Tại sao phải hoàn thiện hệ thống pháp luật

Dự tọa đàmlà những chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học pháp lý, xây dựng pháp luật ở nước ta. Trong một buổi sáng đã có 10 chuyên gia, nhà khoa học phát biểu đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chuyên đề.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

GS,TS Trần Ngọc Đường nêu ý kiến, trong thời gian tới, cần tập trung vào chất lượng soạn thảo, phấn đấu để luật điều chỉnh trực tiếp các quan hệ xã hội, giảm bớt hoặc hạn chế ủy quyền lập pháp, hạn chế bớt được việc giao cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết thi hành. Xuyên suốt trong quá trình lập pháp từ giai đoạn đưa sáng kiến đến soạn thảo, xem xét, thông qua tại Quốc hội cần bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và dân chủ. Tức là thượng tôn hiến pháp và pháp luật trong cả xây dựng pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Quốc hội càng khó tính cắt giảm quy phạm, thì đất nước càng phát triển. Nếu phải xin phép khắp nơi, phải tuân thủ khắp nơi thì sẽ bó chặt, hạn chế sự phát triển. Trong thực thi pháp luật cần phân biệt giữa hành pháp và hành chính công vụ.

GS,TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, đề nghị 3 khâu đột phá quan trọng. Đó là đột phá về chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hệ thống pháp luật; đột phá thực hiện pháp luật và đột phá phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tọa đàm.

GS, TS Võ Khánh Vinh cho rằng, pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ, nhưng khả năng, trình độ tổ chức thi hành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay trong Hiến pháp có rất nhiều quy định mới, nhưng việc triển khai thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa tốt.

Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, TS Uông Chu Lưu cho rằng, hai vấn đề mà chiến lược nêu ra có mối quan hệ rất biện chứng, gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu có một hệ thống pháp luật tốt, hoàn thiện nhưng việc tổ chức thi hành không tốt, không nghiêm minh, không được tôn trọng, thì pháp luật cũng chỉ nằm trên giấy.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công tác tổ chức thi hành pháp luật là khâu yếu nhất, hạn chế nhất của nước ta hiện nay. Do đó, chiến lược nhất thiết phải nêu cả 2 vấn đề, vừa xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa tổ chức thi hành pháp luật.

Quang cảnh tọa đàm.

GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh tới yêu cầu công khai, minh bạch cả trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nhắc lại đánh giá tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, rằng hệ thống pháp luật còn rườm rà, cồng kềnh, hiệu lực thấp, GS, TS Phan Trung Lý đề nghị làm gọn lại hệ thống pháp luật, đúng với tính chất pháp luật, không phân biệt pháp luật Trung ương với pháp luật địa phương.

Từ đó, GS, TS Phan Trung Lý đề nghị đưa nghị quyết liên tịch ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết liên tịch chỉ nên là văn bản phối hợp, không nên đưa quy định vào thành văn bản quy phạm pháp luật vì trách nhiệm không rõ ràng. Cùng với đó cần tiến tới bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã.

Nhấn mạnh rằng, tổ chức thi hành pháp luật chỉ là một trong 4 khâu của thực hiện pháp luật, GS, TS Phan Trung Lý cho rằng, trong thực hiện pháp luật thì ý thức của người dân, sự tuân thủ pháp luật của người dân cũng cần được nhắc đến trong chiến lược.

GS, TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh phải gạch đầu dòng những yêu cầu của một nhà nước pháp quyền đặt ra cho hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật. Ví dụ, trong nhà nước pháp quyền thì tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực Nhà nước được giới hạn bởi hiến pháp và pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự tọa đàm.

Như vậy, pháp luật không phải là công cụ của nhà nước, mà là công cụ của nhân dân để kiểm soát và pháp luật cũng là tấm khiên che chở, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Thượng tôn pháp luật phải bảo đảm thượng tôn hiến pháp, pháp luật và an toàn pháp lý. Cùng với đó là phải bảo đảm bình đẳng trước pháp luật

GS, TS Dương Thị Thanh Mai [Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp] phân tích về quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp. Ủy quyền lập pháp là điều khó tránh khỏi ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng nếu thiếu kiểm tra, giám sát thì sẽ dẫn tới cắt khúc, chậm trễ về thời gian do thực hiện ủy quyền lập pháp.

Theo quy định hiện hành, văn bản quy định chi tiết thi hành phải có hiệu lực đồng thời với văn bản luật, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng luật ban hành ra một vài năm vẫn phải chờ văn bản quy định chi tiết thi hành, cá biệt có những trường hợp văn bản luật ban hành được hàng chục năm trời nhưng văn bản quy định chi tiết thi hành được chỉ rõ trong luật vẫn chưa được ban hành.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, nhiều chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, đây là một đề tài rất khó. Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở được rất nhiều vấn đề và Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, giúp cho việc xây dựng Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đạt chất lượng tốt nhất.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Video liên quan

Chủ Đề