thị 06 của TW Đảng, phong trào thi đua được gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. + Tháng 10/2012, Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ 11 đã phát động các tầng lớp phụ nữ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đại hội đã xác định mục tiêu, với 3 khâu đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam. Trong nhiệm kỳ này, các cấp Hội triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Sau chặng đường 86 năm qua, cùng với sự đi lên của đất nước, của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Hội LHPN Việt Nam đã trưởng thành và phát triển. Tổ chức Hội đã trở thành 1 tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh với trên 15 triệu cán bộ, hội viên phụ nữ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự định hướng của TW Hội, sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp Hội trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm một cách toàn diện. Hoạt động của Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các cấp Hội tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn kết hài hòa với các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Dân vận khéo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với học tập, làm theo gương Bác; Chủ động, sáng tạo thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ; tham mưu, đề xuất với các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có nhiều chính sách, chương trình, đề án thiết thực chăm lo cho phụ nữ và cộng đồng, đã mang lại lợi ích thiết thân cho phụ nữ. Đồng thời vận động chị em tham gia thực hiện có hiệu quả hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, văn minh du lịch... thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp phụ nữ vào tổ chức Hội. Những đóng góp quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và của đất nước. Lịch sử truyền thống của Hội LHPN Việt Nam được tiếp nối và phát huy 86 năm qua mãi mãi sẽ là niềm cổ vũ lớn lao và tạo đà cho phụ nữ Việt Nam không ngừng phát triển góp phần xây dựng đất nước vì mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.   ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT HỘI VIÊN QUÝ IV/2016   1- Nêu mục đích, ý nghĩa của đợt sinh hoạt: Chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ 12; Kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10/1930 - 20/10/2016, Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). 2- Học tập tài liệu sinh hoạt hội viên, gắn với ôn lại truyền thống của phụ nữ địa phương. 3- Thông báo kết quả Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ 12. 4- Bình xét danh hiệu “Phụ nữ tiên tiến”, “Phụ nữ xuất sắc” đảm bảo công khai, dân chủ, chính xác. 5- Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh, kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, tập trung vào các hoạt động: thực hành tiết kiệm, tích cực thu hoạch lúa mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ đông, tích cực học và làm nghề tiểu thủ công nghiệp, làm tốt công tác, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, vệ sinh môi trường,...

Nguồn tin: Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh

KHÁI QUÁT
VỀ PHONG TRÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

 
I. KHÁI QUÁT TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ ĐẤU TRANH DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC CỦA DÂN TỘC  

           Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40 sau Công nguyên đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, đánh đuổi quân Đông Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước, mở đầu thời kỳ đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc. Bà Triệu Thị Trinh lãnh đạo khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Ngô năm 248 với câu nói nổi tiếng: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người". Hình ảnh kiên cường, bất khuất của Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ 17 và tiếp theo là bà Ba Cai Vàng, bà Ba Đề Thám, bà Đinh phu nhân, cô Bắc, cô Giang trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc của phụ nữ Việt Nam.

          Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam đã khẳng định phụ nữ Việt Nam là lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất với những phẩm chất cần cù, đảm đang, thông minh, sáng tạo. Hình ảnh thường ngày về người phụ nữ Việt Nam cần cù lao động được ghi lại đậm nét trong lịch sử nước nhà: "sớm ra ruộng lúa, tối về nương dâu", "vai vác cái cày, tay đuổi con trâu, cái cuốc cho lẫn cái gầu, con dao rựa phát đèo đầu gánh phân"…Nhiều ngành nghề sản xuất truyền thống được lưu truyền bằng những truyền thuyết, hình ảnh gắn liền với người phụ nữ như trồng dâu dệt lụa, làm gốm, trồng lúa….Trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt vào những giai đoạn cam go của cách mạng giải phóng dân tộc, phụ nữ không chỉ lo đảm đương công việc sản xuất, tích trữ lương thực cho gia đình mà còn hăng hái sản xuất, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm, đạn dược ra tiền tuyến.           Không chỉ là lực lượng quan trọng trong lao động sản xuất, phụ nữ còn có khả năng tham gia quản lý xã hội và tổ chức hậu cần, xây dựng hậu phương trong các cuộc kháng chiến như: Thái hậu Dương Vân Nga (thế kỷ X) đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc, chiến thắng quân Tống xâm lược; Nguyên phi Ỷ Lan(thế kỷ XI) – 2 lần làm Nhiếp chính (thay vua điều hành triều đình), giữ hậu phương vững chắc để chồng (Vua Lý Thánh Tông) yên tâm đánh giặc và giúp con (Vua Lý Nhân Tông) sử dụng người tài, quản lý đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc; Bà Lý Thị Châu (Bà chúa Kho) vào thế kỷ XIII đã chỉ huy quân sĩ bảo vệ kho lương thực, nhu yếu phẩm, lo việc hậu cần cho binh sỹ, để chồng yên tâm ra trận mạc…Trong suốt hai cuộc kháng chiến cho đến khi hòa bình, đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua sản xuất như "Sóng Duyên hải", "Gió Đại Phong", "Cờ Ba Nhất", những "Cánh đồng năm tấn", "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"... được phát động minh chứng cho truyền thống cần cù, tinh thần hăng say lao động, thông minh, sáng tạo của phụ nữ trên mặt trận sản xuất.           Phụ nữ Việt Nam vừa là người sáng tạo, vừa là người gìn giữ, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác như: Dân ca Nam bộ, Quan họ Bắc Ninh, chèo vùng đồng bằng Bắc bộ, dân ca Nghệ -Tĩnh, tuồng và dân ca Trung bộ, các làn điệu dân ca, vũ hội của các dân tộc miền núi và trung du. Lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam đã ghi nhận những phụ nữ tài cao, học rộng, sáng tác văn học nghệ thuật, tham gia trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa như bà Nguyễn Thị Lộ, Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thi sĩ Đoàn Thị Điểm…

          Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : "Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…".


 II. MỘT SỐ NÉT CHÍNH TRONG PHONG TRÀO PHỤ NỮ TỪ KHI THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
    - Phong trào phụ nữ từ khi thành lập Đảng đến Cách mạng tháng Tám (1930-1945):            Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức phụ nữ lần lượt ra đời nhằm quy tụ sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941-1945). Trong cao trào cách mạng 1930- 1931,phụ nữ là lực lượng đông đảo trong các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành…đấu tranh đòi giảm sưu thuế và đòi quyền tự do dân chủ. Tại nhiều địa phương, phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ cùng với phong trào cách mạng sôi nổi, phụ nữ đã tập hợp thành tổ chức với các tên gọi như: "Hội Phụ nữ giải phóng", "Phụ nữ Hiệp Hội". Trong cao trào cách mạng, nhiều phụ nữ đã trưởng thành như chị Nguyễn Thị Thập tham gia Xứ ủy Nam kỳ, chị Nguyễn Thị Hiếu – tỉnh ủy viên Thái Bình…           Ở thời kỳ vận động dân chủ 1936- 1939, phụ nữ tham gia đấu tranh công khai, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ trương, đường lối đấu tranh cách mạng và công tác vận động phụ nữ của Đảng. Quần chúng phụ nữ được tập hợp trong những tổ chức phù hợpvới ngành nghề và điều kiện sinh hoạt,  trong đó "Hội Phụ nữ dân chủ" và "Hội Phụ nữ giải phóng" làm nòng cốt vận động, tập hợp các tầng lớp phụ nữ đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và hòa bình. Trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945), "Hội Phụ nữ phản đế", "Đoàn Phụ nữ cứu quốc" động viên phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, tham gia các đội vũ trang tuyên truyền. Qua đấu tranh cách mạng, lực lượng phụ nữ đã từng bước trưởng thành, góp phần quan trọng trong Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.         Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập trên cơ sở các tổ chức phụ nữ tiền thân và sau đó gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phụ nữ quốc tế cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong giai đoạn này 2 tổ chức phụ nữ cùng song song tồn tại và hoạt động đến năm 1950, trước tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hợp nhất thành một tổ chức, tạo nên sức mạnh đoàn kết các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.

    - Phong trào phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) :

          Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng vừa được thành lập đã phải đối phó với tình thế khó khăn, "thù trong, giặc ngoài". Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã tích cực tuyên truyền và thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; hăng hái hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực đóng góp trong "Tuần lễ vàng" và tham gia phong trào "Bình dân học vụ" xoá nạn mù chữ; gia nhập lực lượng dân quân tự vệ, tích cực tham gia đấu tranh với nhiều hình thức làm thất bại âm mưu bạo loạn, giữ vững thành quả cách mạng.           Hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở vùng hậu phương, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong lao động sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và đáp ứng nhu cầu "Hậu cần tại chỗ" phục vụ quân đội, góp phần chi viện tiền tuyến đánh thắng giặc Pháp. Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ là lực lượng đấu tranh quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, tạo mọi điều kiện ủng hộ cuộc kháng chiến. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã góp phần to lớn vào thắng lợi Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 07/5/1954.

     - Phong trào phụ nữ trong cách mạng dân tộc, dân chủ chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam (1954-1975):

         Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai. Thời kỳ này, Đảng đã lãnh đạo cả nước tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ cách mạng chiến lược: Miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN, miền Nam tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.           Từ năm 1954 đến năm 1975, phong trào phụ nữ đã xác định những nội dung hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình cách mạng của hai miền Nam, Bắc.          Tại miền Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị lớn nhỏ, huy động nhiều tầng lớp phụ nữ tham gia biểu tình phản đối tội ác của Mỹ- Ngụy. Năm 1960, "Đội quân tóc dài" ra đời trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre và đã phát triển rộng khắp trong toàn miền Nam, thu  hút hàng triệu chị em phụ nữ tham gia vào cả "ba mũi giáp công" (đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận), góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phong trào phụ nữ Miền Nam đã vinh dự được TW Đảng tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" .

- Phong trào phụ nữ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước ở miền Bắc (1954-1975) :

Năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào cách mạng XHCN, xây dựng CNXH, làm nhiệm vụ chi viện của "hậu phương lớn" cho "tiền tuyến lớn". Năm 1961, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ II đã tổng kết những hoạt động chủ yếu của phong trào phụ nữ và thông qua Nghị quyết về những nhiệm vụ lớn của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới của cách mạng. Từ năm 1961 đến 1965, phụ nữ hăng hái hưởng ứng "Phong trào thi đua 5 tốt" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với các nội dung: 1.Đoàn kết sản xuất tiết kiệm tốt, 2. Chấp hành chính sách tốt, 3. Tham gia quản lý tốt, 4. Học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt, 5. Xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào "Ba đảm đang"với nội dung: Đảm đang sản xuất thay chồng con đi chiến đấu, đảm đang gia đình để chồng con yên tâm công tác, đảm đang sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Phong trào nhằm động viên phụ nữ tích cực sản xuất và công tác, đảm đang trong gia đình để chồng con lên đường chiến đấu. Phụ nữ tại các địa phương đã thực hiện "Tay búa, tay súng", "Tay cày, tay súng" trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu quyết tâm hoàn thành xuất sắc kế hoạch nhà nước. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều trong công tác quản lý, lãnh đạo (từ tổ, đội sản xuất, hợp tác xã, nhà máy và hệ thống quản lý hành chính) chị em không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Phong trào "Ba đảm đang" được thực hiện từ năm 1965 đến 1975 đã động viên kịp thời các tầng lớp phụ nữ hăng hái lao động sản xuất và công tác, chăm lo gia đình, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thiết thực góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1974, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IV đã đề ra những nhiệm vụ của phong trào phụ nữ cả nước trong nhiệm kỳ, với nội dung chủ yếu: Xây dựng người phụ nữ XHCN, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với miền Nam và cải tiến chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội.

- Phong trào phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975-1986):

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập thống nhất, thực hiện xây dựng CNXH. Cùng với nhân dân, phụ nữ cả nước tích cực tham gia thực hiện những nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của Cách mạng Việt Nam, năm 1976, Hội nghị hợp nhất tổ chức phụ nữ 2 miền Nam - Bắc đã quyết định thống nhất 2 tổ chức  phụ  nữ  ở  2  miền  thành  Hội  Liên  hiệp  Phụ  nữ  Việt  Nam  và  lấy  ngày 20/10/1930 là Ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ năm 1978, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua "Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", thực hiện "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng". Chị em thi đua lao động sản xuất, công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tích cực chăm lo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Phong trào được duy trì khoảng 10 năm, đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và quyền dân chủ, bình đẳng, chăm lo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

     - Phong trào Phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 2012)

          Từ năm 1989, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước hưởng ứng hai cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học". Chị em đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ trong lao động sản xuất, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực tham gia trong các lĩnh vực xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và đổi mới đất nước.           Năm 1992, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động thành "5 chương trình trọng tâm". Qua 5 năm thực hiện (1992-1997), 5 chương trình trọng tâm được các tầng lớp phụ nữ trong cả nước tích cực hưởng ứng, được Đảng, chính quyền các cấp đánh giá là thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Năm 1997, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (1997-2002) khẳng định tiếp tục thực hiện 5 chương trình trọng tâm. Đại hội phát động phụ nữ cả nước thực hiện hai phong trào thi đua yêu nước: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước".          Năm 2002, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đã phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ với 6 chương trình hoạt động trọng tâm của phong trào phụ nữ giai đoạn 2002-2007.         Năm 2007, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X tiếp tục phát động các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn kết với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đại hội đã đề ra mục tiêu, 6 nhiệm vụ, giải pháp của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2012.         Năm 2012, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI đã phát động các tầng lớp phụ nữ tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đại hội đã xác định mục tiêu, với 3 khâu đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong nhiệm kỳ này, các cấp Hội triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

       6 nhiệm vụ trọng tâm:


      Nhiệm vụ 1 Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ, nhận thức.
      Nhiệm vụ 2:Vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc
      Nhiệm vụ 3: Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.
      Nhiệm vụ 4:  "Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới"
      Nhiệm vụ 5: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
      Nhiệm vụ 6: Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế
      3 khâu đột phá: 1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ, nhận thức. 2. Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. 3. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.

Nguồn: Tài liệu tuyên truyền của Hội liên hiệp PNVN

(kèm theo Công văn số 1173/CV-ĐCT-TG ngày 04/12/2015 của Đoàn CT Hội LHPNVN)