Thiên cổ kì bút nghĩa là gì

Bộ sách nào của người Việt được viết trong hơn 200 năm?

Để hoàn thành bộ sách này, các tác giả đã trải qua hơn 200 năm với nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa.

20:30 8/6/2020

*

Tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Dữ là tư tưởng Nho gia. Ông phơi bày những cái xấu xa của xã hội là để cổ vũ thuần phong mỹ tục xuất phát từ ý thức bảo vệ chế độ phong kiến, phủ định triều đại mục nát đương thời để khẳng định một vương triều lý tưởng trong tương lai, lên án bọn "bá giả" để đề cao đạo "thuần vương", phê phán bọn vua quan tàn bạo để ca ngợi thánh quân hiền thần, trừng phạt bọn người gian ác, xiểm nịnh, dâm tà, để biểu dương những gương tiết nghĩa, nhân hậu, thủy chung. Tuy nhiên Truyền kỳ mạn lục không chỉ thể hiện tư tưởng nhà Nho, mà còn thể hiện sự dao động của tư tưởng ấy trước sự rạn nứt của ý thức hệ phong kiến…

Đó là những mong muốn của Nguyễn Dữ về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người... Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn đó.

Truyền kỳ mạn lục là tập truyện có nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện, dựng nhân vật. Nó vượt xa những truyện ký lịch sử vốn ít chú trọng đến tính cách và cuộc sống riêng của nhân vật, và cũng vượt xa truyện cổ dân gian thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động. Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể truyền kỳ, là "thiên cổ kỳ bút", là "áng văn hay của bậc đại gia", tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian.

*

Câu chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na [Na Sơn tiều đối lục] viết tắt là Truyện người tiều phu ở núi Na [3], theo bản dịch của Trúc Khê, là truyện thứ 12 trong số 20 truyện trong quyển Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Đây là truyện duy nhất được chọn đăng trong bộ Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam [tập 2] do NXB Giáo Dục ấn hành năm 1979, khi giới thiệu về tác gia này. Truyện này có sự đặc biệt vì đọc nó, ta như thấy gặp lại chính Tác giả!

Truyện người tiều phu ở núi Na, có cốt truyện ngắn gọn. Khởi đầu là một đoạn văn ngắn giới thiệu sơ lược cảnh núi Na cùng một lão tiều đang ẩn cư ở nơi đó. Kế tiếp là bài ca [21 câu dài ngắn khác nhau] mà Hồ Hán Thương nghe được từ miệng lão tiều, khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng đi săn trên núi Na. Ngay sau đó, viên quan hầu Trương Công được lệnh đi theo mời gặp, nhưng đi một hồi thì lạc vào một cái động sâu, phía trong có một cái am cỏ bên những khóm cây xanh tốt. Trong am, là một chiếc giường mây, trên giường để đàn sáo và chiếc gối dựa. Còn hai bên vách có đề hai bài ca, một bài là Thích ngủ [25 câu], một bài là Thích cờ [23 câu]. Đến lúc ấy, viên quan mới bắt gặp lão tiều phu đang ngồi ngoài hiên đá, dạy con chim yểng học nói, bên cạnh có mấy đứa nhỏ ngồi đánh cờ... Tiếp theo là cuộc đối đáp của lão tiều với viên quan hầu, đây là câu chuyện thể hiện quan niệm sống "lánh đục về trong" của kẻ sĩ lúc bấy giờ, trong số đó có tác giả. Ba bài ca có trong truyện đều thuộc về loại văn chương lãng mạn của Đạo học, giàu tâm lý và nghệ thuật. Ba bài ca thể hiện “lý tưởng thẩm mỹ” của tác giả: vừa muốn thoát tục lại không thể dứt bỏ “duyên nợ” cõi trần, đó là mâu thuẫn muôn đời của Nho sĩ thời xưa.

Cuộc đối đáp giữa lão Tiều phu với quan hầu Trương Công đã thể hiện rõ tư tưởng và thái độ của Nguyễn Dữ, đối với nhà Hồ...Tuy nhiên, những gì tác giả để cho miệng lão Tiều phát ra cùng lời tiên đoán cảnh diệt vong của triều đình ấy, đã cho thấy Nguyễn Dữ không hẳn là người lánh đời, mà chỉ vì ông không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, đành trốn vào cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản ông vẫn gắn bó với cõi đời...

Cuối cùng là lời bình, tác giả có ý giải thích sự thất bại của nhà Hồ, là nghiệm với lẽ trời, và hợp với lòng người...Sau đây là đoạn trích phần cuối của Truyện người tiều phu ở Núi Na:

“Sau khi nghe Trương Công ngỏ lời tuyên triệu...Tiều phu cười mà rằng: -Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông lão già lánh bụi, gửi tính mệnh ở lều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai trong búa gió rìu trăng; ngày có lối vào làng say, cửa vắng vết chân khách tục, bạn cùng ta là hươu nai tôm cá, quẩn bên ta là tuyết gió trăng hoa; chỉ biết đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói; múc khe mà uống, bới núi mà ăn; chứ có biết gì đâu ở ngoài là triều đại nào, vua quan nào?

Bèn mời Trương ở lại làm tiệc thết, cơm thổi bằng hạt điêu hồ, canh nấu bằng rau cẩm đái, lại còn có mấy món rau suối khác nữa. Canh khuya chuyện trò, đều là những nghĩa lý đáng nghe cả, nhưng không một câu nào đả động đến việc đương thời. Hôm sau, Trương lại mời:

-Những bậc quân tử đời xưa, không phải là không muốn giúp đời hành đạo; khi ẩn kín ở một chỗ, chỉ là còn đợi giá mà thôi. Cho nên tất có bức tiếu tượng đi tìm, rồi sau đồng Thương mới thấm nước, tất có cỗ hậu xa đi chở, rồi sau nội Mục mới thành công. Nay phu tử lấy tấm thân vàng ngọc, ôm một bọc kinh luân, ngoài vòng vinh lợi, vùi lấp tiếng tăm trong đám người đánh cá hái củi, giấu tài giúp vua cứu dân, náu mình chốn rừng suối, vang tiếng đến cửu trùng; đốt nón lá, xé áo tơi, nay chính là đến lúc rồi đó. Dám xin bỏ bờ đập Phó Nham, ném cần câu sông Vị [3], đừng để uổng hoài khát vọng của bao kẻ nho sinh.

Tiều phu nói: -Kẻ sĩ ai có chí nấy, hà tất phải vậy! Cho nên Nghiêm Tử Lăng [4] không đem chức Gián nghị ở Đông Đô đánh đổi khỏi sóng sông Đồng Thủy. Khương Bá Hoài [5] không đem bức tranh vẽ của thiên tử làm nhơ bẩn non nước Bành Thành. Tài ta tuy kém, so với người xưa chẳng bằng được, nhưng may lại giàu hơn Kiềm Lâu, thọ hơn Vệ Giới, no hơn Viên Tinh, đạt hơn Phụng Thiến [6], kể thì cũng đã được trời đất ban cho khá nhiều. Nếu lại còn tham cầu những cái ở ngoài phận mình, len lỏi vào đường làm quan, chẳng những xấu hổ với các bậc tiên hiền, lại còn phụ bạc với vượn hạc ở trong núi. Vậy xin ông đi đi, đừng nói lôi thôi gì nữa.

Trương nói: -Ngài cho là thời nay không đủ để cho ngài làm việc hay chăng? Nay có đấng thánh nhân trị vì, bốn bể đều ngóng trông, người Chiêm dâng đất mà xưng thần, quân Minh nộp lễ để xin lui. Lão Qua, Đại Lý các nước cũng tranh nhau quy phục. Hiện chỉ còn thiếu các bậc ẩn dật ở rừng núi ra giúp rập, khiến cho huân đức của chúa thượng được sánh cùng các vua Nghiêu, Thuấn ngày xưa. Ngài nếu định trọn đời ẩn lánh, bắt chước như Vụ Quang, Quyên Tử [7] thì cứ như vậy không sao. Nhưng nếu còn để ý chút nào đến đám dân chúng, mà bỏ lỡ dịp này không ra thì tôi sợ rằng sẽ mục nát cùng cỏ cây, không bao giờ lại có dịp gặp gỡ hay này nữa.

Tiều phu biến sắc nói: “Như lời ông nói, há chẳng phải là khoe khoang quá khiến cho người nghe phải thẹn thùng sao! Vả lại vị vua ngự trị bây giờ có phải họ Hồ không?” – “Chính phải!” - “Có phải là đã bỏ khu Long Đỗ về ở đất An Tôn [8] không?” – “Phải!” – “Ta tuy chân không bước đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người thế nào. Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu[9], dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai; hao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng; lòng dân động lay, nên đã xảy ra việc quân sông Đáy bờ cõi chếch mếch nên đã mất dải đất Cổ Lâu .Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết. Duy có Nguyễn Bằng Cử[10] có lượng nhưng chậm chạp, Hoàng Hối Khanh có học nhưng lờ mờ, Lê Cảnh Kỳ giỏi mưu tính nhưng không quyết đoán, Lưu Thúc Kiệm quân tử nhưng chưa được là bậc nhân; còn ngoài ra phi là đồ tham tiền thì là đồ nát rượu; phi là đồ chỉ lấy yên vui làm thích thì là tuồng lấy thế vị mà khuynh loát nhau; chứ chưa thấy ai biết những kế lạ mưu sâu để lo tính cho dân chúng cả. Nay ta đương náu vết ở chốn núi rừng, lo lảng tránh đi chẳng được, há lại còn xắn áo mà lội nữa ư?[11]. Xin ông vui lòng trở về, làm ơn từ chối hộ kẻ cư sĩ này. Ta không thể đem hòn ngọc Côn Sơn cho nó cùng cháy trong ngọn lửa Côn Sơn [12] được”. Trương nói: “Sự xuất xử của bậc người hiền lại cố chấp đến như thế ư?” - Tiều phu nói: “Không phải là ta cố chấp. Ta chỉ ghét những kẻ miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình vào trong triều đình, vẩn đục, rối loạn lại còn toan kéo người khác để cùng đắm với mình”.

Trương lặng im không trả lời, trở về đem hết những lời của tiều phu tâu lại với chúa. Hán Thương không bằng lòng nhưng còn muốn đem cỗ xe êm để cố đón ra kỳ được, sai Trương lại đi vào lần nữa. Nhưng vào đến nơi thì rêu trùm cửa hang, gai góc đầy núi, dây leo, cành rậm đã lấp mất cả lối đi rồi. Chỉ thấy ở trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây như sau: Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn, / Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu.[Nghĩa là: Kỳ La cửa bể hồn thơ đứt, / Cao Vọng[13] đầu non dạ khách buồn]. Ý lời như giọng trào phúng của họ Nguyên họ Bạch [14], thể chữ như lối triện lệ của ông Lưu, ông Tư[15], nhưng rút lại chẳng hiểu định nói gì. Hán Thương cả giận, sai đốt cháy núi; núi cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy con hạc đen lượn trên không bay múa. Sau cha con họ Hồ gặp phải tai họa đều đúng như lời thơ.

Người tiều phu ấy có lẽ là kẻ sĩ đắc đạo đó chăng?

Video liên quan

Chủ Đề