Tại sao nói tham nhũng là giặc nội xâm

Sinh thời Bác Hồ đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, là người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện đại - Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Là người đứng đầu một đảng cầm quyền và người đứng đầu Nhà nước, Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các tệ nạn gắn với Nhà nước, với người có chức có quyền, nhất là trong điều kiện người có chức có quyền lại là đảng viên của một đảng cách mạng vừa lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập cho Tổ quốc. Trong các bài nói và viết của mình, ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền cho đến sau này, Người rất chú ý đến việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, là người lãnh đạo Nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên đề cập đến việc chống các bệnh quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí…Những bệnh này cũng có thể được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ cổ hơn đó là “bất liêm”, mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.

Nghiên cứu các tác phẩm của Bác, chúng ta có thể thấy rằng Hồ Chí Minh là người Việt Nam hiện đại đầu tiên đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất, các hình thức biểu hiện, các phương pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí trong khu vực công và trong cả khu vực tư.

Thế nào là tham nhũng? Thông qua định nghĩa chữ “Liêm”, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về tham nhũng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, Người chỉ ra 2 biểu hiện trong 10 hành vi bất liêm của cán bộ đó là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Biểu hiện của bệnh tham ô, theo Hồ Chí Minh, đó là “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” là bất liêm, tức không trong sạch, tham lam mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.

Về tác hại của tệ tham ô, tham nhũng. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã coi trọng lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực Nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ” nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”.

Theo Hồ Chí Minh, trong ba kẻ thù trên, tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Nó nguy hiểm đến mức mà Người từng xếp căn bệnh này ngang hàng với tội phản quốc. Năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam, Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác Hồ giải thích : Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “ ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”. Chính vì việc coi “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”, nên việc chống loại kẻ địch này rất khó khăn, phức tạp hơn cả việc chống lại giặc ngoại xâm. Chưa xoá bỏ hết cái nọc nguy hiểm này thì cách mạng chưa thành công được, vì nó ngấm ngầm chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp dựng xây chế độ mới của ta. Chống giặc tham nhũng phải được xem là một đặc thù và có sự tham gia của tất cả các cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Vì vậy, Người nhắc nhở nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” này thì chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Cán bộ, đảng viên không được nể nang, không sợ trù dập để kiên quyết chống lại tệ tham nhũng. Đối với quần chúng Nhân dân tăng cường vai trò giám sát của mình thông qua các hình thức. Sự phản ánh của quần chúng Nhân dân chính là một trong các cơ sở để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra

Theo Người, nguồn gốc của tham nhũng là do tha hóa quyền lực Nhà nước, do thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ, được Hồ Chí Minh xem xét từ hai phía. Thứ nhất, là từ phía cán bộ, công chức Nhà nước mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Nguyên nhân là do: “Xa nhân dân...khinh nhân dân...Sợ nhân dân... Không tin cậy nhân dân... Không hiểu biết nhân dân... Không yêu thương nhân dân… Thậm chí còn lừa phỉnh dân và dọa nạt dân”. Thứ hai, “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ thực hiện chữ LIÊM”.

Phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí như thế nào? tham ô, tham nhũng là vướng vào chủ nghĩa cá nhân, là trục lợi: “Là người có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì thế, muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời Xtalin về cách thức phòng, chống lãng phí và coi đây như một “nghệ thuật”, nhưng “nghệ thuật” đó không phải dễ: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý - Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ”.

Quán triệt và vận dụng thực hiện tư tưởng của Người, trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý đất nước phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước. Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, cán bộ lãnh đạo, quản lý có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Họ vừa là hạt nhân, vừa đi đầu trong cuộc đấu tranh này; tự mình nêu gương sáng học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…” ; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống quan liêu, tham nhũng.

Thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Đối chiếu với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, vẫn còn không bất cập, rào cản mà chúng ta đang phải suy tư, trăn trở, đau xót.

Có không ít nhiệm vụ đề ra nhưng không thực hiện được. Có hiện tượng trên nói, dưới không nghe. “Đánh trống bỏ dùi”;  “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Có nhiều mặt tiêu cực, càng chống, càng phát triển... Thực trạng này đã xói mòn và giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Sự tha hoá và suy thoái của một số không ít cán bộ công chức đã ở mức độ nghiêm trọng. Bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên này thiếu vững vàng kiên định, bị tác động tiêu cực, sa sút ý chí chiến đấu đã hình thành một thứ “giặc nội xâm” đang càn quấy, chống phá Đảng và chế độ ta, tạo nên trận tuyến “không tiếng súng” vô hình nhưng vô cùng khốc liệt! 

Bài 1: Nhận thức về cuộc chiến chống "giặc nội xâm"

“Giặc nội xâm” là một thứ giặc vô cùng nguy hiểm. Nó là thứ “bệnh nan y" lây truyền qua nhiều thế hệ, đã và đang làm băng hoại các giá trị tinh thần, nền tảng đạo đức mà Đảng và nhân dân ta đã dày công xây dựng, vun đắp. Nó như vô số “ký sinh trùng” đang hút máu. Tuy một phần đã bị vô hiệu hoá do Đảng ta có liệu trình điều trị đặc hiệu sau Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII. Nhưng phần lớn còn lại chúng đang “tranh tối, tranh sáng”, thẩm thấu, công phá, bám hút, bòn rút, huỷ hoại những “chất tinh tuý” vốn có của chế độ, làm cho đạo lý, nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật rối loạn và ngân khố quốc gia của Nhà nước ta đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.

Thấy được tính chất vô cùng nguy hại của giặc bên trong, Đảng ta đã đề ra và tập trung mọi lực lượng, khai thác mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thuận lợi để nhân lên sức mạnh chính nghĩa của toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 [khóa XII] vừa xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhằm tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời vừa đẩy mạnh cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời điểm gay cấn, đầy khó khăn phức tạp hiện nay.

Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” có một vị trí cực kỳ quan trọng trong bảo vệ các giá trị truyền thống, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân quyền và lợi ích của người dân, bảo vệ  Đảng và chế độ, ngăn chặn đẩy lùi các trở ngại trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thắng lợi của cuộc chiến có giá trị bảo đảm sự trường tồn của Đảng, của chế độ, đưa dân tộc ta thoát khỏi một thảm kịch bi thương về sự đảo lộn các giá trị công và tội, cống hiến và hưởng thụ của mọi công dân trong quá trình góp sức xây dựng đất nước.

Chống tham nhũng là tâm điểm của cuộc chiến

Tham nhũng nước nào cũng có, nhưng ở nước ta tham nhũng lãng phí đã ở mức độ quá nghiêm trọng, đã trở thành quốc nạn. Chúng ta càng chống thì tham nhũng càng phát triển. Ngay tại thời điểm này, “lò” chống tham nhũng đang được tăng nhiệt, đang nóng lên từng giờ, nhưng hành vi tham nhũng vẫn diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chống tham nhũng là "cuộc chiến" trong nội bộ Đảng, bộ máy công quyền và trong nội bộ nhân dân. Cuộc chiến này diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Diễn ra trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thậm chí trong cả từng dòng họ, gia đình, trong chính bản thân mỗi người. Có nghĩa là ta chống lại ta. Ở đây địch không chống ta, ta cũng không chống địch, nhưng địch lợi dụng ta để chống ta. Nếu chúng ta không có phương pháp phù hợp đạt hiệu quả, tự ta sẽ giết chết mình và tiếp sức cho địch. Vì thế, cần phải có tư duy để định ra chiến lược, sách lược chống tham nhũng.

Kết quả chống tham nhũng gần đây là những thắng lợi rất quan trọng, cần phải thừa thắng xông lên. Tuy nhiên, để cuộc chiến này đi đến thành công, một mặt vừa chiến đấu vừa củng cố niềm tin. Trận đầu đã thắng lợi vang dội, cần phải đánh tiếp nhiều trận khác. Đánh một cách bài bản, không để nẩy sinh các hệ luỵ phức tạp. Mặt khác, phải chuẩn bị các điều kiện để kiên trì chống tham nhũng lâu dài từ năm này qua năm khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, đó là sửa "lỗi hệ thống", đổi mới mạnh mẽ về kinh tế và chính tri, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Trước mắt cần phải hiểu rõ tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò đã nóng lên rồi củi tươi cũng phải cháy”. Có nghĩa là, khi cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo được phong trào toàn dân tham gia một cách tích cực, quyết liệt thì việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng rất thuận lợi.

Bên cạnh làm “tăng nhiệt” phát huy tốt vai trò của nhân dân, cơ quan bảo vệ pháp luật cùng báo chí truyền thông tham gia tích cực vào cuộc chiến, Tổng Bí thư đã cảnh báo: “Ai đã trót nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa “. Tư tưởng này chứa đựng tinh thần nhân nghĩa, bao dung với kẻ tham nhũng, đồng thời cũng là xuất phát từ tính chất khốc liệt, cam go, phức tạp trong đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta.

Tính chất cam go và phức tạp của cuộc chiến 

Một là, sự phát hiện hành vi tham nhũng là rất khó khăn. Các hoạt động của doanh nghiệp, quản trị đồng vốn, quản trị tài sản công đều có các thủ tục, tài liệu, chứng cứ để điều tra kết luận, nên có thể phát hiện bóc trần sự thật của vụ việc tham nhũng.

Còn có nhiều những vụ việc không thể làm rõ, không đủ điều kiện để làm rõ như tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ hoặc không thể kết tội người có quyền lực cao khi họ chỉ phán bằng miệng, thực hiện hành vi tham nhũng không qua thủ tục giấy tờ.

Hơn nữa, nhóm lợi ích đến thời điểm này đã và đang bị tấn công mạnh, tuy nhiên phần nổi được lộ diện còn nhỏ so với tảng băng chìm. Chúng vẫn rất tinh vi, tìm cách cố thủ thành trì, không chịu buông tha những miếng mồi béo bở được tạo ra từ ngân sách hoặc giá trị tài nguyên đất nước. Trong lúc chúng ta đang dốc sức chống tham nhũng thì vẫn còn quan chức “tranh tối, tranh sáng” tìm cách đục khoét tài sản công. Họ vẫn say sưa tìm kiếm lợi nhuận bằng con đường phi pháp.

Mặt khác, tham nhũng đã trở thành thói quen, có những quan hệ tham nhũng đã trở thành tập quán qua nhiều thế hệ. Thủ đoạn tinh vi của tham nhũng ngày càng cao. Rất nhiều trường hợp hành vi tham nhũng nằm trong những hình thái, phương thức giao tiếp tốt đẹp của đời sống xã hội.

Hai là, không ít người nắm giữ quyền lực trong bộ máy công quyền đã có hành vi tham nhũng đều có quan hệ mật thiết với những người có công với cách mạng. Có thể là bạn hữu, có thể là huyết thống, có thể là ân nhân của lớp người đã vào sinh ra tử để giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng nền móng trên con đường đi lên CNXH.

Ba là, cuộc chiến chống "giặc nội xâm" nói chung, chống tham nhũng lãng phí nói riêng không có chiến tuyến rõ ràng. Cùng trong một bộ máy, người không có quyền lực chống người có quyền lực. Người không tham nhũng chống lại người tham nhũng. Người tham nhũng ít chống lại người tham nhũng nhiều. Người tham nhũng chống lại người tham nhũng. Có nhiều trường hợp người tham nhũng nhiều lại ngồi ghế xử lý người tham nhũng ít và ngược lại. 

“Giặc nội xâm” là một thứ giặc vô cùng nguy hiểm, Ảnh minh họa. Nguồn unodc.org

Bốn là, cuộc chiến chống tham nhũng đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Phần lớn cán bộ, đảng viên và người dân tin tưởng, coi đây là thời cơ để diệt trừ quan tham, đột phá thành trì nhóm lợi ích, ngăn chặn sự phát triển của tư bản thân hữu, sửa chữa sai lầm thiếu sót, sơ hở để tiếp tục đi lên trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bên cạnh đó còn một bộ phận Đảng viên và người dân thiếu tin tưởng vào thành công của cuộc chiến, có thái độ lảng tránh, thờ ơ thiếu trách nhiệm. Thậm chí họ cho rằng, nhiều người bên ngoài tỏ ra ủng hộ  “lò tăng nhiệt” diệt trừ tham nhũng, nhưng bên trong lại khác. Họ nghĩ rằng những người đã “nhúng chàm” không muốn mất đi những gì mà họ đã có.

Bản thân những người “đã trót nhúng chàm” vẫn có người nhận thức rằng, nếu có thay đổi, họ vẫn sống vương giả, họ vẫn có quyền tổ chức sản xuất kinh doanh, vẫn có vị trí trong xã hội vì họ có nhiều tiền và rất nhiều tiền. Nếu mình quyết liệt chống tham nhũng là tự chống mình. Góp phần chống tham nhũng thành công, rồi mình sẽ ra sao? Đây là một thực tế, bộc lộ tư tưởng của những kẻ cơ hội, phản bội mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Trên thực tế “lò” chống tham nhũng đã nóng bừng ngọn lửa nhiệt huyết của biết bao đồng bào đồng chí, có thể thiêu cháy lũ "sâu mọt" hại nước hại dân, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Phần lớn là nóng, nhưng vẫn còn phần lạnh. 

Năm là, các hành vi tham nhũng cũng có nguyên nhân khách quan. Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, bất cập là điều kiện phát sinh tham nhũng tràn lan. Lâu nay nói nhiều về chống tham nhũng, nhưng đầu tư cho lĩnh vực này còn yếu chưa đáp ứng, chưa tương xứng với yêu cầu.

Sáu là, những kẻ tham nhũng đã bị phát hiện xử lý theo pháp luật, trong đó có nhiều người ăn năn hối lỗi, xác định trách nhiệm, chấp hành hình phạt, cầu mong cho đất nước vượt qua sóng gió, ổn định, phát triển; cầu mong cho quê hương, gia đình được bình yên, hạnh phúc. Bên cạnh đó, cũng còn có một số người có thái độ bức xúc, bất bình, so sánh vụ này, việc nọ, rủa độc, chửi thề những quan tham chưa được lôi ra ánh sáng, thậm chí có người bất mãn với chế độ.

Với sáu đặc điểm chính nêu trên thể hiện tính chất vô cùng cam go, phức tạp của cuộc đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng. Để giành thắng lợi,cuộc chiến chống tham nhũng phải có quan điểm, nguyên tắc và giải pháp phù hợp. Cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa yêu cầu chính trị và thượng tôn pháp luật.

Nguyễn Hòa Văn

        

Video liên quan

Chủ Đề