Thực trạng thị trường vốn ở Việt Nam

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. [Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN]

Phát biểu tại "Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều 22/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng vừa là nhà đầu tư trực tiếp, vừa là nhà phát hành lớn.

41 tổ chức tín dụng mua 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Bà Hồng cho hay tính đến cuối năm 2021, có 41 tổ chức tín dụng tham gia với tổng dư nợ trái phiếu tín dụng là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống. Qua đó góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Trái lại, với vai trò là nhà phát hành, năm 2021, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường. Tính đến 31/3/2022, có 29 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu với dư nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

Theo đó, các tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường.

[Để trái phiếu không thành trái đắng: Nhà đầu tư cần tỉnh táo]

Thông qua thị trường này, tổ chức tín dụng có thể huy động được nguồn vốn trung dài hạn, giúp cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn. Thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có thể tăng vốn cấp 2, tạo thuận lợi cho việc tăng cường năng lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn, gia tăng khả năng cấp tín dụng trung dài hạn cho nền kinh tế.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tổ chức này cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong năm 2019-2020, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính đã kiểm tra thực trạng phát hành của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Dưới góc độ tổ chức tín dụng là nhà đầu tư gián tiếp đối với cổ phiếu, Thống đốc cho biết Luật tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng không được trực tiếp đầu tư cổ phiếu, nhưng có thể đầu tư cổ phiếu thông qua thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu. Hiện tại có 10 ngân hàng thương mại có công ty chứng khoán để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp phép cho một số tổ chức tín dụng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật Chứng khoán.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết phát triển thị trường vốn là điều kiện tất yếu để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn trung dài hạn với khối lượng lớn, chi phí hợp lý, cơ cấu linh hoạt.

Tính đến 31/3/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng [chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay – hơn 1 triệu tỷ đồng]. Việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, được quản trị với cùng chuẩn mực như hoạt động cho vay [bao gồm các khâu kiểm soát trước, trong và sau đầu tư], nhằm đảm bảo kiểm soát được dòng tiền và mục đích sử dụng vốn.

“Toàn bộ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn,” ông Dũng cho biết.

Cần phát triển minh bạch

Mặc dù tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với cả tư cách nhà đầu tư và đơn vị phát hành như trên, tuy nhiên, Thống đốc vẫn cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp phải dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn [năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP].

“Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn [tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn],” Thống đốc nhấn mạnh.

Do đó, theo Thống đốc, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng vẫn còn những bất cập khác. Điển hình như việc các nhà đầu tư như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư.

Cũng theo bà Hồng, trong điều kiện thị trường hiện nay, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp chưa được niêm yết, phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin, khả năng thanh khoản thấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân.

Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững, bà Hồng kiến nghị cần đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường; rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn [trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp], giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là vốn trung dài hạn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, bà Hồng cho rằng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh… để tăng niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán./.

Thúy Hà [Vietnam+]

Trước khi sang tháng 5/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực.

Sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.

Không để sai phạm thiểu số ảnh hưởng tới nhà đầu tư chân chính

Thực tế các vụ việc vừa qua cho thấy, một số tổ chức, cá nhân có những vi phạm, như tạo "sóng" để hút các nhà đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn, giao dịch lớn không công bố, tác động đến giá chứng khoán để trục lợi… Việc cơ quan chức năng vào cuộc không chỉ để xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.

Sau đó, phản ánh và hấp thụ các chỉ đạo, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bắt đầu có xu hướng ổn định và cân bằng. Chỉ số VN-Index có các bước hồi phục mạnh mẽ, từ thấp nhất 1.261 điểm trong phiên 26/4 đã chốt tháng ở 1.366,8 điểm, tăng hơn 8% qua 4 phiên giao dịch.

Đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, TTCK Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi thể hiện xu hướng bán ròng kéo dài trong năm 2021, gần nhất là mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng gần 4.000 tỷ đồng tháng vừa qua. Diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.

Niềm tin đó của nhà đầu tư nước ngoài, hướng phục hồi mạnh cuối tháng 4 là sự ủng hộ của thị trường đối với những giải pháp, bước đi quyết liệt của Chính phủ trong chủ trương thúc đẩy phát triển TTCK lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh định hướng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Trước đó, tại hội nghị về thị trường vốn, Thủ tướng cũng nêu rõ thông điệp làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn ngày 22/4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Mở rộng niềm tin, tránh co cụm

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp [TPDN], tháng 4 vừa qua cũng ghi nhận "lát cắt" quyết liệt đối với hành vi vi phạm trong hoạt động phát hành của tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Khác với thị trường cổ phiếu, TPDN có đặc thù chưa hoặc không niêm yết, có nền tảng giao dịch khác, nên diễn biến và phản ứng chậm hơn trước các sự kiện. Song, qua 4 tháng đầu năm, hơn 42.000 tỷ đồng TPDN đã lần lượt đáo hạn mà không có phát sinh nào xảy ra. Trong quý 1 và tháng 4 vừa qua, tần suất và khối lượng phát hành trên thị trường này chùng xuống, được nhìn nhận ở giai đoạn đầu năm các doanh nghiệp phải tính toán và cân đối tài chính trước khi triển khai các kế hoạch phát hành.

Còn ở định hướng chung, như đã đề cập ở trên, những bước xử lý của các cơ quan chức năng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong phát triển thị trường lành mạnh, minh bạch và không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính.

Đó cũng là hướng củng cố và bảo vệ niềm tin trên thị trường TPDN, nơi mà yếu tố niềm tin có tính quyết định lớn. Ở đây có điểm tương đồng như trong phát triển tín dụng ngân hàng, chữ "Tín" được gắn liền khi cho vay hay khi đầu tư TPDN.

Quy trình truyền thống của các ngân hàng thương mại khi cho vay vẫn thường phải trả lời 4 câu hỏi cơ bản: Người vay là ai? Vay vốn đề làm gì? Khả năng và nguồn tiền trả nợ như thế nào? Có tài sản đảm bảo hay không và nếu có là gì?

Câu hỏi đầu tiên đã gắn liền với chữ "Tín", với niềm tin trong giao dịch. Với thị trường TPDN cũng vậy, uy tín của nhà phát hành và niềm tin thị trường đối với họ cũng được xác định đầu tiên.

Khi định rõ nhà phát hành là ai, các yếu tố uy tín, mức độ minh bạch, lịch sử và năng lực kinh doanh có tính chất quyết định đối với niềm tin của nhà đầu tư. Niềm tin đó mở rộng trên thị trường sẽ góp phần hạn chế tình trạng thị trường bị rơi vào cái "bẫy" của tài sản đảm bảo, mà qua đó trở nên co cụm.

Tại các thị trường phát triển, cũng như đang dần hình thành tại Việt Nam, các doanh nghiệp phát hành đều được đánh giá bằng các hạng mức tín nhiệm bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Với các doanh nghiệp tốt, hạng mức tín nhiệm cao đều tự tin huy động vốn qua kênh này. Chữ "Tín" trong hạng mức tín nhiệm ở đây chính là một điểm điểm tựa quan trọng để các nhà đầu tư, cả với những nhà đầu tư cá nhân rót vốn.

Ngược lại, "bẫy tài sản đảm bảo" dễ hình thành đối với nhà đầu tư, bởi doanh nghiệp kém tín nhiệm đi cùng với mức độ rủi ro cao, mà khi phát sinh rủi ro thì việc xử lý tài sản đảm bảo với nhiều quy trình phức tạp về pháp lý cùng tốn kém nhiều thời gian.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp có hạng mức tín nhiệm cao, năng lực kinh doanh, năng lực thi công cao và hiệu quả như khi tham gia các dự án đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng, nhà máy, dự án năng lượng…; song ở những lĩnh vực này họ hạn chế về tài sản đảm bảo hoặc không thể có tài sản đảm bảo.

Cùng với định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc của các đầu mối chức năng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và ngay cả trong nước đang dần mở rộng sự đồng hành trên thị trường này. Và trong số nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị về thị trường vốn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, một giải pháp rất quan trọng là khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm.

Trong môi trường có xu hướng lành mạnh hơn, minh bạch hơn với quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước như vậy, thị trường càng có cơ sở để kỳ vọng phát triển bền vững. Và ở đó, các doanh nghiệp tốt chứng minh được uy tín và năng lực sẽ tự tin gọi vốn mà không nhất thiết phải sẵn có nhiều tài sản đảm bảo; nhà đầu tư được nắm bắt các cơ hội và được bảo vệ tốt hơn, bên cạnh năng lực sàng lọc và quản trị rủi ro của chính họ.

Tuấn Lê


Video liên quan

Chủ Đề