Tại sao sản lượng lương thực của châu Phi luôn thấp


An ninh lương thực là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển và phát triển nhưng sự khác biệt nằm ở tầm quan trọng của vấn đề và tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng. Đối với các nước phát triển, thách thức đối với an ninh lương thực có thể được giải quyết thông qua các biện pháp can thiệp như viện trợ lương thực, chiến lược cứu trợ trực tiếp như phát trợ cấp lương thực hay gián tiếp thông qua hỗ trợ sản xuất lương thực. Những biện pháp tương tự như vậy cũng được áp dụng tại các nước đang phát triển với tỷ lệ thành công thấp hơn. Đối với những khu vực không được đảm bảo về an ninh lương thực, đặc biệt tại những nước đang phát triển ở châu Phi, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề có thể là do người nghèo không có khả năng tiếp cận với nguồn lương thực.

Tiến bộ trên toàn cầu hướng đến đạt mục tiêu an ninh lương thực

An ninh lương thực là một khái niệm không cố định và được phản ánh trong nghiên cứu và xây dựng chính sách. Khái niệm này có thể được định nghĩa là có sự tiếp cận đầy đủ vào mọi thời điểm đối với thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng nhằm duy trì cuộc sống năng động. Khái niệm này được xây dựng dựa trên 3 yếu tố chính:

Tính sẵn có của lương thực: nghĩa là đảm bảo đủ số lượng, chất lượng thực phẩm và nguồn cung cấp đa dạng.

Tiếp cận lương thực: là khả năng người dân có lương thực vốn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chi phối như cơ sở hạ tầng và sở thích của người tiêu dùng.

Sử dụng lương thực: là việc sử dụng lương thực phù hợp trên cơ sở kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc cơ bản cũng như có sự tiếp cận đầy đủ về nước và vệ sinh môi trường.

Kết quả là an ninh lương thực được xem là một vấn đề phức tạp liên quan đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế bền vững, môi trường và thương mại.

Năm 1996, Hội nghị Thượng đỉnh lương thực thế giới [WFS] đã đưa ra mục tiêu đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người dân thiếu lương thực trên thế giới. Sau đó mục tiêu này đã được Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000 thông qua. Tháng 6/2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh lương thực thế giới, những tiến bộ và thành tựu đạt được đã được xem xét đánh giá rất kỹ lưỡng. Trên cơ sở phân tích những xu hướng mới nhất cho thấy không nhiều khả năng sẽ đạt được các mục tiêu này. Lương thực cung cấp cho người tiêu dùng, trực tiếp đã tăng 19% trong khoảng thời gian 1960 – 1996, tuy nhiên nguồn cung lương thực không đồng đều. Trong suốt thập niên 1990, mức tăng trưởng bình quân đầu người về sản lượng nông nghiệp trên thế giới đã chậm lại. Ví dụ, sản lượng ngũ cốc thế giới là 342 kg/người vào giữa những năm 1980, đã giảm xuống còn 311 kg/người vào giai đoạn 1993 – 1995. Và sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong năm 2012 đã giảm 2,7% so với năm 2011. Từ năm 1995 – 1997, ước tính khoảng 820 triệu người bị suy dinh dưỡng, 96% trong số này sống tại các nước đang phát triển. Cho dù con số này giảm đi 40 triệu so với giai đoạn 1980 – 1982 nhưng sự cải thiện này được xem là không đồng đều tại nhiều quốc gia. Mặt khác, những nước còn lại tăng lên đến 60 triệu người suy dinh dưỡng. Sự sụt giảm con số trên là quá thấp để đạt được các mục tiêu của WFS trong việc giảm tỷ lệ người suy dinh dưỡng xuống còn một nửa trong năm 2015 và điều này có nghĩa cần phải giảm 20 triệu người suy dinh dưỡng mỗi năm cho đến năm 2015.

Mặc dù có sự cải thiện ở một số nước, nhưng nhiều quốc gia châu Phi rất quan ngại về an ninh lương thực và vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn từ năm 1970, đặc biệt tại khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi [SSA], nơi tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng luôn ở mức 33% – 35%. Con số này cũng thể hiện khác nhau ở từng khu vực, thấp nhất là tại Bắc Phi [4%] và cao nhất tại Trung Phi [40%]. Theo ước tính, khoảng 70% dân số châu Phi không được đảm bảo về lương thực sống tại khu vực nông thôn và 30% còn lại là người nghèo ở đô thị.

Các chỉ số an ninh lương thực

Ủy ban về An ninh lương thực của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc [FAO] đã tổng kết có sáu chỉ số sau khi nghiên cứu thị trường ngũ cốc thế giới, đó là: tỷ lệ sử dụng ngũ cốc thế giới; tỷ lệ các nguồn cung đối với nhu cầu trong năm nước xuất khẩu chính; tỷ lệ đóng góp vốn trong năm nước xuất khẩu chính đối với lượng tiêu thụ trong nước cộng với xuất khẩu; sản lượng ngũ cốc tại ba nhà nhập khẩu chính Trung Quốc, Ấn Độ và Cộng đồng các quốc gia độc lập [SNG]; sản lượng ngũ cốc tại các nước thiếu lương thực có thu nhập thấp [LIFDC]; và sản lượng tại các nước LIFDC ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ.

Một khó khăn quan trọng trong việc giải thích các chỉ số này là không đề cập đến khả năng của một nước để đáp ứng những yêu cầu nhập khẩu đang tăng lên. Các nước đang phát triển nhìn chung phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến thương mại. Giá cả của các mặt hàng xuất khẩu thiết yếu của các nước đang phát triển giảm theo thời gian so với hàng hóa nhập khẩu. Một vấn đề nữa liên quan đến lĩnh vực này là sự khó dự đoán về giá cả của những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là hàng nông nghiệp xuất khẩu. Giá cả được thị trường xác định, vượt quá ảnh hưởng hay tầm kiểm soát của những nước phát triển. Hơn nữa, sản lượng hàng hóa nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu như hạn hán và mưa lũ, làm thiệt hại hay làm giảm đáng kể sản lượng nông nghiệp.

Những thách thức đối với an ninh lương thực của châu Phi

Cứ 4 người tại châu Phi thì có 1 người bị suy dinh dưỡng, và 90% sản lượng lương thực của SSA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa. Điều này làm cho việc sản xuất nông nghiệp tại khu vực này dễ bị ảnh hưởng do sự thay đổi điều kiện thời tiết. Thay đổi của môi trường đã khiến thời tiết biến đổi và tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực, đặc biệt tại khu vực dễ bị tổn thương nhất của châu Phi, khu vực SSA chiếm phần lớn trong số này. Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế lớn nhất, do đó các thỏa thuận quốc tế về nông nghiệp là rất quan trọng trong việc duy trì các mục tiêu an ninh lương thực của quốc gia. Những lo ngại này đã khiến các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO] đưa ra khuyến cáo về đàm phán thương mại đối với các hiệp định nông nghiệp, từ đó cho phép các nước đang phát triển được đánh giá lại và tăng thuế trên các sản phẩm chủ chốt nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và việc làm. Toàn cầu hóa khiến cho các nước được hưởng lợi từ dòng vốn luân chuyển, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu rẻ hơn và thị trường xuất khẩu lớn hơn về dài hạn. Tác động của toàn cầu hóa phụ thuộc và mức độ phát triển kinh tế, cấu trúc từng nước trong giai đoạn thực hiện toàn cầu hóa và tính linh hoạt của nền kinh tế. Toàn cầu hóa đi cùng với tự do hóa thị trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tiếp cận các nguồn phân bón có thể bị hạn chế bởi tự do hóa thị trường và các chính sách thương mại làm tăng giá phân bón, dẫn đến tăng giá hàng tiêu dùng. Tại châu Phi, một trong số những nguyên nhân dẫn đến xói mòn đất là sự hạn chế việc thực hiện chiến lược bổ sung phân bón cùng với các biện pháp bảo tồn đất và nước. Các hộ nông dân nhỏ sản xuất ở châu Phi sản xuất hơn 90% nguồn cung cấp lương thực cho châu lục. Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, nông nghiệp chiến 9% tổng sản phẩm quốc nội [GDP] nhưng lại chiếm hơn một nửa tổng số việc làm. Tại những nước nơi mà hơn 34% dân số bị cho là suy dinh dưỡng, nông nghiệp có thể chiếm hơn 30% GDP. Ví dụ như Yêmen, quốc gia có khoảng 2/3 dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp [gồm cả hai lĩnh vực cây trồng và chăn nuôi] để duy trì cuộc sống. Người dân nông thôn chiếm 85% dân số nhưng chỉ chiếm 3% đất canh tác và tỷ lệ nhỏ nhoi đất trồng trọt này đang nhanh chóng trở nên cạn kiệt do khai thác quá mức, xói mòn và tăng dân số. Việc này đã làm gia tăng thêm áp lực lên các cộng đồng dân cư nghèo khó và dễ bị tổn thương. Những yếu tố khác như biến đổi khí hậu, khan hiếm nước, thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, tỷ lệ cao về không đảm bảo an ninh lương thực và suy dinh dưỡng càng làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay tại Yêmen. Không thể làm giảm nguy cơ về mất an ninh lương thực mà không thay đổi chất lượng cuộc sống. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là phải tăng năng suất nông nghiệp, tạo thêm việc làm ngoài lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Các giải pháp

Các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực có thể trực tiếp liên quan đến nghèo đói. Bước đầu tiên hướng đến cách tiếp cận toàn diện là phải hiểu được đặc điểm của cộng đồng và đặc điểm từng loại hộ gia đình. Đối với người nghèo [từ đô thị đến nông thôn] đều cần phải: có biện pháp hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng; tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường lương thực; cho phép xây dựng các nguồn lực về lương thực; khuyến khích phát triển giống có năng suất cao; xây dựng các chính sách chiến lược; tạo ra các cơ hội phi nông nghiệp; có chiến lược quản lý hiệu quả với nông nghiệp. Để giải quyết vấ đề dinh dưỡng và các đối sách chiến lược, điều cần phải bàn đến ở đây là không cần thiết đối với một quốc gia phải phát triển tất cả các loại cây lương thực mà chỉ cần những loại cây cần thiết. Điều này có nghĩa quốc gia đó có khả năng kiếm đủ tiền từ xuất khẩu hàng hóa để trả cho việc nhập khẩu lương thực. Nguyên tắc này được định nghĩa là “tự túc lương thực”. Nó cũng có nghĩa là một quốc gia phải tự chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Các biện pháp có thể và nên làm bao gồm cả việc bảo hộ cho nông dân trong nước. Không phải tất cả các nước đều có thể hy vọng tự cung tự cấp khi cơ hội xuất khẩu hạn chế và giá lương thực tăng cao so với sản xuất trong nước. Đây là trường hợp xảy ra đối với các nền kinh tế nhỏ. Vì lý do này, các chính phủ nên thiết lập một khu vực có tiềm năng về nông nghiệp và xác định các nhu cầu lương thực có thể đáp ứng. Cải cách nông nghiệp có lợi ích rất lớn và có thể gia tăng sản lượng thông qua tăng cường lợi nhuận dự trữ và đảm bảo giá lương thực thấp hơn trong thời điểm hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng châu Phi nên tập trung vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Giáo dục không chỉ có lợi về khả năng đọc viết mà còn là công cụ để mọi người giao tiếp.

Trọng tâm của nhiều chính phủ châu Phi là mở cửa thị trường. Tuy nhiên, lợi ích dự kiến của tự do hóa thương mại toàn cầu đến nay rất hạn chế tại vùng cận sa mạc Sahara châu Phi. Tăng thu nhập từ tự do hóa thương mại chỉ có lợi cho những nước có lợi thế cạnh tranh.

Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, khuôn mẫu hiện nay vẫn còn tồn tại là phụ nữ đóng vai trò chính trong hộ gia đình và do đó chịu trách nhiệm cuối cùng cho chế độ dinh dưỡng cơ bản. Việc trao quyền cho phụ nữ nông thôn có thể khiến vấn đề thêm phức tạp khi việc chăm sóc gia đình phải được đảm bảo rằng người đàn ông không được đứng bên lề của vấn đề này. Điều này cũng có thể được hiểu rằng những biện pháp can thiệp của phương Tây có thể đi ngược lại tập quán văn hóa trong các hộ gia đình, xâm phạm đến vai trò của đàn ông.

Nguồn sinh sống tại nông thôn không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà có thể khai thác từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này thường được gọi là cơ hội phi nông nghiệp nông thôn. Phi nông nghiệp nông thôn là một đóng góp quan trọng đối với nguồn sinh sống của nhiều người dân tại các nước châu Phi. Một số nghiên cứu cho thấy thu nhập phi nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập của họ gia đình. Do đó, tạo công ăn việc làm hay sự sẵn có của các việc làm phi nông nghiệp có thể hạn chế tình trạng người nông thôn di cư vào đô thị.

Một phần vai trò của công tác quản lý là xây dựng các chương trình giúp đỡ cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quyết định liên quan đến đầu ra và sẽ ảnh hưởng tổng thể đến chất lượng cuộc sống. Các chương trình trợ giúp sẽ giải quyết những rủi ro với đối tượng dễ bị tổn thương và nâng cao các biện pháp phòng ngừa xã hội. Những chương trình hỗ trợ cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương phải được triển kha để chống lại sự rủi ro đến kế sinh nhai của họ và duy trì mức độ phù hợp về tiêu thụ thực phẩm, đồng thời cải thiện an ninh lương thực tổng thể. Các chương trình này cũng hộ trợ các hộ gia đình đối phó với các vấn đề tiêu cực có thể làm cạn kiệt các tài sản của họ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách hỗ trợ cho nông dân cũng có thể làm giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các hộ sản xuất nhỏ, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp, bồi dưỡng chiến lược tạo thu nhập và tạo ra các hiệu quả nhân rộng đối với kinh tế địa phương. Người nông dân ở các nước châu Phi thường có liên kết xã hội mạnh mẽ và tuân thủ sự lãnh đạo của người đứng đầu trong cộng đồng.

Kết luận

Dựa trên định nghĩa về an ninh lương thực với ý nghĩa là quyền tiếp cận đầy đủ mọi lúc để đảm bảo thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng nhằm duy trì cuộc sống năng động, các nước châu Phi sẽ phải tìm các giải pháp bền vững để nuôi dưỡng các hộ gia đình “có nguy cơ”. Những kiến thức về thiếu hụt an ninh lương thực sẽ có được qua tìm chọn các giải pháp thay thế như công nghệ và nguồn lực để phổ biến thông tin đến các hộ gia đình đang có “nguy cơ” mà chỉ riêng việc tăng trưởng kinh tế không thể giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Đối với các nước đang có nội chiến, không chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế mà còn khiến người dân phải rời bỏ đất nước. Do đó, vấn đề lớn lao này chỉ có thể được giải quyết thông qua các cam kết của chính phủ và thể chế chính trị khác cũng như thực hiện đầy đủ các mục tiêu có liên quan. Vai trò quan trọng của các nước cung cấp viện trợ lương thực cũng không thể được bỏ qua. Báo cáo phát triển nguồn nhân lực năm 2012 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc [UNDP] đã cho thấy “an ninh lương thực nên được thúc đẩy bằng việc xây dựng sự tin cậy khi đối mặt với những khó khăn”. Do đó, nên trao quyền cho người dân để đưa ra quyết định và dự báo bất kỳ trở ngại nào trên con đường đảm bảo những quyền lợi cơ bản như tiếp cận lương thực, thu nhập, y tế và giáo dục.

Nguồn: Mạng tin châu Phi

TLTKĐB 16/02/13

Video liên quan

Chủ Đề